Cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo xin việc làm

Hà Thư 23/03/2021 09:43

(Baonghean.vn) - Lợi dụng tâm lý cần việc làm của nhiều người, một số đối tượng đã mạo danh cán bộ, thậm chí cùng nhau “dàn cảnh”, làm giả tài liệu, con dấu của các cơ quan, doanh nghiệp để đưa nạn nhân vào bẫy, mục đích là để chiếm đoạt tài sản.

"Ma trận" bẫy xin việc làm

Tháng 3/2020,vụ việcCơ quan CSĐT Công an TP Vinh phá thành công chuyên án lừa đảo, bắt 2 đối tượng Trần Văn Quân (SN 1987), trú tại phường Trường Thi, TP Vinh và Trần Anh Tuấn (SN 1984), trú tại xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh để điều tra về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với tình trạng lừa chạy xin việc trong thời gian gần đây. Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của nhiều người, nhất là những người đang có nhu cầu tìm việc làm, chỉ trong một thời gian ngắn, hai đối tượng này đã cùng nhau dàn cảnh, làm giả nhiều tài liệu, con dấu của nhiều doanh nghiệp, cơ quan nhà nước để ra quyết định tuyển dụng giả, chiếm đoạt số tiền gần 20 tỷ đồng của hơn 200 nạn nhân trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Theo nhận định của cơ quan điều tra, thủ đoạn lừa xin việc để chiếm đoạt tiền của hai đối tượng này dù không mới, thậm chí vẫn với chiêu thức cũ nhưng vẫn có hàng trăm nạn nhân sập bẫy, là do các đối tượng nói trên đã có sự bàn bạc với nhau, bày ra các màn kịch tuyển dụng nhằm vào những người nhẹ dạ cả tin.

Quân và Tuấn đã mạo danh các cơ quan, tổ chức trên địa bàn, đăng tải thông tin tuyển dụng giả lên mạng xã hội, kèm theo số điện thoại để "tuyển lao động, việc làm". Khi nạn nhân đến nộp hồ sơ, tùy theo từng vị trí việc làm và cơ quan, đơn vị tuyển dụng mà nạn nhân mong muốn, các đối tượng này sẽ đưa ra các mức giá khác nhau, trong đó thấp nhất là 50 triệu đồng và cao nhất là hàng trăm triệu đồng. Ngay sau khi các nạn nhân tin tưởng, nộp hồ sơ và đồng ý với “mức giá” mà các đối tượng đưa ra, Trần Anh Tuấn sẽ đóng giả là trưởng phòng nhân sự của các cơ quan, tổ chức; sau đó thuê địa điểm tại các khách sạn, trung tâm thương mại để tổ chức phỏng vấn.

Công an TP Vinh khám xét, bắt giữ đối tượng (X) trong  đường dây dựng màn kịch tuyển dụng, chiếm đoạt 20 tỉ đồng. Ảnh: Hà Thư
Công an TP Vinh khám xét, bắt giữ đối tượng (X) trong đường dây dựng màn kịch tuyển dụng, chiếm đoạt 20 tỷ đồng. Ảnh: Hà Thư

Tinh vi hơn, các đối tượng này còn thực hiện các thủ đoạn tinh vi như scan, sao chụp hồ sơ tuyển dụng, thậm chí khắc giả con dấu của nhiều đơn vị, sau đó chỉnh sửa lại thông tin trùng khớp với hồ sơ dự tuyển của các nạn nhân. Đối với những người vượt qua được vòng phỏng vấn, chúng thông báo đã trúng tuyển, sau đó hoàn thiện hợp đồng lao động và gửi lại cho nạn nhân rồi hẹn ngày đi làm. Tuy nhiên, tất cả các trường hợp này, khi nhận quyết định tuyển dụng, đến ngày hẹn đi làm thì mới tá hỏa khi cơ quan tuyển dụng cho biết, họ không có nhu cầu, và cũng không ban hành các quyết định này.

Từ chứng cứ, tài liệu thu thập được, đến chiều ngày 18/3, Ban chuyên án đã tiến hành tổ chức bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với các đối tượng trên. Khám xét nhà riêng và một số địa điểm mà các đối tượng này thuê để tổ chức phỏng vấn, xét duyệt hồ sơ, cơ quan chức năng thu giữ 218 bộ hồ sơ, 1 ô tô, 1 máy tính xách tay, 5 ĐTDĐ, nhiều loại giấy tờ, con dấu giả và 1 tỷ 150 triệu đồng tiền mặt. Từ lời khai của đối tượng và trình báo của các bị hại, Ban chuyên án xác định, số tiền các đối tượng chiếm đoạt lên đến khoảng 20 tỷ đồng của hơn 200 nạn nhân trên địa bàn.

Thực tế cho thấy, trong nhiều năm trở lại đây, lợi dụng cơ hội, vị trí việc làm vào các cơ quan nhà nước ngày càng khó khăn, số lượng sinh viên ra trường lớn nhưng chưa xin được việc làm, nhiều đối tượng đã tìm cách móc nối để lừa xin việc, trong đó không ít người không nghề nghề nghiệp, công ăn việc làm ổn định nhưng vẫn tự xưng mình là cán bộ của sở ban ngành, có nhiều mối quan hệ thân thiết với lãnh đạo tỉnh, có khả năng xin việc, “chạy” biên chế. Mục đích là để nạn nhân cả tin, chuyển tiền rồi chiếm đoạt.

Thống kê cho thấy, gần đây nạn nhân bị lừa chạy việc vào các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Nghệ An chiếm số lượng lớn, hàng trăm người trở thành nạn nhân, với số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng chục tỷ đồng. Trong đó, 2 vụ án lừa đảo xin việc vào các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Nghệ An có quy mô lớn, với số lượng nạn nhân nhiều nhất từ trước đến nay bị bóc gỡ là vụ án Trần Ngọc Tuyên (SN 1959) và Lê Thị Tuyết (SN 1979), đều trú tại xã Nghi Kim, TP Vinh lừa xin việc để chiếm đoạt tài sản của 33 nạn nhân, với số tiền hơn 4,8 tỷ đồng, bị triệt xóa vào tháng 6/2020 và vụ án Trần Thị Phượng (SN 1962) trú ở phường Hưng Bình, TP. Vinh lừa đảo, chiếm đoạt của hơn 60 nạn nhân với số tiền trên 10 tỷ đồng.

Năm 2020, lực lượng công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã phát hiện, khởi tố, điều tra 45 vụ, 51 bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong đó, có 24 vụ với 28 đối tượng phạm tội có sử dụng công nghệ cao.

Nâng cao cảnh giác

Thượng tá Cao Ánh Hồng - Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An cảnh báo, thành phần đối tượng lừa chạy việc hiện nay tương đối đa dang, phức tạp. Ngoài một số người không có công việc ổn định, “nổ” mình là cán bộ của các sở ban ngành hoặc một số thành phần là cán bộ hưu trí, thì hiện nay một số người đang là có công ăn việc làm ổn định cũng tham gia “chạy” việc làm. Sự việc vỡ lở, việc không có, tiền cũng không trả lại khi nạn nhân tố cáo đến cơ quan chức năng thì tất yếu phải vướng lao lý.

Đó là câu chuyện của bà Vi Thị Hoa (SN 1972), giáo viên Trường THCS xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn, dù không có khả năng xin việc, nhưng do cần tiền tiêu xài cá nhân, nữ giáo viên này đã nhận số tiền 860 triệu đồng của 5 bị hại để xin cho 6 trường hợp vào làm việc tại các bệnh viện, trường học trên địa bàn rồi chiếm đoạt, tiêu xài cá nhân. Một trường hợp khác là đối tượng Cao Thị Thành Vinh (SN 1983), trú phường Lê Mao, TP Vinh, là cán bộ Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ nhưng Vinh lại tự xưng mình là cán bộ công an, có khả năng xin việc vào các cơ quan quan nhà nước. Với “mác” này, đối tượng đã 3 lần thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt 310 triệu đồng.

Nạn nhân trong màn kịch tuyển dụng,  chiếm đoạt 20 tỉ đồng trình báo tại cơ quan công an. Ảnh: Hà Thư
Nạn nhân trong màn kịch tuyển dụng, chiếm đoạt 20 tỷ đồng trình báo tại cơ quan công an. Ảnh: Hà Thư

Để tránh bị lừa đảo, cách kiểm chứng đơn giản nhưng hiệu quả nhất mà ai cũng có thể làm được, đó là hãy liên hệ trực tiếp các cơ quan, đơn vị mà các đối tượng đang hứa hẹn có thể xin được việc làm, xem vị trí tuyển dụng đó có thật hay không là sẽ biết được sự thật. Tuy nhiên việc này hầu như không nạn nhân nào thực hiện. Đến lúc biết mình bị lừa, tự gây áp lực để đòi lại tiền, khi không đạt được mục đích mới trình báo đến cơ quan chức năng, song xác suất lấy lại được tiền cũng rất thấp.

Theo nhận định của một cán bộ điều tra viên cao cấp Cơ quan CSĐT Công an tỉnh, phương thức của các đối tượng trong các vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, mà cụ thể là trong các vụ án liên quan đến chạy việc, dù có nhiều mánh khóe khác nhau song thủ đoạn vẫn là chiêu trò cũ. Theo quy định hiện hành thì khi có kế hoạch tuyển dụng, các cơ quan, ban ngành phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Do vậy, hơn ai hết, để không trở thành nạn nhân của trò lừa đảo này, trước hết người dân muốn xin việc làm cho con, em mình thì phải tìm hiểu kỹ thông tin tuyển dụng của nơi định tìm kiếm việc làm.

Cùng với đó, cấp ủy chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cũng cần có các kế hoạch tuyên truyền, cảnh báo để người dân nâng cao ý thức cảnh giác trước thủ đoạn của những đối tượng xấu. Khi có dấu hiệu của sự lừa đảo, cần sớm trình báo với cơ quan công an nơi gần nhất để kịp thời phát hiện, ngăn chặn. Có như vậy, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói chung và tội phạm lừa “chạy việc”, mới không có “đất sống” như hiện nay.

Mới nhất

x
Cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo xin việc làm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO