Niềm vui trên quê chung
(Baonghean.vn) - Về Kim Liên trong ánh nắng chan hòa, ai cũng cảm nhận được sự trong lành của khí trời, cảnh vật và cuộc sống đi lên của quê hương Bác Hồ. Đang giữa mùa gặt, nghe dậy lên mùi rơm rạ từ những cánh đồng và thoang thoảng mùi hương tinh khôi tỏa ra từ những hồ sen đang kỳ nở rộ.
Xứng danh quê Người
Những ngày này, trên khắp các ngả đường của xã Kim Liên (Nam Đàn) ngập tràn sắc cờ, biểu ngữ chào mừng kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lễ hội Làng Sen năm 2024. Dòng người từ khắp mọi miền đất nước cùng về đây trong một niềm vui chung, niềm vui hội ngộ trên quê hương Bác Hồ muôn vàn kính yêu, vị Cha già của dân tộc.
Hòa vào dòng người đông vui, chúng tôi về cùng bà con xã Kim Liên đang hân hoan, phấn khởi trong mùa gặt. Ông Nguyễn Xuân Phong (gần 80 tuổi) ở xóm Làng Sen 2 vui vẻ cho biết: “Nhờ mưa thuận, gió hòa và dày công chăm bón nên vụ lúa này đạt năng suất cao, thửa ruộng nào cũng sai hạt, nặng bông, cho nhà nhà no đủ. Việc sản xuất nông nghiệp đã có một bước tiến dài so với trước, ở xã Kim Liên bây giờ chủ yếu làm bằng máy móc cơ khí, phần lớn sức lao động của nông dân đã được giải phóng”.
Theo lời ông Phong, cũng như nhiều vùng quê khác, cách đây chưa lâu, bà con nông dân xã Kim Liên còn rất vất vả với mùa màng, vì từ khâu làm ruộng, gieo cấy đến gặt hái đều phải dựa vào sức người và sức cày, kéo của trâu, bò.
Nay các công đoạn ấy đều được thực hiện bằng máy móc, bà con nông dân chỉ việc ra rải lúa phơi ở sân nhà. Thậm chí, có lúc thương lái còn về thu mua tận ruộng, bà con thu hoạch xong chỉ cần mang tiền về nhà…
Xã Kim Liên hiện có hơn 3.000 hộ (khoảng 13.400 khẩu), nguồn thu nhập chủ yếu là nông nghiệp (khoảng 75% số hộ), bên cạnh sản xuất lúa nước, bà con nông dân còn xây dựng được nhiều mô hình kinh tế hiệu quả.
Có thể kể đến mô hình sản xuất rau màu trong nhà lưới tại xóm Sen 1; trồng hoa kết hợp tham quan chụp ảnh tại xóm Liên Mậu 3; nuôi ốc bươu đen tại xóm Hồng Sơn, Liên Mậu 1. Đặc biệt, xã đã chỉ đạo trồng sen trên diện tích ao ở các xóm Làng Sen, Liên Hồng, Mậu Tài, Hoàng Trù và một số diện tích đất 2 lúa dọc Quốc lộ 46, Tỉnh lộ 540, hồ Mang Tang ở xóm Hồng Sơn.
Nhờ đó, toàn xã hiện có hơn 20 ha sen, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa tạo cảnh quan, góp phần thu hút khách du lịch. Mùa này, về với Kim Liên được ngắm những hồ sen, ao sen thi nhau khoe sắc hồng, tỏa hương thanh tao, khiến ai nấy đều cảm thấy khoan khoái, dễ chịu.
Đi hết 12 xóm của xã Kim Liên, chúng tôi cảm nhận được sức bật và đổi thay của làng quê qua mỗi con đường nhựa phẳng lỳ cùng những ngôi nhà khang trang mọc lên san sát. Đồng thời, chúng tôi còn gom được thêm những thông tin và con số biết nói: Kim Liên là xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu từ năm 2022 nên cơ sở hạ tầng đã đạt đến mức hoàn thiện.
Không chỉ đường giao thông mà trường học, trạm y tế và lưới điện quốc gia cũng được xây dựng khang trang, đúng quy chuẩn. Hiện tại, 5 trường học của xã đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trong đó, 4/5 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Hàng năm, toàn xã có khoảng 100 học sinh thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước; là xã đứng đầu toàn huyện cả về chất lượng mũi nhọn và chất lượng đại trà…
Nhờ sự quan tâm của các cấp trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội và sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân toàn xã, những năm gần đây, xã Kim Liên đã có bước tiến vượt bậc. Mức tăng trưởng kinh tế đạt 9,1%; thu nhập bình quân đạt 61 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,57%. Đó chính là nguồn động lực để cán bộ và nhân dân tiếp tục vươn lên, để mãi mãi xứng đáng là quê hương của Bác Hồ muôn vàn kính yêu.
_______________
Ông Vương Bá Tùng - Phó Chủ tịch UBND xã Kim Liên.
Niềm vui về nguồn
Tháng Năm về, người dân Việt Nam càng thêm nhớ Bác, nhiều người đã hành hương về Kim Liên để dâng lên Người đóa hoa tươi thắm. Đặt chân lên quê Người, ai nấy đều rưng rưng niềm xúc động trước cảnh vật đơn sơ gắn với gia đình và cuộc sống thời niên thiếu của Bác. Mỗi người một cảm xúc nhưng có sự gặp gỡ là niềm tự hào về với “quê chung” và tấm lòng biết ơn, niềm kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đến từ Thủ đô Hà Nội, bà Nguyễn Thị Loan chia sẻ: “Lần này, tôi cùng các bạn trong tổ hưu trí về thăm quê Bác đúng vào dịp mừng sinh nhật của Người. Khi đặt chân đến Kim Liên, những mệt mỏi vì đường xa dường như tan biến, chỉ còn lại niềm vui. Bởi nơi đây đã thay đổi rất nhiều so với 7 năm trước, khi lần đầu tiên tôi về thăm. Nhìn những con đường thẳng rợp bóng cây, cánh đồng lúa chín vàng óng và cảm nhận được cuộc sống làng quê nơi đây đầm ấm, đủ đầy…”.
Còn anh Nguyễn Chí Thành vượt hàng nghìn km từ Bình Dương ra Nghệ An để hòa vào dòng người về thăm quê Bác. Anh nhớ hồi nhỏ đã từng được theo ba má về đây, được vào thăm quê nội và quê ngoại của Người.
Trong ký ức của anh thanh niên đến từ mảnh đất phương Nam, Khu Di tích Kim Liên hồi xưa còn khá đơn sơ, cuộc sống của người dân Kim Liên còn vất vả với những ngôi nhà nhỏ, con đường gập ghềnh. Lần này trở lại, anh Thành quá đỗi bất ngờ trước trước sự đổi thay của vùng quê Kim Liên, nhất là đời sống của người dân quê Bác.
Qua các phương tiện truyền thông, tôi biết tỉnh Nghệ An nói chung, xã Kim Liên nói riêng đã có nhiều đổi mới, nhưng thật sự không ngờ tốc độ phát triển nhanh đến vậy. Ngồi trên xe bon bon chạy, ngắm những công trình kiên cố, khang trang, lòng tôi dâng lên niềm xúc động".
______________
Anh Nguyễn Chí Thành - Du khách đến từ tỉnh Bình Dương
Tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, chúng tôi gặp vị khách đặc biệt, đó là anh Aiden Jade Smith, một thanh niên đến từ đất nước Nam Phi xa xôi. Theo lời Aiden Jade Smith, anh biết đến Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi còn nhỏ, được thầy, cô và bố mẹ kể nhiều câu chuyện về vị lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam và tinh thần dũng cảm của đất nước này.
Mọi người đều nói quê hương của Hồ Chí Minh là Nam Đàn (Nghệ An), một vùng quê nghèo ở miền Trung Việt Nam. Nam Đàn hiện lên trong suy nghĩ của anh và những người bạn cùng trang lứa là một vùng đất nghèo khổ, người dân sinh sống trong những khu nhà tạm bợ và mưu sinh gặp nhiều khó khăn.
Khi có cơ hội sang Việt Nam, Aiden Jade Smith liền sắp xếp công việc để về Nghệ An, về Nam Đàn tham quan Khu Di tích Kim Liên. Trên đường đi, anh hết sức bất ngờ trước những con đường rộng thênh thang, từng đoàn xe nối dài; những cánh đồng lúa trĩu bông, sai hạt; những dãy nhà khang trang hai bên đường; làng quê xanh tươi, trù phú.
Aiden Jade Smith chia sẻ: “Từ những gì được nghe đến những gì được thấy có một sự khác biệt rất lớn. Chắc không phải thầy, cô, bố mẹ tôi nói không đúng, mà do người dân ở đây đã làm nên một điều kỳ diệu trong việc làm đổi thay cuộc sống trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Dòng người vẫn tiếp tục hành hương về quê Bác. Về đây để có dịp tham dự các hoạt động của Lễ hội Làng Sen, để dâng lên Người câu hát, lời ca và cả niềm kính yêu cùng niềm tin bất diệt...