Cảnh giác với các luận điệu xuyên tạc về phiên toà xét xử vụ khủng bố ở Đắk Lắk

Trần Lâm 23/01/2024 19:20

(Baonghean.vn) - Những chiêu trò của các thế lực thù địch sử dụng nhằm chống phá cách mạng Việt Nam. Qua các vụ án, chúng thổi phồng, suy diễn, lái vụ việc sang hướng quy kết thành những vấn đề chính trị của đất nước.

Từ 16-20/1/2024 TAND tỉnh Đắk Lắk đã đưa ra xét xử sơ thẩm 100 bị cáo trong vụ khủng bố, tấn công trụ sở UBND hai xã ở Đắk Lắk, giết hại cán bộ, chiến sĩ Công an và người dân vào rạng sáng 11/6/2023.Dư luận đồng tình với bản án các bị cáo phải nhận. Vậy nhưng, lợi dụng sự việc này, các thế lực thù địch lại ra sức xuyên tạc, bóp méo với mục đích chính trị hoá vụ án.

Bản án thích đáng cho những kẻ khủng bố

“Tội Khủng bố bị cả thế giới lên án, trong đó nước CHXHCN Việt Nam là thành viên ký kết các điều ước quốc tế chống khủng bố” - đó là lời mà vị Chủ tọa phiên tòa nhấn mạnh trước khi tuyên án. Hội đồng xét xử khẳng định, đây là vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, bất chấp pháp luật, ngang nhiên xâm phạm tài sản của cơ quan Nhà nước, cá nhân cũng như tính mạng của cán bộ, chiến sĩ Công an, cán bộ cơ quan Nhà nước và người dân thường vô tội, xâm phạm nghiêm trọng đến an ninh quốc gia…

quang-canh-phien-toa-xet-xu-vu-khung-bo-o-dac-lac-9941.jpg
Quang cảnh phiên toà xét xử vụ khủng bố ở Đắk Lắk. Ảnh: Tư liệu

Vì vậy, có 10 bị cáo phải nhận mức án chung thân về tội khủng bố. Các bị cáo còn lại trong nhóm phạm tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” và “Khủng bố” bị xử phạt mức cao nhất là 20 năm tù giam và thấp nhất là 3 năm 6 tháng tù giam. Riêng 2 bị cáo Lê Văn Nghĩa (SN 1956) bị xử phạt 2 năm tù giam về tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép” và bị cáo Y Cing Byă (SN 1991) 9 tháng tù giam về tội “Che giấu tội phạm”. Về trách nhiệm dân sự, buộc 92 bị cáo liên đới bồi thường cho 25 bị hại, đại diện hợp pháp của bị hại là các tổ chức, cá nhân về các khoản chi phí cứu chữa, mai táng, thiệt hại về tài sản.

Bản án nhận được sự đồng tình cao của dư luận, nhất là người dân khu vực Tây Nguyên. Người dân nhận thấy, 10 bị cáo bị phạt tù chung thân, số còn lại lãnh án từ 9 tháng đến 20 năm tù là đúng người, đúng tội, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, nhưng cũng thể hiện được chính sách nhân đạo của pháp luật đối với những người lầm lỡ phạm tội, ăn năn hối cải.

Bản án nghiêm minh đối với những kẻ khủng bố, chống phá nhằm lật đổ chính quyền nhân dân có tác dụng răn đe, giáo dục ý thức với những ai đang mộng tưởng và có ý đồ chính trị đen tối, chống đối chính quyền, đi ngược lại lợi ích của nhân dân.

mot-trong-so-cac-bi-cao-thua-nhan-hanh-vi-pham-toi-cua-minh-tai-toa-6351.jpg
Một trong số các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của mình tại tòa.

Nhân dân ta đã trải qua cuộc đấu tranh trường kỳ gian khổ hy sinh mới giành được độc lập, tự do cho đất nước, mọi người dân Việt Nam đều có nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng đất nước, những ai chống lại chính quyền là chống lại quyền lợi của nhân dân, cần phải nghiêm trị.

Cảnh giác trước thủ đoạn đánh tráo bản chất vụ án

Bản án trên nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân Việt Nam; tuy nhiên, với các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chính trị, chúng tung ra thông tin sai sự thật, các hình ảnh được dàn dựng, cắt ghép với mục đích chính trị hoá vụ án.

Trên các trang mạng xã hội, các trang tin thiếu thân thiện với Việt Nam như Đài Á châu tự do (RFA), BBC Tiếng Việt, VOA tiếng Việt đã đăng tải nhiều bài viết có tính chất áp đặt, suy diễn vụ việc sang hướng quy kết thành những vấn đề chính trị của đất nước. Nhiều bài viết, bình luận bẻ lái, xuyên tạc, cho đó là “vi phạm nhân quyền”, “vi phạm dân chủ”, “tranh giành quyền lực”, “thanh trừng phe nhóm”, “lỗi do độc đảng”… Cá biệt như các bài viết “Vụ xả súng tại Đắk Lắk vào tháng 6/2023 là “phản kháng chống lại áp bức” (RFA), “Thấy gì từ phiên tòa xét xử 100 người vụ tấn công trụ sở UBND xã ở Đắk Lắk?” (BBC tiếng Việt), “Việt Nam nói vụ xử án ở Đắk Lắk mang tính ‘nhân văn’, giới quan sát nói gì?” (VOA tiếng Việt),… đã đưa nhiều thông tin sai sự thật, mang tính chụp mũ, suy diễn.

nhieu-bai-viet-phien-dien-quy-chup-ve-phien-toa-duoc-cac-trang-tin-o-nuoc-ngoai-dang-tai-9443.jpg
Nhiều bài viết phiến diện, quy chụp về phiên toà được các trang tin ở nước ngoài đăng tải.

Thậm chí, nhiều bài viết liên tục vu cáo Việt Nam đàn áp người dân tộc thiểu số và quy kết hành vi tấn công khủng bố là phản ứng từ sự dồn nén, phẫn uất của người dân. Những bài viết phiến diện, bịa đặt như thế được chia sẻ liên tục trên các fanpage của tổ chức khủng bố Việt Tân, các hội nhóm các dân tộc thiểu số, khiến một số người hiểu sai bản chất vụ việc. Chúng cố tình đánh tráo bản chất, biến vụ khủng bố thành vấn đề xung đột, mâu thuẫn trong các dân tộc ở Tây Nguyên nhằm kích động tâm lý kỳ thị dân tộc, gây chia rẽ giữa đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên.

Đồng thời, chúng tạo cớ để kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta. Chúng tẩy trắng hành vi khủng bố và kích động, xuyên tạc chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng ta, đồng thời tiếp tục cổ suý, kích động cho những hành động khủng bố trên.

RFA, BBC, VOA có nhiều bài viết phiến diện, quy chụp về tình hình ở Tây Nguyên, gây chia rẽ đoàn kết..jpg
RFA, BBC, VOA có nhiều bài viết phiến diện, quy chụp về tình hình ở Tây Nguyên, gây chia rẽ đoàn kết.

Từ phiên toà, các thế lực phản động đã moi móc, quy chụp các vấn đề về dân tộc ở Tây Nguyên như “Nhà nước Đê-ga”, “Tin lành Đê-ga” để chống phá nước ta. Chúng xuyên tạc chính sách đại đoàn kết dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng ta. Chúng vu cáo Nhà nước phân biệt đối xử, đàn áp quyền của người dân tộc thiểu số, nhằm làm suy giảm niềm tin của nhân dân, kích động đồng bào chống đối chính quyền, đòi ly khai, quyền tự trị…

Những chiêu trò trên, các thế lực thù địch sử dụng thường xuyên, lặp đi, lặp lại nhiều lần nhằm chống phá cách mạng Việt Nam. Qua các vụ án, chúng thổi phồng, suy diễn, lái vụ việc sang hướng quy kết thành những vấn đề chính trị của đất nước. Vì vậy, người dân cần tỉnh táo, đề cao cảnh giác, không tin vào luận điệu xuyên tạc, suy diễn, quy chụp của những phần tử cực đoan, cơ hội chính trị; không tiếp tay cho các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Nhịp sống của người dân 2 xã Ea Ktur và Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đã trở lại bình thường. Ảnh Báo Đắk Lắk.jpg
Nhịp sống của người dân 2 xã Ea Ktur và Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đã trở lại bình thường. Ảnh: Báo Đắk Lắk
Cảnh giác với các luận điệu xuyên tạc về phiên toà xét xử vụ khủng bố ở Đắk Lắk
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO