Cần có giải pháp mạnh ngăn chặn tình trạng đốt thực bì trồng keo
Cứ đến mùa trồng rừng, người dân tại một số địa phương ở Nghệ An lại đốt thực bì trồng keo. Việc làm này vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa trái với quy định trong chứng nhận quản lý rừng bền vững (FSC). Tuy nhiên, đến nay tình trạng này vẫn diễn ra khá phổ biến.
Tràn lan đốt thực bì gây ô nhiễm
Đi dọc tuyến Quốc lộ 48 qua huyện Quỳ Châu những ngày đầu năm, trên nhiều quả đồi ở Nghệ An khói đen bốc lên nghi ngút do bà con đốt thực bì để chuẩn bị trồng rừng. Tại khu vực dốc Bù Bài giáp ranh giữa 2 xã Châu Hạnh, và Châu Thắng khói cuồn cuộn bay lên mịt mù cả một góc trời, bao trùm cả tuyến Quốc lộ 48, gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông.
![van truong mett](https://bna.1cdn.vn/2025/02/15/bna_van-truong-mett.jpg)
Bà Lương Thị Châu, ở xã Châu Thắng cho biết: Khu vực này người dân thường đốt thực bì để trồng keo, lửa cháy, khói bay khét lẹt rất khó chịu, và còn che khuất tầm nhìn đoạn đường dốc núi toàn cua tay áo, nguy cơ mất an toàn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Một số người dân địa phương khác cho biết thêm: Việc đốt thực bì gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân. Ngành chức năng cần phải có giải pháp để ngăn chặn tình trạng trên.
Một người dân đang đốt thực bì cho biết: Thu hoạch keo xong, chọn thời tiết khô ráo là chúng tôi triển khai đốt thực bì để trồng rừng. Đốt thực bì vừa nhanh hơn, lại đỡ được công sức, chi phí thu dọn.
Theo báo cáo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳ Châu, trên địa bàn huyện hiện có trên 24.000ha rừng keo nguyên liệu. Trong năm 2024, huyện phối hợp với các ngành liên quan cấp chứng chỉ rừng (FSC) được trên 4.800 ha ở các xã: Châu Phong, Châu Hạnh, Châu Bình, Nghĩa Dũng, Nghĩa Hành. Theo kế hoạch năm 2025, huyện Quỳ Châu sẽ tiếp tục được cấp chứng chỉ trên 1.000 ha tại xã Châu Hội.
Xác định cây keo là chủ lực phát triển kinh tế, giúp bà con thoát nghèo, vì vậy huyện muốn tăng diện tích rừng nguyên liệu được cấp chứng chỉ FSC nhằm đảm bảo đầu ra ổn định và tăng giá trị kinh tế cho cây keo về lâu dài. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra hiện nay là địa bàn huyện đang còn những tồn tại là hầu hết bà con còn xử lý bằng đốt thực bì để trồng keo.
![van truong 3](https://bna.1cdn.vn/2025/02/15/bna_van-truong-3.jpg)
Hiện nay huyện đã chỉ đạo các xã thực hiện công tác tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu rõ tác hại của đốt thực bì trồng rừng để lại nhiều hệ luỵ, đặc biệt là tiêu chí của việc cấp chứng chỉ FSC cấm không được đốt thảm thực vật sau thu hoạch.
Cũng nằm trong tình trạng trên, địa bàn huyện Con Cuông, mùa này, đi dọc các xã: Mậu Đức, Bồng Khê, Thạch Ngàn… quan sát thấy nhiều quả đồi bị đốt cháy đen. Một số địa điểm người dân đốt thực bì, khói đen gây ngột ngạt cả khu dân cư.
![van truong 1](https://bna.1cdn.vn/2025/02/15/bna_van-truong-1.jpg)
Bà Đinh Thị Thùy Anh - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Con Cuông cho biết thêm: Toàn huyện Con Cuông có trên 12.000 ha rừng nguyên liệu, hiện nay toàn huyện mới cấp chứng chỉ FSC được 400 ha, trong năm 2025-2026 huyện đang phối hợp với các ngành tăng thêm diện tích 4.000 ha đạt chứng chỉ FSC.
Tuy nhiên, hiện nay bà con vẫn đang thực hiện đốt thực bì trồng rừng nên làm ảnh hưởng phần nào đến quá trình cấp chứng chỉ FSC. Huyện đang tiếp tục, tuyên truyền vận động nông dân các địa phương hạn chế đốt thực bì, thực hiện các phương pháp thu gom an toàn, giảm thiểu ô nhiễm và thuận lợi cho việc xây dựng cấp chứng chỉ FSC cho rừng nguyên liệu tăng thêm giá trị kinh tế rừng.
Cần có giải pháp để hạn chế đốt thực bì
Ông Hoàng Trung Sơn - Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm) cho biết thêm: Những năm qua, Nghệ An đã làm việc với các địa phương, các doanh nghiệp và các ngành để đẩy nhanh tiến độ cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC). Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 30.184 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC trên tổng số 175.000 ha rừng nguyên liệu. Chủ yếu tập trung ở các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Quỳ Hợp…
Hàng năm Nghệ An trồng keo nguyên liệu từ 18.000 - 20.000 ha, tuy nhiên, khó khăn đặt ra hiện nay là trước khi trồng rừng hầu hết bà con đều xử lý đốt thực bì tại chỗ gây không ít hệ lụy về môi trường. Trong năm 2025, tỉnh chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện cấp chứng chỉ rừng trên 50.000 ha, thực hiện rà soát diện tích rừng trồng trên địa bàn đủ điều kiện để giới thiệu cho các doanh nghiệp triển khai cấp chứng chỉ rừng.
![van truong 2](https://bna.1cdn.vn/2025/02/15/bna_van-truong-2.jpg)
Nhưng do có khá nhiều địa phương đốt xử lý thực bì trồng rừng, nên việc cấp chứng chỉ sẽ rất khó khăn. Diện tích rừng được cấp FSC ngoài đạt các tiêu chí khắt khe như phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất từ việc trồng, chăm sóc đến thu hoạch; thêm vào đó, không được đốt thảm thực vật sau thu hoạch.
Thời gian vừa qua, Chi cục Kiểm lâm đã triển khai chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm huyện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không đốt xử lý thực bì, tuy nhiên vẫn còn rất khó khăn.
Theo các nhà chuyên môn, việc được cấp chứng chỉ FSC, gỗ nguyên liệu có cơ hội vươn ra thị trường thế giới và nâng cao giá trị kinh tế cho người trồng rừng. Cụ thể là hầu hết các diện tích cấp chứng chỉ FSC đều được các doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường.
![van truong m3455](https://bna.1cdn.vn/2025/02/15/bna_van-truong-m3455(1).jpg)
Trong khi diện tích trồng rừng tự do có giá thấp hơn, vì vậy, nông dân trồng rừng cần phải thay đổi thực hiện trồng rừng không đốt thực bì. Phải sử dụng phương pháp xử lý phát dọn tại chỗ, thu dọn lại để ủ phân hoai mục, giữ lại thảm thực vật.
Theo quy định mới của Liên minh châu Âu (EU), những sản phẩm như cà phê, ca cao, gỗ và cao su... nếu xuất xứ từ vùng đất có rừng bị tàn phá, suy thoái sẽ không được xuất khẩu vào thị trường này. Nếu những người trồng rừng muốn xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang các thị trường Nhật, Hàn Quốc, Mỹ và EU thì cần thay đổi cách thức quản lý vật liệu hữu cơ sau khai thác theo hướng thân thiện với môi trường.