'Chỉ mành treo chuông'

07/05/2017 06:25

(Baonghean) - Đôi khi, giữa an toàn và nguy hiểm chỉ cách nhau một ranh giới mong manh. Đó là điều có thể nhận thấy trong tuần qua, khi Nga tuyên bố thiết lập các vùng xuống thang giữa chảo lửa Syria, và cái tên số 1 cho chiếc ghế chủ nhân Điện Élysée đột nhiên vướng rắc rối giữa lúc đang trên đà chiếm ưu thế.

Nga thiết lập vùng an toàn nhằm xoa dịu phần nào xung đột Syria. Ảnh AFP
Nga thiết lập vùng an toàn nhằm xoa dịu phần nào xung đột Syria. Ảnh AFP

Vùng an toàn ở Syria

Giới chức Nga vừa cho biết cái gọi là “các khu vực xuống thang căng thẳng” được thiết lập tại 4 khu vực trên lãnh thổ Syria. Theo Bộ Quốc phòng nước này, đây là các khu vực đã được Moskva và các đồng minh trong khu vực thống nhất, bắt đầu có hiệu lực từ nửa đêm 6/5 (giờ địa phương Syria), đồng thời cho biết sẽ mất chừng 1 tháng để cụ thể hóa các nội dung chi tiết liên quan.

Theo bản kế hoạch được sự nhất trí đồng lòng từ phía Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, 4 vùng được thiết lập thuộc 8 trong 14 tỉnh của Syria. Trong đó, tỉnh đầu tiên và cũng có diện tích lớn nhất là Idlib, cùng đó là các tỉnh lân cận Latakia, Aleppo và Hama tạo thành một khu vực. Vùng 2 là phía Bắc tỉnh trung tâm Homs, vùng 3 bao gồm khu vực Đông Ghouta và vùng 4 trùm lên các dải đất phía Nam Syria, bao gồm tỉnh Daraa và Quneitra.

3 chính phủ đã họp bàn và nhất trí với kế hoạch trên trong cuộc gặp hôm 5/5 tại Kazakhstan, nơi các cuộc hòa đàm tại thủ đô Astana vẫn đang diễn ra. Dù đặc phái viên của Liên Hợp quốc về Syria Staffan de Mistura khen ngợi bản kế hoạch, các thành viên phe đối lập Syria vẫn than vãn, lập luận rằng việc chia nhỏ đất nước này thành các vùng khác nhau xâm phạm đến sự thống nhất lãnh thổ của Syria.

Phe đối lập cũng lớn tiếng phản đối sự góp mặt của Iran, vốn bị họ cáo buộc khích động bạo lực giáo phái trong cuộc xung đột, khiến khoảng 400.000 người thiệt mạng và vô số người mất nhà cửa. Và phải chăng đó như “điềm” báo cho sự “yểu mệnh” của bản kế hoạch tham vọng trên? Bởi không lâu sau khi các vùng an toàn có hiệu lực, giao tranh đã nổ ra giữa lực lượng đồng minh chính phủ Syria với phe nổi dậy ở khu vực nông thôn Hama.

Giới chức Nga - những người đặt bút ký bản kế hoạch cho rằng các khu vực xuống thang được tạo ra nhằm xoa dịu khổ ải cho hàng trăm nghìn dân thường và khuyến khích người di cư trở về quê hương, và cũng sẽ chặn máy bay quân sự từ liên minh do Mỹ đứng đầu tới đây. Song song với đó, không quân của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad cũng sẽ ngừng các chuyến bay trên bầu trời 4 khu vực này.

Tuy nhiên, điều đáng nói là một người phát ngôn của Lầu Năm Góc lại tuyên bố bản kế hoạch sẽ không mảy may tác động đến cuộc chiến của Mỹ hòng chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, quả quyết họ vẫn tiếp tục chiến dịch không kích những phần tử này. “Liên minh sẽ tiếp tục nhằm vào IS bất cứ nơi đâu chúng hoạt động để đảm bảo rằng chúng không có chỗ nương thân”, người phát ngôn Adrian J.T. Rankine-Galloway nói.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cùng người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã trao đổi qua điện thoại về “những nỗ lực nhằm xuống thang xung đột hiện nay tại Syria và ủng hộ các đàm phán tại Geneva nhằm thúc đẩy giải pháp chính trị”. Trên thực tế, Mỹ tham gia các cuộc hòa đàm riêng do Liên Hợp quốc hậu thuẫn, khác với những cuộc diễn ra tại Kazakhstan hiện vẫn trong thế bế tắc dù đã qua vài vòng thương thuyết và dự kiến khởi động vòng mới cuối tháng 5 này.

Khi quan điểm Nga-Mỹ vẫn chưa đồng nhất về vấn đề Syria, chuyện “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” xảy ra cũng không có gì lạ. Quan hệ Moskva-Washington đặc biệt căng thẳng trong những tuần gần đây sau vụ tấn công bằng khí hóa học và vụ không kích căn cứ không quân của Chính phủ Syria, vì thế cũng không hẳn là bi quan khi nói rằng, số phận của bản kế hoạch do Nga khởi xướng rồi đây cũng chỉ như ngọn đèn trước gió mà thôi.

Syria chỉ còn là đống hoang tàn sau xung đột kéo dài nhiều năm. Ảnh AFP
Syria chỉ còn là đống hoang tàn sau xung đột kéo dài nhiều năm. Ảnh AFP

Rắc rối trước “giờ G”

Ngày làm việc cuối cùng của tuần, chiến dịch tranh cử của ứng viên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố một số lượng lớn thư điện tử của họ đã bị rò rỉ trên mạng, mà mục đích ẩn sau đó “rõ ràng nhằm phá hoại lợi ích nền dân chủ”.

Vụ tấn công của tin tặc được miêu tả là “lớn và có điều phối” đã biến chiến dịch của ứng viên sáng giá trên chặng đua trở thành nạn nhân. Đồng thời, cơ quan này cho biết trước đó nữa, các tài liệu liên quan đến thông tin nội bộ và tài chính cũng bị đánh cắp vài tuần trước, hiện đang “trôi nổi” và bị phát tán tràn lan trên mạng xã hội đúng lúc thời khắc quyết định của một trong những cuộc bầu cử tổng thống kịch tính nhất lịch sử Pháp đã cận kề. Theo luồng quan điểm này, bất cứ kẻ nào âm mưu đứng sau vụ rò rỉ thông tin đều đang tìm cách “gieo rắc nghi ngờ và thông tin sai sự thật”, chỉ vỏn vẹn 1 ngày trước cuộc bỏ phiếu chung cuộc chọn ra 1 trong 2 cái tên hiện nay ngồi vào chiếc ghế danh giá nhất nước Pháp.

Ê kíp của Macron cũng quả quyết lẫn trong mớ tài liệu bị tung lên mạng còn có sự trà trộn các tài liệu giả mạo, tuy nhiên, Bộ Nội vụ Pháp lại nói rằng họ sẽ không bình luận gì thêm khi chiến dịch tranh cử đã kết thúc trước đó. Ủy ban bầu cử tổng thống Pháp hôm 6/5 cũng có cuộc gặp để thảo luận về vụ tấn công mạng và việc công khai các dữ liệu. Ủy ban này còn hối thúc giới truyền thông không đưa tin về nội dung các thư điện tử bị đánh cắp, bởi cho rằng làm thế có thể dẫn tới việc vướng vào vòng lao lý.

Theo những thông tin có được, khoảng 9 gigabyte dữ liệu rò rỉ đã được 1 người dùng có tên là EMILEAKS đưa tên trang web chia sẻ tài liệu Pastebin. WikiLeaks - nhóm đi ngược lại xu thế bảo mật - cũng đã đăng một đường dẫn tới số tài liệu trên lên Twitter, cho biết nó “bao gồm hàng chục nghìn thư từ, ảnh, tài liệu đính kèm đến ngày 24/4/20217”. Tuy tổ chức này đã nhanh tay phủ nhận không liên quan đến vụ tấn công gây thất thoát tài liệu, song không nén nổi đặt nghi vấn về mục đích, ý đồ đằng sau đó, bởi có vẻ như đã quá trễ khi muốn đổi chiều công luận và tác động đến kết quả bầu cử Pháp.

Lật lại hồ sơ, hồi tháng trước, một công ty an ninh mạng cho biết đã phát hiện một nhóm tin tặc được cho là thuộc một đơn vị tình báo của Nga đang nhắm đến Macron và chiến dịch của ông thông qua tấn công giả mạo (phishing). Công ty này, có tên là Trend Micro, còn cho rằng có vẻ như nhóm tin tặc trên cùng hội cùng thuyền với nhóm chủ mưu tấn công các quan chức chiến dịch vận động của đảng Dân chủ Mỹ trong cuộc đua hồi cuối năm ngoái ở xứ cờ hoa.

Syria chỉ còn là đống hoang tàn sau xung đột kéo dài nhiều năm. Ảnh AFP
Syria chỉ còn là đống hoang tàn sau xung đột kéo dài nhiều năm. Ảnh AFP

Êkíp của Macron đã lên tiếng cáo buộc Điện Kremlin ủng hộ các ứng viên có quan điểm muốn thúc đẩy việc hâm nóng quan hệ với Nga, chẳng hạn như đối thủ tranh ghế tổng thống của ứng viên trung dung này, tức ứng viên phe cực hữu Marine Le Pen. Về phần mình, Moskva vẫn bình tĩnh đáp trả, thủng thẳng tuyên bố rằng chưa bao giờ xứ bạch dương “có ý định can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác”.

Dù vậy, rõ ràng vụ việc lần này cũng khiến ông Macron phải nhấp nhổm không yên như “ngồi trên lửa”, và cả 2 ứng viên chung cuộc đều sẽ phải cẩn trọng bảo mật tới những giờ khắc cuối cùng của màn tranh đấu, nếu không muốn đem sinh mệnh chính trị của họ ra làm trò chơi trong tay những kẻ có mưu đồ khác.

Thu Giang

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
'Chỉ mành treo chuông'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO