Cảnh báo 50 tay súng IS đã đi thuyền tới đảo Sicily của Italy

Thái Bình 01/02/2018 07:54

(Baonghean.vn) -Tổng thống Trump đọc Thông điệp liên bang đầu tiên; Interpol cảnh báo 50 tay súng IS đã đi thuyền tới đảo Sicily của Italy; . Ấn Độ mở căn cứ hải ngoại, quyết không theo sau Trung Quốc;... là những tin tức quốc tế nổi bật 24h qua.

1. Tổng thống Trump đọc Thông điệp liên bang đầu tiên

Quang cảnh nơi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát Thông điệp Liên bang ngày 30/1. Ảnh: AFP.
Quang cảnh nơi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát Thông điệp Liên bang ngày 30/1. Ảnh: AFP.

Sáng 31/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump có bài phát biểu Thông điệp liên bang đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 1 năm ngoái.

Mở đầu bài phát biểu, Tổng thống Trump nhấn mạnh năm 2017 là một năm "thành công rực rỡ" với "bước tiến đáng kể" của nước Mỹ. Ông dành lời khen ngợi cho những người hùng của hải quân đã cứu giúp các nạn nhân vùng lũ hay những người lạ sẵn sàng làm lá chắn cho người khác trong vụ xả súng ở Las Vegas.

Qua đó, người đứng đầu Nhà Trắng gửi gắm thông điệp: "Hỡi những người dân ở Texas, Florida, Louisiana, Puerto Rico, quần đảo Virgin, California vẫn đang phải khắc phục hậu quả của thiên tai, và người dân trên khắp nước Mỹ, chúng tôi sẽ luôn ở bên các bạn, chúng tôi yêu mến các bạn và chúng toi sẽ cùng nhau vượt qua thử thách. Sẽ luôn như vậy".

2. Interpol cảnh báo 50 tay súng IS đã đi thuyền tới đảo Sicily của Italy

Cảnh sát Italy làm nhiệm vụ tại Taormina, đảo Sicily. Nguồn: AFP/TTXVN
Cảnh sát Italy làm nhiệm vụ tại Taormina, đảo Sicily. Nguồn: AFP/TTXVN

Ngày 31/1, Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) cho biết có 50 đối tượng tình nghi là các tay súng thuộc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã đến đảo Sicily của Italy bằng thuyền trong khoảng thời gian từ tháng 7-10/2017.

Interpol đã chuyển danh sách các đối tượng nêu trên, gồm đầy đủ tên họ và ngày sinh, cho Bộ Nội vụ Italy vào cuối tháng 11 năm ngoái cũng như các cơ quan chống khủng bố khác ở khắp châu Âu.

Theo Interpol, tất cả các đối tượng này đều mang quốc tịch Tunisia và chúng cũng có thể tới Italy để sau đó tìm cách xâm nhập các nước châu Âu khác.
Số liệu của Bộ Nội vụ Italy cho thấy có trên 5.500 người Tunisia đã đến Italy trong năm 2017. Trong số này, Italy đã cho hồi hương gần 2.200 người.

3. Ấn Độ mở căn cứ hải ngoại, quyết không theo sau Trung Quốc

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Kochi thuộc lớp Kolkata của hải quân Ấn Độ.  Ảnh: PB
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Kochi thuộc lớp Kolkata của hải quân Ấn Độ. Ảnh: PB

Chính quyền New Delhi ngày 31/1 thông báo đã đạt được thỏa thuận 20 năm về việc xây dựng và sử dụng căn cứ quân sự trên đảo quốc Seychelles thuộc Ấn Độ Dương.

Động thái này diễn ra sau khi Trung Quốc đưa vào sử dụng căn cứ hải ngoại đầu tiên của nước này ở Djibouti hồi năm ngoái.

Bất chấp các khẳng định của Bắc Kinh nói đây chỉ là căn cứ hậu cần, giới phân tích đã chỉ ra đó là một căn cứ quân sự thực thụ và nằm trong tham vọng kiểm soát các tuyến đường biển bận rộn bậc nhất thế giới đi qua khu vực này.

4. Quan chức Nga phản ứng dữ dội với “Báo cáo Kremlin” của Mỹ

Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Reuters

Giới chức Nga đã có những phản ứng gay gắt về cái gọi là “Báo cáo Kremlin” do Bộ Tài chính Mỹ công bố một ngày trước đó.

“Báo cáo Kremlin” bao gồm danh sách những cá nhân có thể bị áp dụng biện pháp trừng phạt mới của Washington vừa được đệ trình ra Quốc hội Mỹ trong khuôn khổ "Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận” (CAATSA).

Phía Nga cho rằng bản danh sách đã vi phạm trắng trợn những nguyên tắc quan hệ song phương và khiến cho việc hợp tác thêm giữa Mỹ và Nga là bất khả thi. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, việc Mỹ công bố "Báo cáo Kremlin" là một "hành động không thân thiện", song nhấn mạnh rằng Nga hiện chưa trả đũa.

5. Thủ tướng Anh tới Trung Quốc bàn về thương mại song phương

Thủ tướng Anh Theresa May tới Trung Quốc. Nguồn: AFP
Thủ tướng Anh Theresa May tới Trung Quốc. Nguồn: AFP

Thủ tướng Anh Theresa May ngày 31/1 đã tới Trung Quốc để thảo luận về những dàn xếp thương mại mới khi Anh đã rời khỏi Liên minh châu Âu.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, bà May đã thăm trung tâm công nghiệp Vũ Hán, trước khi tới thủ đô Bắc Kinh để tham dự các cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Lý Khắc Cường và Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Bà cũng sẽ thăm trung tâm tài chính Thượng Hải, trước khi trở về nước vào ngày 2/2.

Với 50 lãnh đạo doanh nghiệp trong phái đoàn lần này, Thủ tướng Anh May muốn phát huy "giai đoạn vàng son" giữa hai nước như tuyên bố của Chủ tịch Tập trong chuyến công du cấp nhà nước tới Anh vào năm 2015.

6. Sri Lanka lập tòa án điều tra tham nhũng thời cựu Tổng thống Rajapakse

Cựu Tổng thống Mahinda Rajapakse. Nguồn: AFP/TTXVN
Cựu Tổng thống Mahinda Rajapakse. Nguồn: AFP/TTXVN

Chính phủ Sri Lanka cho biết sẽ thành lập tòa án đặc biệt để điều tra bê bối tham nhũng hàng tỷ USD dưới thời cựu Tổng thống Mahinda Rajapakse (nhiệm kỳ 2005-2015).

Theo một thông báo ngày 31/1 của Chính phủ Sri Lanka, một tòa án đặc biệt với 3 thẩm phán sẽ được thành lập để điều tra các vụ hối lộ và tham nhũng mà hiện nay đang vướng mắc tại các tòa án cấp dưới. Tòa án đặc biệt này sẽ bắt đầu hoạt động từ giữa năm nay.

7. Liban và Israel căng thẳng vì tranh chấp dầu khí ngoài khơi

Tổng thống Liban Michel Aoun. Nguồn: AFP
Tổng thống Liban Michel Aoun. Nguồn: AFP

Ngày 31/1, Tổng thống Liban Michel Aoun cho rằng việc Israel hối thúc các công ty không tham gia đấu thầu một dự án năng lượng ngoài khơi Liban là mối đe dọa đối với nước này.

Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman đã mô tả quá trình cấp phép dự án về khí đốt và dầu mỏ ngoài khơi Liban là "rất khiêu khích" đồng thời kêu gọi các tập đoàn quốc tế không dự thầu.

Trên mạng xã hội Twitter, ông Aoun viết: "Ngôn từ của ông Lieberman về Lô số 9 là mối đe dọa đối với Liban và chủ quyền (của Liban) tại các vùng lãnh hải của mình."

Theo Tổng hợp
Copy Link

Mới nhất

x
Cảnh báo 50 tay súng IS đã đi thuyền tới đảo Sicily của Italy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO