Pháp luật

Cảnh báo lừa đảo các hoạt động trải nghiệm hè

Gia Huy 13/05/2025 08:55

Nắm bắt phụ huynh có nhu cầu cho con em tham gia các hoạt động trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống vào dịp hè, các đối tượng lừa đảo lập nhiều tài khoản và Fanpage chạy quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội về các “trại hè kỹ năng”, “khóa học trải nghiệm”, lớp “học kỳ quân đội”… Chúng đồng thời tung ra nhiều lời mời gọi hấp dẫn để dụ phụ huynh “sập bẫy”, hòng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Chiêu thức lừa đảo tinh vi

Mới đây, Bộ Công an đã khuyến cáo người dân về tình trạng tội phạm tạo lập các Website, Facebook giả mạo trường đại học, trung tâm đào tạo, quảng cáo khóa huấn luyện, học kỳ/trại hè quân đội, công an... cho trẻ em nhằm tiếp cận phụ huynh có nhu cầu và dụ dỗ nộp tiền tham gia để chiếm đoạt tài sản.

0ef0a8708fc63d9864d7.jpg
Tin nhắn cảnh báo của Bộ Công an. Ảnh chụp màn hình

Khi phụ huynh chạm vào bài quảng cáo, lập tức nhận được các tin nhắn tự động giới thiệu về khóa học cùng hàng loạt lời mời gọi hấp dẫn: "Ưu đãi 50%", "Miễn phí 2 tuần đầu", hay "Học bổng đặc biệt cho 100 phụ huynh đầu tiên"; “Đăng ký sớm giá ưu đãi, nếu chờ đến đúng dịp nghỉ hè thì học phí sẽ cao gấp đôi”… khiến phụ huynh dễ tin tưởng và nhanh chóng đăng ký thông tin cá nhân – đó chính là cái bẫy đầu tiên mở ra một kịch bản lừa đảo tinh vi.

Tại Nghệ An, theo thông tin từ Phòng Cảnh sát hình sự, thời gian gần đây, lực lượng chức năng cũng phát hiện thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng nhắm vào phụ huynh có nhu cầu cho con tham gia các cuộc thi, khóa học hè, các hoạt động trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống, rèn luyện thể dục thể thao. Các đối tượng lập ra các trang Fanpage như "Mùa hè quân đội", "Khóa tu mùa hè", "Khóa học cờ vua", "Khóa rèn luyện marathon", "Cuộc thi tài năng nhí"… để thu hút sự chú ý của nạn nhân.

Khi đăng ký tham gia, các phụ huynh sẽ được hướng dẫn thực hiện "nhiệm vụ" hay tham gia "khảo sát" với hứa hẹn hoàn trả tiền cùng hoa hồng.

2331fc563ce08ebed7f1.jpg
Điều tra viên lấy lời khai của một phụ huynh bị lừa đảo thông qua chương trình Học kỳ quân đội trên mạng xã hội. Ảnh: HĐ

Cụ thể, họ sẽ được mời vào nhóm Telegram, để tham gia “làm nhiệm vụ tăng tương tác cho nhãn hàng tài trợ”. Nhóm có sẵn một số thành viên, trong đó chỉ duy nhất phụ huynh là người thật, còn lại đều là đội ngũ lừa đảo “chim mồi” đóng giả các vai: chủ nhiệm, thư ký, phụ huynh khác... "Nhiệm vụ" là đánh giá, thả tim cho nhãn hàng, kèm theo việc nạp và rút tiền nhỏ ban đầu (ví dụ: nạp 300 nghìn, rút được 310 nghìn).

Khi đã tạo được niềm tin, số tiền “nhiệm vụ” tăng dần, cho đến lúc không thể rút được, bị yêu cầu nạp thêm để “mở khóa”. Nếu phụ huynh tỏ ra nghi ngờ, sẽ có “phụ huynh khác” (thật ra là lừa đảo) nhắn tin riêng, động viên tiếp tục làm nhiệm vụ.

Khi nạn nhân không còn khả năng vay tiền nữa thì mới tỉnh ra, nhưng lúc đó tiền đã mất, không thể lấy lại.

Điển hình là trường hợp của một phụ nữ 38 tuổi, trú tại TP. Vinh đã đến trình báo về việc mình bị lừa đảo. Cụ thể chị T. (tên nhân vật đã được thay đổi) tình cờ thấy Fanpage "Mùa hè quân ngũ" với 3.300 lượt theo dõi có quảng bá về chương trình Học kỳ quân đội nên vào tham khảo. Sau đó, phụ huynh này được hướng dẫn đăng ký qua Fanpage và được người xưng là tư vấn viên cung cấp thông tin về các khóa học kỳ quân đội, các quyền lợi kèm theo.

Tiếp đó, chị được hướng dẫn đăng ký Telegram để nhận thông tin về khóa học. Theo thông tin người tư vấn cung cấp, vì chị T. đăng ký tham gia vào thời điểm đang được tài trợ nên không mất chi phí. Nếu đăng ký sau tháng 5, chi phí tham gia học kỳ quân đội của đơn vị này tổ chức sẽ là 3,2 triệu đồng. Tuy nhiên, theo tư vấn viên vì có nhãn hàng tài trợ nên các ứng viên tham gia chương trình Học kỳ quân đội phải tăng tương tác cho nhãn hàng bằng cách mua hàng để quảng bá cho nhãn hàng, tiền mua hàng sẽ được hoàn trả, ngoài ra sẽ được cộng thêm 10% hoa hồng cho mỗi lần mua.

Sau đó chị T. được đưa vào một nhóm Telegram có 10 thành viên, trong đó có 6 phụ huynh giống chị. Theo hướng dẫn, nhóm các phụ huynh phải thực hiện 5 nhiệm vụ mua hàng tăng tương tác cho nhà tài trợ. Các phụ huynh được hướng dẫn vào một liên kết đăng ký tài khoản chuyên dụng của hệ thống để mua hàng. Nhiệm vụ đầu tiên, các thành viên mua món hàng trị giá 560.000 đồng. Sau khi hoàn tất, khoảng 3-5 phút sau, chị T nhận về tài khoản 616.000 đồng, bao gồm tiền gốc và 10% hoa hồng.

Nhiệm vụ thứ 2, thứ 3, giá trị các món hàng tăng lên, chị T đều nhận lại được tiền gốc và hoa hồng như nhiệm vụ đầu tiên. Đến nhiệm vụ thứ 4, tư vấn viên yêu cầu các thành viên phải thực hiện 2 đơn hàng liên tiếp, trong đó có 1 đơn hàng gồm 2 sản phẩm trị giá 50 và 98 triệu đồng cùng "đơn hàng tất toán" hơn 285 triệu đồng.

Các thành viên chuyển tiền mua từng món hàng theo thứ tự, chụp ảnh kèm hóa đơn, gửi lần lượt. Chị T. nạp tiền thực hiện 2 đơn hàng nhưng do đọc không kỹ hướng dẫn nên chỉ chuyển ảnh và nội dung 1 đơn hàng. Sau đó, chị T được yêu cầu thao tác lại từ đầu, gửi đúng, đủ ảnh và nội dung thì mới được hoàn trả tiền. Trong vòng 10 phút không hoàn thành, tài khoản sẽ bị đóng băng.

1f2b3ea3fe154c4b1504.jpg
Một Fanpage quảng bá chương trình Học kỳ quân đội "tài trợ chi phí" kèm học bổng tiếng Anh và bảo hiểm (Ảnh chụp màn hình).

Lo sợ, chị T. phải vay mượn để tiếp tục thực hiện "nhiệm vụ". Lúc này, trong nhóm có 3 người thông báo hoàn thành, đã nhận lại được tiền và hoa hồng, còn chị T. và một phụ huynh khác do thao tác sai thứ tự nên không được tính hoàn thành và được yêu cầu thực hiện thêm nhiệm vụ mua đơn hàng 317 triệu đồng để "bù", đồng thời khi hoàn thành sẽ được hoàn trả tiền của 2 đơn hàng trước đó.

Tuy nhiên, thời điểm này chị T. đã không thể xoay đủ tiền để thực hiện tiếp nhiệm vụ, chị năn nỉ xin lại tiền nhưng không có kết quả. Sau đó, nhóm Telegram bị xóa, tài khoản của 2 tư vấn cũng không thể liên hệ được. Lúc này, chị T. mới tá hỏa khi biết mình vừa mất một khoản tiền lớn ( gần 1 tỷ đồng) cho bọn lừa đảo.

Nâng cao cảnh giác

Thực tế thủ đoạn lợi dụng mạng xã hội hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản dưới hình thức giới thiệu, tư vấn cho phụ huynh đăng ký cho con em mình tham gia các khoá học, hoạt động trải nghiệm, rèn luyện không phải là chiêu trò mới, năm 2024, Công an Nghệ An cũng đã có Văn bản số 1622/CAT-PC02 về phòng ngừa tội phạm lừa đảo trên không gian mạng bằng hình thức giả mạo các khóa học hè.

9f4115adb71b05455c0a.jpg
Lễ xuất quân chương trình Học kỳ quân đội năm 2024 do Tỉnh đoàn Nghệ An- Sở Giáo dục và Đào tạo- Trường Quân sự Quân Khu 4 tổ chức năm 2024. Ảnh tư liệu: Thanh Quỳnh

Trong đó, đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An thông báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm đến 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh; yêu cầu Ban giám hiệu các trường tiểu học tiến hành tuyên truyền, phổ biến phương thức, thủ đoạn của tội phạm đến phụ huynh, học sinh để nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa.

Tiến hành rà soát, thông báo cho phụ huynh các cơ sở, đơn vị tổ chức các khóa học tập, rèn luyện mùa hè có uy tín, địa chỉ rõ ràng trên từng địa bàn để tìm hiểu, đăng ký; hạn chế việc phụ huynh, học sinh đăng ký các khoá học tại cơ sở giáo dục trên không gian mạng không có địa chỉ rõ ràng để phòng ngừa bị lừa đảo.

f049112ed19863c63a89.jpg
Một trang Fanpage về chương trình trại hè quân đội nhí được Công an Hà Nội khuyến cáo phụ huynh nguy cơ lừa đảo (Ảnh: CAHN).

Để phòng ngừa việc người dân bị lừa đảo với các thủ đoạn tương tự trong dịp hè 2025, ngành chức năng khuyến cáo các phụ huynh có nhu cầu cho con em tham gia các khóa hè, trại hè, các chương trình trình trải nghiệm học kỳ quân đội, công an... cần tìm hiểu thật kỹ trước khi đăng ký. Đặc biệt, cẩn trọng trước các giao dịch về kinh tế tài chính liên quan đến hoạt động này, kiểm tra kỹ lưỡng, xác nhận rõ ràng trước khi thực hiện. Tốt nhất nên đến tận nơi cơ quan, đơn vị tổ chức để tìm hiểu, đăng ký.

Bởi theo điều tra viên của phòng Cảnh sát hình sự (Công an Nghệ An), hiện nay các Fanpage trên mạng xã hội rất khó có thể nhận biết được trang nào là trang thật, trang nào là trang giả mạo. Vì vậy, phụ huynh cần kiểm tra phần thông tin minh bạch của trang xem có AD là người ở nước ngoài hay không. Nếu có thì nguy cơ lừa đảo cao.

Vì khi chúng ta đang tìm hiểu thông tin khóa hè ở Việt Nam thì những người quản trị trang đó phải là người Việt Nam và ở Việt Nam quản lý mới đúng. Mặt khác, nếu để ý kỹ có thể thấy các trang Fanpage giả mạo các đối tượng lừa đảo sẽ đặt tên theo năm, ví dụ năm 2025 thì chúng sẽ đổi tên từ một trang Fanpage có nhiều lượt theo dõi thành tên chương trình chúng muốn giả mạo + 2025. Ví dụ, Học kỳ quân sự nhí 2025.

Bên cạnh đó, nếu quá trình tư vấn có dấu hiệu bị đưa vào nhóm Telegram hoặc yêu cầu tham gia khảo sát, yêu cầu kích vào đường link lạ thì phải xem xét kỹ. Bởi thường thì Ban tổ chức họ sẽ đăng thông tin công khai trên các trang chính thống và báo chí nên việc kiểm tra lại thông tin bằng các nguồn khác nhau là rất cần thiết.

Về phía Bộ Công an cũng khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, chỉ đăng ký tham gia và chuyển tiền khi đã tìm hiểu rõ thông tin của đơn vị tổ chức. Khi phát hiện dấu hiệu bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần nhanh chóng trình báo cơ quan Công an nơi gần nhất và phản ánh qua ứng dụng VneID.

Theo thông tin từ Tỉnh đoàn Nghệ An: Chương trình Học kỳ quân đội năm 2025 do Tỉnh đoàn - Sở Giáo dục và Đào tạo - Trường Quân sự Quân Khu 4 phối hợp tổ chức sẽ triển khai trong 9 ngày từ 31/5 - 08/6/2025 tại Trường Quân Sự Quân khu 4 (xã Nam Anh, huyện Nam Đàn) dành cho học sinh tuổi từ 10 - 17.

Thông tin được đăng tải công khai trên website Tỉnh đoàn Nghệ An, Fanpage Tỉnh đoàn Nghệ An và Fanpage lớp Học kỳ quân đội tỉnh Nghệ An.

Phụ huynh có nhu cầu có thể liên hệ trực tiếp để đăng ký cho con qua các số điện thoại đăng công khai trên các trang, hoặc đến trực tiếp Trung tâm Hỗ trợ phát triển thanh niên tỉnh Nghệ An để nộp hồ sơ.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Cảnh báo lừa đảo các hoạt động trải nghiệm hè
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO