Chi tiết nội dung Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Quốc hội dành trọn phiên làm việc chiều 18/11 để chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với nội dung trải rộng nhiều lĩnh vực, từ xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; triển vọng tham gia Hiệp định TPP không có Hoa Kỳ; các hạn chế của dự án BOT; cho đến công tác phòng, chống tham nhũng...
"Chưa hài lòng trong điều hành"
Đại biểu Lê Thanh Vân - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách, nêu chất vấn "Thủ tướng có hài lòng về việc chỉ đạo, điều hành của mình hay không?".
"Đây là câu hỏi hóc búa", Thủ tướng nói và máy quay chiếu đến hình ảnh đại biểu Vân mỉm cười chia sẻ với người đứng đầu Chính phủ.
Theo Thủ tướng, kết quả đạt được trong năm qua với 13 chỉ tiêu hoàn thành và vượt mức Quốc hội đề ra, là nhờ sự cố gắng của cả hệ thống chính trị và người dân. Chính phủ nhận thức rằng đây mới chỉ là kết quả bước đầu; trong khi nền kinh tế Việt Nam quy mô còn nhỏ, nguồn lực còn hạn chế.
"Hỏi có hài lòng không thì tôi cho rằng chưa hài lòng. Nếu mọi cán bộ trên cả nước làm hết sức mình thì chắc chắn kết quả tốt hơn. Đại biểu hỏi lo lắng nhất là gì? Đảng đã nhận định từ lâu, đó là tụt hậu; diễn biến hoà bình; tham nhũng; tình trạng suy thoái khiến "trên nóng dưới lạnh", một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, xa dân", Thủ tướng nói và khẳng định, Chính phủ tiếp tục hành động, kiến tạo, liêm chính để phục vụ nhân dân; tháo gỡ các điểm nghẽn về hạ tầng, nguồn nhân lực...
Đại biểu Lê Thanh Vân cũng hỏi về việc xử lý các vụ án tham nhũng, cờ bạc. Thủ tướng nêu rõ Đảng, Nhà nước không cho phép chìm xuồng các vụ án tham nhũng, tiêu cực, cờ gian, bạc lận...
"Không có vùng cấm trong xử lý tham nhũng. Hệ thống hành pháp phối hợp tư pháp cùng các cấp ngành xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đúng pháp luật, kịp thời và công khai", Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị doanh nghiệp "nói không với việc đưa hối lộ". Ảnh: Q.H |
"Tôi đề nghị doanh nghiệp tư nhân nói không với việc đưa hối lộ"
Về phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng cho rằng các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo vệ doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật là rất cần thiết; cùng với đó là hỗ trợ nhà đầu tư giảm chi phí, tránh kiểm tra chồng chéo...
"Tôi đề nghị các doanh nghiệp tư nhân nói không với việc đưa hối lộ cho các cấp, các ngành. Chính phủ và các cấp chính quyền cần tạo không gian cho kinh tế tư nhân phát triển, cụ thể như cho tư nhân tham gia cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, hợp tác liên kết...", Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng cần chuyển những hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ, khoảng 3,5-4 triệu hộ lên kinh tế tư nhân nhỏ và vừa.
Theo ông, doanh nghiệp tư nhân muốn phát triển bền vững phải xây dựng văn hoá doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân, nâng cao năng lực quản trị để làm sao không lâm vào cảnh sớm rời thị trường.
"Hiện Chính phủ đã có chương trình hành động để phát triển kinh tế tư nhân", Thủ tướng nói.
"Nền kinh tế độc lập, tự chủ không phải là tự sản xuất mọi thứ"
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - Phó chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại, nêu câu hỏi về độc lập, tự chủ của nền kinh tế Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét đây là câu hỏi hay, cần thiết. Dẫn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh "không có gì quý hơn độc lập, tự do", Thủ tướng cho hay trong thời kỳ hội nhập thì độc lập, tự chủ kinh tế là rất cần thiết để không phụ thuộc vào quốc gia khác.
Theo lãnh đạo Chính phủ, một nền kinh tế độc lập tự chủ phải có năng lực cạnh tranh cao; công nghệ không quá lạc hậu; giải quyết được các cân đối lớn về thanh toán quốc tế, thu chi ngân sách; xuất nhập khẩu.
"Nền kinh tế độc lập, tự chủ sẽ ít tổn thương trong hội nhập, thích ứng nhanh trước các biến động quốc tế. Vì thế, Việt Nam chủ trương và triển khai đa dạng hoá mặt hàng, thị trường; không quá phụ thuộc vào một thị trường, một đối tác, một mặt hàng để dễ bị tấn công", Thủ tướng nói.
Hiện Việt Nam có quan hệ thương mại với trên 230 quốc gia, vùng lãnh thổ, có 25 mặt hàng xuất khẩu hơn một tỷ USD mỗi năm; thu hút 40.000 dự án FDI với 230 tỷ USD đăng ký đầu tư...
"Độc lập, tự chủ không phải là tự sản xuất mọi thứ, cái chính là đi vào thế mạnh để phát huy hiệu quả", Thủ tướng nhấn manh.
TPP không có Mỹ, Việt Nam vẫn tham gia vì có nhiều lợi ích
Giải đáp vấn đề đại biểu quan tâm về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thủ tướng cho hay thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Việt Nam đã tham gia TPP 12 bao gồm Mỹ. Khi Hoa Kỳ rút khỏi TPP, Bộ chính trị đã xem xét kiến nghị của Chính phủ và đồng ý để đoàn đàm phán thảo luận với các nước TPP 11.
"Mỹ là nền kinh tế lớn, nhưng Australia, Nhật, Mehico... cũng là nền kinh tế không nhỏ mà Việt Nam cần phải tăng cường hợp tác, trao đổi đầu tư, thương mại", ông nói.
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh xu thế tự do thương mại, hội nhập kinh tế là không thể đảo ngược. TPP không có Mỹ, Việt Nam vẫn có lợi nên tiếp tục tham gia để giải quyết việc làm, xuất nhập khẩu.
"Chúng ta sẽ cùng các nước tích cực trao đổi, sớm kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); thúc đẩy, sớm ký kết, phê chuẩn FTA với Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)", ông nói.
Ngoài ra, giữa Việt Nam và Mỹ đã có hiệp định thương mại song phương, đến nay vẫn tiếp tục thực hiện trên cơ sở hai bên cùng có lợi.
Phiên chất vấn người đứng đầu Chính phủ khép lại với 23 đại biểu nêu câu hỏi và được trả lời trực tiếp; 4 ý kiến tranh luận; 25 đại biểu khác sẽ được trả lời bằng văn bản do hết giờ.
Theo VNE
TIN LIÊN QUAN |
---|