Vạch trần kịch bản của băng nhóm chuyên lừa đảo người Việt Nam
Thông qua người Việt Nam, các đối tượng ngoại quốc đã thiết lập đường dây lừa đảo. Mỗi ngày, công ty sẽ tổ chức họp để tuyên dương những người lừa đảo được tiền của bị hại và rút kinh nghiệm những kèo lừa đảo phạm lỗi khiến “chết đơn”.
Ngày 16/6, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 37 bị cáo trong đường dây Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các bị cáo cầm đầu đường dây gồm Vũ Hoàng Minh Tuấn (SN 1992, tại TP Hồ Chí Minh), Đường Minh Dụng (SN 1991, trú xã Quang Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An), Tăng Quảng Vinh (SN 1989, trú TP Hồ Chí Minh).
Trong vụ án này riêng Nghệ An có 27 bị cáo. Tuy nhiên, do thiếu bị cáo và một bị cáo đang bỏ trốn nên HĐXX quyết định hoãn phiên tòa.
Liên quan đến vụ án, cơ quan điều tra xác định, thông qua mạng xã hội, sự giới thiệu của người quen, bạn bè về việc đi làm “việc nhẹ, lương cao”, từ năm 2021 đến 2023 các bị cáo đã làm việc cho các công ty lừa đảo ở Campuchia. Trong đó, gồm một công ty của người Đài Loan do A Thơ (chưa rõ nhân thân, lai lịch) và 1 công ty do Lê Minh Dũng làm chủ.

Sau khi thành lập các công ty có trụ sở tại Campuchia hoạt động lừa đảo bằng thủ đoạn giả danh Cơ quan nhà nước Việt Nam như: Công an, Viện Kiểm sát, Ngân hàng, Bưu chính viễn thông… thông qua người Việt Nam và mạng xã hội, A Thơ tuyển lao động và hứa hẹn, việc nhẹ lương cao.
Công ty thuê trụ sở tại các địa điểm thuộc thị xã Bavet, tỉnh Svay Rieng, Campuchia (gần cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài, Tây Ninh) thiết lập hệ thống máy móc và mạng Internet để hoạt động lừa đảo công dân Việt Nam.
Công ty được tổ chức theo hệ thống trên xuống từ Chủ công ty, quản lý, kỹ thuật, phiên dịch, nhân viên theo nhóm D1,D2,D3. Khi bắt đầu vào làm việc, nhân viên được phát tài liệu hướng dẫn lừa đảo. Sau khi học khoảng vài ngày sẽ bắt đầu thực hiện hành vi lừa đảo. Căn cứ vào khả năng của nhân viên sẽ được phân vào từng nhóm cụ thể.
Mỗi vị trí, bộ phận có nhiệm vụ riêng nhưng làm chung. Trong đó, D1 là nhóm đông người nhất, ngồi tập trung vào các phòng ở ngoài hành lang công ty, mỗi người ngồi ở một ô làm việc riêng. Những người này được công ty cấp điện thoại đã cài đặt ứng dụng gọi điện VoIP, sạc điện thoại, tai nghe, giấy bút.
D1 gọi điện thoại, sử dụng 3 kịch bản gồm: đóng giả nhân viên Bộ Thông tin và Truyền thông, thông báo thuê bao của quý khách sắp bị khóa; đóng giả nhân viên công ty điện lực lừa Hợp đồng điện lực sẽ bị ngưng sau 2h nữa; đóng giả công an địa phương thông báo có liên quan đến các hành vi lừa đảo, rửa tiền, hay buôn bán phạm pháp…
Sau đó, các đối tượng sẽ nhấn nút ## chuyển cuộc gọi lên cho D2 giả danh cán bộ, điều tra viên của cơ quan Công an thao túng tâm lý bị hại. Kế tiếp, các đối tượng này lại chuyển cuộc gọi lên D3.
D3 là những người đã làm thời gian lâu, có kinh nghiệm, được chủ công ty tin tưởng. Các đối tượng trong nhóm này sẽ hướng dẫn bị hại chuyển tiền vào các tài khoản để chiếm đoạt.
Các đối tượng tham gia đường dây này sẽ hưởng mức lương khác nhau. Trong đó, D1 hưởng lương cứng 12 triệu đồng/tháng và hoa hồng 4% số tiền lừa đảo được. D2 và D3 không hưởng lương cứng mà hưởng 5,5% tiền hoa hồng từ D1 lên.
Tất cả D1,D2,D3 thống nhất ngay từ đầu, cùng nhau làm việc để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân Việt Nam. Trong chuỗi hành vi để thực hiện lừa đảo thành công, không thể thiếu bất kỳ vị trí nào.
Cứ vào 18h30 phút hàng ngày, công ty sẽ tổ chức họp rút kinh nghiệm, tuyên dương những đối tượng lừa đảo được tiền của người dân. Bên cạnh đó, các nhân viên chia sẻ kinh nghiệm lừa đảo, những cách nói chuyện, câu nói, từ ngữ nói với bị hại để đạt hiệu quả lừa đảo cao hơn, rút kinh nghiệm những kèo lừa đảo phạm lỗi khiến “chết đơn”.
Hàng tháng sau khi tổng kết, các đối tượng sẽ được công ty sử dụng tài khoản ngân hàng ảo, thông qua người làm dịch vụ đổi tiền mặt lấy tiền tài khoản để chuyển tiền về Việt Nam cho nhân viên.
Cơ quan điều tra xác định, trong thời gian từ năm 2021 đến 2023, các bị cáo đã lừa đảo 4 bị hại tổng số tiền hơn 8,6 tỷ đồng.