Cần đảm bảo tính công bằng cho các hộ dân tái định cư Thủy điện Hủa Na
(Baonghean) - Hoạt động từ năm 2013, nhưng đến nay dự án Thủy điện Hủa Na vẫn còn những vướng mắc, tồn đọng trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Lá đơn kiến nghị từ Huôi Chà Là
Huôi Chà Là là tên gọi của điểm tái định cư 30 hộ dân bản Piềng Văn, xã Đồng Văn, huyện biên giới Quế Phong. Đến đây dịp đầu tháng 9/2019, gặp ông Lang Văn Thái - Trưởng bản Piềng Văn, ông bắt đầu câu chuyện bằng thông tin không mấy vui, rằng: “Ở điểm tái định cư Huôi Chà Là có rất nhiều điều mà bà con muốn gửi đến cấp trên, để cấp trên nói với Thủy điện Hủa Na giải quyết…”.
Thế mới có việc, dù thâm tâm không muốn, nhưng ông Lang Văn Thái đã cùng Bí thư Chi bộ Lô Hồng Ngân thay mặt cho bà con Huôi Chà Là viết đơn kiến nghị gửi lên Chủ tịch UBND huyện và Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án Thủy điện Hủa Na.
Điểm tái định cư Huôi Chà Là. Ảnh: Nhật Lân |
Tại đơn nêu: Bản Piềng Văn di dời khỏi lòng hồ Thủy điện Hủa Na đến nơi ở mới năm 2012, đến nay nhiều hạng mục chưa được đền bù, đề nghị Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo các ngành liên quan sớm chỉ trả các hạng mục sau đây: Các loại đất chưa được đền bù: Đất 163 của 12 hộ, một số diện tích đã ngập vĩnh viễn, đến nay chưa được đền bù. Đất trồng lúa nước của các hộ dân bị ngập hoàn toàn chưa được đền bù. Có 8 hộ dân không đăng ký nhận ruộng của dự án chưa được nhận tiền hỗ trợ. Đất nông nghiệp trồng cây hàng năm chưa được đối trừ nơi đi, nơi đến. Bên cạnh đó, đơn kiến nghị thêm các nội dung: Đề nghị lắp đặt hệ thống ống dẫn nước vào nhà vệ sinh của nhà văn hóa cộng đồng và trường học; xây dựng miếu làng và sân bóng; sửa chữa đập chứa nước sinh hoạt do bị xói lở.
Trưởng bản Lang Văn Thái cho biết, bản Piềng Văn có 30 hộ thuộc diện di dời khỏi nơi chôn rau cắt rốn năm 2012 đến Huôi Chà Là để Nhà máy thủy điện Hủa Na được xây dựng. Hiện nay, bản đã lên đến 40 hộ. Vậy nhưng nhân dân thì vẫn chưa nhận đủ những gì thuộc về họ. Trong khi gạo hỗ trợ từ dự án đã dừng nên nhân dân gặp không ít khó khăn.
“Khó khăn đến mấy thì cũng phải khắc phục thôi. Phải chăn nuôi gia súc gia cầm, rồi vào rừng thu hái lâm sản phụ kiếm sống. Nhưng đề nghị giải quyết hết những nội dung nhân dân kiến nghị. Chờ đợi lâu quá rồi…”.
Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Văn - ông Hồ Anh Dũng, xác nhận về những nội dung người dân điểm tái định cư Huôi Chà Là kiến nghị. Đồng thời cho biết, đây là thực trạng chung ở 4 điểm tái định cư Thủy điện Hủa Na trên địa bàn. Ông Hồ Anh Dũng trao đổi: “Ở các điểm tái định cư dự án Thủy điện Hủa Na vẫn còn nhiều vấn đề phải lo lắng, nhất là khi nghe tin có thay đổi trong việc đối trừ chênh lệch giá trị QSD các loại đất nông nghiệp…”.
Khu vệ sinh của trường học và nhà văn hóa khu tái định cư Huôi Chà Là từ khi xây dựng đến nay chưa thể sử dụng vì chưa được lắp đặt đường ống dẫn nước. Ảnh: Nhật Lân |
Băn khoăn của huyện
Cụ thể hơn, ông Hồ Anh Dũng cho biết, để thực hiện chi trả chênh lệch giá trị QSD đất nông nghiệp giữa nơi đi và nơi đến cho người dân, thời gian vừa qua UBND xã Đồng Văn phối hợp với các đơn vị chức năng của huyện rà soát, lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ chi tiết đối với từng loại đất nông nghiệp và đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, chủ đầu tư có văn bản đề xuất UBND tỉnh cho thực hiện theo phương án đối trừ chênh lệch tổng giá trị các loại đất nông nghiệp. Có nghĩa là gộp tất cả các loại đất nông nghiệp, lâm nghiệp để tính toán đối trừ chênh lệch giá trị. Nếu thực hiện theo phương án này, sẽ khó có sự đồng thuận từ các hộ dân do họ bị thiệt thòi. Vì vậy, xã Đồng Văn rất băn khoăn…
Dự án Thủy điện Hủa Na ảnh hưởng đến 14 bản vùng lòng hồ, thuộc 2 xã Thông Thụ, Đồng Văn.
Xác nhận thông tin cán bộ xã Đồng Văn trao đổi, đại diện UBND huyện Quế Phong cho biết, Dự án Thủy điện Hủa Na khởi công xây dựng năm 2008 ảnh hưởng đến 14 bản vùng lòng hồ, thuộc 2 xã Thông Thụ, Đồng Văn với 1.362 hộ dân; trong đó có 484 hộ dân tái định cư tự do, 878 hộ dân tái định cư theo dự án.
Đến hết năm 2012, công tác bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất cho các hộ dân cơ bản hoàn thành. Về việc giao đất ở mới tại điểm tái định cư cho 878 hộ, đến nay đã hoàn thành việc giao đất ở, đất vườn, ao liền kề; 825 hộ được giao đất ruộng lúa nước (bình quân 200m2/khẩu); 878 hộ được giao đất sản xuất nông nghiệp trồng cây hàng năm (bình quân 1,07ha/hộ); 822 hộ được giao đất lâm nghiệp (bình quân 3,99ha/hộ).
Theo quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án xây dựng công trình Thủy điện Hủa Na mà UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 2327/QĐ-UBND năm 2009, sau khi các hộ dân đã ổn định đời sống, sản xuất tại các khu tái định cư thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm thanh toán giá trị chênh lệch QSD đất nơi đi và nơi đến.
Thời gian qua, huyện Quế Phong đã thực hiện cân đối đối trừ giá trị quyền sử dụng đất giữa nơi đi và nơi đến đối với các loại đất ở, đất vườn, ao liền kề đất ở và đất ruộng lúa nước; đang tiếp tục chỉ đạo lập phương án bồi thường, hỗ trợ chi tiết từng loại đất sản xuất nông nghiệp và đất lâm nghiệp.
Dưới lòng hồ Thủy điện Hủa Na, là các thôn bản của người dân các xã Thông Thụ, Đồng Văn. Ảnh: Nhật Lân |
Về phía Công ty CP Thủy điện Hủa Na, mới chỉ cấp kinh phí chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ chênh lệch đối với đất ở và đất vườn, ao liền kề đất ở với số tiền gần 11 tỷ đồng. Đến ngày 29/5/2019, Công ty này lại có văn bản số 280/HHC-KTKH đề nghị UBND tỉnh hướng dẫn cách tính đối trừ giá trị chênh lệch QSD đất giữa nơi đi và nơi đến, trong đó đề xuất cho thực hiện tính toán đối trừ theo tổng giá trị QSD đất của các loại đất cho từng hộ dân.
Đề xuất trên đã gây ra những ý kiến trái chiều. Về phía huyện Quế Phong, quan điểm là không đồng tình. Vì thấy rằng không phù hợp với quy định của pháp luật, không nhất quán trong thực hiện chính sách, hơn nữa, người dân khi thiệt thòi có thể sẽ phát sinh những vấn đề phức tạp… Bởi vậy, huyện đã có văn bản báo cáo gửi UBND tỉnh.
“Tiến độ giải quyết các tồn đọng trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án Thủy điện Hủa Na hiện nay đã bị chậm so với chỉ đạo của UBND tỉnh, đã dẫn đến có sự bức xúc trong nhân dân. Dù vậy, cần phải chờ ý kiến của UBND tỉnh về cách tính đối trừ chênh lệch giá trị QSD đất giữa nơi đi và nơi đến…”
Cần đúng pháp luật và nhất quán
Tìm hiểu, ngày 14/8/2019, Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ TN&MT) có Văn bản số 1549/TCQLĐĐ-CKTPTQĐ gửi Sở TN&MT để hướng dẫn việc thực hiện xử lý giá trị chênh lệch QSD đất giữa nơi đi và nơi đến tại nơi tái định cư dự án Thủy điện Hủa Na.
Các quy định mà Tổng cục Quản lý đất đai dẫn ra, đó là: “Theo quy định tại Khoản 2, Điều 74, Luật Đất đai năm 2013 thì việc quy định bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích với loại đất thu hồi. Nếu không có đất bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.
Trưởng bản Lang Văn Thái và Bí thư Chi bộ Lô Hồng Ngân nói về những vấn đề băn khoăn của người dân điểm TĐC Huôi Chà Là. Ảnh: Nhật Lân |
Việc xác định mục đích sử dụng đất của loại đất thu hồi được căn cứ theo quy định tại Điều 10, Điều 111 của Luật Đất đai; Điều 3, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai…
Theo quy định tại Khoản 5, Điều 5 Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg ngày 18/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định các chính sách đặc thù về di dân, tái định cư dự án thủy lợi, thủy điện thì việc xử lý chênh lệch giá trị đất nơi đi và nơi đến như sau: “Giá trị đất nông nghiệp được giao thấp hơn giá trị đất bị thu hồi thì hộ tái định cư được bồi thường phần giá trị chênh lệch…”.
Với các quy định này, có thể hiểu việc đối trừ chênh lệch giá trị QSD đất nơi đi và nơi đến phải được tách bạch, cụ thể đối với mục đích sử dụng của từng loại đất. Cách xử lý này, như UBND huyện Quế Phong thông tin, cũng là phương pháp đã được thực hiện trong thời gian qua tại dự án Thủy điện Hủa Na. Vì vậy, cần nhất quán và khẩn trương thực hiện để đảm bảo tính công bằng cho các hộ dân tái định cư đã nhường đất thực hiện xây dựng Thủy điện Hủa Na.