Chìa khóa tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp
Nghị quyết 35 của Chính phủ được coi như là chìa khóa tháo gỡ khó khăn về vốn cho nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.
Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 được ban hành với một loạt những chỉ đạo “mở” trong việc cho vay như như: đơn giản hóa thủ tục vay vốn, xây dựng các chương trình vay vốn với lãi suất hợp lý…
Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn. (Ảnh minh họa: Internet) |
Theo một khảo sát mới đây của Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) trong hệ thống của mình, rào cản lớn nhất đối với khách hàng vay vốn hiện nay là thủ tục hành chính nhiêu khê (70%); tiếp đến là tài sản đảm bảo (50%) và việc chứng minh khả năng trả nợ (50%).
Ông Lê Thanh Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Trí cường cho biết, thời gian từ khi làm hồ sơ đến khi được ngân hàng đồng ý giải ngân cho khoản vay tín chấp thường phải mất tới vài tháng, với các loại thủ tục rườm rà. Các ngân hàng đều đòi hỏi tài sản đảm bảo, trong khi đó, chi phí lãi vay vẫn là gánh nặng đối với doanh nghiệp.
Theo ông Thủy, về tài sản đảm bảo có hai khó khăn, thứ nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ thường không có tài sản đảm bảo; thứ hai là việc định giá của ngân hàng thường rất thấp so với tài sản đảm bảo đó. Do vậy, kể cả có tài sản đảm bảo để vay thì lượng vốn vay được cũng ít.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, trong đó, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn tín dụng như: đơn giản hóa thủ tục vay vốn, giảm bớt phiền hà, bảo đảm an toàn vốn vay; nâng cao năng lực thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay; xây dựng các chương trình vay vốn với lãi suất hợp lý… Điều này đồng nghĩa với cánh cửa vay vốn của doanh nghiệp cũng rộng mở hơn.
Ông Đặng Ngọc Đức, Trưởng khoa Ngân hàng – Tài chính, Đại học kinh tế Quốc dân cho rằng: Đối với Việt Nam, đa số các doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ, do đó, việc tháo gỡ khó khăn để phục hồi, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ là mong muốn chính đáng, dễ hiểu. Tôi nghĩ rằng các ngân hàng thương mại nên có biện pháp để chấp hành tốt Nghị quyết 35 của Chính phủ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp muốn vay được vốn thì phải chứng minh cho các ngân hàng thương mại thấy được rằng mình có khả năng và ý chí trả nợ cho ngân hàng.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn theo chỉ đạo từ Nghị quyết 35 còn là cơ hội cho chính các ngân hàng gia tăng lợi nhuận trong tương lai, và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
Tuy nhiên, ngân hàng có tiếp tục cắt giảm thủ tục vay vốn, hạ lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp theo như yêu cầu từ Nghị quyết 35 hay không lại phụ thuộc vào chính bản thân các doanh nghiệp. Chỉ khi nào niềm tin của ngân hàng và doanh nghiệp được khẳng định khi đó ngân hàng mới có thể cho doanh nghiệp vay vốn. Bên cạnh đó, việc nhanh chóng xử lý dứt điểm nợ xấu để dòng vốn tín dụng được thông suốt cũng là một nhân tố quan trọng trong việc hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thêm cơ hội phát triển.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương nhấn mạnh: "Nhiệm kỳ Chính phủ này hi vọng sẽ xử lý nợ xấu một cách thực chất, để làm được điều này cần phải có một bước đột phá về thay đổi những luật để tạo ra một thị trường mua bán nợ. Và chỉ có xử lý bằng thị trường và để thị trường giải quyết vấn đề nợ xấu này thì lúc đó mới có thể giúp cho thị trường tài chính này vận hành bình thường như là dòng máu của nền kinh tế. Chi phí giảm, không để nền kinh tế tiếp tục gánh chi phí của nợ xấu."
Ngoài ra, để Nghị quyết này sớm đi vào thực tiễn thì việc cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và tăng cường giám sát từ các cơ quan thanh tra giám sát, thay vì những mệnh lệnh hành chính là điều cần thiết.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright nêu ý kiến: "Nếu bối cảnh kinh tế cho phép, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và có mức lạm phát thấp thì tính thanh khoản của ngân hàng ổn định, nợ xấu giải quyết quyết liệt, sẽ tạo thuận lợi hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp. Còn nếu dùng mệnh lệnh hành chính thì sẽ đi ngược với định hướng phát triển các thể chế hỗ trợ thị trường như hiện nay."
Nghị quyết số 35 đã thể hiện đầy đủ quan điểm và mong muốn cùng các giải pháp cụ thể của Chính phủ mới để hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, giữa chính sách ban hành và việc hiện thực hóa chính sách luôn có một khoảng cách nhất định.
Vì vậy, triển khai Nghị quyết này có khả thi và có đến được các doanh nghiệp hay không lại phụ thuộc vào hành động cụ thể của các bộ, ban, ngành liên quan. Với sự hỗ trợ từ các ngân hàng, cơ quan chức năng, cộng động doanh nghiệp sẽ có nhiều điều kiện phát triển thuận lợi hơn – tạo nền tảng phát triển bền vững cho nền kinh tế đất nước.
Theo VOV
TIN LIÊN QUAN |
---|