Chi tiết tiêu chí hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn mới giai đoạn 2022 - 2025

(Baonghean.vn) - Tiêu chí hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2022 - 2025 có nhiều thay đổi so với trước, nhất là chuẩn thu nhập.

Sáng 14/9, Sở LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị trực tuyến hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh.

Các đồng chí: Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đoàn Hồng Vũ - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH chủ trì hội nghị. Có 45 điểm cầu là các huyện, thành phố, thị xã tham gia hội nghị trực tuyến lần này.
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến. Ảnh: Thanh Nga
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến. Ảnh: Thanh Nga

Chuẩn thu nhập của hộ nghèo tăng nhiều so với quy định cũ

Ngày 27/01/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg ngày 16/7/2021 quy định quy trình và hướng dẫn phương pháp rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo; xác định thu nhập của hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025. Vì thế, việc tập huấn hướng dẫn quy trình rà soát lần này nhằm mục đích sẽ xác định được số liệu và phân tích các chỉ số đầu kỳ cho cả giai đoạn để định hướng xây dựng giải pháp thực hiện các chính sách an sinh xã hội trong giai đoạn 2022 - 2025, giúp các địa phương trong tỉnh thực hiện lồng ghép chương trình giảm nghèo với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Đồng chí Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở LĐTB&XH phát biểu khai mạc  hội nghị. Ảnh: Thanh Nga
Đồng chí Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Thanh Nga

Theo đó, các tiêu chuẩn đo lường nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, tại tiêu chí thu nhập ở khu vực nông thôn từ 700.000 đồng, nay tăng lên 1,5 triệu đồng; ở thành thị từ 900.000 đồng nay là 2 triệu đồng.

Tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (6 dịch vụ) gồm: việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh, thông tin.

Bàn giao bò giống cho hộ nghèo tại huyện Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu của  Nguyễn Hải
Bàn giao bò giống cho hộ nghèo tại huyện Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu Nguyễn Hải

Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (12 chỉ số) gồm: Việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.

Theo quy định mới: Chuẩn hộ nghèo ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên; Ở khu vực thành thị, hộ có thu nhập bình quân đầu người/ tháng từ 2 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số thì sẽ xác định là hộ nghèo theo chuẩn mới.

Tuy nhiên, khi có các hộ chưa được xác định từ trước nhưng khi có đơn thì phải căn cứ vào thực tiễn để xác định lại danh sách.

Tránh tình trạng “nghèo luân phiên”

Đồng chí Bùi Đình Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Nga
Đồng chí Bùi Đình Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Nga

Tại buổi tập huấn, đồng chí Bùi Đình Long khẳng định: Để thực hiện tốt nhiệm vụ tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 và hộ có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc; từ công tác lãnh đạo của cấp ủy, sự chỉ đạo cụ thể của chính quyền và sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, sâu sát, cụ thể của các ngành, các đoàn thể... từ tỉnh đến cơ sở.

Tăng cường công tác tuyên truyền; truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và người dân về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025. UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo Ban Chỉ đạo cấp huyện tăng cường công tác kiểm tra, phúc tra, giám sát tại cơ sở; nếu phát hiện đơn vị nào kết quả rà soát không chính xác, không phù hợp phải yêu cầu đơn vị đó chấn chỉnh kịp thời và tổ chức điều tra, phúc tra lại. “Đặc biệt tránh tình trạng nghèo luân phiên, tránh tình trạng "chạy" cho được hộ nghèo”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý.

Trong công tác rà soát tránh tình trạng làm qua loa, đại khái dễ mắc những sai sót và nảy sinh những bất cập từ cơ sở. Ví dụ, 1 con bò cũng được chấm điểm bằng 3 con bò; 1 xe máy trị giá thấp cũng được chấm điểm bằng 1 chiếc xe máy có giá trị cao.

"Chúng ta cần chú ý đề cao vai trò của MTTQ và các đoàn thể để có các bước triển khai khoa học không sót đối tượng nhưng cũng không sai đối tượng"./.

tin mới

[Infographics] Những điểm nhấn Lễ hội du lịch Cửa Lò 2024

[Infographics] Những điểm nhấn Lễ hội du lịch Cửa Lò 2024

(Baonghean.vn) - Năm 2024, lễ hội du lịch Cửa Lò hướng đến quảng bá các giá trị văn hóa, vẻ đẹp của vùng đất và con người Cửa Lò đến du khách trong nước và quốc tế. Theo đó, Cửa Lò sẽ tổ chức chuỗi hoạt động thiết thực tạo điểm nhấn chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Thị xã Cửa Lò.

Xu hướng du lịch dịp lễ 30/4 và 1/5 ở Nghệ An

Xu hướng du lịch dịp lễ 30/4 và 1/5 ở Nghệ An

(Baonghean.vn)- Biến động giá vé máy bay khiến xu hướng du lịch trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay ở Nghệ An ít nhiều có thay đổi. Theo đó, những tour đường bộ, điểm đến gần được nhiều du khách lựa chọn để tham quan, trải nghiệm trong kỳ nghỉ.