Bác Hồ với quê hương Nghệ An

Cái nôi quê hương - nơi bình minh cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh

NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA - SỰ THẬT 12/06/2024 05:26

“Đường vô xứ Nghệ quanh quanh/ Non xanh nước biếc như tranh họa đồ/ Ai vô xứ Nghệ thì vô...”. Đó là những câu thơ miêu tả về xứ Nghệ - mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi sinh ra những người con tiêu biểu nhất trong phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam.

toàn cảnh thành phố vinh
Toàn cảnh thành phố Vinh. Ảnh: Sách Nguyễn

Câu ca dao từ xa xưa này mời gọi chúng ta về một vùng đất sơn thủy hữu tình, đẹp như những bức tranh thủy mặc. Nếu khách tham quan du lịch xuất phát từ Hà Nội theo quốc lộ 1 đi vào phía Nam thì chỉ khoảng trên 200km, vượt qua tỉnh Thanh Hóa “miền quê Lê Lợi” là đã tới thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu địa đầu xứ Nghệ. Từ đó, vượt qua các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc là tới thành phố Vinh, tỉnh lỵ Nghệ An và cũng là đoạn cuối của đất Nghệ An.

Nhưng, xứ Nghệ xưa kia bao gồm cả hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh ngày nay nên còn kéo dài sang bên kia cầu Bến Thủy bắc qua sông Lam, vào tận Đèo Ngang, giáp ranh với tỉnh Quảng Bình. Xứ Nghệ có núi rừng trùng điệp ở phía Tây với rừng nguyên sinh Pù Mát, với núi Hồng Lĩnh hùng vĩ, mà từ xưa đã được chọn khắc vào “Cửu đỉnh” đặt trước sân Thái miếu triều Nguyễn ở Cố đô Huế. Phía Đông có bờ biển dài dằng dặc (230km) với những bãi biển đẹp nổi tiếng như Cửa Lò, Xuân Thành...

Xứ Nghệ có một kho tàng văn học dân gian rất phong phú, đa dạng. Chuyện trạng xứ Nghệ - một loại truyện tiếu lâm phản ánh tinh thần lạc quan và tính cách vừa hóm hỉnh vừa thâm thúy của người dân xứ này. Thơ, ca dao, tục ngữ, câu đố, câu đối... rất hàm súc, sâu sắc, giàu hình tượng. Các làn điệu dân ca Nghệ - Tĩnh trầm lắng mênh mang, đậm đà chất trữ tình. Đồng bào Kinh có điệu hát dặm, hát ví (phường vải, đò đưa...), ngoài ra còn có ca trù, hát bội (tuồng)... Đồng bào dân tộc Thái có loại trường ca rất hấp dẫn: lái Lông Mương, lái Nộc Yêng, trường ca Khủn Tinh... Đồng bào Thổ, trong làng bản thường có người “kể đắng” (kể chuyện) rất hấp dẫn. Nhạc cụ của đồng bào Thổ có âm hưởng du dương như đàn bầu.

làng quỳnh đôi
Đường về làng Quỳnh Đôi - một ngôi làng có truyền thống hiếu học nổi tiếng khắp cả nước. Ảnh tư liệu: Báo Nghệ An

Từ xa xưa, dân xứ Nghệ đã chịu ảnh hưởng rất sâu sắc về Nho giáo, đạo Khổng. Truyền thống cử nghiệp của Nho giáo được phát huy rất mạnh trên đất này. Dân xứ Nghệ nổi tiếng hiếu học. Qua các kỳ thi hội, thi đình thời xưa, xứ Nghệ thường đứng hàng thứ nhất, thứ nhì về số thí sinh đậu tiến sĩ và có những làng học nổi tiếng cả nước như làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, làng Hoành Sơn và làng Trung Cần, huyện Nam Đàn.

Từ truyền thống hiếu học đã sản sinh ra nhiều nhà trí thức nổi danh như Trạng nguyên Bạch Liêu, Trạng nguyên Hồ Tông Thốc, Thám Hoa Nguyễn Văn Giai, Thám hoa Phan Thúc Trực, Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng, Tiến sĩ Ngô Trí Hòa, đại thi hào Nguyễn Du (danh nhân văn hóa thế giới) với Truyện Kiều bất hủ, nhà thơ kiêm nhà kinh tế" thủy lợi tài ba Nguyễn Công Trứ, danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác vối bộ Hải Thượng y tông tâm tĩnh trác tuyệt, nhà sử học Nguyễn Nghiễm với bộ Việt sử bị lẫm được ca ngợi là “danh bút”, nhà cách tân Nguyễn Trường Tộ...

Vào thế kỷ XV, địa bàn chiến lược Nghệ - Tĩnh là “đất đứng chân” của triều Lê Sơ để chống giặc Minh, giải phóng đất nước. Tại đây đã diễn ra “Trận Bồ Đằng như sấm vang chớp giật, trận Trà Lân như trúc chẻ tro bay”.

Trong thời đó, Cương quốc công Nguyễn Xí (quê huyện Nghi Lộc) lập được nhiều chiến công oanh liệt và có vai trò quyết định trong việc trừng trị bọn phản tặc, đưa Lê Tư Thành (Lê Thánh Tông) lên làm vua, mở đầu một thời kỳ hưng thịnh vào bậc nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam.

đền vua quang trung
Đền thờ Vua Quang Trung - người Anh hùng "áo vải cờ đào", đã từng dừng chân tại đất Nghệ An, để tuyển quân, góp phần vào đại thắng quân Thanh tại Ngọc Hồi, Đống Đa. Ảnh tư liệu: Đình Tuyên

Vào cuối năm Mậu Thân (1788) khi người Anh hùng “áo vải cờ đào” Quang Trung trên đường tiến quân ra Bắc đánh đuổi quân Thanh, dừng chân tại đất Nghệ An, để tuyển quân, chỉ trong mấy ngày đã có hàng vạn trai tráng xứ Nghệ gia nhập nghĩa quân, góp phần xứng đáng vào đại thắng quân Thanh tại Ngọc Hồi, Đống Đa, mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789). Tại phía nam thành phố Vinh, dưới chân núi Quyết và núi Kỳ Lân hiện còn dấu tích của Phương Hoàng Trung Đô mà vua Quang Trung đã cho xây dựng để dời quốc đô từ Phú Xuân ra Nghệ An.

Từ khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, trước thái độ bạc nhược đầu hàng giặc của Triều đình Huế, các nhà văn thân cùng nhân dân xứ Nghệ đã tỏ rõ quyết tâm đánh “cả Triều lẫn Tây”. Năm Giáp Tuất (1874), tại các huyện Thanh Chương, Nam Đàn đã nổi lên cuộc khởi nghĩa của Trần Tấn và Đặng Như Mai.

Khi phong trào Cần Vương dấy lên, tại vùng bắc Nghệ An nổi lên cuộc khởi nghĩa Nguyễn Xuân Ôn -Lê Doãn Nhã (1885 - 1889). Trong hơn 10 năm (1885 - 1896) nhân dân toàn xứ Nghệ đã sôi nổi hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng -Cao Thắng từ huyện Hương Khê phát triển ra.

phan bội châu
Nhà tưởng niệm chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu. Ảnh tư liệu: Báo Nghệ An

Vào đầu thế kỷ XX, cả nước ta bùng lên phong trào Đông Du và công cuộc vận động Duy tân. Người khởi xướng phong trào Đông Du là nhà chí sĩ ái quốc kiệt xuất Phan Bội Châu. Năm 1904, ông lập Duy Tân hội, vận động thanh niên sang Nhật du học để tìm phương kế cứu vong dân tộc. Là người tiêu biểu cho xu hướng bạo động trong Duy Tân hội lúc bấy giờ, Phan Bội Châu đã cùng Ngô Quảng lôi cuốn được nhiều tầng lớp nhân dân, kể cả giáo dân tham gia phong trào kháng Pháp. Văn thơ yêu nước của Phan Bội Châu có sức hấp dẫn mạnh mẽ, lôi cuốn, giục giã mọi người ra tay hành động. Phan Bội Châu, một người con ưu tú của xứ Nghệ, thật xứng đáng là nhân vật tiêu biểu nhất trong phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX...

Trong tiến trình lịch sử, con người xứ Nghệ mang đầy đủ đức tính chung của dân tộc Việt Nam, song bản sắc riêng của địa phương cũng được hình thành ngày càng đậm nét. Đó là do điều kiện thiên nhiên nơi đây khắc nghiệt hơn nhiều nơi khác với bão lớn, lụt to, gió Lào nóng bỏng, hạn hán dai dẳng, con người thường xuyên vật lộn với thiên tai. Mặt khác, vùng đất này từng là “biên trấn, phên dậu”, là “đất đứng chân” của các triều đại, nơi thường diễn ra chiến trận, con người phải thường xuyên chống chọi với giặc giã. Những nhân tố đó đã hun đúc nên con người Nghệ - Tĩnh với những đặc tính như: cương trực, khảng khái, giàu đức hy sinh, có khí phách, trọng danh dự, trọng đạo lý, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn; rất mực cần kiệm, giản dị, hiếu học, giàu nghị lực, ý chí mạnh, quyết tâm cao.

Hào khí của con người Nghệ - Tĩnh đã từng là chỗ dựa vững chắc của các triều đại ngày xưa và là niềm tin cậy của đồng bào cả nước trong thời đại ngày nay.

muasemxunghe.jpg
Sen trổ bông ngan ngát tại Làng Sen, Kim Liên. Ảnh tư liệu: Báo Nghệ An

Sở dĩ Kim Liên có tên là làng Sen bởi xưa kia cả vùng này thường ngan ngát hương sen vào mùa trổ bông. Ngày xưa, vùng này có tên gốc là Trại Sen với những địa danh toàn sen: nào Đồng Sen Cạn, Đồng Sen Sâu, Giếng Sen, Đầm Sen, nào Vực Sen, Chợ Sen...

Sen góp phần tạo nên cảnh trí thiên nhiên đặc sắc ở đây nên gọi là làng Sen. Nhân dân làng Sen rất tự hào vì làng mình đẹp, cảnh quan thơ mộng, thơm ngát hương sen và được nhiều nho sĩ thường hay lui tới đàm đạo văn chương, thế sự. Bà con thường ngâm vịnh, hát ví dặm câu ca dao quen thuộc:

Kim Liên có cảnh sen vàng,
Chào chàng nho sĩ tới làng Kim Liên.

Nổi bật lên trên đất xã Kim Liên là núi Chung, một cảnh quan có hình “vương tự” (chữ vương). Núi không cao lắm, nhưng nếu đứng trên đỉnh núi trông ra bốn phía cũng bao quát được cả một vùng rộng lớn của xứ Nghệ.

Nhìn về phía Tây, ta thấy rõ thị trấn Sa Nam “trên chợ dưới đò” và dãy Hùng Sơn (núi Đụn) hùng vĩ, có “cây mọc tựa gươm bay giáo dựng” như một đoàn quân dũng chiến. Chính đó là nơi mà vào năm 722, Mai Thúc Loan chọn làm căn cứ địa khởi nghĩa chống nhà Đường xâm lược và cai trị rất dã man, tàn bạo đối với đồng bào ta. Ông lập chiến lũy kiên cố trên núi Vệ mang tên là thành Vạn An, tức là quốc đô khi ông xưng đế.

đền chung sơn
Đền Chung Sơn - Đền thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trên đỉnh núi Chung là điểm đến quan trọng khi du khách về thăm Kim Liên. Ảnh tư liệu: Báo Nghệ An

Phía Đông Nam núi Chung là núi Lam Thành, nơi mà Nguyễn Biểu, một sứ thần thời Hậu Trần (thế kỷ XV), đứng trước kẻ thù đã “không run sợ, nét mặt vững vàng, lời nói mạnh bạo” làm cho tướng giặc Minh là Trương Phụ phải gờm. Tấm gương sáng ngời khí tiết của ông còn lưu truyền lại ngàn đời sau qua sự tích “ăn cỗ đầu người”.

Phía Tây Nam núi Chung là dãy Thiên Nhẫn (nghìn đỉnh) uốn lượn như “đàn ngựa ruổi quanh”1. Nơi đây, Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã xây thành Lục Niên trong thời chống quân xâm lược nhà Minh. Nghĩa quân Lam Sơn đã lập nên những chiến công hiển hách trên đất Nghệ An như trận Bồ Tất và trận Bồ Đằng.

dãy núi Đại huệ
Dãy núi Đại Huệ còn được biết đến là nơi ẩn chứa những nét “trầm tích” văn hóa và hội tụ khí thiêng của đất trời, sông núi để Nam Đàn trở thành vùng quê “địa linh - nhân kiệt”. Ảnh tư liệu: Báo Nghệ An

Cách núi Chung khoảng ba km về phía đông là làng Thái Xá (nay thuộc xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An), quê tổ của người Anh hùng áo vải Quang Trung.

Phía Bắc núi Chung là các làng Xuân Hồ, Xuân Liễu, nằm dưới dãy Đại Huệ, nơi tập kết nghĩa binh của Hội Văn thân Nghệ An làm lễ tế" cờ, mở đầu cuộc khởi nghĩa Giáp Tuất (1874) nhằm đánh “cả Triều lẫn Tây”:

Sống trong quang cảnh sơn thủy hữu tình thơ mộng nhưng nhân dân làng Sen thời xưa rất nghèo khổ; hầu hết các căn nhà trong làng đều làm bằng tranh, tre, nứa lá, cơm chẳng đủ ăn, áo quần không đủ mặc. Tuy vậy, dân làng này lại rất hiếu học, các lớp học chữ Hán được mở ở nhiều nơi; nhiều người thi đỗ tú tài, cử nhân, có người đỗ tới ba, bốn khoa tú tài vì mong đạt cho được tấm bằng cử nhân và cao hơn nữa.

Do đó, tại đây lâu dần đã hình thành nên một tầng lớp nho sĩ đông đảo. Mọi người đều tự ý thức được rằng, việc học hành không chỉ để hiểu biết về đạo lý làm người, để khỏi bị người đời khinh rẻ mà còn để kiếm kế" sinh nhai bằng các nghề thầy đồ dạy học hoặc làm thầy thuốc trị bệnh cứu người - những nghề lương thiện, được nhân dân quý trọng. Đặc biệt, tại đây lại là nơi có rất nhiều người giỏi hát dặm, hát ví (phường vải, đò đưa...).

nha-ong-nguyen-sinh-nham-ong-noi-chu-tich-ho-chi-minh.-anh-thanh-cuong-fa7fee860a0a8d9c76785488f4d120d3.jpg
Những nếp nhà tranh đơn sơ, giản dị tại Làng Sen - nơi đã hình thành nên một tầng lớp nho sĩ đông đảo. Trong ảnh là nhà ông nội của Chủ tịch Hồ Chí MInh. Ảnh tư liệu: Thành Cường.

Hiện nay, vùng đất xã Kim Liên trở thành Khu di tích lưu niệm đặc biệt về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây có phòng tiếp đón khách du lịch, tham quan, có nơi thắp hương tưởng niệm tri ân Người và có nhà trưng bày khang trang dưới những tán cây xanh bao trùm mát rượi.

Cái nôi quê hương - nơi bình minh cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO