Câu chuyện áp lực thành tích trong bóng đá
(Baonghean) - Như vậy là điều không mong muốn, thậm chí là không ngờ đến đã xảy ra với U22 Việt Nam. Từ chỗ một đội bóng đang dẫn đầu bảng xếp hạng, thi đấu ấn tượng, chúng ta đã chơi “như người mất hồn” trong trận đấu gặp U22 Thái Lan dẫn đến những sai lầm ngớ ngẩn, biếu cho U22 Thái Lan 3 bàn thắng và rời SEA Games ngay từ vòng bảng trong sự ngỡ ngàng, thất vọng.
Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra sau thất bại cay đắng của U22 Việt Nam trước U22 Thái Lan. Báo chí trong và ngoài nước cũng như giới chuyên môn thì cho rằng sự yếu kém về tinh thần cũng như thể lực và thiếu may mắn... đã khiến Việt Nam thảm bại 0-3 ở trận đấu cuối cùng tại bảng B.
U22 Việt Nam đã “tự thua” trước U22 Thái Lan vì áp lực đoạt HCV. Ảnh: Internet |
Thất bại của U22 Việt Nam cũng kéo theo cơn giận lôi đình của rất nhiều người hâm mộ, họ đã dùng những lời lẽ cay nghiệt, chì chiết từ HLV, cầu thủ cho tới lãnh đạo VFF. Thậm chí một số người còn quá khích, vào trang cá nhân của các cầu thủ để chửi bới, mạt sát… mà không hề có sự sẻ chia trước thất bại đáng quên để những cầu thủ trẻ của chúng ta có cơ hội “đứng dậy làm lại” sau khi vấp ngã.
Trước làn sóng bức xúc của dư luận, là một người thường có những lời nhận xét khó nghe về đội tuyển, nhưng lần này HLV Lê Thụy Hải cũng có cái nhìn rất bao dung: “U22 Việt Nam thua Thái Lan và bị loại, tôi rất buồn và tôi nghĩ ai cũng buồn vì kết quả này, các cầu thủ của chúng ta đã bị trạng thái quá lâu. Nhưng đây là thực tế phải chấp nhận và tôi nghĩ báo chí và dư luận hãy động viên các cầu thủ”.
Nhiều chuyên gia khác thì cho rằng, chính chúng ta quá kỳ vọng vào chiếc HCV SEA Games nên đã đặt gánh nặng áp lực tâm lý lên vai các cầu thủ trẻ.
Chính cổ động viên đang tạo những áp lực không nhỏ lên các cầu thủ trẻ. Ảnh: Internet. |
Nhưng chúng ta lại chưa có sự đồng hành và nhìn nhận thấu đáo về các cầu thủ của chúng ta và cũng như các đối thủ trong khu vực, thế nên việc khen chê của chúng ta nhiều khi thiếu đi sự công tâm, làm ảnh hưởng đến tâm lý các cầu thủ trước khi bước vào trận. Đó cũng là một trong những nguyên nhân góp phần dẫn đến thất bại của U22 Việt Nam vừa qua.
Với một lứa cầu thủ được đánh giá là tốt nhất từ trước đến nay của bóng đá Việt Nam, được kỳ vọng sẽ giành HCV SEA Games mà bị loại từ vòng đấu bảng là rất đáng buồn. Nhưng thiết nghĩ, thời điểm này chúng ta nên chia sẻ với BHL và toàn thể đội bóng U22 Việt Nam hơn là dùng những lời lẽ chỉ trích cay nghiệt.
Bởi như thế liệu có khiến mọi thứ tốt lên hơn, hay chỉ là cơn hả hê trong chốc lát? Để rồi không ai dám đứng ra đảm đương dẫn dắt những cầu thủ trẻ từng được tham dự VCK U20 World Cup và nói cho công bằng thì họ cũng đã có những khoảnh khắc tỏa sáng ở SEA Games 29, có chăng sự thiếu may mắn và khắc nghiệt của môn thể thao này đã không cho họ có cơ hội sửa sai.
Mặc dù phải rời SEA Games 29 trong bẽ bàng, nhưng nhiều người cho rằng chúng ta chưa cần một cuộc đại phẫu nào cho nền bóng đá cả, mà chỉ cần thay đổi tập tục, thói quen suy nghĩ và lối tư duy - bệnh thành tích, bóng đá Việt Nam sẽ có những cơ hội khác tốt hơn.
Bởi chúng ta có tiềm năng, nhất là bóng đá trẻ đang có sự phát triển khá tốt, nhưng chúng ta không nên đặt quá nhiều kỳ vọng và tạo áp lực phải có thành tích, đạt huy chương cho các cầu thủ trẻ, khiến họ “không thắng nổi chính mình” khi ra sân và dâng chiến thắng cho đối thủ./.
Đức Dũng
TIN LIÊN QUAN |
---|