Căn bệnh NSND Anh Tú mắc phải trong nhiều năm nguy hiểm thế nào?
Theo Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF), tiểu đường là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 chỉ sau tim mạch và ung thư.
NSND Anh Tú - Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam đã bị tiểu đường nhiều năm, nhưng đến giữa năm 2018 thì trở nặng và biến chứng. Ngày 20/12, NSND Anh Tú đã trút hơi thở cuối cùng do biến chứng từ bệnh tiểu đường type 2.
Căn bệnh mà NSND Anh Tú mắc phải tưởng chừng phổ biến nhưng lại được xem là sát thủ thầm lặng bởi những biến chứng nguy hiểm mà nó có thể gây ra cho người bệnh.
ThS.BS Nguyễn Huy Cường, Giám đốc Phòng khám Nội tiết 133 Thái Hà, Hà Nội, cho biết, ở Việt Nam, các bác sĩ mới chẩn đoán được khoảng gần 50% số người đang mắc đái tháo đường.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này vì có những thể dạng đái tháo đường nhẹ, đường máu vẫn bình thường lúc đói nhưng sau ăn đường máu cao, đó cũng là một loại đái tháo đường.
NSND Anh Tú, quyền giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, qua đời vào trưa 20/12 sau thời gian điều trị biến chứng của bệnh tiểu đường. Ảnh: Khuê Tú. |
“Khoảng 20% trường hợp bị bỏ sót mặc dù người bệnh có thể đi khám đều đặn, định kỳ. Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường có 3 chỉ số là đường máu lúc đói, đường máu sau khi ăn bất kỳ, chỉ số HbA1C. Nếu thử cả 3 chỉ số đó, người bệnh sẽ được chẩn đoán sớm hơn. Nếu chỉ dựa vào đường máu lúc đói và coi đó là “tiêu chuẩn vàng” thì việc chẩn đoán sẽ bị chậm. Bên cạnh đó, một số người không thường xuyên đi thử máu và không được phát hiện bệnh kịp thời”, ThS.BS Nguyễn Huy Cường nói.
Tỷ lệ đái tháo đường ở các thành phố lớn khoảng 5% dân số (ở người lớn). Bệnh có thể xuất hiện trước khi được chẩn đoán từ 10-20 năm. Đặc biệt, đái tháo đường làm tăng nguy cơ các bệnh về tim mạch như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, tắc mạch chân từ 2-4 lần.
Người bệnh còn dễ mắc ung thư do tình trạng giảm miễn dịch trong cơ thể. Khoảng khoảng 30-40% người bị đái tháo đường tử vong do ung thư.
Ngoài ra, bệnh đái tháo đường còn gây ra các biến chứng khác lên mắt gây ra tình trạng giảm thị lực và mù lòa; suy thận, làm giảm chất lượng sống và tăng nguy cơ tử vong; thần kinh, đau tê, cắt cụt chi…
Về mức độ tử vong, bác sĩ Cường cho biết bệnh rút ngắn cuộc sống tính trung bình từ khoảng 6-10 năm. Hơn nữa, tình trạng người mắc bệnh này ngày càng trẻ hóa. Nếu như cách đây khoảng 30 năm, khi mới ra trường, Ths.BS Cường tiếp nhận và điều trị cho chủ yếu những bệnh nhân ngoài 65 tuổi nhưng ngày nay, nhiều bệnh nhân mới bước qua tuổi 20, chưa xây dựng gia đình đã bị đái tháo đường.
GS.BS Thái Hồng Quang, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, cho biết, đái tháo đường type 2 đang ngày càng tăng ở giới trẻ. Nguyên nhân của việc tỷ lệ đái tháo đường gia tăng là ngoài yếu tố gen di truyền còn phụ thuộc vào chế độ ăn uống nhiều tinh bột, thức ăn có nhiều hóa chất, rượu bia triền miên; lối sống ít vận động, căng thẳng, ồn ào…
Theo Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF), hiện toàn thế giới có trên 415 triệu người bị tiểu đường (đái tháo đường), con số này dự kiến sẽ tăng lên 642 triệu người vào năm 2040.
Theo đó, 11 người trưởng thành sẽ có 1 người bị đái tháo đường và mỗi năm có hơn 5 triệu người tử vong, tương đương cứ mỗi 6 giây có 1 người chết vì căn bệnh này. Gánh nặng bệnh tật của đái tháo đường cao gấp 20-40 lần so với những bệnh lây nhiễm khác.
Tại Việt Nam, khoảng 3,5 triệu người bị tiểu đường, gấp 10 lần so với 10 năm trước đây và dự báo con số này sẽ tăng lên 6,1 triệu vào năm 2040. Trong 10 năm, tỷ lệ tiền tháo đường cũng tăng từ 7,7% lên 14%.
Tiểu đường là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 chỉ sau tim mạch và ung thư. Riêng trong năm 2017, 29.000 người chết do các nguyên nhân có liên quan đến tiểu đường, tương đương với 80 ca tử vong/ngày./.