Cảnh giác trò lừa đảo vùng nông thôn

07/11/2017 08:15

(Baonghean) - Tại nhiều vùng nông thôn, lợi dụng sự kém hiểu biết, cả tin của những người dân, nhiều đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn lừa đảo để chiếm đoạt tài sản. Hậu quả là người dân mất trắng số tiền dành dụm bao lâu nay mà không có cơ hội được trả lại.

Lừa bán đồ cổ, dây điện “đểu”

Sáng 30/9, bà Nguyễn Thị An (93 tuổi, trú xóm Thạch Sơn, xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương) ở nhà một mình thì có 2 người đàn ông đi xe máy vào, giới thiệu là công nhân công trình và có cuộn dây điện thừa muốn bán lại với giá rẻ.

Bà An từ chối mua, 2 người đàn ông này xin gửi nhờ cuộn dây diện “giá 10 triệu đồng” để về lấy nồi, bát đũa đến xin thuê ở trong thời gian thi công công trình. Khi bà An đồng ý thì một người ngỏ ý vay tiền của bà “để đưa cho sếp”.

Có 230 ngàn đồng tiền trợ cấp vừa nhận được, bà An đưa cho 2 người này vay. Thấy bà có đôi bông tai bằng vàng, một người đến sờ vào và xin mượn thì bà chột dạ. Nghĩ bị lừa nên bà chạy ra sân hô hoán hàng xóm, tức khắc 2 người đàn ông này lên xe máy bỏ chạy.

Khi một đối tượng chạy đến khu vực bãi rác thị trấn Dùng thì bị Công an thị trấn phối hợp với Công an huyện Thanh Chương bắt giữ.

Nhiều người dân bản Muồng, xã Châu Kim (Quế Phong) mua sản phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng của một nhóm bán hàng. Ảnh: Hùng Cường
Nhiều người dân bản Muồng, xã Châu Kim (Quế Phong) mua sản phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng của một nhóm bán hàng. Ảnh: Hùng Cường


Trước đó, từ đầu năm 2017 đến nay, Ban Công an xã Đồng Văn tiếp nhận nhiều thông tin từ người dân về việc bị nhiều người đàn ông vào nhà lừa bán 2 cuộn dây điện với giá rẻ. Sau khi mua và kiểm tra thì mới biết, dây điện này không có nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng.

Như trường hợp của bà Nguyễn Thị Lan (xóm Đông Thượng, xã Đồng Văn) bị các đối tượng này lừa và chiếm đoạt 4,3 triệu đồng. Mặc dù Ban công an xã đã theo dõi, tổ chức truy bắt nhiều lần nhưng các đối tượng này đều trốn thoát. "Có một số người dân bị lừa nhưng không báo cho Ban công an xã nên rất khó cho việc xác minh, điều tra”, ông Nguyễn Văn Thông - Trưởng Công an xã Đồng Văn cho biết.

Không chỉ lừa bán dây điện giả, nhiều người dân còn bị các đối tượng giả danh công nhân lừa bán đồ cổ giả để chiếm đoạt tiền. Vào ngày 1/8, ông Hà Văn Hùng (trú bản Cống, xã Cam Lâm, huyện Con Cuông) đang quét sân thì có 2 người đàn ông lạ mặt xin vào nhà rửa đồ vật mới đào được và giới thiệu là công nhân làm đường giao thông.

Khi ông Hùng ra xem, 2 người này cho biết, đây là bộ đồ cổ và gạ bán với giá 10 triệu đồng. Để tăng sức thuyết phục, 2 người đàn ông này nói rằng, có người buôn đồng nát trả giá 5 chỉ vàng nhưng không bán. Đang nói chuyện, máy điện thoại của 1 người rung chuông, đầu dây bên kia có người trả giá món đồ 20 triệu đồng, nếu đưa về tận nhà có thể trả thêm. Nghĩ là đồ cổ thật, ông Hùng đồng ý mua.

Hình thức núp bóng quảng cáo, giới thiệu sản phẩm để bán hàng giả, hàng nhái co người dân ngày càng rầm rộ. Ảnh: C.T.V
Hình thức núp bóng quảng cáo, giới thiệu sản phẩm để bán hàng giả, hàng nhái cho người dân ngày càng rầm rộ. Ảnh: C.T.V


Với cách thức tương tự, vào ngày 7/8, 2 người đàn ông này vào bản Diềm, xã Châu Khê (Con Cuông). Khi gặp chị Trần Thị Hiền, chủ quán tạp hóa bên đường, hành vi lừa đảo của 2 người đàn ông này bị chị Hiền lật tẩy. Chị Hiền bí mật báo với Công an xã Châu Khê và 2 đối tượng này bị bắt giữ sau đó.

Tại cơ quan công an, 2 đối tượng này khai là Nguyễn Phi Hải (SN 1987) và Huỳnh Văn Phờ (SN 1979) cùng trú tại huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Những món đồ mà các đối tượng này nói rằng là đồ cổ thực chất được mua ở TP Hồ Chí Minh với giá 500.000 – 1.500.000 đồng, sau đó bôi bùn đất lên trên như thể đồ cổ thật để đi lừa người khác.

Chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả

Các hình thức lừa đảo này không chỉ xuất hiện ở Thanh Chương, Con Cuông mà còn ở nhiều địa phương khác như Quế Phong, Tân Kỳ, Đô Lương, Qùy Châu. Các đối tượng lừa đảo thường tạo vỏ bọc là những công nhân nghèo khổ, vừa “đào được cổ vật lúc làm đường” “có cuộn dây thừa” và dùng lời ngon tiếng ngọt dụ dỗ khiến không ít nạn nhân sập bẫy, thỏa thuận giá cả và rước ngay đồ dởm về nhà.

Thiếu tá Trần Văn Hùng- Phó Trưởng Công an huyện Thanh Chương cho biết, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng này hết sức tinh vi, khi nạn nhân mất cảnh giác thì chúng có thể dùng mọi cách để chiếm đoạt được tiền.

Đặc biệt, chúng thường chọn các đối tượng là người già, thường ở nhà một mình để thực hiện hành vi lừa đảo nên việc ngăn chặn càng khó khăn.

2 đối tượng Nguyễn Phi Hải (SN 1987) và Huỳnh Văn Phờ (SN 1979) cùng trú tại huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh giả làm công nhân để đi bán đồ cổ dởm. Ảnh: Tường Vi
2 đối tượng Nguyễn Phi Hải (SN 1987) và Huỳnh Văn Phờ (SN 1979) cùng trú tại huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh giả làm công nhân để đi bán đồ cổ dởm. Ảnh: Tường Vi


Trong vài năm trở lại đây, các đơn vị, tổ chức về các địa phương xin tổ chức hội thảo nhưng thực chất là bán hàng không rõ nguồn gốc với giá cao diễn ra rầm rộ. Tại nhiều địa phương, lực lượng chức năng khi phát hiện sự việc đã ngăn chặn kịp thời.

Vào chiều 6/7/2017, Ban Công an xã Châu Kim (Quế Phong) đã tạm giữ lô hàng không rõ nguồn gốc do một nhóm người tự xưng là nhân viên Công ty TNHH Đông Dương Group bán. Trước đó, nhóm người này tổ chức bán hàng gồm chảo, bóng đèn, nồi áp suất, máy xay đa năng tại nhiều bản ở xã Châu Kim khi chưa được cấp phép.

Ngày 25/3/2017, Công an huyện Hưng Nguyên đã yêu cầu một nhóm người của Công ty TNHH Thương mại và Ứng dụng Việt Nam (Tabico) rời khỏi địa bàn vì tổ chức hội nghị giới thiệu sản phẩm khi chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng.

Theo ông Nguyễn Văn Thông - Trưởng Công an xã Đồng Văn (Thanh Chương) cho biết: Nhiều người dân khi biết mình bị lừa nhưng im lặng, không trình báo với cơ quan công an nên sự việc được phát hiện muộn, các đối tượng lừa đảo đã cao chạy xa bay.

“Chúng tôi đã nhiều lần tuyên truyền về các thủ đoạn lừa đảo mới nhưng người dân vẫn mắc phải. Cái chính ở đây là nhiều người quá cả tin, hiểu biết còn hạn chế và đặc biệt không tránh khỏi những trường hợp hám lợi nên sập bẫy lừa”, ông Thông cho biết thêm.

Nói về vấn đề xử lý các đối tượng này, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt nên các đối tượng lừa đảo vẫn lộng hành. Nhiều đơn vị thuê nhà văn hóa xóm, phát loa đài rầm rộ và hoạt động những nội dung nằm ngoài giấp phép của cơ quan chức năng cũng không hề được kiểm tra, nhắc nhở và ngăn chặn kịp thời.

Tất cả những hành vi nêu trên đều có dấu hiệu chung là dùng thủ đoạn gian dối, nhằm chiếm đoạt tài sản nhưng rất ít trường hợp bị xử lý. Chính quyền địa phương thì cho rằng, các đối tượng lừa đảo hoạt động tinh vi, người dân không trình báo.

Còn các đơn vị chức năng thì cho rằng, do lực lượng mỏng, trong khi địa bàn rộng, các công ty hoạt động không có “lịch” cụ thể nên rất khó kiểm tra, giám sát.

Vì vậy, để phòng tránh việc lừa đảo thì chính người dân cần phải tự bảo vệ tài sản của mình. Thiếu tá Trần Văn Hùng- Phó Trưởng Công an huyện Thanh Chương cho rằng, người dân nâng cao cảnh giác với các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua bán các mặt hàng, nếu phát hiện đối tượng nghi vấn thì báo cho cơ quan chức năng để theo dõi.

Công an các xã tăng cường tuyên truyền thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng, nắm bắt các đối tượng lạ mặt xuất hiện tại các khu vực dân cư và các đối tượng có dấu hiệu nghi vấn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua bán các mặt hàng để theo dõi và phát hiện, bắt quả tang.

Đặc biệt, chính quyền các cấp cùng cơ quan công an cần đấu tranh quyết liệt, phòng ngừa hiệu quả đối với loại tội phạm này.

Nguyên Hưng

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Cảnh giác trò lừa đảo vùng nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO