Sức khỏe

Cần sớm có hướng dẫn cụ thể đảm bảo quyền lợi bệnh nhân khi bệnh viện thiếu thuốc, thiết bị thuộc danh mục BHYT

Thành Chung 30/10/2024 09:46

Ngày 18/10/2024, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 22/2024/TT-BYT quy định các trường hợp có thẻ bảo hiểm y tế được thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế khi bệnh viện thiếu thuốc, thiết bị thuộc danh mục bảo hiểm y tế.

Bệnh nhân được thanh toán tiền thuốc, thiết bị y tế khi bệnh viện thiếu thuốc, thiết bị thuộc danh mục BHYT

Theo Thông tư số 22/2024/TT-BYT, Bộ Y tế quy định thanh toán trực tiếp chi phí thuốc, thiết bị y tế đối với người có thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám, chữa bệnh nhưng tại thời điểm kê đơn thuốc, có chỉ định sử dụng thiết bị y tế mà bệnh viện không có thuốc, thiết bị y tế đó đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt nhưng không lựa chọn được nhà thầu.

Tiếp nhận bệnh nhân đến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Ảnh Thành Chung
Tiếp nhận bệnh nhân đến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Ảnh: Thành Chung

Đồng thời, tại thời điểm đó, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có thuốc thương mại nào "chứa hoạt chất mà người bệnh được kê đơn, hoặc cùng hoạt chất nhưng khác nồng độ hoặc hàm lượng hoặc dạng bào chế hoặc đường dùng và không thể thay thế để kê đơn cho người bệnh"... Đối với thiết bị y tế, cơ sở y tế đó không có thiết bị mà người bệnh được chỉ định sử dụng và không có thiết bị y tế để thay thế.

Người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế cũng được thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế khi không thể chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác do tình trạng sức khỏe, bệnh lý không đủ điều kiện chuyển; cơ sở khám, chữa bệnh nơi người bệnh điều trị đang trong thời gian cách ly y tế hoặc cơ sở đó là cơ sở khám, chữa bệnh cấp chuyên sâu.

Ngoài ra, người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế cũng được thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp khi không thể điều chuyển thuốc, thiết bị y tế giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật; các loại thuốc, thiết bị y tế được kê đơn, chỉ định sử dụng phải phù hợp với phạm vi chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và thuộc phạm vi quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.

Cơ quan bảo hiểm y tế sẽ thanh toán trực tiếp cho người bệnh theo quy định và thực hiện khấu trừ chi phí bảo hiểm y tế thanh toán của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi điều trị người bệnh. Cụ thể, đối với thuốc, căn cứ để tính mức thanh toán là số lượng và đơn giá được ghi trên hóa đơn do người bệnh mua tại cơ sở kinh doanh dược. Trường hợp thuốc có quy định về tỷ lệ, điều kiện thanh toán thực hiện theo tỷ lệ, điều kiện thanh toán.

Đối với thiết bị y tế (bao gồm thiết bị y tế sử dụng nhiều lần), căn cứ để thanh toán là số lượng và đơn giá được ghi trên hóa đơn do người bệnh mua tại cơ sở mua bán thiết bị y tế. Trường hợp thiết bị y tế có quy định mức thanh toán không vượt quá mức thanh toán theo quy định đối với thiết bị đó.

Đơn giá thuốc, thiết bị y tế làm căn cứ để xác định mức thanh toán không được vượt quá đơn giá thanh toán tại thời điểm gần nhất đối với trường hợp thuốc, thiết bị y tế đã trúng thầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người bệnh đã khám bệnh, chữa bệnh... Trường hợp thuốc, thiết bị y tế chưa trúng thầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người bệnh đã khám bệnh, chữa bệnh, đơn giá làm căn cứ để xác định mức thanh toán thẻ bảo hiểm y tế là kết quả lựa chọn nhà thầu còn hiệu lực theo thứ tự ưu tiên về kết quả mua sắm tập trung cấp quốc gia hoặc kết quả đàm phán giá.

Các quy định của Thông tư số 22/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Trường hợp người bệnh vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để khám và điều trị trước ngày thông tư có hiệu lực nhưng kết thúc điều trị sau ngày thông tư có hiệu lực thì thực hiện theo quy định của Thông tư này.

Cần sớm có hướng dẫn và thực hiện thí điểm

Việc Bộ Y tế ban hành Thông tư số 22/2024/TT-BYT được xem như việc thực hiện “bịt lỗ hổng” cho bệnh viện trong công tác mua sắm có giai đoạn chuyển tiếp, với mục tiêu cuối cùng hướng tới đáp ứng yêu cầu cao nhất của người bệnh có bảo hiểm y tế.

Ảnh Thành Chung
Cần có hướng dẫn thực hiện Thông tư cụ thể để tránh tình trạng người bệnh phải mất thời gian, chạy đi, chạy lại hoàn thiện thủ tục, hồ sơ. Ảnh: Thành Chung

Điều này đáp ứng thực tiễn trong một số trường hợp có giai đoạn bệnh viện không đủ thuốc, gián đoạn cung ứng giữa 2 gói thầu hoặc trường hợp người bệnh đến cao hơn thực tế, hoặc có bệnh phát sinh không nằm trong danh mục thuốc thì việc chi trả cho người bệnh bảo hiểm y tế có thuốc điều trị là sát thực tiễn, phù hợp với chi trả của bảo hiểm xã hội.

Thời gian qua, tình trạng thiếu thuốc, vật tư xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Nghệ An. Theo quy định, người dân khám, chữa bệnh nội trú và ngoại trú nhận thuốc tại nhà thuốc bệnh viện và cơ sở y tế công lập. Tuy nhiên, nhiều trường hợp được kê đơn và chỉ định thuốc, vật tư nhưng cơ sở y tế không có nguồn cung, người bệnh phải bỏ tiền túi mua ở ngoài. Tình trạng này đã gây thiệt thòi lớn cho người bệnh tham gia bảo hiểm y tế... Như vậy, Thông tư số 22/2024/TT-BYT chính là giải pháp mà Bộ Y tế bảo đảm cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế không thiệt thòi khi thiếu thuốc điều trị trong khi khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế công lập.

Thông tư số 22/2024/TT-BYT ra đời đã nhận được sự đồng tình của nhiều người bệnh tham gia bảo hiểm y tế. Bà N.T.L, (70 tuổi), ở thành phố Vinh cho biết: “Bản thân tôi và người nhà vẫn thường đi khám, điều trị ở các bệnh viện. Nhiều khi tôi và người nhà vẫn phải ra ngoài mua thuốc, dịch truyền, chỉ khâu... do bệnh viện không có sẵn. Tôi biết quyền lợi của mình bị ảnh hưởng nhưng cũng đành phải chấp nhận. Nay Bộ Y tế ban hành thông tư mới đưa ra 5 điều kiện để người bệnh bảo hiểm y tế tự mua thuốc ngoài trong quá trình điều trị được thanh toán. Quyền lợi của người bệnh được tăng lên, tôi thấy là rất tốt”.

Theo quy định của Thông tư số 22/2024/TT-BYT thì người bệnh hoặc người đại diện hợp pháp của người bệnh chịu trách nhiệm về tính pháp lý, đầy đủ đối với hồ sơ đề nghị thanh toán trực tiếp. Với quy định này, nhiều người bệnh tham gia bảo hiểm y tế vẫn băn khoăn về quy trình thực hiện để được thanh toán.

Phải có những hướng dẫn cụ thể để thực hiện, tránh tình trạng hóa đơn của quầy dược, nhà thuốc ngoài công lập không được công nhận. Đến lúc đó, người bệnh lại phải mất thời gian, chạy đi, chạy lại hoàn thiện thủ tục, hồ sơ. Ngoài ra, cơ quan quản lý Nhà nước phải có giải pháp nhằm bảo đảm không có tình trạng lạm dụng, trục lợi trong việc kê đơn chỉ định người bệnh tự mua thuốc, thiết bị y tế

Anh T.C, 39 tuổi, ở huyện Nam Đàn

Thông tin từ Sở Y tế Nghệ An: Để thực hiện được Thông tư số 22/2024/TT-BYT, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần sớm có sự thống nhất và hướng dẫn cho Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, các cơ sở y tế có hợp đồng với cơ quan Bảo hiểm xã hội. Sở Y tế Nghệ An đang chờ hướng dẫn này để nghiên cứu triển khai. Hiện có những vấn đề còn nhiều băn khoăn, như việc giá thuốc, vật tư của người bệnh bảo hiểm y tế mua ngoài thì luôn cao hơn giá trúng thầu của cơ sở y tế; bác sĩ kê đơn liều lượng như thế nào để người bệnh đi mua; rất nhiều thủ tục hành chính cần phải triển khai trong quá trình thanh toán...

Trước khi triển khai thông tư, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam nên thực hiện thí điểm đối với một số mặt hàng thuốc, vật tư, trang thiết bị tại một vài cơ sở y tế để tránh những vướng mắc về sau.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Lê - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An

Mới nhất
x
Cần sớm có hướng dẫn cụ thể đảm bảo quyền lợi bệnh nhân khi bệnh viện thiếu thuốc, thiết bị thuộc danh mục BHYT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO