Kinh tế

Cần sự vào cuộc đồng bộ trong thu gom, xử lý rác thải bảo vệ thực vật

Phú Hương (thực hiện) 27/11/2024 17:16

Báo Nghệ An phỏng vấn ông Nguyễn Tiến Đức - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh về phương hướng và những giải pháp triển khai thời gian tới trong vấn đề thu gom, xử lý rác thải bảo vệ thực vật.

P.V: Rác thải bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau khi sử dụng ngoài đồng ruộng được coi là loại rác thải nguy hiểm đối với môi trường cũng như sức khỏe con người. Ông có thể chia sẻ thực trạng về nguồn rác thải này trên địa bàn tỉnh Nghệ An?
Ông Nguyễn Tiến Đức:
Mặc dù những năm qua, nằm trong xu thế chung, nền nông nghiệp đã có nhiều biến chuyển theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung, tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng cơ bản vẫn đang manh mún, nhỏ lẻ và truyền thống. Trong điều kiện sản xuất đó, việc sử dụng thuốc BVTV là không thể tránh khỏi nếu muốn có năng suất.

Điều đáng nói, vẫn còn khá phổ biến tình trạng sử dụng thuốc tràn lan, theo kinh nghiệm và “phong trào”, thấy hàng xóm phun là mình cũng phun, cứ thấy có sâu bệnh là phun mặc dù chưa đến ngưỡng phòng trừ; tình trạng phối trộn, tăng liều lượng để mong đạt hiệu quả nhanh không hề hiếm gặp.

Thực trạng đó dẫn đến lượng thuốc BVTV được sử dụng trên địa bàn tỉnh ta là rất lớn, lượng bao bì, vỏ chai thuốc BVTV thải ra nhiều. Trong khi lượng rác thải nguy hiểm này chủ yếu được làm bằng nilon và chai nhựa, rất khó phân hủy, có thể tồn tại hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm trong điều kiện tự nhiên.

Mỗi năm, Nghệ An sử dụng từ 500 - 700 tấn thuốc bảo vệ thực vật, và tương ứng với đó là có khoảng 50 - 70 tấn bao bì, vỏ chai thuốc được thải ra đồng ruộng. Theo ước tính, chỉ có hơn 40% lượng thuốc sau khi phun tiếp xúc trực tiếp với sâu bệnh hại và phát huy tác dụng, hơn 50% lượng thuốc còn lại bay vào không khí, tồn dư trong bao bì và bị rửa trôi theo nguồn nước chảy vào kênh mương, ao, hồ khi được vứt bừa bãi trên bờ ruộng, dưới mương nước, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.

 rác thải. Ảnh- Phú Hương
Bao bì thuốc BVTV sau sử dụng được vứt bừa bãi trên bờ ruộng, mương nước tại huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Phú Hương

P.V: Từ năm 2017 đến nay, Nghệ An đã triển khai Phương án “Xây dựng hệ thống bể thu gom xử lý bao bì, vỏ chai thuốc Bảo vệ thực vật sau khi sử dụng ngoài đồng ruộng, tuyên truyền cho người dân về tác hại của tồn dư thuốc bảo vệ thực vật tới con người và cộng đồng”. Từ đó, đã góp phần xử lý loại rác thải này trên địa bàn như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Đức:
Chương trình được thực hiện trước hết tại các huyện trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh và có nhu cầu xây dựng hệ thống bể chứa. Sau địa phương đầu tiên thực hiện chương trình là huyện Yên Thành, đến nay ngoài nỗ lực của các địa phương, tỉnh ta đã hỗ trợ ngân sách xây dựng hệ thống bể chứa tại các huyện Đô Lương, Thanh Chương, Diễn Châu, Quỳnh Lưu…
Nhìn chung, mặc dù chưa khép kín hệ thống bể chứa theo đúng quy định, vẫn còn tồn tại một số vấn đề bất cập trong quá trình thu gom, nhất là xử lý rác thải sau thu gom, nhưng từ chương trình, đến nay tại những địa phương đã được hỗ trợ thực hiện, việc thu gom, tập trung rác thải BVTV đã chuyển biến rất tích cực.

Thực tế đó cho thấy, nếu chúng ta đầu tư xây dựng được hệ thống bể chứa đáp ứng quy định cả về số lượng, quy cách và chất lượng, thì sẽ góp phần rất quan trọng khắc phục tình trạng rác thải BVTV được vứt bừa bãi trên đồng ruộng, bảo vệ môi trường đất, nước.
Tuy nhiên, với diện tích gần 154.000 ha đất sản xuất lúa, rau màu và cây ngắn ngày có thể đặt bể thu gom bao bì, vỏ chai thuốc BVTV sau khi sử dụng; thì Nghệ An phải xây dựng được 51.330 bể mới đảm bảo yêu cầu theo quy định. Với số lượng bể hiện tại, mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu, toàn tỉnh vẫn còn thiếu hơn 33.000 bể chứa. Đặc biệt, một số địa phương xây dựng được rất ít bể chứa thậm chí một số địa phương hầu như chưa có như: Tương Dương, Kỳ Sơn…
Cùng với đó, vấn đề xử lý rác thải bao bì, vỏ chai thuốc BVTV cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Hiện nay do kinh phí khó khăn nên mỗi năm chúng tôi chỉ mới thu gom, xử lý theo quy trình an toàn khoảng 2,5 tấn rác thải thuốc bảo vệ thực vật, chiếm khoảng 3,6% lượng bao bì. Tại hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh, việc thu gom, xử lý loại rác thải nguy hiểm này theo đúng quy định có thể nói là chưa đáng kể. Đòi hỏi tỉnh và các cấp ngành, địa phương cân đối, bố trí nguồn kinh phí để thu gom, tiêu hủy đúng quy định.

 ơhun. Ảnh; Phú Hương
Mỗi năm, Nghệ An sử dụng từ 500 - 700 tấn thuốc BVTV, và tương ứng với đó là có khoảng 50 - 70 tấn bao bì, vỏ chai thuốc được thải ra đồng ruộng. Ảnh: Phú Hương

P.V: Trước thực trạng đó, xin ông cho biết về định hướng thời gian tới và những giải pháp cần đặc biệt triển khai?
Ông Nguyễn Tiến Đức:
Để có thể phủ kín hệ thống bể chứa, nâng cao ý thức người dân, người sản xuất về vấn đề thu gom, xử lý rác thải BVTV, những năm tới Phương án “Xây dựng hệ thống bể thu gom xử lý bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng ngoài đồng ruộng, tuyên truyền cho người dân về tác hại của tồn dư thuốc bảo vệ thực vật tới con người và cộng đồng” sẽ tiếp tục được triển khai, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng trước ở những vùng có diện tích đất sản xuất nông nghiệp tập trung, sử dụng lượng thuốc bảo vệ thực vật lớn. Cùng với đó, công tác tuyên truyền về vấn đề thu gom, xử lý rác thải BVTV sẽ tiếp tục được đẩy mạnh đến tận người dân.
Tuy nhiên, để có thể đáp ứng yêu cầu thực tế, rất cần sự vào cuộc đồng bộ, đồng lòng. Cùng với hỗ trợ của tỉnh, các địa phương cũng phải phát huy nội lực, huy động sự đóng góp của cộng đồng cùng chung tay góp sức xây dựng bể chứa; đồng thời có biện pháp quản lý, nâng cao hiệu quả công tác thu gom và xử lý rác thải. Đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn trong công tác quản lý bao bì thuốc BVTV để nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ cấp huyện, xã; trưởng các thôn, xóm, đoàn thể, những người làm công tác thu gom bao bì thuốc BVTV và người dân trong vấn đề này; hạn chế tình trạng vứt bừa bãi rác thải, bao bì thuốc BVTV, dần đưa hoạt động thu gom, xử lý rác thải thuốc BVTV đi vào quy củ, chuyên nghiệp.

Sau 8 năm thực hiện Phương án “Xây dựng hệ thống bể thu gom xử lý bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng ngoài đồng ruộng, tuyên truyền cho người dân về tác hại của tồn dư thuốc bảo vệ thực vật tới con người và cộng đồng”, Nghệ An đã xây dựng được hệ thống bể chứa tại một số vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm; nâng cao ý thức người dân trong vấn đề này. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Mới nhất
x
Cần sự vào cuộc đồng bộ trong thu gom, xử lý rác thải bảo vệ thực vật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO