Cải cách hay mở cửa: Con đường buộc Triều Tiên phải lựa chọn!

Lan Hạ 11/06/2018 17:06

(Baonghean.vn) - Triều Tiên thường xuyên bị miêu tả là “quốc gia kiểu Stalin cuối cùng trên thế giới”, nơi người dân luôn mấp mé tình trạng chết đói. Tuy nhiên, những suy nghĩ này đã lỗi thời.

Người dân Triều Tiên cúi đầu trước cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il. Ảnh: AP
Người dân Triều Tiên cúi đầu trước cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il. Ảnh: AP

Triều Tiên dưới thời Kim Jong-un, nhìn chung vẫn bị kiểm soát chặt chẽ và là một nước nghèo, song người ta không còn có thể mô tả họ là “một quốc gia kiểu Stalin” hay túng thiếu. Triều Tiên ngày nay thực chất là một quốc gia hậu xã hội chủ nghĩa, nơi các cải cách định hướng thị trường theo hướng cấp tiến, dù không quá rõ rệt, cũng đang đem lại những động lực tăng trưởng kinh tế nhất định.

Dù các số liệu kinh tế của Triều Tiên vẫn còn là một ẩn số song nhiều nhà quan sát quốc tế đều nhất trí rằng, giai đoạn Kim Jong-un nắm quyền là thời kỳ đánh dấu tăng trưởng kinh tế đáng chú ý của quốc gia này.

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc ước tính trong năm 2016, tăng trưởng Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) của Triều Tiên là vào khoảng 3,9%. Tuy nhiên, ước tính này vẫn bị xem là chịu ảnh hưởng từ những suy nghĩ có phần bảo thủ. Nhiều nhà ngoại giao và những người làm việc tại Triều Tiên tin rằng mức tăng trưởng thực tế còn cao hơn nhiều, thậm chí là gần mức 6-7%.

Một Triều Tiên khởi sắc hơn dưới thời Kim Jong-un

Ông Kim Jong-un đã có một lựa chọn táo bạo: cải cách nhưng không mở cửa. Ảnh: Getty
Ông Kim Jong-un đã có một lựa chọn táo bạo: Cải cách nhưng không mở cửa. Ảnh: Getty

Kết quả từ tăng trưởng kinh tế rất dễ nhận thấy. Xe ô tô xuất hiện nhiều hơn trên các đường phố ở Bình Nhưỡng, nhiều thành phố lớn phát triển nhờ sự bùng nổ trong hoạt động xây dựng, xe đạp điện trở nên phổ biến hơn, người dân ăn mặc đẹp hơn và trông khỏe mạnh hơn, nhiều siêu thị bày bán đủ loại hàng hóa và nhiều trong số đó là các sản phẩm nội địa. Những thay đổi tích cực không chỉ gói gọn ở thủ đô Bình Nhưỡng, dù sự chênh lệch giữa thành phố này và các vùng nông thôn là khá rõ rệt.

Nền kinh tế Triều Tiên đã không còn là một nền kinh tế thuần xã hội chủ nghĩa. Thực tế mô hình xã hội chủ nghĩa kiểu Lenin đã sụp đổ từ những năm 1990, mở đường cho một hệ thống kinh tế năng động hơn và mang tính thị trường hơn. Dưới sự lãnh đạo của Kim Jong-un, Triều Tiên bắt đầu chính thức thừa nhận những nền kinh tế đang nổi này.

Ngay khi lên nắm quyền vào cuối năm 2011, Kim Jong-un bắt đầu đưa vào các cải cách tương tự những gì Đặng Tiểu Bình từng thúc đẩy tại Trung Quốc vào những năm 1980.

Dưới sự giám sát của Kim Jong-un, lĩnh vực nông nghiệp có những thay đổi đáng kể. Người nông dân được cho là phải giao nộp 1/3 sản lượng thu hoạch cho nhà nước và được toàn quyền sử dụng phần còn lại. Kết quả là sản lượng lương thực đã tăng đáng kể so với trước đây và Triều Tiên đang dần dần tự đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ lương thực trong nước.

Trong lĩnh vực công nghiệp, kiểu định hướng kế hoạch tập trung dần bị thu hẹp. Các doanh nghiệp có quyền tự bán sản phẩm mà họ sản xuất, được phép mua những gì họ cần với giá thị trường.

Các tờ báo kinh tế của Triều Tiên không ngừng ca ngợi những lợi ích của cách tiếp cận mới khi giá cả được quyết định bởi cung và cầu, dù các ấn phẩm chính thức vẫn tránh dùng từ “thị trường” để nói về hệ thống mới.

Điều thú vị là các cải cách thường xuyên được nhắc đến trên các ấn phẩm chuyên môn này lại hiếm khi được truyền thông chính thức đề cập tới.

Ngày nay, tại Triều Tiên số lượng người giàu là khá đông. Hầu hết những người này làm giàu từ việc kinh doanh và hoạt động trên chợ đen (hay chính xác hơn là “chợ xám”) trong giai đoạn những năm 1990 và đầu 2000.

Từ thập niên 90 của thế kỷ trước, những người giàu có này bắt đầu xây dựng các nhà máy của riêng mình, những hạ tầng được đứng tên chính thức dưới sự bảo hộ của một số cơ quan nhà nước.

Ngày nay, dưới thời Kim Jong-un, các mô hình này đã có sự thừa nhận chính thức. Nhiều điều luật được viết lại để tạo điều kiện cho phép nhà đầu tư tư nhân tự thành lập doanh nghiệp. Thế hệ người giàu mới tại Triều Tiên có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước, chẳng hạn như cho sự bùng nổ của thị trường bất động sản với nhiều căn hộ loại tốt có thể bán được với giá 100.000 USD hoặc thậm chí là hơn.

Một Triều Tiên cải cách, nhưng không mở cửa

Cộng đồng quốc tế hồi hộp chờ đợi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lịch sử sắp diễn ra. Ảnh: AP
Cộng đồng quốc tế hồi hộp chờ đợi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lịch sử sắp diễn ra. Ảnh: AP

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa Kim Jong-un muốn sao chép Trung Quốc cũng như chính sách “mở cửa và cải cách” của quốc gia này. Các nhà lãnh đạo Triều Tiên muốn cải cách, nhưng không muốn mở cửa. Có chăng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã sử dụng những khoản tiền mới kiếm được để siết chặt hơn nữa sự kiểm soát đối với người dân và biên giới.

Biên giới Trung - Triều, khu vực từng có an ninh khá lỏng lẻo hiện đang nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của lực lượng an ninh. Các binh sỹ thay nhau đồn trú để tránh gây dựng mối liên hệ quá gần gũi với người dân.

Những thay đổi này được phản ánh qua việc số lượng người tị nạn Triều Tiên tới Hàn Quốc giảm mạnh (từ khoảng 2.500 người vào năm 2010 xuống chưa đầy 1.000 người ở thời điểm hiện tại) trong khi số tiền mà một người phải trả nếu muốn rời đi (từ vài trăm cho tới vài nghìn USD).

Người dân thường bị cấm sử dụng Internet, và chỉ có một số người mới có đặc quyền này. Hầu hết các máy tính mà người Triều Tiên sử dụng đều được trang bị hệ điều hành cải biên từ Linux để đảm bảo người dùng không thể mở bất kỳ tệp tin nào mà chưa được chính quyền cấp phép. Điều này đồng nghĩa với việc người dùng Internet tại Triều Tiên không thể dùng máy tính để xem trộm các ấn phẩm từ nước ngoài.

Lý do rất đơn giản. Không như Trung Quốc, Triều Tiên là một quốc gia đầy chia rẽ. Mức chênh lệch về thu nhập bình quân đầu người giữa miền Nam và miền Bắc bán đảo Triều Tiên được cho là lên tới 15 lần.

Điều này, cùng quyền tự do cá nhân khiến cuộc sống tại Hàn Quốc khá hấp dẫn với người dân Triều Tiên. Giới lãnh đạo Triều Tiên có lý do để lo ngại về quyền lực và sự kiểm soát của mình.

Nếu những người dân thường Triều Tiên biết được quá nhiều về sự thịnh vượng và tự do mà những người láng giềng đang được hưởng, và không còn tôn thờ cũng như sợ hãi chính quyền, rất có thể họ sẽ hành xử như người dân Đông Đức vào năm 1989.

Nguy cơ lặp lại kịch bản tại Đức luôn ám ảnh những nhà hoạch định chính sách Triều Tiên. Dưới thời Kim Jong-Il, cha đẻ của Kim Jong-un, nỗi lo này là lý do chính quyền cương quyết không tiến hành các cải cách.

Trung tâm thủ đô Bĩnh Nhưỡng (Triều Tiên). Ảnh: CNN
Trung tâm thủ đô Bĩnh Nhưỡng (Triều Tiên). Ảnh: CNN

Tuy nhiên, Kim Jong-un hiểu rằng ông không thể nắm vững quyền lực nếu không thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, Kim Jong-un đã có một lựa chọn táo bạo: cải cách nhưng không mở cửa. Kim Jong-un muốn một nền kinh tế thị trường, song ông cũng muốn duy trì một sự kiểm duyệt và quản lý chặt chẽ theo kiểu Stalin.

Chiến lược này liệu có hiệu quả hay không? Liệu “cải cách nhưng không mở cửa” có đem đến những kết quả mong muốn là tăng trưởng kinh tế bền vững và quyền lực vẫn nằm trong tay nhà họ Kim trong dài hạn hay không? Chắc chắn mô hình này sẽ không hiệu quả như những gì Trung Quốc làm, song vấn đề đặt ra là liệu nó có đủ hiệu quả hay không?

Chỉ có thời gian mới có câu trả lời, song Kim Jong-un có lẽ không có lựa chọn khác.

Theo Theo Eurasia Review
Copy Link
Mới nhất
x
Cải cách hay mở cửa: Con đường buộc Triều Tiên phải lựa chọn!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO