Quốc tế

Châu Âu theo đuổi quân sự hóa vì điều gì?

Mỹ Nga 20/05/2025 12:46

Châu Âu đã nhất trí về quỹ tăng cường an ninh khu vực trị giá 150 tỷ Euro do Ủy ban châu Âu đề xuất. Cơ cấu này sẽ được tài trợ thông qua hình thức vay chung và cung cấp các khoản vay cho các nước thành viên và một số quốc gia khác, bao gồm cả Ukraine.

châu âu theo đuổi quân sự hóa
Quân đội Đức trong diễn tập chung với NATO. Ảnh: Getty

Theo RT ngày 20/5, Reuters đưa tin EU đã nhất trí về quỹ an ninh EU trị giá 150 tỷ Euro do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất.

"Các nước EU đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc để tạo ra một quỹ trị giá 150 tỷ Euro (168,3 tỷ Đô la) có tên là Hành động An ninh cho Châu Âu (SAFE) nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Châu Âu", một nhà ngoại giao EU cho biết.

Kế hoạch do EC đề xuất vào tháng 3 sẽ được tài trợ thông qua hình thức vay chung và sẽ cung cấp các khoản vay cho các nước EU và một số quốc gia khác, "như Ukraine, cho các dự án nhằm tăng cường quốc phòng và kích thích ngành công nghiệp vũ khí châu Âu”.

Tuy nhiên, tờ Politico lưu ý, các kế hoạch tái vũ trang quy mô lớn ở các nước EU có thể gây tổn hại đến nền kinh tế của họ. Theo ấn phẩm này, các quốc gia châu Âu có ý định tài trợ cho chi phí quân sự chủ yếu bằng cách tăng nợ quốc gia.

“Do các kế hoạch tái vũ trang châu Âu sẽ được tài trợ phần lớn bằng nợ, điều này gây ra vấn đề. Mức nợ công trong EU đã cao và sự gia tăng của nó có thể gây hại cho nền kinh tế trong dài hạn”, Politico lưu ý.

Ủy ban châu Âu đã "mở ra cơ hội đầu tư vào lĩnh vực quân sự" trị giá hàng tỷ euro, nhưng kết quả là "căng thẳng kinh tế chắc chắn sẽ không thể tránh khỏi trong ngắn hạn và việc cắt giảm chi tiêu ở các lĩnh vực khác cũng sẽ là bắt buộc".

Tờ Politico cho rằng: “Mặc dù việc sản xuất vũ khí và bom được đưa vào số liệu GDP, nhưng mìn dưới đất hoặc lựu pháo trong doanh trại không làm tăng năng suất trong dài hạn. Chúng có thể đóng vai trò là biện pháp bảo vệ cho hệ thống tạo ra GDP, bảo vệ hệ thống khỏi sự xâm lược, nhưng đóng góp của chúng vào lợi nhuận ròng là không thể định lượng được”.

Trước đó, cựu Thủ tướng Italy, lãnh đạo đảng đối lập Phong trào Năm Sao, Giuseppe Conte, cũng lưu ý đến thực tế rằng, kế hoạch tái vũ trang châu Âu của EC sẽ dẫn đến bất ổn thậm chí còn lớn hơn. “Khi các quốc gia tích lũy vũ khí để theo đuổi sự ổn định, kết quả duy nhất là sự bất ổn gia tăng”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn với cổng thông tin Euractiv.

Konstantin Blokhin - nghiên cứu viên hàng đầu tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh của Viện Hàn lâm Khoa học Nga trao đổi với RT cho rằng: “Châu Âu đang áp dụng cách tiếp cận quân sự, quân sự hóa nền kinh tế quốc gia với lý do cần phải kiềm chế Nga và giúp đỡ Ukraine. Nhưng nhiều người trong Liên minh châu Âu không thích điều này, vì quá trình chuyển đổi như vậy sẽ khiến người châu Âu tốn rất nhiều tiền, họ sẽ phải cắt giảm chi phí, tiêu dùng và hướng mọi thứ vào việc tăng cường khả năng phòng thủ của mình”.

Người đứng đầu Cục Phân tích Quân sự - Chính trị, Alexander Mikhailov tin rằng, những nỗ lực của các quan chức châu Âu nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của EU sẽ không chỉ dẫn đến sự phẫn nộ trong xã hội mà còn gây ra thêm các vấn đề kinh tế.

“Bây giờ các vấn đề liên quan đến giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng năng lượng ở các nước châu Âu sẽ được xem xét theo hướng có lợi cho việc sản xuất và mua vũ khí. Tất cả những điều này sẽ dẫn đến không chỉ căng thẳng xã hội mà còn dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế khác: lạm phát tăng cao hơn nữa, giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng nhanh”, nhà phân tích Mikhailov cho biết.

Giới chuyên gia đều cho rằng, việc theo đuổi quân sự hóa của châu Âu cuối cùng chỉ có thể dẫn đến bất ổn xã hội. Với việc châu Âu đang tiến tới một cuộc chiến tranh, người dân sẽ phải bước ra khỏi vùng an toàn mà họ đã quen.

Theo RT
Copy Link

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Châu Âu theo đuổi quân sự hóa vì điều gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO