Chính trường Bolivia chao đảo và bản báo cáo gây chấn động

Hoàng Bách 13/11/2019 09:03

(Baonghean) - Tổng thống Bolivia Evo Morales đã từ chức chỉ vài giờ đồng hồ sau khi đồng ý tổ chức các cuộc bầu cử mới. Theo New York Times, kế hoạch tổ chức bầu cử mới bắt nguồn từ một bản báo cáo chấn động do Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) đưa ra hôm 10/11, theo đó phát hiện “những sự thao túng rõ rệt” của quá trình bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử tại quốc gia này hôm 20/10.

Nghi vấn can thiệp bầu cử

Theo Vox, ông Morales đã phải đối diện với sức ép gia tăng nhanh trong vài tuần lễ trở lại đây, khi ông là nhân vật chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu sau 24 giờ đồng hồ im lặng của các quan chức bầu cử trong đêm bỏ phiếu. Những câu hỏi rằng làm thế nào mà Morales từ chỗ đối diện với cuộc bỏ phiếu vòng hai trước thời điểm giới chức bầu cử bật “chế độ im lặng” đột nhiên lại đắc cử đã khiến các nhóm đối lập hàng đầu đưa ra cáo buộc về gian lận trong quá trình bầu cử và nổ ra các cuộc biểu tình trên đường phố. Ít nhất đã ghi nhận 3 trường hợp thiệt mạng trong lúc diễn ra các cuộc biểu tình này.

Biểu tình tại thủ đô La Paz, Bolivia, ngày 9/11/2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Biểu tình tại thủ đô La Paz, Bolivia, ngày 9/11/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo cáo mà OAS đưa ra khẳng định kết quả cuộc bầu cử thực sự đã bị can thiệp: “Những động thái thao túng đối với các hệ thống máy tính bầu cử lớn tới nỗi cần phải được Nhà nước Bolivia điều tra kỹ lưỡng để tìm ra mấu chốt và quy trách nhiệm trong vụ việc nghiêm trọng này”. Cùng với tuyên bố như vậy, OAS đề nghị giới chức Bolivia giải tán cơ quan bầu cử hiện hành, nơi bị cáo buộc do những người ủng hộ, hậu thuẫn cho ông Morales điều hành, và sau đó tổ chức một cuộc bầu cử khác.

Hôm 10/11, Morales tuyên bố ông sẽ làm theo những khuyến nghị đó. Sau những lời kêu gọi từ chức do thành viên các lực lượng vũ trang, các lãnh đạo đối lập và dân chúng đưa ra, Morales chính thức tuyên bố từ chức vào tối Chủ nhật. Quyết định này được đưa ra sau nhiều tuần lễ liên tiếp các cuộc biểu tình chống chính phủ diễn ra khắp đất nước này. Người biểu tình đã đốt phá trụ sở các văn phòng bầu cử địa phương, thiết lập các điểm bao vây, bắt một thị trưởng phải chân trần diễu qua các con phố sau khi đã cắt tóc và đổ sơn lên người bà.

Tổng thống Bolivia Evo Morales tuyên bố từ chức hôm 10/11. Ảnh: AFP
Tổng thống Bolivia Evo Morales tuyên bố từ chức hôm 10/11. Ảnh: AFP

Hôm 9/11, các lực lượng cảnh sát từ chối trấn áp các cuộc biểu tình, và quân đội cũng “quay lưng”, “nói không” với việc khôi phục trật tự, ra tuyên bố cho biết: “Chúng tôi sẽ không bao giờ đối đầu với người dân mà chúng tôi có trách nhiệm và sẽ luôn bảo vệ hòa bình, cùng chung sống và sự phát triển của quê hương”.

Hôm 10/11, Tướng Williams Kaliman trả lời báo chí, khẳng định: “Sau khi phân tích tình hình xung đột trong nước, chúng tôi đề nghị tổng thống từ bỏ thẩm quyền để tạo điều kiện cho sự bình định và duy trì ổn định, vì lợi ích của Bolivia của chúng ta”. Và, thông tin nhà lãnh đạo Bolivia bước xuống khỏi đài quyền lực đã nhận được sự hoan nghênh và ăn mừng ở không ít nơi.

Người đứng đầu lực lượng vũ trang Bolivia Williams Kaliman (ảnh trái) đã kêu gọi ông Morales từ chức. Ảnh: AFP
Người đứng đầu lực lượng vũ trang Bolivia Williams Kaliman (ảnh trái) đã kêu gọi ông Morales từ chức. Ảnh: AFP

Nỗ lực thay đổi Hiến pháp

Những mối quan ngại của người biểu tình về ông Morales - nhà lãnh đạo tại vị lâu năm nhất ở Mỹ Latinh, đã được khơi mào từ trước cả cuộc bầu cử hồi tháng 10.

Morales từng là cựu lãnh đạo liên minh, trở thành tổng thống gốc bản xứ đầu tiên của Bolivia, đắc cử lần đầu năm 2006. Ông lên nắm quyền cùng với một làn sóng các ứng viên tả khuynh ở Mỹ Latinh.

Dưới sự lãnh đạo của ông, các nhà làm luật đã xây dựng hiến pháp mới, cho phép một tổng thống đương nhiệm chỉ được tái cử liên tiếp một lần. Morales đã kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử khác vào năm 2009, đắc cử, và lập luận rằng đó là lần đầu ông đắc cử dưới thời chính quyền mới, đồng nghĩa với việc cho phép ông tái chạy đua vào năm 2014.

Evo Morales là tổng thống gốc bản địa đầu tiên của Bolivia, đắc cử năm 2006. Ảnh: AFP
Evo Morales là tổng thống gốc bản địa đầu tiên của Bolivia, đắc cử năm 2006. Ảnh: AFP

Trong bối cảnh những tiếng nói chỉ trích cho rằng Morales đã tái cử 2 lần, trái luật, ông đã tổ chức một cuộc trưng cầu năm 2016, đặt vấn đề sửa đổi hiến pháp để tổng thống được đảm nhiệm 3 nhiệm kỳ liên tiếp. Cử tri đã bác bỏ nội dung này, nhưng Morales đã thuyết phục tòa án tối cao, nơi được cho là toàn những người ủng hộ ông, rằng ông được phép tiếp tục tranh cử, lập luận rằng giới hạn nhiệm kỳ là vi phạm nhân quyền.

Trước thềm bầu cử năm 2019 này, các cuộc thăm dò cho thấy ông Morales sẽ không thể nhận đủ số phiếu để tránh kịch bản bỏ phiếu vòng 2. Một ứng viên tổng thống tại Bolivia cần tối thiểu 50% số phiếu mới giành chiến thắng, còn nếu không đạt được điều đó, thì phải dẫn trước đối thủ gần kề 10 điểm phần trăm. Kiểm đếm bầu cử sớm cho thấy Morales sẽ không đáp ứng được một trong hai tiêu chí trên, và khi các kết quả được công bố rộng rãi cho người dân dường như càng khẳng định điều này, thì hội đồng bầu cử đột ngột ngừng kiểm phiếu.

Đúng 1 ngày sau đó, họ công bố kết quả: bằng cách nào đó, ông Morales đã sít sao vượt số lá phiếu cần thiết để tránh phải bước vào vòng bỏ phiếu thứ hai với cựu Tổng thống Carlos Mesa - đối thủ sát sườn nhất của mình. Mesa đã gọi kết quả đó là “sự tráo đổi kết quả bỏ phiếu của chúng tôi một cách trắng trợn và đáng xấu hổ”, còn OAS khẳng định điều này “gây ra sự tổn hại lòng tin vào tiến trình bầu cử”. Liên minh châu Âu, Liên hợp quốc, Mỹ, Brazil, Argentina và Colombia đã lên tiếng tỏ ý tán thành.

Đường phố ở La Paz tràn ngập người ăn mừng sau thông tin tổng thống từ chức. Ảnh: AFP
Đường phố ở La Paz tràn ngập người ăn mừng sau thông tin tổng thống từ chức. Ảnh: AFP

Hàng nghìn người xem kết quả này là sự gian lận bầu cử rõ rệt và đổ xuống đường, khiến Bolivia trở thành quốc gia Mỹ Latinh gần đây nhất bị bao bọc trong các cuộc biểu tình, trong bối cảnh bất ổn vẫn diễn ra tại Chile và vừa mới được dàn xếp ở Ecuador.

Theo các chuyên gia về chính sách đối ngoại, kết quả trên là hệ quả của một loạt yếu tố, bao gồm suy thoái kinh tế và những cơn thịnh nộ khi những lời hứa hẹn chính trị sụp đổ. Họ lập luận, mấu chốt của vấn đề là sự mất lòng tin rộng rãi đối với các chính khách dù họ thuộc đảng phái nào. Như để khẳng định điều này, Vox dẫn nghiên cứu từ Đại học Vanderbilt cho thấy hơn 80% người dân trong khu vực cho rằng hơn một nửa chính khách của họ tham nhũng, và tại Bolivia, chỉ 16% người dân tin tưởng các đảng phái chính trị.

Hiện vẫn chưa rõ liệu dân chúng Bolivia có cơ hội khác để chọn ra nhà lãnh đạo của mình hay không. Cũng chưa thể biết được đâu là những gương mặt mà họ sẽ phải cân đo đong đếm để gửi gắm niềm tin, lấp đầy khoảng trống quyền lực đang hiện hữu trên chính trường nước này. Mesa đã phát tín hiệu rằng ông đang lên kế hoạch để tranh cử. Còn Morales, lần này chắc chắn ông sẽ chỉ được đứng quan sát bên lề cuộc đua mà thôi.

Mới nhất

x
Chính trường Bolivia chao đảo và bản báo cáo gây chấn động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO