Cảnh báo nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn sớm ở Nghệ An

Phú Hương 06/05/2024 08:34

(Baonghean.vn) - Mực nước trên sông thấp, nắng nóng được dự báo diễn ra gay gắt, nước biển sẽ vào sâu và sớm, là những yếu tố khiến xâm nhập mặn có khả năng đến sớm ở một số vùng trên địa bàn Nghệ An ngay từ cuối vụ xuân.

Hạn hán và xâm nhập mặn sớm

Năm nay, ngay từ đầu vụ xuân, hơn 1.000 ha lúa của các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Hưng Nguyên... đã bị hạn. Nguyên nhân do nhiều trạm bơm dọc sông Lam thuộc hệ thống Thuỷ lợi Nam có thời điểm không thể vận hành được vì mực nước sông xuống quá thấp.

bna_ mực nước sông Lsam. Ảnh- Phú Hương.jpg
Mực nước sông Lam tại cống Nam Đàn xuống thấp, dễ dẫn đến tình trạng nước mặn xâm nhập sớm. Ảnh: Phú Hương

Từ đầu năm đến nay, mực nước tại cống Nam Đàn đã thường xuyên ở mức -0,6m/ thiết kế 1,15m, thậm chí nhiều thời điểm xuống thấp hơn, nguồn nước đầu vào hết sức khó khăn. Ông Bạch Hưng Trung - Trưởng trạm Bara Nam Đàn cho biết: Nếu nước sông “kiệt” quá trong nhiều ngày thì nguy cơ nước mặn sẽ xâm nhập, các trạm bơm dọc sông Lam trước khi bơm đều phải thường xuyên đo độ mặn. Thời gian qua, đơn vị đã tập trung nạo vét, khơi thông các đầu mối, luồng lạch dọc kênh thấp, kênh dẫn; tổ chức trực 24/24h để kịp thời đóng mở cống khi triều lên xuống để giữ nước cho nội đồng.

bna_ Ktra ktra cống Nam Đàn. Ảnh- Phú Hương.jpg
Cán bộ Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Nam kiểm tra, chỉ đạo phương án phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn tại cống Nam Đàn. Ảnh: Phú Hương

Ngay từ giữa tháng 4, nước mặn đã bắt đầu xâm nhập qua cống bara Nghi Quang (Nghi Lộc), lan đến tận xã Nghi Thuận nằm cách công trình 9 km; đến cuối tháng, nước mặn xâm nhập đến cầu Cấm với mức khá cao, tầng nước ngọt chỉ còn trên dưới 1,5m. Theo ông Nguyễn Đình Tuấn - Trạm phó Trạm Bara Nghi Quang, nước mặn xâm nhập là hiện tượng không xa lạ gì trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, năm nay, do công trình xuống cấp ngày càng nhanh và nặng nề, chênh lệch nước giữa thượng và hạ lưu quá lớn nên đẩy nguồn nước mặn lên nhanh.

bna_ bara NQ. Ảnh- Phú Hương.jpg
Bara Nghi Quang xuống cấp nặng nề sau hơn 30 năm xây dựng và đưa vào sử dụng. Ảnh: Phú Hương

Mực nước trên sông Lam xuống quá thấp, nước ngọt về vùng cuối của sông Cấm không có, hệ thống cửa cống xuống cấp, hỏng hóc quá nặng nên nước mặn xâm nhập rất nhanh.

Ông nguyễn đình tuấn- trạm phó Trạm bara Nghi quang

Có nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt và phục vụ tưới tiêu cho vùng Nam Nghệ An với 23.000 ha lúa, năm 2023, bara Nghi Quang đã được đầu tư làm mới cửa cung và 6 cửa van phẳng, hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tiếp tục nâng cấp 6 cửa van phẳng còn lại. Trong khi chờ đợi, từ đầu vụ xuân, đơn vị quản lý đã phải tiến hành biện pháp tình thế là dùng chăn chèn các khe hở của cửa, nhưng chỉ được một thời gian ngắn dưới tác động của nước, các vật dụng này lại bị bục. Những thời kỳ cao điểm, đơn vị phải cử người túc trực, đo độ mặn 3- 4 lần/ngày.

Chủ động các giải pháp sớm

Nguồn nước ngọt trong hệ thống Thuỷ lợi Nam chủ yếu phụ thuộc nước sông Lam, nên nếu mực nước trên sông xuống thấp thì gần như toàn hệ thống sẽ không có nước ngọt bổ sung, nước mặn sẽ qua các cống Nghi Quang và Bến Thuỷ xâm nhập vào nội đồng.

Ông Tạ Duy Hiền- Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thuỷ lợi Nam cho biết: Năm nay, theo dự báo, nền nhiệt độ cao hơn, thời tiết nắng gắt, mực nước trong hệ thống ngày càng xuống thấp, hệ thống cửa ở bara Nghi Quang hư hỏng nên khả năng giữ nước bị hạn chế, nước biển sẽ vào sâu và sớm, nước mặn dễ xâm nhập hơn.

bna_ nước NQ thấp. Ảnh- Phú Hương.jpg
Mực nước tại Cống Nghi Quang xuống thấp. Ảnh: Phú Hương

“Phương án chống hạn, xâm nhập mặn đã được xây dựng từ cuối vụ đông xuân để chủ động triển khai khi cần. Hiện, chúng tôi đang thường xuyên theo dõi chất lượng nước trên sông, nếu có dấu hiệu nước mặn lấn sâu là triển khai ngay phương án làm kín nước ở bara Nghi Quang và đắp đập mềm trên sông Cấm để nước từ cống Nghi Quang không lấn sâu vào đoạn cuối hệ thống tại huyện Nghi Lộc”, ông Tạ Duy Hiền chia sẻ.

Hiện tại, mực nước tại các công trình đầu mối như thượng lưu cống Nam Đàn, cống Bến Thủy, Nghi Quang… đều ở mức thấp so với mọi năm; mực nước tại các trạm bơm lấy trực tiếp từ sông Cả cũng ở mức thấp so với cùng kỳ năm 2023.

bna_ đo mặn. Ảnh- Phú Hương.jpg
Đo nồng độ mặn là việc làm hàng ngày tại bara Nghi Quang nhằm kịp thời cảnh báo đến các đơn vị sử dụng nước và người dân dọc sông Cấm Ảnh: Phú Hương

Ông Nguyễn Trường Thành- Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi cho biết: Nắng nóng gay gắt, mực nước nội đồng, sông, suối xuống thấp là những yếu tố dẫn đến nguy cơ nước biển xâm thực, ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trong vấn đề phòng, chống xâm nhập mặn hiện vẫn còn nhiều khó khăn, do cả yếu tố khách quan về thiên tai, thời tiết và cả sự bất cập, xuống cấp của hệ thống công trình ngăn mặn, giữ ngọt.

“Các đơn vị quản lý phải vận hành các cống cuối hệ thống đúng quy trình, các đơn vị cung cấp nước phải thường xuyên đo kiểm tra nồng độ mặn, hàng ngày theo dõi, kiểm tra nồng độ mặn ở các tuyến sông, các trạm bơm có nguy cơ nhiễm mặn để thông báo cho các địa phương về chất lượng nguồn nước, tuyệt đối không được bơm khi nồng độ mặn >= 1%o”, ông Nguyễn Trường Thành khuyến cáo.

Mới nhất
x
Cảnh báo nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn sớm ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO