Cảnh giác với việc cho thuê, mượn tài khoản ngân hàng
(Baonghean.vn) - Quá trình điều tra các vụ án sử dụng thiết bị công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, lực lượng chức năng phát hiện các đối tượng hầu hết sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ để làm địa chỉ nhận tiền lừa đảo.
Không mở và mua, bán tài khoản cá nhân
Cách đây chưa lâu, trên website của Bộ Công an đã cảnh báo tới người dân về việc một số đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ để làm địa chỉ nhận tiền lừa đảo. Đa phần các tài khoản này là của người dân vì hoàn cảnh khó khăn hoặc do bị dụ dỗ, không biết việc mình mở tài khoản để bán, cho thuê, cho mượn là vi phạm pháp luật, từ đó tạo điều kiện cho tội phạm sử dụng làm công cụ thực hiện lừa đảo trên không gian mạng.
Tang vật bị cơ quan Công an thu giữ. Ảnh: Hồng Ngọc |
Mới đây, Công an Nghệ An vừa triệt xoá một đường dây “Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng” trên phạm vi nhiều tỉnh, thành. Cầm đầu đường dây này là Lê Thế Trung (37 tuổi), trú tại Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội. Trợ thủ đắc lực cho Trung là 3 đối tượng: Bùi Văn Nhật (27 tuổi), trú tại huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An; Lê Văn Hà (30 tuổi), trú và Lê Trung Kiên (32 tuổi), cùng trú tại tỉnh Thanh Hoá. Để điều hành đường dây này, Lê Thế Trung lập ra một công ty trên lĩnh vực xây dựng, nhưng thực chất đây chỉ là bình phong để Trung liên lạc với các đối tượng ở nước ngoài có nhu cầu thuê, mua lại tài khoản ngân hàng. Từ đó, Trung giao cho các “chân rết” tìm mua hoặc thuê lại tài khoản ngân hàng của hàng trăm người dân trên cả nước.
Để phá thành công chuyên án, Công an Nghệ An đã huy động hàng chục cán bộ, chiến sỹ đồng loạt tiến hành bắt, khám xét người, chỗ ở và nơi làm việc của các đối tượng liên quan tại các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Phú Thọ và thành phố Hà Nội. Đến ngày 2/6/2022, đã có tổng cộng 10 đối tượng trong đường này bị bắt giữ. Tang vật cơ quan Công an thu giữ: 20 điện thoại di động, 08 máy tính xách tay, 03 ô tô, hơn 1.500 phôi sim điện thoại, 650 thẻ ngân hàng các loại và các vật chứng khác có liên quan đến hoạt động phạm tội của đối tượng. Đồng thời, phong tỏa trên 1.200 tài khoản ngân hàng có liên quan đến các đối tượng trong chuyên án.
Các đối tượng trong chuyên án bị cơ quan Công an bắt giữ. Ảnh: Hồng Ngọc |
Cơ quan Công an cũng chứng minh được lượng tiền giao dịch qua mỗi tài khoản được Trung thuê hoặc mua lại là khoảng 50 tỷ đồng, cá biệt có những tài khoản giao dịch trên 400 tỷ đồng. Bước đầu các đối tượng khai nhận, tính từ năm 2020 đến đầu năm 2022, chúng đã tiến hành mua, thuê, mượn khoảng 3.000 tài khoản ngân hàng của hơn 600 người ở nhiều tỉnh, thành. Đến thời điểm này, vẫn còn 633 tài khoản đang hoạt động.
Vì vậy, lực lượng công an khuyến cáo người dân không mở và mua, bán tài khoản cá nhân. Trường hợp đã từng mở tài khoản ngân hàng sau đó chuyển cho người khác sử dụng, người dân cần mang giấy tờ cá nhân đến ngân hàng để làm thủ tục đóng tài khoản đó nhằm bảo vệ mình, đồng thời ngăn chặn các đối tượng sử dụng tài khoản làm công cụ phạm tội. Không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu của các tài khoản mạng xã hội, ngân hàng, ví điện tử và mã OTP cho những người lạ hoặc chuyển tiền cho tổ chức, cá nhân mạo danh cán bộ, cơ quan nhà nước để giải quyết các thủ tục pháp lý, từ đó đối tượng dễ dàng chiếm đoạt tài sản.
Có thể bị phạt lên đến 7 năm tù
Hành vi thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép tài khoản ngân hàng là hành vi vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật. Đối tượng vi phạm có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với mức xử phạt cao nhất lên tới 07 năm tù. Cụ thể tại điều 291, Mục 2, Chương XXI, Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng:
1. Người nào thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 20 tài khoản đến dưới 50 tài khoản hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 50 tài khoản đến dưới 200 tài khoản; b) Có tổ chức; c) Có tính chất chuyên nghiệp; d) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng 200 tài khoản trở lên; b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Tang vật bị cơ quan Công an thu giữ. Ảnh: Hồng Ngọc |
Như vậy, đối tượng vi phạm ngoài việc chịu trách nhiệm về xử phạt tiền còn phải chịu trách nhiệm hình sự. Mặt khác, việc cho mượn tên, giấy tờ để làm thẻ, mở tài khoản, cho thuê tài khoản hiểu theo góc độ nào đó cũng là một hình thức tiếp tay cho đối tượng lừa đảo, nếu các tài khoản này trở thành phương tiện cho các đối tượng lừa đảo nhận tiền của các phi vụ lừa đảo và kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến hoạt động giao dịch cũng như bảo đảm tài sản của tổ chức, cá nhân. Do vậy, người dân cần thận trọng, không sử dụng giấy tờ tùy thân của mình để mở hộ hoặc bán, cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán, thẻ cho người khác.
Nâng cao tính bảo mật trong giao dịch qua thẻ ngân hàng
Bên cạnh đó, thời gian qua cũng xuất hiện nhiều thủ đoạn đối tượng giả danh là cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án... điện thoại hoặc thông qua mạng xã hội Zalo, Viber... liên lạc, hù dọa, yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân, mở tài khoản ngân hàng, cung cấp mã OTP (mật khẩu chỉ sử dụng 1 lần được ngân hàng tạo ra gửi đến số điện thoại chủ tài khoản nhằm xác nhận giao dịch) hoặc yêu cầu người dân nộp tiền, chuyển tiền để xác minh, giải quyết các vụ án nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền.
Các thẻ ATM giả được các đối tượng phạm tội đưa từ Trung Quốc sang. Ảnh tư liệu: Xuân Bắc |
Trước tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, ngày 19/5/2021, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND về tăng cường các giải pháp phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Trong đó, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Nghệ An chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại trên địa bàn nâng cao tính bảo mật trong giao dịch trực tuyến, qua thẻ ngân hàng; chủ động phòng ngừa thủ đoạn lắp đặt các thiết bị điện tử vào máy ATM để thu thập dữ liệu thông tin khách hàng, qua đó làm giả thẻ ATM chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Đồng thời phối hợp tốt với cơ quan điều tra các cấp trong công tác điều tra, xác minh, xử lý tội phạm, phong tỏa các tài khoản có liên quan khi có yêu cầu.