Cách tính lương hưu mới có làm giảm lương hưu?
(Baonghean) - Thời gian gần đây, dư luận đang xôn xao trước những thay đổi về cách tính lương hưu theo Luật BHXH năm 2014, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. P.V Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với ông Lê Trường Giang - Giám đốc BHXH tỉnh Nghệ An để làm rõ thêm về vấn đề này.
Ảnh minh hoạ. |
Tăng thêm 5 năm đóng bảo hiểm
P.V: Thưa ông, từ ngày 01/01/2018, Luật BHXH quy định lộ trình tăng dần thời gian đóng BHXH để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%. Nhiều người lao động băn khoăn chưa hiểu rõ lộ trình này như thế nào?
Ông Lê Trường Giang: Trước những thay đổi của chính sách BHXH, chúng tôi rất chia sẻ với những băn khoăn, thắc mắc của người lao động. Để nhận biết rõ những thay đổi đó, người lao động có thể hiểu đơn giản như sau:
Với lao động nữ nghỉ hưu, tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%. Để đạt tỷ lệ % tối đa thì lao động nữ phải có 30 năm đóng BHXH thay vì 25 năm như hiện nay.
Với lao động nam, để hưởng mức 45% thì từ năm 2018 phải đóng đủ 16 năm; sau đó cứ mỗi năm tăng thêm 1 năm đóng BHXH, cho đến năm 2022 phải có thời gian đóng BHXH 20 năm mới được hưởng mức 45%. Để đạt mức hưởng tối đa 75%, từ năm 2018, lao động nam phải đóng BHXH 31 năm, từ năm 2019, 2020, 2021 phải đóng BHXH tương ứng từ 32 - 34 năm và từ năm 2022 trở đi phải có 35 năm đóng BHXH, thay vì 30 năm như hiện nay.
P.V: Không ít người lao động cho rằng, công thức tính lương hưu được duy trì thực hiện nhiều năm nay không có vấn đề gì, nguyên nhân vì sao lại có sự thay đổi trong cách tính hưởng, thưa ông?
Ông Lê Trường Giang: Chúng ta phải hiểu rằng nguyên tắc của BHXH là đóng - hưởng. Đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. Theo đó, công thức tính lương hưu cũng phải bảo đảm nguyên tắc nói trên.
Suy nghĩ cho rằng công thức tính lương hưu như từ trước đến nay vẫn thực hiện không có vấn đề gì là không đúng. Từ năm 2016, mức đóng BHXH bắt buộc là 22% (trong đó chủ sử dụng lao động đóng 14% và người lao động đóng 8%) thì tổng toàn bộ tiền lương hưu theo mức đóng BHXH cũng chỉ tương đương 39,6% (22%/tháng x 12 tháng x 15 năm), nghĩa là 15 năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 39,6%, thế nhưng công thức tính lương hưu vẫn giữ nguyên là 45% mức lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH. Điều này gây nên tình trạng mất cân bằng của quỹ, Nhà nước vẫn luôn luôn phải bù ngân sách để chi trả cho phần chênh lệch nói trên.
Bên cạnh đó, theo cách tính hiện thời (trước ngày 01/01/2018), người lao động nữ đủ 55 tuổi với 25 năm đóng BHXH, nam đủ 60 tuổi với 30 năm đóng BHXH được hưởng 75% lương hưu thì toàn bộ số tiền đóng BHXH cũng chỉ chi trả được trong vòng 9 - 10 năm, trong khi kỳ vọng sống của người dân là 20 năm (nghĩa là nữ 75 tuổi, nam 80 tuổi).
Người dân xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn) nhận lương hưu. Ảnh:P.V |
Trên nguyên tắc đóng - hưởng, đóng cao hưởng cao và đóng thấp hưởng thấp, khắc phục tình trạng mất cân bằng của quỹ BHXH thì việc thay đổi cách tính lương hưu là xu thế tất yếu. Nhà nước không thể luôn luôn phải bù ngân sách để chi trả cho phần chênh lệch, Nhà nước chỉ bảo hộ khi có biến cố xảy ra để bảo đảm an sinh xã hội cho toàn dân. Việc thay đổi cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu là nhằm đảm bảo quỹ hưu trí ổn định, bền vững.
Có nên nghỉ hưu non để "né" quy định mới?
P.V: Khi quy định mới có hiệu lực thi hành, sẽ có nhiều trường hợp người lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng lại chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm tối đa là 35 năm đối với nam và 30 năm đối với nữ. Giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Trường Giang: Trong trường hợp đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm tối đa thì người lao động có thể đóng bảo hiểm theo hình thức tự nguyện để được hưởng mức lương hưu tối đa bằng 75% mức bình quân lương tháng đóng bảo hiểm. Thậm chí, nếu vì lý do nào đó mà người lao động thiếu cả tuổi nghỉ hưu lẫn thời gian đóng bảo hiểm tối đa, thì có thể đóng tiếp số tiền còn thiếu theo quý, theo năm hoặc 6 tháng/lần theo hình thức bảo hiểm tự nguyện và chờ đủ tuổi nghỉ hưu sẽ được nhận lương hưu.
Mức đóng bảo hiểm tự nguyện bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động tự quyết định, nhưng thấp nhất bằng mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở. Nếu có điều kiện, theo tôi, người lao động có thể đóng bảo hiểm tự nguyện ở mức cao nhất có thể để được nhận mức lương hưu cao vì lương hưu được tính trên cơ sở bình quân toàn bộ lương tháng đóng bảo hiểm.
P.V: Trước sự thay đổi này, một số người lao động tỏ ra hoang mang cho rằng quyền lợi sẽ bị ảnh hưởng. Thậm chí hiện nay, nhiều người lao động có xu hướng muốn được nghỉ hưu sớm vì cho rằng, nghỉ hưu trước thời điểm 01/01/2018 có lợi hơn so với thời điểm sau 01/01/2018. Ông có thể lý giải thêm về vấn đề này?
Ông Lê Trường Giang: Người lao động về hưu năm 2018 so với năm 2017 đối với những người đã đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu tối đa 75% thì không chịu ảnh hưởng gì của quy định mới này.
Đối với nhóm người chưa đạt 30 năm đóng BHXH (đối với nữ) và 31 năm đóng BHXH (đối với nam) sẽ bị giảm nhẹ về mức hưởng lương hưu. Cụ thể: năm 2018 giảm 2% đối với nam và giảm 1% đối với nữ trên mỗi năm đóng BHXH từ năm thứ 16 đến năm thứ 25 (trước đây cứ mỗi năm đóng BHXH tăng thêm 3% nhưng từ năm 2018 chỉ tăng 2%).
Tuy nhiên, từ năm 2018, với mức lương đóng BHXH cao hơn (tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc quy định là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động) nên khi tính lương bình quân để tính hưởng lương hưu về số tuyệt đối sẽ cao hơn; chưa nói đến có sự điều chỉnh hệ số trượt giá để làm cơ sở tính số tiền đóng BHXH do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định và điều chỉnh lương cơ sở của Chính phủ.
Mặt khác, với những người về hưu trước tuổi còn bị trừ 2% cho mỗi năm về hưu trước tuổi, tính ra số % hưởng lương hưu bị giảm do cách tính mới không bằng số % bị trừ của về hưu trước tuổi, vì vậy, người lao động về hưu năm 2017 lại thiệt hơn về hưu từ năm 2018 trở về sau.
Nguyên nhân là do tỷ lệ hưởng lương hưu không đạt mức tối đa 75% sẽ ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người lao động vì lương hưu là nhận lâu dài. Một số quy định mới về chế độ hưu trí theo Luật BHXH năm 2014 có tác động đến một số đối tượng như theo phân tích ở trên.
Người lao động cần đối chiếu với trường hợp cụ thể của mình để xem xét, quyết định. Vì lương hưu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: giới tính, tuổi đời, thời gian đóng BHXH, mức tiền lương đóng BHXH, thời điểm hưởng lương hưu, điều kiện làm việc nên không phải ai nghỉ hưu năm 2017 đều có lợi hơn người nghỉ hưu từ ngày 01/01/2018 trở đi.
P.V: Cảm ơn ông!
P.V
(Thực hiện)
TIN LIÊN QUAN |
---|