Cách đánh mới của S-300 Việt Nam

26/10/2017 18:06

Ngày 24/10, Quân chủng PK-KQ tổ chức Hội thảo 'Nghiên cứu cách đánh của lực lượng tên lửa phòng không S-300 với đối tượng tác chiến mới'.

Theo báo Phòng không, trước tầm quan trọng của tên lửa phòng không S-300PMU1 với đối tượng tác chiến mới, cùng với các tham luận trực tiếp tại Hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được hơn 30 các bài tham luận của các tướng lĩnh, các nhà khoa học trong và ngoài Quân chủng gửi đến.

Hội thảo đã phân tích khái quát một số vấn đề khả năng tác chiến của lực lượng tên lửa phòng không S-300PMU1 đối phó với đối tượng tác chiến mới. Nghiên cứu bố trí lực lượng, đội hình chiến đấu, vận dụng hình thức chiến thuật, phương pháp chiến đấu, xây dựng cách đánh của tên lửa phòng không S-300PMU1 với đối tượng tác chiến mới.

Cach danh moi cua S-300 Viet Nam
Phòng không Việt Nam diễn tập với S-300PMU1.

Phát biểu tại Hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Quang Tuyến - Phó Tư lệnh Quân chủng PK-KQ cho biết: "Để giành thắng lợi trước đối tượng có tiềm lực mạnh hơn, đòi hỏi phải nghiên cứu, giải quyết nhiều vấn đề về nghệ thuật tác chiến nói chung, nghệ thuật tác chiến phòng không nói riêng.

Trong đó, nghiên cứu sử dụng lực lượng tên lửa phòng không S-300PMU1 đúng thời cơ, đúng đối tượng tác chiến... nhằm khai thác hết tính năng kỹ, chiến thuật và khả năng tác chiến; tập trung đánh địch trên hướng chủ yếu, đối tượng chủ yếu, vào thời điểm quyết định, góp phần đáng kể đánh bại tiến công hỏa lực đường không của địch, bảo vệ vững chắc mục tiêu được giao".

Cũng theo báo Phòng không, không chỉ nghiên cứu cách đánh mới, hiện nay Việt Nam cũng đã tự chủ sửa chữa nâng cấp mắt thần 36D6 của hệ thống S-300PMU1. Công việc này do Nhà máy A29 (Cục Kỹ thuật) thực hiện.

Để có thể hoàn thành sửa chữa và nâng cấp 36D6, Nhà máy đã được trên đầu tư một số trang thiết bị sửa chữa khí tài thế hệ mới như: Thiết bị kiểm tra chẩn đoán hỏng hóc (Vec tơ - M16); Trạm bảo dưỡng kỹ thuật radar 36D6 (MTO); các phương tiện đo kiểm soát các tham số của khí tài mới.

Nhờ có những thiết bị này mà từ năm 2014 đến nay, Nhà máy đã kiểm tra, sửa chữa được 19 modul của khí tài tên lửa S-300PMU1; radar KASTA-2E2 và đặc biệt là 7 modul của hệ thống radar tối tân 36D6.

Bắt đầu từ cuối năm 2016, Nhà máy tiếp nhận và đi vào khai thác thiết bị chẩn đoán hỏng hóc bo mạng điện tử ATK của Belarus. Thiết bị này sẽ góp phần nâng cao năng lực kiểm tra sửa chữa các mô đun của khí tài công nghệ mới.

Theo giới thiệu của nhà sản xuất, 36D6 là một trong những hệ thống radar cảnh giới, giám sát không phận hiện đại nhất hiện nay. Nó được thiết kế để sử dụng như một phần của hệ thống phòng không tích hợp.

Đài làm nhiệm vụ phát hiện các mục tiêu có diện tích phản hồi radar (RCS) nhỏ bay ở độ cao thấp và rất thấp trong môi trường nhiễu chủ động và nhiễu bị động mạnh. Đài 36D6 có thể hoạt động một cách độc lập trong vài trò giám sát không phận phát hiện địch - ta, các mục tiêu bay thấp và rất thấp.

Đặc biệt, đài radar 36D6 có khả năng cung cấp tham số về mục tiêu cho các hệ thống tên lửa phòng không , hỗ trợ dẫn đường cho tên lửa. Nó có thể hoạt động với vai trò là hệ thống trinh sát và nhắm mục tiêu cho tên lửa phòng không S-300PMU1/2.

Ưu điểm của đài 36D6 là có khả năng kháng nhiễu chủ động và nhiễu bị động rất cao. Mục tiêu được xử lý qua thiết bị xử lý dữ liệu thô cho phép loại bỏ các mục tiêu giả trong môi trường lộn xộn.

Tiếp đến bộ vi xử lý kỹ thuật số sẽ cho phép phát hiện mục tiêu một cách chính xác với đầy đủ 3 tham số. Radar có thể xử lý 120 mục tiêu cùng lúc, trong đó có 30-60 mục tiêu được xử lý trong chế độ tự động.

Các dữ liệu về mục tiêu được hiển thị trên màn hình dưới dạng ký tự số tạo thuận lợi cho ê kíp vận hành trong việc đọc dữ liệu về mục tiêu. Đài 36D6 có thể được điều khiển từ xa trong quá trình hoạt động, một hệ thống kiểm tra tích hợp sẽ cho phép phát hiện và loại bỏ các lỗi kỹ thuật của hệ thống.

Theo Baodatviet

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Cách đánh mới của S-300 Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO