Cecilia Rouse - trợ thủ kinh tế đắc lực của Tổng thống Biden

Minh Minh 05/03/2021 08:22

(Baonghean.vn) - Sau khi được Thượng viện Mỹ bỏ phiếu thông qua mới đây, bà Cecilia Rouse đã chính thức trở thành Chủ tịch da màu đầu tiên và là người phụ nữ thứ 4 giữ vai trò lãnh đạo Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng (CEA), kể từ khi cơ quan này được thành lập vào năm 1946. Quyết định lịch sử này tiếp tục hiện thực hóa cam kết và lời hứa của Tổng thống Joe Biden với phụ nữ và người da màu trong chiến dịch tranh cử của mình; đồng thời cũng gợi mở các chính sách về kinh tế của nước Mỹ thời gian tới.

Lời dặn dò thế hệ

Khi mới 4 tuổi, cô bé Cecilia Rouse đã được bố mẹ kể về sự kiện nhà hoạt động da màu về dân quyền Martin Luther King Jr. bị ám sát, bạo loạn giằng xé thủ đô Washington, các doanh nghiệp và khu dân cư của người da màu bị phá hoại nặng nề. Trong một bức ảnh gia đình còn sót lại, cô bé Rouse cùng cô em gái nhỏ hơn đang đứng cạnh một cửa hàng có tấm lợp cũ cùng tấm ván ép sơn dòng chữ: “Rất nhiều linh hồn anh chị em đã từng làm việc tại đây. Đừng khiến chúng tôi bị mất việc làm”.

Cô bé Rouse sinh ngày 18/12/1963, tại Walnut Creek, bang California, khi đó còn quá nhỏ để hiểu điều gì đang xảy ra trong xã hội Mỹ và cộng đồng người da màu. Thế nhưng, thông điệp đó về sau đã trở thành động lực cho sự nghiệp kéo dài hàng thập niên của người phụ nữ trưởng thành Cecilia Rouse với tư cách là một nhà kinh tế học lao động. Cơ hội càng mở rộng hơn khi bà Rouse được Tổng thống Joe Biden đánh giá cao và lựa chọn cho vị trí quan trọng hàng đầu Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng (CEA), nơi bà sẽ giúp chèo lái nền kinh tế số 1 thế giới vượt qua cuộc suy thoái và bị đánh giá là bất bình đẳng nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại.

Chân dung tân Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Cecilia Rouse (CEA). Ảnh: NewsOne
Chân dung tân Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Cecilia Rouse (CEA). Ảnh: NewsOne

Nhìn lại đầu những năm 1980, khi đầu quân cho Đại học Harvard, cô sinh viên Rouse chưa hề muốn học kinh tế cho đến một khóa học về kinh tế ngay năm đầu tiên. Bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp cao của nước Mỹ lúc bấy giờ đã thôi thúc Rouse theo đuổi khóa học nghiên cứu về các mô hình kinh tế có tỷ lệ thất nghiệp cao. Từ khóa học này, cô sinh viên trẻ tuổi đã tìm ra một bộ nguyên tắc về các vấn đề kinh tế và cả xã hội quan trọng, và có thể áp dụng trong thực tế. Nhớ lại thời điểm đó, bà Rouse về sau này đã kể rằng, thực tế bà có thể áp dụng bộ quy tắc cho nhiều lĩnh vực đời sống xã hội và đặc biệt yêu thích các công cụ mà các nhà kinh tế học sử dụng trong lĩnh vực kinh tế.

Đa trải nghiệm

Được đánh giá là một nhà kinh tế có tư tưởng Toán học, bà Rouse cũng đặc biệt quan tâm đến các vấn đề xã hội. Đây cũng là truyền thống gia đình khi cha của bà là một trong những tiến sỹ Vật lý người Mỹ gốc Phi đầu tiên và mẹ là một nhà tâm lý học đường. Tố chất của một nhà khoa học Toán học tài năng và các kỹ năng xã hội của một nhà tâm lý học xã hội đã hội tụ trong con người bà Rouse. Nhưng vượt trội hơn cha mẹ, các vấn đề kinh tế học và cả xã hội học đã được bà Rouse nhìn nhận và suy ngẫm từ một góc độ logic của Toán học với hiệu quả không ngờ.

Sau khi hoàn thành chương trình tiến sỹ tại Đại học Harvard, Rouse trở thành trợ lý giáo sư tại Đại học Princeton. Bà đã làm việc tại đây trong 20 năm cùng với 1 năm hoạt động tại Quỹ Russell Sage và 3 năm làm việc cho các cơ quan chính phủ ở Washington DC. Là một nhà kinh tế học lao động với chuyên ngành phụ là kinh tế giáo dục, bà Rouse cũng nghiên cứu nhiều về tác động của giáo dục và đào tạo đối với thị trường lao động. Trong sự nghiệp, bà Rouse đã từng 2 lần có cơ hội phát triển và đa dạng hóa chuyên môn từ kinh tế học lao động sang kinh tế chính sách. Như năm 1998, bà từng phục vụ cho chính quyền Tổng thống Bill Clinton tại Hội đồng Kinh tế Quốc gia (NEC). Hay giai đoạn 2009-2011, bà làm việc cho chính quyền Tổng thống Barack Obama với tư cách là thành viên của Hội đồng Cố vấn Kinh tế (CEA).

Thất nghiệp, doanh nghiệp giải thể là những thách thức lớn đối với bà Cecilia Rouse. Ảnh: NBC New
Thất nghiệp, doanh nghiệp giải thể là những thách thức lớn đối với bà Cecilia Rouse. Ảnh: NBC New

Tại Hội đồng Kinh tế Quốc gia (NEC), bà Rouse đã góp phần điều phối chính sách kinh tế cho chính quyền đương nhiệm. Đây là một trải nghiệm khác biệt khi bà phải học cách tìm ra các giải pháp chính sách có thể giải quyết hàng loạt vấn đề cho nhiều cơ quan, bộ phận với các mối quan tâm khác nhau. Cũng trong thời gian làm việc tại Hội đồng Kinh tế Quốc gia (NEC), bà đã trải qua một trong những giai đoạn tâm đắc nhất khi được làm việc về dự luật nhập cư mà bà luôn ấp ủ. Còn tại Hội đồng Cố vấn Kinh tế (CEA), bà đã tư vấn cho Tổng thống về các chính sách liên quan đến thất nghiệp trong thời kỳ suy thoái sâu nhất kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930. Bà đã nghiên cứu bản chất của thất nghiệp, đồng thời giúp thiết kế các chính sách nhằm tăng cường hoạt động kinh tế và hỗ trợ các lao động bị mất việc làm.

Bà Rouse cũng đưa nghiên cứu của mình vào ứng dụng trực tiếp khi làm việc về các chính sách giáo dục của Tổng thống Obama. Có thể nhắc tới các chính sách trong Đạo luật Hỗ trợ sinh viên và trách nhiệm tài chính (SAFRA), nhằm sắp xếp hợp lý các quy trình cho vay của sinh viên và các chương trình hỗ trợ tài chính cho giáo dục. SAFRA cũng đầu tư vào các trường cao đẳng dành cho người da màu, các trường cao đẳng cộng đồng... Không những vậy, bà cũng tập trung nhiều tâm huyết vào các dự án hỗ trợ phụ nữ, người da màu bị thiệt thòi trong xã hội...

Nặng nề thách thức

“Rouse là một trong những nhà kinh tế học xuất sắc nhất cả nước, một chuyên gia về kinh tế lao động, chủng tộc, nghèo đói và giáo dục”, Tổng thống Joe Biden đã nhận xét như vậy khi chính thức đề cử bà vào vị trí lãnh đạo Hội đồng Cố vấn Kinh tế (CEA). Trải qua 2 chính quyền dưới sự lãnh đạo của đảng Dân chủ và gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực học thuật, bà Rouse đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi của các nhà lập pháp cả lưỡng đảng Dân chủ và Cộng hòa. Thế nhưng, ai cũng hiểu, tiếp theo những lời khen ngợi là cả núi công việc và thách thức đang đặt ra. Đó là hỗ trợ đắc lực cho chính quyền Tổng thống Joe Biden đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế khiến hàng triệu người thất nghiệp, hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ phải đóng cửa và giải thể; đồng thời phải thiết kế một tương lai mới cho nền kinh tế số 1 thế giới. Đây có lẽ sẽ là những thách thức lớn nhất trong cuộc đời và sự nghiệp của bà Rouse.

Theo các nhà phân tích, kinh nghiệm dày dặn trong việc xử lý các vấn đề của người lao động và các đối tượng gặp rủi ro và tổn thương trong xã hội sẽ giúp bà Rouse phát huy thế mạnh. Tuy nhiên, một khi lãnh đạo một cơ quan lớn như Hội đồng Cố vấn Kinh tế (CEA), chuyên môn về kinh tế lao động sẽ thể hiện những hạn chế trước các vấn đề cấp bách đan xen, như cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra, chăm sóc sức khỏe, nhà ở, cải cách tài chính và cả các vấn đề quốc tế. Hơn nữa, các đồng sự hàng đầu của bà tại Hội đồng Cố vấn Kinh tế (CEA) như Jared Bernstein và Heather Boushey cũng đều có chuyên môn tập trung vào các vấn đề tiền lương và bất bình đẳng, trong khi nhiệm vụ hàng đầu hiện nay đó là giải quyết các vấn đề cạnh tranh và cải cách tài chính.

Bà Cecilia Rouse và đội ngũ nhân sự về kinh tế nhiều tiềm năng của Tổng thống Joe Biden. Ảnh: CNBC
Bà Cecilia Rouse và đội ngũ nhân sự về kinh tế nhiều tiềm năng của Tổng thống Joe Biden. Ảnh: CNBC

Áp lực càng tăng lên khi chính quyền Tổng thống Joe Biden và đảng Dân chủ sẽ phải chứng minh bằng một chương trình nghị sự kinh tế táo bạo có thể giải cứu cho nền kinh tế Mỹ cũng như tỷ lệ thất nghiệp hiện nay. Tất nhiên, việc lưỡng viện Quốc hội Mỹ nhất trí thông qua gói giải cứu trị giá 1,9 nghìn tỷ USD tập trung chương trình vaccine quốc gia, cứu trợ các doanh nghiệp và chính quyền địa phương, đã giúp chính quyền ông Biden “ghi điểm”.

Thế nhưng, chừng đó là chưa thể đủ khi đại dịch đã khiến khoảng 400.000 người Mỹ thiệt mạng và tiếp tục ảnh hưởng nặng nền đến quá trình phục hồi nền kinh tế. Hay một thách thức khác là vào năm 2020, thực tế là phụ nữ đã mất việc làm nhiều hơn nam giới, phụ nữ cũng sẽ mất nhiều thời gian hơn để tái sử dụng sức lao động... Đó là chưa kể, chỉ khi tạo được “cái nền” vững chắc cho kinh tế trong nước, Mỹ mới có thể đủ lực để tiếp tục so kè trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc dự báo sẽ còn phức tạp!

Mới nhất
x
Cecilia Rouse - trợ thủ kinh tế đắc lực của Tổng thống Biden
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO