Chăm lo, đồng hành hỗ trợ phụ nữ và trẻ em yếu thế

Bài, ảnh: Phương Thảo - CTV; KT: Lâm Tùng 19/11/2021 10:45

(Baonghean.vn) - Một trong hoạt động mang dấu ấn của hội phụ nữ các cấp ở Nghệ An thời gian qua là chăm lo, đồng hành hỗ trợ phụ nữ và trẻ em nghèo, yếu thế. Từ đó đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội ở từng địa bàn và trên phạm vi toàn tỉnh.

Sôi nổi nhiều hoạt động

Chị Đinh Thị Hoàng, ở xóm Đồng Nhân, xã Đồng Thành (Yên Thành) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hai vợ chồng sức khỏe yếu. Đất sản xuất chỉ vỏn vẹn một sào ruộng. Cuộc sống quanh năm dựa vào “Ai thuê gì làm nấy”, như phun thuốc, làm cỏ, thu hoạch mùa và khi không ai thuê thì bắt ốc bán nuôi 4 miệng ăn. Bởi thế, chưa bao giờ gia đình chị Hoàng có đồng tiền tích lũy.

Thấu hiểu hoàn cảnh đó, nhiều năm liên tục, Hội LHPN huyện Yên Thành và xã Đồng Thành đã phối hợp với nhiều tổ chức, cá nhân để hỗ trợ gia đình, từ làm nhà vệ sinh, nhà tắm, tường bao quanh nhà đến hỗ trợ bò, gà sinh kế. Hiện gia đình chị tiếp tục được hỗ trợ làm “Mái ấm tình thương” với tổng giá trị hơn 100 triệu đồng. Chị Đinh Thị Hoàng tâm sự: “Cùng với sự hỗ trợ đồng hành của cấp ủy, chính quyền, tổ chức hội phụ nữ, cuộc sống gia đình tôi ngày càng ổn định”.

Cũng được hỗ trợ làm “Mái ấm tình thương” trong năm 2021 này có gia đình chị Nguyễn Thị Bốn, ở xóm Đăng Lưu, xã Nam Thành; chị Nguyễn Thị Lĩnh, ở xóm 4, xã Bắc Thành; chị Phan Thị Huệ, ở xóm 3, xã Đại Thành, đều có hoàn cảnh khó khăn…

Bà Nguyễn Thị Hòa - Chủ tịch Hội LHPN huyện Yên Thành chia sẻ: Phụ nữ diện hộ nghèo đều rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, yếu thế, rất khó để vươn lên nếu không có sự đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ bằng việc làm cụ thể, thiết thực. Bởi vậy, trong vòng 5 năm, Hội LHPN các cấp ở huyện Yên Thành đã tập trung kêu gọi, huy động nguồn lực hỗ trợ làm gần 100 “Mái ấm tình thương” và sửa chữa gần 150 nhà. Cùng với đó là tổ chức phong trào “Đồng hành cùng phụ nữ yếu thế” với tinh thần “Không để cho một phụ nữ nào bị bỏ lại phía sau”. Qua đó có nhiều mô hình được triển khai ở cơ sở, như “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm”; “Hũ gạo tình thương”; “Biến rác thải thành con giống”… 5 năm qua đã có hàng nghìn chị em khó khăn, yếu thế trên địa bàn huyện được hỗ trợ gà, vịt, lợn giống; thẻ BHYT và hàng nghìn suất quà…

Đối với Hội LHPN huyện Thanh Chương, đã sáng tạo tổ chức mô hình “Gian hàng 0 đồng”. Từ việc thí điểm tại xã Đồng Văn, nay đã phát triển ở 13 xã, thị trấn và từ mục đích ban đầu là thu nhận các vật dụng gia đình, kể cả quần áo đã qua sử dụng ở các gia đình không còn dùng đưa đến cho những người cần dùng mà chủ yếu là phụ nữ, trẻ em nghèo, yếu thế ở từng địa bàn; đến khi huyện Thanh Chương áp dụng biện pháp chống dịch theo tinh thần Chỉ thị 16 của Chính phủ thì các “Gian hàng 0 đồng” trở thành địa chỉ cho và nhận các nhu yếu phẩm: gạo, nước mắm, dầu ăn, mỳ chính, rau, củ…; nước sát khuẩn, khẩu trang, xà phòng… cho phụ nữ khó khăn.

Cùng với “Gian hàng 0 đồng”, huyện Thanh Chương cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong phong trào “Biến rác thải thành con giống, thành mô hình sinh kế, thành thẻ BHYT, thành khu vui chơi, giải trí cho trẻ và dụng cụ học tập cho học sinh”. 5 năm qua, tổ chức hội đã gom được hơn 182 tấn phế liệu với tổng trị giá 665 triệu đồng. Nguồn tiền này đã mua và hỗ trợ gần 1.300 hội viên nghèo 100 bò, dê; 167 con lợn giống; gần 35.000 con gà giống.

Tổ chức hội còn tổ chức nhiều hoạt động hướng tới phụ nữ, trẻ em nghèo, yếu thế như trao 32 “Mái ấm tình thương”; triển khai phong trào “Mỗi chi hội giúp đỡ 1 hộ thoát nghèo”; trao học bổng vào đầu năm học cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Thanh - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Thanh Chương

Phụ nữ Thanh Chương hỗ trợ lợn giống, tạo sinh kế cho người nghèo.
Phụ nữ Thanh Chương hỗ trợ lợn giống, tạo sinh kế cho người nghèo.

Có thể nói, đồng hành, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em nghèo, yếu thế là một trong những hoạt động trọng tâm, ưu tiên của các cấp hội phụ nữ trong tỉnh thời gian qua. Như Hội LHPN huyện Đô Lương tập trung hỗ trợ mô hình sinh kế bằng các vật nuôi gà, lợn, dê, bò, sổ tiết kiệm; hỗ trợ Thẻ bảo hiểm; hỗ trợ học bổng, tặng xe đạp, bàn ghế, sách vở, quần áo cho con em học tập từ nguồn “Biến phế liệu thành việc làm có ích” và huy động đóng góp của hội viên, đóng góp từ các nhà hào tâm, con em xa quê.

Hay Hội LHPN huyện Nghi Lộc với mô hình “đảm nhận con nuôi” đối với các trẻ mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt. Ngoài Huyện hội nhận 2 cháu làm “con nuôi” thì hiện các xã, thị trấn đều đảm nhận nuôi 1 - 3 cháu. Hội LHPN huyện Quỳnh Lưu, ngoài xây dựng “Mái ấm tình thương”, hỗ trợ sinh kế còn hỗ trợ gia đình phụ nữ neo người, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn làm mùa vụ, đảm bảo có nguồn thu nhập từ sản xuất cho gia đình…

Đồng hành, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em nghèo, yếu thế là một trong những hoạt động trọng tâm, ưu tiên của các cấp hội phụ nữ trong tỉnh thời gian qua.
Đồng hành, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em nghèo, yếu thế là một trong những hoạt động trọng tâm, ưu tiên của các cấp hội phụ nữ trong tỉnh thời gian qua.

Đóng góp cho mục tiêu an sinh xã hội

Bà Lê Thị Hương Giang - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nghệ An chia sẻ: Những người làm công tác tổ chức hội ở các cấp là người gần gũi, thấu hiểu sự khó nhọc, thiệt thòi của những phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn hơn ai hết. Đặc biệt, khi nghèo khó, các chị thường tự ti với bản thân. Đây vừa là lực cản của chị em phụ nữ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống; vừa là lực cản cho mục tiêu an sinh xã hội và bình đẳng trong phát triển con người nói chung.

Một trong những chức năng quan trọng của hội phụ nữ các cấp là chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ.

Bà Lê Thị Hương Giang chia sẻ

Hội LHPN tỉnh trao hỗ trợ bò, tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc Đan Lai (huyện Con Cuông).
Hội LHPN tỉnh trao hỗ trợ bò, tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc Đan Lai (Con Cuông).

Với mong muốn tạo thêm động lực, nghị lực, giúp đỡ phụ nữ và trẻ em yếu thế tự tin vươn lên trong cuộc sống; đồng thời thể hiện vai trò đóng góp của tổ chức hội phụ nữ vào công tác giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, tổ chức hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực, sáng tạo triển khai nhiều phong trào, hoạt động “Đồng hành cùng phụ nữ và trẻ em yếu thế”. Và cách làm của các tổ chức hội các cấp là rà soát, phân nhóm để giúp đỡ, hỗ trợ phù hợp theo từng đối tượng. Từ làm “Mái ấm tình thương”; hỗ trợ cây, con giống sinh kế; hỗ trợ tiền chữa bệnh, hỗ trợ vật dụng gia đình, hỗ trợ lương thực hàng tháng, hỗ trợ ngày công lao động, sản xuất…

Trong 5 năm đã có hơn 18.000 lượt phụ nữ và trẻ em nghèo, yếu thế được hỗ trợ; trong đó, hỗ trợ làm nhà, sửa chữa 837 “Mái ấm tình thương”, trị giá gần 17 tỷ đồng. Hưởng ứng Chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, đến nay, sau 2 tháng, toàn tỉnh đã trao 8.436 suất quà cho phụ nữ, trẻ em nghèo, khó khăn, trị giá hơn 3,2 tỷ đồng…

Phong trào “Biến phế liệu thành việc làm có ích” được phát triển sâu rộng ở các cấp hội phụ nữ nhằm tạo thêm nguồn lưc hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em nghèo, yếu thế.
Phong trào “Biến phế liệu thành việc làm có ích” được phát triển sâu rộng ở các cấp hội phụ nữ nhằm tạo thêm nguồn lực hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em nghèo, yếu thế.

Đồng hành, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em nghèo, yếu thế tiếp tục được xác định là một trong nhiệm vụ trọng tâm của các cấp hội phụ nữ Nghệ An trong nhiệm kỳ 2021 - 2026. Bởi hiện nay có nhiều vấn đề xã hội tác động trực tiếp đến sức khỏe, việc làm, thu nhập của phụ nữ, trong đó có dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, góp phần tạo động lực cho phụ nữ vươn lên, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên phạm vi toàn tỉnh.

Mới nhất

x
Chăm lo, đồng hành hỗ trợ phụ nữ và trẻ em yếu thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO