Kinh tế

Cảnh giác với xả lũ hồ chứa thủy lợi và thủy điện trong mùa mưa

Doãn Trí Tuệ 23/07/2024 11:19

Xả lũ để bảo vệ an toàn hồ, đập… là việc cần thiết nhưng cần thực hiện tốt một số giải pháp, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Hậu quả do xả lũ

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, diễn biến của thời tiết càng phức tạp, khó lường, có thể xuất hiện nhiều hiện tượng cực đoan. Do mưa lớn, kéo dài, nước ở thượng nguồn chảy về nhiều, tích trữ trong các hồ, đập thủy lợi, thủy điện. Đến mức vượt ngưỡng, sức chứa trên cao trình không cho phép thì áp lực nước có thể làm vỡ đập bất cứ lúc nào, buộc phải xả lũ để cứu đập và hạn chế hậu quả do vỡ đập.

Ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới thường gây ra mưa to, lượng mưa lớn ở các tỉnh miền Trung nói chung, Nghệ An nói riêng từ cuối tháng 7 đến tháng 11. Trong đó, chủ yếu từ tháng 9 đến tháng 10 là những tháng xảy ra bão, lụt, ngập úng nhiều nhất.

Đoàn liên ngành kiểm tra tại thủy điện Khe Bố, Tương Dương. Ảnh Việt Phương
Đoàn liên ngành kiểm tra tại Thủy điện Khe Bố (Tương Dương). Ảnh: Việt Phương

Nhắc lại về hậu quả do xả lũ ở một số hồ, đập thủy lợi, thủy điện tại Nghệ An những năm qua để chúng ta nhớ lại và rút bài học kinh nghiệm như:

Hồ thủy lợi Vực Mấu thuộc thị xã Hoàng Mai có dung tích thiết kế 75 triệu m3 nước, cao trình 21m. Trong mùa mưa bão năm 2013, sau nhiều ngày mưa lớn kéo dài, mực nước trong hồ vượt quá sức chứa trên cao trình 21m. Nếu không xả lũ, áp lực nước có thể gây vỡ đập thì thiệt hại sẽ khôn lường. Vì vậy, 8h sáng 30/9/2013, Xí nghiệp Thủy lợi Hoàng Mai chính thức có Thông báo số 92/TB-XNTL gửi các phường, xã, thị trấn trong vùng biết để phòng tránh. Đến 19h cùng ngày, xả lũ cửa tràn thứ 1, sau đó xả tiếp cửa tràn số 2, sau đó nữa (từ 2 - 3h sáng 01/10/2013) lần lượt xả hết 3 cửa cống còn lại.

Như vậy, trong thời gian 8 giờ đồng hồ, cả 5 cửa cống hồ Vực Mấu xả lũ hết công suất, lưu lượng xả gần 1 triệu m3/h. Với khối lượng nước xả quá lớn trong một thời gian quá ngắn đã gây ra cảnh ngập lụt kinh hoàng ở huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai, có những nơi nước ngập sâu từ 1 - 3m; làm trôi nhà cửa, trâu, bò, lợn, gà, tài sản,...

Gần đây nhất là năm 2022, trên thượng nguồn sông Hiếu có 3 nhà máy thủy điện, gồm: Nhạn Hạc, Châu Thắng và Nậm Pô ng. Chi cục Thủy lợi Nghệ An cho biết, mùa mưa tháng 9 năm 2022, miền Tây Nghệ An có mưa lớn, mưa kéo dài hơn các vùng khác trong tỉnh. Quá trình xả lũ nói trên đã đẩy một khối lượng nước khổng lồ trút xuống vùng hạ du, gây chết người, trôi nhà cửa, mất mát của cải, tài sản của nhân dân, gây thiệt hại lớn cho mùa màng...

Tuyến đường giao thông nông thôn vào bản Tùng Hương, xã Tam Quang bị sạt lở. Ảnh: CSCC
Tuyến đường giao thông nông thôn vào bản Tùng Hương, xã Tam Quang bị sạt lở do mưa to trong đêm 21/7. Ảnh: CSCC

Như vậy, dù xả lũ đúng quy trình, nhưng thông báo xả lũ lúc 2h sáng thì người dân không kịp trở tay. Việc tính toán được lưu lượng nước về hồ chứa để điều tiết xả lũ phù hợp là trách nhiệm của các thủy điện để đảm bảo an toàn cho hạ tầng, tính mạng và tài sản của người dân vùng hạ du...

Một số giải pháp khắc phục

Nghệ An có 1.061 hồ, đập thủy lợi và trên 21 hồ, đập thủy điện lớn nhỏ. Riêng hồ, đập thủy lợi hiện có 120 hồ, đập được xây dựng quá lâu, chất lượng hồ, đập xuống cấp nghiêm trọng. Mùa mưa bão năm nay được dự báo có thể có tổng lượng mưa lớn hơn nhiều so với trung bình nhiều năm. Vì vậy, khả năng nguồn nước đổ về các hồ, đập thủy lợi, thủy điện sẽ rất lớn. Do đó, việc phải xả lũ để bảo vệ an toàn hồ, đập có thể xảy ra.

Để hạn chế hậu quả do xả lũ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện gây ra trong mùa mưa, chúng ta cần thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất: Ban quản lý các hồ, đập thủy lợi, thủy điện tránh tư tưởng chủ quan, ngại khó. Từ đó, buông lỏng chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai, bão lụt, không tính toán đầy đủ và kịp thời các thông số kỹ thuật về số cơn mưa, thời gian mỗi cơn mưa, lượng mưa đo được, lưu lượng nước chảy về hồ, đập từng giờ, từng ngày, mực nước dâng cao mỗi ngày... để xin ý kiến cấp có thẩm quyền cho phép được xả lũ nhằm bảo vệ an toàn hồ, đập khi mưa còn tiếp tục kéo dài. Đây là việc cần làm liên tục 24/24 giờ mỗi ngày trong cả mùa mưa bão. Nếu không hậu quả sẽ khôn lường, không kịp trở tay.

Thủy điện Châu Thắng nhìn từ bản Minh Tiến, xã Châu Tiến. Ảnh tư liệu Thành Cường
Thủy điện Châu Thắng nhìn từ bản Minh Tiến, xã Châu Tiến. Ảnh tư liệu Thành Cường

Thứ hai: Trong mùa mưa bão ở Nghệ An chủ yếu từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm chắc chắn sẽ có mưa to đến rất to, mưa kéo dài nhiều ngày. Vì vậy, các ban quản lý hồ, đập thủy lợi, thủy điện và các xí nghiệp thủy lợi ở các địa phương cần theo dõi chặt chẽ, nắm chắc khả năng nguồn nước đổ về từng hồ, đập, để từ đó chủ động phương án xả lũ dần khi khối lượng nước trong hồ sắp vượt dung tích thiết kế cho phép, chỉ giữ lại lượng nước an toàn, cần thiết. Không nên chần chừ xả bớt nước trong lòng hồ, nhất là khi trời đang tiếp tục có mưa to, mưa kéo dài. Nếu cứ chờ đến khi lo vỡ đập mới xả lũ ồ ạt hết các cánh cửa cổng với lưu lượng nước khổng lồ sẽ gây hậu quả lớn cho vùng hạ du.

Thứ ba: Thời điểm xả lũ không nên vào lúc thủy triều đang lên. Trường hợp hồ thủy lợi Vực Mấu ở thị xã Hoàng Mai đã mắc phải sai lầm này khi tiến hành xả lũ vào ngày 30/9 và ngày 01/10/2013. Đồng thời, sau khi có thông báo xả lũ, cũng không nên xả vào ban đêm sẽ gây khó khăn cho người dân trong việc sơ tán người, của cải, vật nuôi... trong đêm tối. Mặt khác, nên xả từ từ để không dồn cùng một lúc cả một khối lượng nước vô cùng lớn xuống vùng hạ du, tiêu không kịp sẽ gây ngập úng nặng vùng hạ du.

Thứ tư: Trong mùa mưa bão lụt các ban thường trực phòng, chống thiên tai, bão lụt từ tỉnh xuống huyện, xã, thị trấn, thôn, xóm, làng, bản... trực 24/24 giờ và liên tục thông báo trên hệ thống phát thanh, truyền hình về tình hình mưa lụt, nguy cơ ngập úng, khả năng gió bão có thể xảy ra và nếu có xả lũ ở hồ, đập nào đó thì phải thông báo sớm trước khi xả lũ ít nhất 1/2 ngày, thông báo nhiều lần để người dân có thời gian thu gom đồ đạc, di chuyển tài sản lên nơi cao, đưa người già và trẻ em đến nơi an toàn.

Thứ năm: Đối với người dân ở các vùng hạ du gần nơi có các hồ, đập thủy lợi, thủy điện lớn phải luôn luôn trong tư thế chủ động, chuẩn bị sẵn sàng di tản người, bảo vệ tài sản khi có lệnh sơ tán do xả lũ gây ngập úng.

Thứ sáu: Thông thường cuối tháng 8, đầu tháng 9 các cây trồng vụ hè thu, như lúa, ngô, đậu, lạc... vào mùa thu hoạch. Ở những vùng đất thấp trũng dễ bị ngập úng khi có mưa to và những vùng hạ du gần với các hồ, đập thủy lợi, thủy điện nên cố gắng thu hoạch nhanh gọn các cây trồng vụ hè thu, nhất là cây lúa khi có số hạt trên bông chín được 85 - 90% cho thu hoạch ngay.

Mới nhất

x
Cảnh giác với xả lũ hồ chứa thủy lợi và thủy điện trong mùa mưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO