Căng thẳng trận quyết đấu đầu tiên

27/09/2016 06:49

(Baonghean) - Theo kế hoạch, 8h00 sáng nay, 27/9 giờ Việt Nam (tức 21h00 tối ngày 26/9 theo giờ Mỹ), cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ là cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và tỷ phú Donald Trump diễn ra tại New York, Mỹ.

Cuộc tranh luận đánh dấu lần đầu tiên hai ứng viên hàng đầu chạm trán trực tiếp và cũng là “vòng đấu” đặc biệt quan trọng để hai đối thủ có thể lấy thêm điểm của cử tri, trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ đang vô cùng sít sao.

Cuộc tranh luận trực tiếp diễn ra hôm nay (27/9) theo giờ Việt Nam giữa hai ứng viên Tổng thống là cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và tỷ phú Donald Trump, đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và cử tri Mỹ. Ảnh: CNN.
Cuộc tranh luận trực tiếp diễn ra hôm nay (27/9) theo giờ Việt Nam giữa hai ứng viên Tổng thống là cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và tỷ phú Donald Trump, đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và cử tri Mỹ. Ảnh: CNN.

Tranh luận - đặc trưng bầu cử Mỹ

Tranh luận trực tiếp trên truyền hình vốn là một “đặc sản” không đụng hàng của các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ kể từ năm 1960. Đây được đánh giá là sàn diễn công khai và minh bạch nhất để các ứng cử viên Tổng thống có thể bộc lộ tất cả những ưu điểm và cam kết tranh cử của mình. Thế nhưng ngược lại, đây cũng sẽ là con dao hai lưỡi với ứng viên nào không biết khéo léo che giấu những nhược điểm của bản thân.

Nếu như trong suốt quãng thời gian vận động tranh cử, các ứng viên là tỷ phú Donald Trump và cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đều đã có nhiều bài phát biểu riêng rẽ để vận động tranh cử, thế nhưng đây là lần đầu tiên hai người “chạm trán” trực tiếp với nhau. Những lời chỉ trích, công kích sẽ không còn phải đi đường vòng qua các phương tiện truyền thông để đến tai đối thủ, mà sẽ là “mặt đối mặt” gần như không có khoảng cách.

Bởi thế mới nói, vòng tranh luận này là thước đo chính xác nhất có thể làm thay đổi hoàn toàn cục diện cuộc chạy đua vào Nhà trắng nếu ứng viên nào có một bài tranh luận yếu ớt. Cũng vì thế, cuộc tranh luận luôn trở thành tâm điểm của dư luận không chỉ tại Mỹ mà còn với người quan tâm trên toàn cầu.

Khung giờ vàng 21h00 (theo giờ Mỹ) của hầu hết các kênh tuyền hình lớn của Mỹ như CNN, ABC, NBC, Fox, CBS… sẽ được dành để phát sóng cuộc đấu tay đôi giữa hai ứng viên diễn ra tại Đại học Hofstra ở thành phố New York. Reuters dự báo số người xem cuộc tranh luận trực tiếp qua truyền hình này sẽ vượt mức kỷ lục 80 triệu người trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ từ trước tới nay.

Theo một cuộc thăm dò dư luận mới đây, gần 80% cử tri Mỹ cho biết sẽ theo dõi cuộc tranh luận này. Cũng bởi, nội dung “cuộc đấu khẩu” đầu tiên của hai ứng viên sẽ tập trung vào các chủ đề mà cử tri đặc biệt quan tâm, đó là: Hướng đi tương lai của nước Mỹ; Làm thế nào đạt thịnh vượng và Đảm bảo an ninh cho đất nước”.

Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ sít sao giữa hai ứng viên sáng giá nhất. Ảnh: NBC News.
Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ sít sao giữa hai ứng viên sáng giá nhất. Ảnh: NBC News.

Đối thủ “ngang cơ”

Theo giới quan sát, hai ứng viên sáng giá nhất hiện đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng và vẫn đang ở thế cân bằng trong tỷ lệ ủng hộ. Theo kết quả thăm dò mới đây của Washington Post và ABC News, tỷ lệ ủng hộ hai ứng viên Hillary và Trump chỉ chênh lệch 2% với con số lần lượt là 46% và 44%.

Về đặc điểm cá nhân, dư luận chắc hẳn rất quan tâm và tò mò đón xem màn tranh tài của hai nhân vật được xem là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử bầu cử nước Mỹ. Theo đó, một bên là vị “tỷ phú bạo miệng” có nhiều phát ngôn gây sốc còn bên kia là nữ cựu ngoại trưởng dày dạn kinh nghiệm chính trường - cũng là người phụ nữ đầu tiên đại diện cho một chính đảng đứng ra tranh cử trong một cuộc bầu chọn Tổng thống Mỹ.

Tuy nhiên với bà Clinton, kinh nghiệm chính trường có thể lại không là lợi thế trước một ngôi sao truyền hình như tỷ phú Donald Trump. Trong khi đó, bà lại bị đánh giá là thiếu tính thuyết phục và lôi kéo người xem. Còn tỷ phú Trump lại có những “nước cờ” bù đắp cho kinh nghiệm chính trường ít ỏi của mình khi mời Trung tướng về hưu Mike Flynn hỗ trợ. Không chỉ vậy, vấn đề sức khỏe chắc chắn cũng sẽ là lợi thế đối với tỷ phú Trump lúc này.

Bên cạnh đó, yếu tố bất ngờ - đặc sản của tỷ phú Donald Trump được dự báo sẽ được bung ra vào phút cuối. Với nhiều lý do như vậy, một số ý kiến cho rằng, người đang chịu áp lực vào tối 26/9 là bà Clinton chứ không phải ông Trump.

Ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump tự tin với các vấn đề kinh tế và chống khủng bố. Ảnh: Getty.
Ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump tự tin với các vấn đề kinh tế và chống khủng bố. Ảnh: Getty.

Thế nhưng không phải vậy mà bà Clinton lại không duy trì và khẳng định được những lợi thế mình đang có. Đó là sự rõ ràng và chi tiết trong mọi vấn đề. Đây sẽ là điểm mạnh khi bà phải trả lời bất cứ câu hỏi nào về các đường hướng của nước Mỹ, chứ không vĩ mô và có phần “sáo” của đối thủ bên đảng Cộng hòa.

Bên cạnh đó, tỷ phú Donald Trump thường gây ấn tượng với những câu phát ngôn gây sốc, nhưng những gì phải thể hiện trong suốt 90 phút trực tiếp trên sóng truyền hình lại không đơn giản như vậy. Liệu ông sẽ lấp đầy một nửa thời lượng ấy như thế nào, với nội dung gì để không khiến cử tri thấy rằng, ông đang bông đùa hay giễu cợt một ai đó. Bởi thế có thể nói, điểm mạnh và điểm yếu của hai ứng viên đều đang ở thế cân bằng nhau.

Khác biệt tranh cử

Không chỉ bất phân thắng bại về đặc điểm và phong cách cá nhân, bà Clinton và ông Trump còn ganh đua quyết liệt trong cam kết và cương lĩnh tranh cử. Trong khi ông Trump dẫn điểm trong các vấn đề kinh tế và chống khủng bố, thì bà Hillary lại giành lợi thế trong các vấn đề đối ngoại, nhập cư và an sinh xã hội. Trong từng vấn đề của nước Mỹ, cả hai ứng viên lại có những cam kết và cách tiếp cận rất khác nhau.

Như trong vấn đề lương tối thiểu, trong khi bà Clinton ủng hộ việc tăng lương tối thiểu thì ông Trump lại muốn các bang tự quyết định con số cụ thể. Hay về vấn đề quyền hành pháp, tỷ phú Trump khẳng định sẽ không lặp lại những hành động “vi hiến” của Tổng thống Obama còn bà Clinton lại bày tỏ quan điểm ủng hộ tổng thống đương nhiệm.

Ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton có thế mạnh về kinh nghiệm chính trường và có sự ủng hộ tuyệt đối của đương kim Tổng thống Barack Obam. Ảnh: Reuters.
Ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton có thế mạnh về kinh nghiệm chính trường và có sự ủng hộ tuyệt đối của đương kim Tổng thống Barack Obam. Ảnh: Reuters.

Về vấn đề người tị nạn và nhập cư, trong khi ông Trump phản đối việc tiếp nhận người di cư từ Syria thì bà Clinton cam kết sẽ mở rộng chương trình tị nạn và cho phép khoảng 65.000 người di cư đến Mỹ. Một điểm đáng chú ý trong lĩnh vực thương mại, đó là cả hai ứng viên đều tuyên bố sẽ quay lưng với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), khiến dư luận hoang mang.

Ngang cơ trong nhiều vấn đề nhưng lại không thực sự bứt phá, những yếu tố này đang tạo ra cuộc so găng bất phân thắng bại hàng đầu trong lịch sử bầu cử Tổng thống Mỹ giữa cựu ngoại trưởng Mỹ Clinton và tỷ phú Donald Trump. Nhưng đây cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ cử tri Mỹ còn đang lưỡng lự chưa biết bầu cho ai lên tới 20%.

Vào lúc này, đơn giản, thuyết phục nhưng đáng nhớ và đáng tin cậy sẽ là những gì cử tri Mỹ đang cần. Sau cuộc tranh luận đầu tiên này, dư luận sẽ chờ đợi sự thể hiện của hai ứng viên trong 2 cuộc chạm trán tiếp theo vào ngày 9 và 19/10 tới. Ai sẽ lấy thêm điểm được cử tri, đây đang là ẩn số mà bất cứ người dân Mỹ nào cũng muốn biết ngay lúc này!

Phương Hoa

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Căng thẳng trận quyết đấu đầu tiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO