'Chất vấn' người đầu tiên giơ bảng tranh luận tại hội trường Quốc hội
Người đầu tiên giơ bảng tranh luận tại hội trường Quốc hội, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu cho hay, đây là một điều rất hay.
Ngày 24/10, Quốc hội thảo luận Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo tại hội trường.
Ở phần cuối chương trình, khi Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đối đáp lại các thảo luận về góp ý về dự thảo luật thì đại biểu Quốc hội - Giám đốc Công an Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu giơ bảng tranh luận để tranh luận ngay về vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội. |
Việc đại biểu tranh luận ngay tại hội trường là một trong những nét mới trong kỳ họp Quốc hội lần này.
Chiều 25/10, bên lề Quốc hội, trả lời báo chí, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu cho hay, đây là một điều rất hay. “Chúng tôi là những đại biểu ở địa phương. Chúng tôi thực hiện phản ánh đúng cơ sở của thực tiễn, cho nên những người tiếp thu sẽ phải suy nghĩ rất kỹ trước khi giải đáp trả lời”.
Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cũng cho biết, khi đại biểu đã phát biểu trước Quốc hội, có nghĩa đã đưa hết tâm huyết, trí tuệ và năng lực của mình để đảm bảo lời nói của mình có chất lượng chứ không phải là phát biểu cho qua chuyện.
“Đây là danh dự cũng đồng thời trách nhiệm của đại biểu với cử tri. Vì vậy tôi rất thích chuyện phản biện trở lại”, đại biểu Quốc hội nêu quan điểm.
Theo ông Nguyễn Hữu Cầu, khi ông là người tranh luận dầu tiên, các đại biểu Quốc hội khác rất hoan nghênh.
“Tôi muốn ý kiến, trách nhiệm của chúng tôi với cử tri được chuyển đến Quốc hội. Đấy là những cái gì chắt lọc nhất, tinh hoa nhất”.
Trước đó, chiều 18/10, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo thông tin về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Ủy viên Trung ương Đảng - Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội chủ trì cuộc họp báo.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, điểm mới của kỳ họp này là trong phát biểu tại hội trường sẽ tạo điều kiện tranh luận, đồng thời mời cơ quan trình báo cáo cùng Bộ trưởng cùng trả lời đại biểu để làm sáng tỏ thêm các nội dung.
Về việc thiết kế cho đại biểu tranh luận, ông Phúc cũng cho biết, ngoài việc đăng ký, đại biểu có thể giơ bảng đăng ký tranh luận nhằm tăng điều kiện thảo luận tại hội trường.
Bên cạnh đó, nếu việc thảo luận vào buổi sáng thì các đại biểu còn lại sẽ đặt câu hỏi để thành viên Chính phủ trả lời trực tiếp. Nếu trả lời chưa hết các ý của đại biểu thì cho phép trả lời bằng văn bản. “Đây là việc làm được luật cho phép”, ông Phúc cho hay.
Theo VOV