Cảnh giác với nguy cơ mắc bệnh lây truyền từ thú cưng

Thành Chung (thực hiện) 26/05/2024 12:13

(Baonghean.vn) - Trong những năm gần đây, trào lưu nuôi thú cưng là động vật nổi lên rầm rộ trên cả nước, trong đó có Nghệ An. Tuy nhiên, rất ít người nuôi ý thức được bản thân đang đối diện với những nguy cơ mắc bệnh lây truyền từ động vật sang người nếu không biết cách phòng tránh.

Báo Nghệ An có cuộc trao đổi cùng Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Anh - Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An xung quanh vấn đề này.

P.V:Thời gian qua, khá nhiều người dân đã tới Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An để khám do bị dị ứng liên quan nhiễm giun đũa chó, mèo. Ông có thể cho biết thêm về hiện tượng này, cũng như lý giải rõ nguyên nhân của bệnh?

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Anh: Xã hội ngày càng phát triển, thú cưng ngày càng giữ một vai trò đặc biệt gần như là một thành viên trong gia đình: Sinh hoạt, ăn uống, ngủ cùng chủ,…. mang lại nhiều niềm vui trong cuộc sống của người nuôi. Tuy nhiên, thú cưng lại là nơi chứa nhiều tác nhân gây bệnh có thể lây truyền cho con người. Nếu không biết cách chăm sóc và phòng ngừa sẽ là mối nguy cho người nuôi.

Người dân đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An  thăm khám (2).jpg
Người dân đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An thăm khám. Ảnh: CDC Nghệ An

Các bệnh lây truyền từ động vật sang người gọi chung là bệnh truyền nhiễm, việc tiếp xúc gần gũi với vật nuôi hoặc chất thải, tiết của chúng càng nhiều thì khả năng nhiễm bệnh cho người càng cao, cụ thể:

Bệnh thường gặp nhất lây cho người từ thú cưng nhưng ít được người dân quan tâm, chú ý đến là tình trạng mắc hoặc nhiễm nhiều loại ký sinh trùng như: Giun đũa chó mèo, giun móc chó, sán dây chó,…. Có nhiều người đã nhiễm giun đũa chó mèo nhiều năm với các triệu chứng ban đầu là ngứa, họ thường đến khám tại các cơ sở da liễu nhưng sau thời gian dài điều trị vẫn không khỏi. Sau khi đến phòng khám của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khám và xét nghiệm thì cho kết quả dương tính với giun đũa chó, mèo.

Đối tượng mắc ấu trùng giun chó, mèo rất đa dạng, thậm chí có trẻ nhỏ từ 2-3 tuổi. Bệnh gây ra các tổn thương ở gan, ở não, ở lách, thận và gây ra hiện tượng miễn dịch dị ứng có biểu hiện ngứa, nổi mẩn kéo dài.

Bệnh giun đũa chó và mèo có thể lây sang người qua nhiều con đường khác nhau. Khi vật nuôi bị nhiễm giun đũa, sau khi ký sinh, trứng sẽ phát triển và được phóng thích ra môi trường qua phân. Mỗi ngày, thú cưng này có thể thải ra hàng nghìn trứng giun. Trứng giun có trong phân của thú cưng thải ra ngoài môi trường có thể lây nhiễm vào nguồn nước và thực phẩm như rau củ quả. Nếu người có thói quen ăn rau sống hoặc đồ chưa qua nấu chín sẽ rất dễ bị lây nhiễm.

Ngoài ra, lông của chó, mèo bay vào đồ ăn của người cũng có thể gây nhiễm giun đũa chó mèo. Thói quen chăm sóc, ôm, hôn vật nuôi hoặc không sử dụng các vật dụng bảo hộ cần thiết cũng là nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Trứng giun khi xâm nhập vào cơ thể người sẽ di chuyển đến ruột, thoát vỏ và trở thành ấu trùng, sau đó xuyên qua thành ruột và theo đường máu đến các cơ quan trong cơ thể. Nguy hiểm nhất là khi chúng gây tổn thương ở phổi, mắt, gan, và não...Tùy vị trí khác nhau mà biểu hiện khác nhau, trong đó có một số biểu hiện rõ rệt là ngứa kéo dài, nổi mề đay, nốt ban… do ấu trùng di chuyển dưới da. Ngoài ra người bệnh có thể bị đau bụng, đau đầu, sốt, tổn thương da.

Điều trị bệnh, các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị bệnh đặc hiệu ấu trùng giun đũa chó mèo và các triệu chứng ngứa. Trong quá trình điều trị, có người bệnh đáp ứng nhanh nhưng có người phải dùng 2-3 liệu trình mới khỏi. Rất đáng lo ngại là số lượng bệnh nhân nhiễm ấu trùng này đang gia tăng trong thời gian gần đây và dù có uống thuốc tẩy giun định kỳ 2 lần/năm cũng không tẩy được giun đũa chó, mèo mà phải thực hiện điều trị theo lộ trình cụ thể.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, mỗi năm Nghệ An có khoảng hàng ngàn người nhiễm bệnh ấu trùng giun đũa chó, mèo được phát hiện và điều trị. Trong năm 2023, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An đã tiếp nhận thăm khám khoảng 12.900 lượt, trong đó có đến 10.862 lượt người bệnh nhiễm giun đũa từ chó và mèo. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2024, có 2.011 lượt đến khám, có đến 1.984 người nhiễm giun đũa từ chó và mèo.

Với loài thú cưng phổ biến là chó và mèo, ngoài bệnh giun đũa cho mèo, người nuôi còn phải đối diện với nguy cơ mắc bệnh dại do bị chó, mèo cắn, cào truyền sang virus dại vào cơ thể người. Thời gian ủ bệnh dại là từ 2 - 8 tuần, thậm chí có thể kéo dài cả năm, phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết thương, vị trí vết thương và lượng virus dại được truyền sang người. Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị. Người bị nhiễm virus dại khi lên cơn thì 100% tử vong.

Một trường hợp bị nhiễm ký sinh trùng tạo đường hầm và gây tổn thương trên da người. Ảnh CDC Nghệ An..jpg
Một trường hợp bị nhiễm ký sinh trùng tạo đường hầm và gây tổn thương trên da người. Ảnh: CDC Nghệ An

Ngoài ra có có bệnh do nhiễm tụ cầu Pasteurella gây sốt, sưng tấy, viêm xương, nhiễm trùng máu và dẫn đến tử vong. Vi khuẩn thường lưu trú trong miệng và đường hô hấp của động vật đặc biệt là mèo. Lây nhiễm cho người qua các vết xước, tổn thương trên da.

Một yếu tố nguy cơ khác là vi khuẩn Leptospira được đảo thải qua nước tiểu của vật nuôi nếu con vật bị nhiễm trùng. Có thể gây lây nhiễm trực tiếp hoặc gián tiếp cho người. Khi bị lây nhiễm, người mắc bệnh này thường sốt, nôn mửa, ớn lạnh và ban đỏ, có thể dẫn đến suy thận nếu không được điều trị và nguy hại hơn là vi khuẩn này có thể gây vô sinh trên người

P.V:Được biết, không riêng gì chó, mèo mà còn nhiều loại thú cưng khác như chim cảnh, gà cảnh cũng có thể gây bệnh cho người nuôi. Đó là những loại bệnh gì và mức độ nguy hiểm ra sao?

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Anh: Có 3 loại bệnh truyền nhiễm từ chim, gà gây hại cho con người được nói nhiều, đó là cúm gia cầm (cúm A/H5N1), bệnh Ornithose (bệnh "sốt chim") và bệnh Psittacose (bệnh "sốt vẹt "). Trong đó, cúm gia cầm lây truyền sang người là chủng cúm độc lực cao, người bị nhiễm thường diễn tiến nặng và tử vong với tỷ lệ cao (khoảng 50%). Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc-xin phòng bệnh…

Thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ngày 23/3/2024, Việt Nam đã có 1 trường hợp tử vong do nhiễm cúm gia cầm. Bệnh nhân là nam, 21 tuổi, ở thôn Tân Ninh, xã Ninh Trung, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy trước và sau Tết Nguyên đán 2024, bệnh nhân đi bẫy chim hoang dã gần nơi sinh sống (khu vực này không có gia cầm ốm, chết).

Với bệnh Ornithose (sốt do chim) thì có nhiều loại chim mắc bệnh này như chim bồ câu, chim sẻ, một số loại chim rừng được bắt nuôi làm chim cảnh... Thủ phạm gây bệnh ở chim là một loại rickettsia (những vi sinh vật có cấu trúc giống với tế bào vi khuẩn). Chim truyền bệnh cho người thông qua phân hoặc lông nhiễm rickettsia. Nó xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp, đôi khi theo thức ăn vào đường tiêu hoá. Triệu chứng bệnh giống như viêm phổi cấp: Sốt cao, nhức đầu, khó thở, ho có đờm mủ nhầy, đau các cơ ở chi và vùng thắt lưng...

Với bệnh Psittacose thì đây là một bệnh nặng của loài vẹt, yểng và do virus gây ra. Người nhiễm bệnh do hít phải bụi bị nhiễm virus, nuốt phải thức ăn dính bụi, lông chim, phân vẹt ốm. Thời gian ủ bệnh trung bình 8-10 ngày. Người nhiễm bệnh với trường hợp nhẹ sẽ thấy mệt mỏi, mất ngủ, váng đầu, nôn. Thân nhiệt có thể lên 39-40 độ C, đổ mồ hôi, đau khớp và cột sống, nhức nhiều ở vùng trán và thái dương. Ngoài ra còn có biểu hiện viêm mũi, viêm họng, ho. Bệnh thường khởi phát như viêm phế quản, sau một tuần lễ bắt đầu xuất hiện dấu hiệu viêm phổi. Bệnh nhân khỏi sau 7-10 ngày.

Lấy máu xét nghiệm máu tìm ký sinh trùng tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An  (2).jpg
Lấy máu xét nghiệm máu tìm ký sinh trùng tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An. Ảnh: CDC Nghệ An

Với trường hợp nặng, bệnh nhân bị sốt cao (40 độ C) liên tục, mệt lả, mất ngủ, thể trạng suy sụp. Có triệu chứng thần kinh rõ (run rẩy, mắt nhìn thẳng lơ mơ, buồn ngủ hoặc trằn trọc vật vã), nước tiểu ít, sẫm màu và có chứa nhiều albumin. Sang tuần thứ hai, bệnh nhân xuất hiện những triệu chứng nặng về phổi. Bệnh nhân bị viêm phế quản - phổi nặng, với các ổ viêm rất lớn, ở cả 2 bên phổi, có thể có phản ứng màng phổi. Người bệnh dễ tử vong vào thời gian này hay sang tuần thứ 3, do trụy tim mạch hoặc phù phổi.

P.V:Hiện nay, qua nắm bắt, có khá nhiều thanh thiếu niên đã chọn nuôi các loại rùa, kỳ nhông, kỳ đà… làm thú cưng. Những con vật này có mang mầm bệnh gây nguy hiểm cho con người hay không?

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Anh: Cần phải nhấn mạnh rằng, tất cả các thú cưng đều có khả năng lây bệnh cho con người, bao gồm cả rùa lẫn các loại bò sát. Có nhiều bệnh từ rùa và bò sát có thể lây lan sang người do vi khuẩn, nấm, virus hoặc ký sinh trùng xâm nhập vào miệng. Chúng cũng có thể lây lan qua không khí, hoặc từ một vết hở trên da. Có 4 loại bệnh phổ biến từ rùa, bò sát có thể lây sang người gồm: Bệnh Salmonella, ngộ độc vi khuẩn Clostridium, nhiễm khuẩn Campylobacter và xoắn khuẩn vàng da.

Bệnh Salmonella thường được tìm thấy trong tất cả các loài bò sát và có thể lây lan từ bò sát sang người. Vi khuẩn Salmonella từ rùa, bò sát lây sang người nuôi, khi người nuôi đưa một thứ gì đó bị nhiễm phân rùa, bò sát vào trong miệng hoặc đơn giản là đưa rùa, bò sát (cỡ nhỏ hoặc trung bình) lên miệng ngậm. Vi khuẩn Salmonella có thể gây tiêu chảy, nhức đầu, sốt. Ngoài ra còn có thể gây co thắt dạ dày, thương hàn hoặc dẫn đến nhiễm trùng máu, thậm chí tử vong.

Vi khuẩn Clostridium được tìm thấy rất nhiều trong môi trường, bao gồm đất và bùn. Các động vật sống gần mặt đất như rùa, bò sát thường dễ nhiễm Clostridium. Ngộ độc Clostridium là một tình trạng nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng con người do vi khuẩn gây tê liệt và tử vong. Ở người lớn có một loại vi khuẩn phát triển ức chế Clostridium. Nhưng trẻ nhỏ sơ sinh vẫn chưa phát triển được “khiên bảo vệ” này.

Nhiễm khuẩn Campylobacter là bệnh nhiễm khuẩn đường ruột do vi khuẩn Campylobacter gây ra. Thường thấy những vi khuẩn này trong phân của người hoặc động vật bị nhiễm khuẩn. Người mắc có thể bị ở mức độ nhẹ hoặc nghiêm trọng. Các triệu chứng bao gồm tiêu chảy, đau bụng, nôn mửa, sốt và co giật trong vòng 2 – 5 ngày kể từ khi nuốt phải vi khuẩn.

Xoắn khuẩn vàng da là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Leptospirosis. Thường gặp ở các loại động vật hoang dã, bò sát. Nhiễm trùng lây lan qua việc tiếp xúc với nước tiểu của động vật mang vi khuẩn. Sự tiếp xúc này có thể xảy ra trực tiếp thông qua các vết cắt, trầy xước trên cơ thể hoặc qua niêm mạc miệng, họng và mắt. Người nhiễm bệnh này thường có triệu chứng như cúm, cùng với một cơn đau đầu dai dẳng và nghiêm trọng.

P.V:Với nhiều mối nguy như vậy thì những ai là không nên nuôi các loại thú cưng? Bác sĩ có khuyến cáo gì để mọi người vừa có thể nuôi thú cưng, vừa phòng tránh lây nhiễm bệnh hiệu quả?

bna_Tiêm phòng cho chó, mèo là cách thức hiệu quả nhất để phòng chống bệnh dại.JPG
Tiêm phòng cho chó, mèo là cách thức hiệu quả nhất để phòng chống bệnh dại. Ảnh: CDC Nghệ An

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Anh: Nuôi thú cưng đang trở thành trào lưu, sở thích của nhiều người, nhiều gia đình. Làm như thế nào để có thể sống chung an toàn với thú cưng mà không phải lo lắng với nguy cơ nhiễm bệnh thì điều đầu tiên mọi người cần nâng cao nhận thức về bệnh và triển khai tốt các biện pháp dự phòng.

Trước hết, đối với thú nuôi là chó mèo cần thực hiện việc quản lý và tiêm phòng các bệnh đặc biệt là bệnh dại theo khuyến cáo của ngành thú y. Thường xuyên chú ý đến tình trạng sức khỏe của vật nuôi để có biện pháp dự phòng bệnh cho vật nuôi và con người. Vệ sinh vật nuôi theo hướng dẫn của chuyên gia Thú y.

Rửa tay với xà phòng sau khi tiếp xúc với vật nuôi phòng tránh lây truyền các tác nhân gây bệnh. Hạn chế mức thấp nhất tiếp xúc thân thiết với vật nuôi…Dạy cho trẻ nhỏ trong nhà các hành vi phòng bệnh: rửa tay sau khi chơi với vật nuôi, không ôm, hôn hay cho ăn nuôi ăn chung, báo cho người lớn biết nếu bị vật nuôi cào cắn đặc biệt là chó mèo. Không cho vật nuôi chơi ở gần khu vực chế biến thức ăn.

Không nhận nuôi những vật nuôi hoang dã, không rõ nguồn gốc. Hạn chế tiếp xúc với các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim. Những người nuôi thú cưng khi thấy xuất hiện các biểu hiện bất thường về sức khoẻ cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị một cách chính xác và hiệu quả.

P.V:Xin cảm ơn bác sĩ!

Cảnh giác với nguy cơ mắc bệnh lây truyền từ thú cưng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO