‘Chìa khoá’ tạo đồng thuận ở xã vùng biên Thanh Thủy

Cán bộ thôn Ngọc Lâm, xã Thanh Thủy trao đổi về kinh nghiệm trồng chè. Ảnh: G.H
Cán bộ thôn Ngọc Lâm, xã Thanh Thủy trao đổi về kinh nghiệm trồng chè. Ảnh: G.H

Ở thôn Thủy Sơn, xã Thanh Thủy, cụ Nguyễn Sỹ Quyền (95 năm tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng) được Đảng tin, dân quý không chỉ bởi cụ là đảng viên lão thành cao tuổi nhất ở địa phương, mà cụ còn gương mẫu trong các phong trào, hoạt động, bao gồm cả phát triển kinh tế. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cây ăn quả hơn 1 ha gồm đủ các loại cam, bưởi, ổi, mít, táo… bao quanh ngọn đồi rộng lớn sau nhà, bà Nguyễn Thị Liên – con dâu cụ Quyền vui vẻ cho biết: “Vườn cây ăn quả này hình thành từ ý tưởng của bố chồng tôi, ông nói rằng, không được để lãng phí đất đai, nên từ năm 2015, ông đã bàn với con cháu thuê máy móc đào đất trồng cây ăn quả…”.

Cụ Nguyễn Sinh Quyền - đảng viên lão thành ở thôn Thủy Sơn trò chuyện với cán bộ Thường trực Đảng xã Thanh Thủy. Ảnh:  Gia Huy
Cụ Nguyễn Sinh Quyền - đảng viên lão thành ở thôn Thủy Sơn trò chuyện với cán bộ Thường trực Đảng xã Thanh Thủy. Ảnh: Gia Huy

Anh Nguyễn Đình Chiến – Thường vụ trực Đảng xã Thanh Thủy cho biết thêm: “Gia đình cụ Quyền là gia đình hiếu học, gia đình văn hóa của xã; tuy đông con, nhiều cháu nhưng đoàn kết, hòa thuận. Cụ có 7 người con, 27 cháu, 55 chắt và hiện đang ở với gia đình con trai là ông Nguyễn Sỹ Vinh (75 tuổi), cũng là đảng viên gương mẫu, là người giữ kỷ lục làm Chủ tịch Hội Nông dân lâu nhất xã!”…

Xuất phát điểm thấp, nên để thực hiện mục tiêu phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm 2023, BCH Đảng bộ xã Thanh Thủy đã chú trọng tính nêu gương của cán bộ, đảng viên trong tuyên truyền, vận động người dân khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại, tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế hộ. Muốn dân nghe, dân tin thì cán bộ, đảng viên không thể đi sau! Do vậy, từ những đảng viên lão thành như cụ Quyền đến những người đứng đầu thôn, xóm như ông Nguyễn Văn Dương – Trưởng thôn Ngọc Lâm luôn nêu gương “mở lối” thoát nghèo, nâng cao thu nhập hộ gia đình.

Ông Nguyễn Văn Dương - Trưởng thôn Ngọc Lâm là người tiên phong đưa cây thanh long về trồng ở địa bàn. Ảnh: G.H
Ông Nguyễn Văn Dương - Trưởng thôn Ngọc Lâm là người tiên phong đưa cây thanh long về trồng ở địa bàn. Ảnh: G.H

Ông Dương là người đầu tiên trong thôn đưa cây thanh long về trồng từ 10 năm trước, đến nay, 120 gốc thanh long vẫn cho thu nhập khá và đã có 10 hộ trong xóm theo trưởng thôn trồng thanh long. Bên cạnh đó, gia đình trưởng thôn còn mở quán kinh doanh dịch vụ và có 1 ha chè tươi tốt. Dẫn chúng tôi đi thăm những mô hình gia trại chăn nuôi, vườn cây ăn quả, những nương chè trải dài ngút mắt của người dân, Trưởng thôn Ngọc Lâm Nguyễn Văn Dương cho hay: Thôn có 231 hộ, 865 khẩu, với tổng diện tích tự nhiên 381,28 ha, là một trong những thôn đi đầu phong trào cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn đồi, hiện có 35-40 hộ sản xuất giỏi, thu nhập từ 50-55 triệu đồng/năm.

Cán bộ xã Thanh Thủy và thôn Thủy Chung đi thăm lúa. Ảnh: Gia Huy
Cán bộ xã Thanh Thủy và thôn Thủy Chung đi thăm lúa. Ảnh: Gia Huy

Đặc biệt, có những đảng viên tiên phong đi đầu như gia đình chị Nguyễn Thị Bạch Cúc với mô hình chăn nuôi lợn, trồng chè, trồng cây ăn quả, cho mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ngoài ra, thôn có thế mạnh về cây chè, với tổng diện tích hơn 50 ha, năng suất bình quân 18 tấn/ha/năm… Nhờ nâng cao được yếu tố thu nhập và hộ nghèo, trong năm 2022, thôn Ngọc Lâm đã về đích nông thôn mới.

Người dân xã Thanh Thủy phát triển mô hình trồng hoa lý cho thu nhập cao. Ảnh: Gia Huy
Người dân xã Thanh Thủy phát triển mô hình trồng hoa lý cho thu nhập cao. Ảnh: Gia Huy

Trao đổi với chúng tôi về tinh thần “đi trước” của cán bộ, đảng viên xã nhà, ông Võ Văn Thịnh – Bí thư Đảng ủy xã Thanh Thủy cho hay: Không chỉ giúp đỡ hộ nghèo mà chính bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải là những tấm gương trong đầu tư phát triển kinh tế hộ. Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác “Dân vận khéo”, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, bộ máy chính quyền. Điển hình như anh Nguyễn Đình Chiến ở thôn Thủy Chung, dù bận rộn với công việc của một Thường vụ trực Đảng ở xã, nhưng vẫn đầu tư trồng keo, chè, đặc biệt là phát triển mô hình trồng hoa lý cho thu nhập cao (2 sào hoa lý của gia đình anh Chiến cho thu nhập gấp nhiều lần so với trồng lúa, giá đầu mùa là 60.000 đồng/kg, hiện tại là 36.000 đồng/kg).

Đảng viên Nguyễn Đình Chiến ở thôn Thủy Chung tiên phong trong phong trào trồng hoa lý cho thu nhập cao ở xã Thanh Thủy. Ảnh: Gia Huy
Đảng viên Nguyễn Đình Chiến ở thôn Thủy Chung tiên phong trong phong trào trồng hoa lý cho thu nhập cao ở xã Thanh Thủy. Ảnh: Gia Huy

Theo chia sẻ của lãnh đạo xã Thanh Thủy, xã thuộc địa bàn miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn, cấp ủy và chính quyền xã xác định phải bám vào thế mạnh của địa phương để tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế, đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp, phát triển sản xuất hàng hóa.

Kinh tế rừng tiếp tục được khẳng định, nhân dân đã coi trọng việc phát triển trồng rừng nguyên liệu kết hợp khoanh nuôi bảo vệ, làm giàu vốn rừng vừa mang lại giá trị kinh tế cao, vừa bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường rừng. Năm 2023, diện tích trồng rừng của toàn xã ước đạt 240 ha và hiện đang hướng đến mục tiêu đạt 300 ha vào năm 2025.

Chè là cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao ở xã Thanh Thủy. Ảnh: P.V
Chè là cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao ở xã Thanh Thủy. Ảnh: P.V

Chăn nuôi tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng theo hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng số hộ chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn sinh học. Tổng đàn trâu, bò hiện có 2.800 con, đàn lợn 4.000 con, đàn dê 1.600 con, đàn gia cầm 80.000 con, tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 42,1% nội ngành Nông nghiệp.

Cây hoa lý đem lại thu nhập cao cho người dân xã Thanh Thủy. Ảnh: P.V
Cây hoa lý đem lại thu nhập cao cho người dân xã Thanh Thủy. Ảnh: P.V

Để tạo việc làm, nâng cao mức thu nhập cho người dân, chính quyền xã Thanh Thủy cũng chú trọng đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, như sản xuất chè búp khô, gạch không nung, sửa chữa máy móc, thiết bị. Đặc biệt, năm 2023, Khu Du lịch sinh thái HDT được công nhận là điểm du lịch của tỉnh… bao gồm các hoạt động trải nghiệm gắn với canh nông; dịch vụ ăn uống, lưu trú, vui chơi, giải trí đã mở ra hướng phát triển mới trên địa bàn.

Mở rộng, chỉnh trang đường giao thông nông thôn tại xã Thanh Thủy. Ảnh: Mai Hoa
Mở rộng, chỉnh trang đường giao thông nông thôn tại xã Thanh Thủy. Ảnh: Mai Hoa

Nhận diện khó khăn, hạn chế trong xây dựng nông thôn mới, bước vào nhiệm kỳ 2020-2025, cấp ủy, chính quyền xã Thanh Thủy chú trọng công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức, giúp người dân hiểu rõ mình là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới; đồng thời, phát huy quy chế dân chủ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát” trong từng thôn, xóm.

Điển hình như ở thôn Thủy Chung, nhờ bám sát phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” và biết “Dân vận khéo” để tranh thủ sự ủng hộ của người dân. Nhiều tuyến đường giao thông đã được mở rộng, sân vận động, nhà văn hóa thôn được xây dựng mới khang trang. Anh Nguyễn Vĩnh Cường – Bí thư Chi bộ thôn Thủy Chung cho hay: Với trách nhiệm nêu gương và tinh thần vì cộng đồng, nhiều gia đình đảng viên đã tiên phong đi trước để làng nước theo sau trong xây dựng đường giao thông nông thôn.

Những con đường Nhà nước và Nhân dân cùng làm ở thôn Ngọc Lâm, xã Thanh Thủy. Ảnh: G.H
Những con đường Nhà nước và Nhân dân cùng làm ở thôn Ngọc Lâm, xã Thanh Thủy. Ảnh: G.H

Như hộ anh Nguyễn Sỹ Ba đóng góp 20 triệu đồng, hộ anh Nguyễn Sỹ Hưng đóng góp 10 triệu đồng, gia đình cựu chiến binh Nguyễn Sỹ Kỳ ủng hộ hơn 50 triệu đồng…. từ đó, tạo đồng thuận trong nhân dân, đến nay, cơ bản đường giao thông nông thôn ở thôn Thủy Chung đã được khép kín. Riêng trong năm 2023, thôn làm được 9 tuyến và hiện đang đổ bê tông 2 tuyến còn lại. Nhà văn hóa mới của thôn trị giá 1,8 tỷ đồng cũng đã được hoàn thiện, người dân đã đóng góp mỗi hộ 500.000 đồng để sắm sửa cơ sở vật chất bên trong nhà văn hóa.

Nhà văn hóa thôn Thủy Chung được xây dựng khang trang. Ảnh: Gia Huy
Nhà văn hóa thôn Thủy Chung được xây dựng khang trang. Ảnh: Gia Huy
Đường giao thông nông thôn được mở rộng giúp người dân xã Thanh Thủy thuận lợi trong đi lại sản xuất. Ảnh: KL
Đường giao thông nông thôn được mở rộng giúp người dân xã Thanh Thủy thuận lợi trong đi lại sản xuất. Ảnh: KL

Ngoài ra, các đoàn thể trong xóm cũng đảm nhận mỗi chi hội một công trình, phần việc, góp phần đưa xóm về đích nông thôn mới; như Chi hội Cựu chiến binh nhận làm hệ thống giếng nước, Chi hội Người cao tuổi vận động mua loa đài trang bị trong nhà văn hóa, Chi hội Phụ nữ và Chi hội Nông dân đảm nhận làm 2 sân bóng chuyền…

Còn tại thôn Ngọc Lâm, tinh thần hiến đất, giải tỏa bờ rào, cổng xây, chuồng trại để mở rộng đường cũng được người dân nhiệt tình ủng hộ. Theo Ban Quản lý thôn Ngọc Lâm: Trước đây đường sá trong thôn nhỏ hẹp, rộng 3,5- 4m, khi xóm có chủ trương mở rộng từ 7m trở lên, người dân đã tự nguyện hiến đất, tài sản trên đất để giải phóng mặt bằng làm đường, như gia đình anh Trần Văn Sơn hiến 45m bờ rào xây kiên cố bằng đá; gia đình Xóm trưởng Nguyễn Văn Dương hiến 67m đất…

Nhờ “Dân vận khéo”, đến nay, 80% đường giao thông ở thôn Ngọc Lâm đã được bê tông hóa, năm 2023, thôn triển khai được 10 tuyến, mỗi khẩu đóng góp 1 triệu đồng, có hộ đóng góp hơn 20 triệu đồng để làm đường. Thôn cũng chỉ đạo các tổ tự quản vận động nhân dân làm tốt công tác xây dựng đường điện, đường cờ, thu gom rác thải, bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

Người dân xã Thanh Thủy đồng lòng hiến đất, hiến cây mở rộng đường giao thông nông thôn; Người dân thôn Ngọc Lâm, xã Thanh Thủy xây bờ rào tường bao nhà văn hóa. Ảnh: CSCC - G.H
Người dân xã Thanh Thủy đồng lòng hiến đất, hiến cây mở rộng đường giao thông nông thôn; Người dân thôn Ngọc Lâm, xã Thanh Thủy xây bờ rào tường bao nhà văn hóa. Ảnh: CSCC - G.H

Bí thư Đảng ủy xã Thanh Thủy Võ Văn Thịnh cho hay: Thời gian qua, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và công tác dân vận, xem đây là “chìa khóa” khơi dậy sức mạnh to lớn trong nhân dân. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn hệ thống chính trị đã vận động sức dân trên 6,1 tỷ đồng tiền mặt, làm gần 10 km đường bê tông, 4,7 km đường cấp phối; vận động nhân dân hiến 550m bờ rào, 6.700 m2 đất ở và đất trồng cây lâu năm.

Xã cũng triển khai đồng bộ các giải pháp huy động các nguồn lực để thực hiện các công trình phục vụ dân sinh như chợ khuôn viên bờ hồ trung tâm, nhà phân loại rác trạm y tế xã, khu vui chơi, giải trí cho người già và trẻ em, làm sân, bờ rào và các phòng học tại trường tiểu học, THCS trên địa bàn… Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới.

Người dân thôn Thủy Chung, xã Thanh Thủy tự nguyện đóng góp mua sắm cơ sở vật chất bên trong nhà văn hóa. Ảnh: G.H
Người dân thôn Thủy Chung, xã Thanh Thủy tự nguyện đóng góp mua sắm cơ sở vật chất bên trong nhà văn hóa. Ảnh: G.H

Một điểm đáng ghi nhận nữa ở xã Thanh Thủy là công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an ninh biên giới luôn được đảm bảo. Với 6.595 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, xác định phải giữ “yên dân, yên địa bàn, yên biên giới” mới tạo được động lực để phát triển, cấp ủy, chính quyền xã Thanh Thủy luôn phối hợp chặt chẽ với các lực lượng đóng chân trên địa bàn làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ và nhân dân, đặc biệt là ở khu vực biên giới.

Nhiều mô hình tiêu biểu mang lại hiệu quả cao đã được triển khai và đi vào cuộc sống có hiệu quả như Câu lạc bộ “Phòng, chống bạo lực gia đình”, Câu lạc bộ “Cảm hóa người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng”; Các mô hình tổ tự quản, Tiết học vùng biên; Tổ hòa giải cơ sở; Mô hình camera an ninh với 48 mắt camera phục vụ đắc lực cho công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn. Đặc biệt, hiện nay, xã có 16 tủ sách pháp luật, với tổng số 2.354 đầu sách các loại, 5 câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật mang lại ý nghĩa thiết thực trong việc nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân và đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

Học sinh xã Thanh Thủy tham gia tiết học vùng biên. Ảnh: P.V
Học sinh xã Thanh Thủy tham gia tiết học vùng biên. Ảnh: P.V

Thông qua các mô hình tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói trên đã góp phần giúp nhân dân nâng cao nhận thức về pháp luật, ý thức bảo vệ biên giới và giữ gìn an ninh, trật tự; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trên địa bàn biên giới. Cũng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phòng ngừa, năm 2022, xã Thanh Thủy được công nhận là “Xã biên giới sạch về ma túy”.

Nói về những đổi thay của quê hương, cụ Phan Thị Vân (95 tuổi) ở thôn Ngọc Lâm bày tỏ: “Năm nay, xã phấn đấu về đích nông thôn mới (hiện đã đạt 17/19 tiêu chí), người dân chúng tôi ai cũng phấn khởi. Chỉ cần chủ trương đúng, hợp lòng dân, mọi việc đều thực hiện công khai, minh bạch và cán bộ, đảng viên luôn nêu gương trong các phong trào thì người dân ai cũng muốn đóng góp công sức cho sự phát triển của quê hương”…

Học sinh xã Thanh Thủy tham gia tìm hiểu quy chế biên giới. Ảnh: P.V
Học sinh xã Thanh Thủy tham gia tìm hiểu quy chế biên giới. Ảnh: P.V