Châu Âu: Tăng cường an ninh không còn hiệu quả khi khủng bố 'giá rẻ' lên ngôi

20/08/2017 18:27

(Baonghean.vn) - Giới chuyên gia nhận định việc tăng cường an ninh và triển khai thêm lực lượng thực thi pháp luật trên đường phố ở châu Âu không còn là phương thức hiệu quả để bảo vệ người dân trước mối đe dọa khủng bố.

Châu Âu hứng chịu hàng loạt các vụ tấn công khủng bố trong những năm trở lại đây. Ảnh: AP
Châu Âu hứng chịu hàng loạt các vụ tấn công khủng bố trong những năm trở lại đây. Ảnh: AP

Ông Kader Abderrahim, một chuyên gia tới từ Viện nghiên cứu vấn đề chiến lược và quốc tế Pháp (IRIS) nhận xét: “Chúng ta cần giải quyết các vấn đề chính trị. Chúng ta cần từ bỏ suy nghĩ rằng triển khai thêm cảnh sát, lực lượng quân đội thì chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề”.

Đề cập tới việc tăng cường giám sát nhằm ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố tại Pháp, ông Jean-Vincent Brisset, một chuẩn tướng đã về hưu của Không quân Pháp và là chuyên gia cấp cao tại IRIS, gọi chiến dịch quân đội Pháp triển khai sau các vụ tấn công khủng bố năm 2015 là biện pháp được các chính trị gia sử dụng để cho mọi người thấy điều gì đó đã được tiến hành để bảo vệ họ trong khi mối đe dọa vẫn còn đó.

Chuyên gia này cho rằng đó là “vấn đề của dân chủ”, khi năng lực của các lực lượng an ninh can thiệp vào các hoạt động đáng ngờ nhằm ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố còn hạn chế.

Trong khi nghi can chính trong vụ tấn công khủng bố tại thị trấn Cambrils thuộc vùng Catalonia, Tây Ban Nha vẫn đang chạy trốn, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerard Collomb thông báo nước này sẽ tăng cường kiểm soát an ninh tại khu vực biên giới Pháp-Tây Ban Nha.

Chuyên gia Brisset cho rằng việc mở cửa biên giới châu Âu là một trong những lí do khiến các vụ tấn công khủng bố gia tăng tại các nước châu Âu. Ông Brisset nhấn mạnh:

“Trong vấn đề an ninh châu Âu luôn có cùng một vấn đề, đó là sự lơi lỏng tại khu vực biên giới. Nhưng tôi không nghĩ đó là cốt lõi vấn đề. Vấn đề nằm ở chỗ các chính sách rất khác biệt, và việc thiếu liên lạc giữa các nước châu Âu, và thiếu sự phong tỏa biên giới”.

Chuyên gia này cho rằng sở dĩ Barcelona trở thành mục tiêu khủng bố là vì giới chức thành phố này đã quá khoan dung với người di cư, một phần dân số nơi các phần tử khủng bố được chiêu mộ.

Còn theo chuyên gia Abderrahim, đóng cửa biên giới trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay là việc làm vô nghĩa, thay vào đó làm thế nào tăng cường kiểm soát biên giới.

Ngoài ra, theo chuyên gia Abderrahim, để đối phó chủ nghĩa khủng bố, châu Âu cần giải quyết các cuộc xung đột tại Trung Đông và các vấn đề do sự can dự của phương Tây tại Iraq kể từ năm 2003 và tại Libya năm 2011.

Chuyên gia này nhấn mạnh: “Đã đến lúc quan tâm tới căn nguyên của vấn đề chứ không phải hậu quả của nó. Chỉ có cách này chúng ta mới có thể đưa ra cách thức đối phó dứt khoát với chủ nghĩa khủng bố. Chúng ta cần có một cuộc tranh luận thực sự về ngoại giao, về chính sách đối ngoại của phương Tây liên quan tới thế giới Arab”.

Tăng cường an ninh không còn hiệu quả để ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố ở châu Âu. Ảnh: Getty
Tăng cường an ninh không còn hiệu quả để ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố ở châu Âu. Ảnh: Getty

Về phần mình, chuyên gia Brisset nhận định đề xuất của bà Marine Le Pen, chính trị gia cánh hữu Pháp, rằng trục xuất toàn bộ cá nhân gây ra mối đe dọa nghiêm trọng tới an ninh quốc gia về lại nơi xuất phát là một lựa chọn ngăn chặn khủng bố, song rõ ràng biện pháp này có những nhược điểm đáng kể.

Ông giải thích mặc dù có thể tránh được một số cuộc tấn công, song lựa chọn này sẽ kích động những kẻ đứng sau các cuộc tấn công này thực hiện hành vi giận dữ hơn. Tuy nhiên, theo ông Brisset, các biện pháp cứng rắn cần được tiến hành để hạn chế quá trình cực đoan hóa, từ đó ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố.

Ông Abderrahim giải thích tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đang theo đuổi chiến lược toàn cầu hóa bạo lực bằng cách tấn công bất kỳ ai, kể cả người Hồi giáo dòng Shiite, người Cơ đốc giáo, phương Tây, Nga, Iran và châu Âu.

Chuyên gia này cho rằng: “Chủ nghĩa khủng bố “giá rẻ” rõ ràng là một xu hướng. Khi năng lực quân sự (của IS) ngày càng bị hạn chế tại Iraq, Syria và Libya, thì ngày càng nhiều các vụ tấn công khủng bố giá rẻ xảy ra, mà không cần bất kể thứ gì – chỉ cần thuê một chiếc xe tải lao vào đám đông là đã gây ra hàng chục người thương vong, và đặc biệt, tạo ra sự cộng hưởng to lớn trên phương tiện truyền thông. Đó là nơi (IS) được truyền sức mạnh”.

Tuy nhiên, ông Abderrahim cho rằng sự thất thế của nhóm khủng bố này chỉ là vấn đề thời gian./.

Lan Hạ

(Theo Sputnik)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Châu Âu: Tăng cường an ninh không còn hiệu quả khi khủng bố 'giá rẻ' lên ngôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO