Cầu thủ thứ 12 và những thăng trầm bóng đá
(Baonghean.vn) - Đông đảo người hâm mộ bóng đá Việt Nam, đồng thời cũng là fan ruột của các đội bóng lừng danh thế giới. Nhưng phải nói rằng, chỉ những người trực tiếp đến sân của các đội bóng, bỏ tiền mua vé cả mùa bóng, chứng kiến trực tiếp kết quả các trận đấu…mới thực sự “là cầu thủ thứ 12 trên sân” của đội bóng và cả nền bóng đá.
Và thực chất, nếu kết quả thi đấu của đội bóng không tốt, rất hiếm khi có chuyện cổ động viên “quay xe” với đội bóng, với cầu thủ, mà nếu có sẽ là chuyện “quay xe” với lãnh đạo, ông chủ đội bóng.
Cổ động viên sân Vinh. Ảnh tư liệu |
Thì đây, câu chuyện của cổ động viên Manchester United - Giải Ngoại hạng Anh khi đội bóng lừng danh rất được yêu thích này dần tụt dốc, đều liên quan tới nhà Glazer-những ông chủ Mỹ sở hữu đội bóng. Điều mà người hâm mộ cần, giới chuyên môn cần lúc này là “Nhà Glazer giải thích về bản thân với người hâm mộ khi vòng xoáy đi xuống của đội bóng lại tiếp tục”.
Cựu cầu thủ Gary Neville cho rằng “ Không có lãnh đạo, không có tiếng nói, bạn không thể đổ lỗi cho từng cầu thủ hay huấn luyện viên. Bạn phải nhìn ở trên, bạn phải nhìn từ trên xuống. Có một gia đình ở Mỹ đằng kia đang để nhân viên của họ ăn đòn và điều đó là không thể tha thứ. Joel Glazer (tức ông chủ Mỹ- HB) phải lên máy bay vào ngày mai, phải đến Manchester và nói cho mọi người biết kế hoạch quái quỷ của ông ấy với đội bóng là gì” và “Họ phải xuất hiện và phải đối mặt. Họ không thể tiếp tục trốn tránh sự phá hoại đội bóng…”.
Để thấy, đội bóng có thể là sở hữu của một hay nhiều ông chủ giàu có nào đó ở trong, ngoài nước. Nhưng không thể nói ông chủ muốn làm gì thì làm mà không tính đến kết quả thi đấu cụ thể của đội bóng hay bất chấp tiếng nói từ truyền thông hay cổ động viên. Truyền thông, cổ động viên sẽ không cho phép, thậm chí buộc họ phải vào cuộc một cách thực chất, đúng đắn để đưa đội bóng đi lên, để vừa đáp ứng, vừa phục vụ nhu cầu của đông đảo người hâm mộ.
Ở nước ta, từng có câu chuyện mâu thuẫn giữa Công ty CP Thể thao SHB Đà Nẵng và cổ động viên đội bóng màu cam này hồi năm 2019, nghĩa là cũng không hề liên quan gì tới huấn luyện viên và các cầu thủ của đội bóng. Xuất phát từ chuyện liên quan đến kinh phí hoạt động của hội cổ động viên, do giải quyết không thấu đáo mà dẫn đến hệ quả thật đáng tiếc. Lãnh đạo Công ty CP từng hứa cấp kinh phí cho hội cổ động viên rồi lại không cấp. Lý do được nêu ra là phải có văn bản, hội phải có điều lệ, có tài khoản… Rồi lình xình, đòi cắt nọ, thêm kia, lập hội mới với hội cũ, đến nỗi người từng gắn bó sống chết với bóng đá Đà Nẵng cũng bị cổ động viên tẩy chay, mắng mỏ…
Không nói thì ai ai cũng biết, từ khi bóng đá Đà Nẵng lên chuyên, từ bỏ bao cấp đã dẫn đến những chuyện gì liên quan đến sân vận động nổi tiếng Chi Lăng, cổ động viên màu cam tan đàn, xẻ nghé như thế nào so với thời trước đó và đặc biệt chất lượng thi đấu của đội bóng đang đi về đâu?
Nói xa lại ngẫm tới gần. Lâu nay cổ động viên Sông Lam Nghệ An vốn nức tiếng về việc cổ vũ hết lòng với đội bóng quê hương. Nhưng gần đây có chuyện “quay xe”, chuyện cổ động viên bày tỏ bất bình với cầu thủ… là điều rất khác, rất đáng báo động về một nguy cơ tan đàn, xẻ nghé nào đó nếu không xử lý rốt ráo và tỉnh táo mọi việc liên quan.
Khi Sông Lam Nghệ An còn hoạt động theo mô hình cũ, khi đội bóng thi đấu khó khăn thì có lãnh đạo tỉnh, ngành Thể thao đứng ra hỗ trợ, thậm chí các lãnh đạo như ông Hồng Thanh, ông Văn Chiêm đứng ra “chịu trận”. Nay thì có vẻ như mọi việc giống như câu chuyện nhà Glazer nói trên: Đội bóng bết bát không biết kêu ai, đội bóng khó khăn không thấy ai trực tiếp đứng ra gánh vác. Giới chuyên môn và người hâm mộ, đáng ngại thay lại nghe huấn luyện viên đứng ra phát ngôn, hứa nhưng không làm được, lại hứa. Rồi cầu thủ bức xúc, trong một cơn bốc đồng, làm cái việc muôn đời không thể, không bao giờ được làm là “căng” với cổ động viên, để rồi xin lỗi mà vẫn ấm ức…
Mũi tên bắn đi không thể thu về, lời nói buột miệng khó mà “nói lại cho rõ” hay “đính chính”, nhất là với những người từng gắn bó, ruột rà. Chỉ có thực tế sinh động, chỉ có thời gian mới làm mờ nhòa những điều đáng tiếc đã xảy ra. Thực ra, ai ai rồi cũng phải học nhiều thứ, ngoài chuyên môn, chuyên sâu của mình. Làm thật thì khó hơn nói thật. Có sai thì mới có đúng.
Thật may là Manchester United đang hay dần lên sau quãng dài trầy trật và câu chuyện giữa cổ động viên với nhà Glazer dần lùi về dĩ vãng, nhường chỗ cho không khí tuyệt vời ở “Nhà hát của những giấc mơ”.
Chuyện cổ động viên màu cam và màu vàng như vừa nói ở trên, hy vọng cũng sớm qua, trả lại sắc cam, sắc vàng truyền thống trên các khán đài, ít nhất là trong… mùa bóng tới, 2023?