'Hành trình theo chân Bác' và những khoảnh khắc chạm đến trái tim
Không chỉ là một sự kiện thể thao có quy mô, giải chạy “Hành trình theo chân Bác - Vì an ninh Tổ quốc” diễn ra tại Nghệ An còn là hành trình trở về với cội nguồn lịch sử, nơi hội tụ tinh thần yêu nước, lòng tri ân và khát vọng cống hiến, để tiếp bước theo dấu chân Người.

1.
Giải chạy “Hành trình theo chân Bác – Vì an ninh Tổ quốc” không chỉ là hoạt động thể thao quy mô lớn, mà còn là hành trình trở về bằng trái tim, trở về với cội nguồn của dân tộc, với lý tưởng và tình yêu Tổ quốc được truyền qua bao thế hệ. Hơn 2.100 vận động viên hội tụ tại Nghệ An đã mang đến bầu không khí rộn ràng, lan tỏa tinh thần thể thao cao thượng và khí chất Việt Nam kiên cường, bền bỉ. Trong đó, 15 đoàn công an các địa phương với 143 vận động viên góp mặt – những người không chỉ chạy bằng đôi chân, mà còn mang theo ký ức của vùng đất nơi họ đến và niềm tự hào của ngành mà họ đang phục vụ.

Chia sẻ về chương trình, Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Ban Nghiên cứu chuyên đề giúp việc Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh: Trong dòng người tham gia giải có bước chân của những vận động viên đến từ Cao Bằng – nơi đầu tiên đón Bác trở về Tổ quốc năm 1941, nơi hình thành căn cứ địa Việt Bắc; từ Bắc Giang – nơi Bác từng 5 lần dừng chân trong kháng chiến; từ đồng bằng sông Cửu Long – nơi an nghỉ của cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh; và từ TP. Hồ Chí Minh – thành phố mang tên Bác, vừa long trọng tổ chức đại lễ 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước… Tất cả cùng hội tụ về quê hương Nghệ An, để từng bước chạy hôm nay thực sự là những bước chân “theo Bác”, đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng thiêng liêng nhất.
Với Thiếu tướng Lê Xuân Đức, thành công của giải không nằm ở con số, mà ở những khoảnh khắc lay động lòng người: Một cựu chiến binh ngoài 70 tuổi, vẫn lặng lẽ sải bước trong màu áo lính, tay cầm chắc lá cờ Tổ quốc; một em bé 5 tuổi nắm tay mẹ hoàn thành đường chạy 5 km chỉ để “được theo chân Bác”; hay 2 nữ vận động viên dìu nhau về đích sau chặng đua 21 km đầy thử thách…


Những hình ảnh ấy, giản dị mà sâu sắc, là minh chứng cho một điều: Tình yêu nước hiện hữu ngay trong từng bước chân, từng hơi thở, từng ánh mắt lặng lẽ dõi theo trên suốt hành trình.
2.
Cuộc đua 21 km nữ tại Giải chạy “Hành trình theo chân Bác – Vì an ninh Tổ quốc” đã khép lại bằng một hình ảnh khó quên: Hai vận động viên nắm tay nhau băng băng về vạch đích, giữa tiếng hò reo của khán giả. Không phải một màn rượt đuổi nghẹt thở như thường thấy, cũng không phải cú nước rút để phân thắng bại, mà là một cái kết lặng mà sâu – thể hiện đúng tinh thần thể thao đoàn kết, nhân văn và cao thượng.

Trên đường chạy hôm đó, tài năng trẻ Hoàng Thị Ngọc Anh (sinh năm 2006) - thành viên đội tuyển điền kinh Việt Nam, đã có một cuộc song mã đầy kịch tính với ngôi sao giải phong trào Doãn Thị Oanh (đến từ tỉnh Vĩnh Phúc). Ngọc Anh nhập cuộc với tốc độ cao, thể hiện rõ ý đồ hướng tới chức vô địch. “Tôi khá bất ngờ khi tốp đầu có sự xuất hiện của chị Doãn Oanh với sự bền bỉ và dẻo dai vốn có. Nhưng vì thời tiết hôm nay khá khắc nghiệt nên tôi quyết định không mạo hiểm, giữ nhịp ổn định để về đích an toàn”, Ngọc Anh chia sẻ. Khi chỉ còn cách đích vài mét, 2 vận động viên bất ngờ chạy song song và nắm tay nhau. Đồng thời, chị Doãn Thị Oanh chủ động giảm tốc, để Ngọc Anh phá băng về đích đầu tiên. “Vì giải chạy mang tên Hành trình theo chân Bác, nên chúng tôi muốn thể hiện một tinh thần thể thao cao thượng, đoàn kết”, Ngọc Anh lý giải về cái nắm tay của 2 vận động viên.
Kết quả chung cuộc, Ngọc Anh cán đích với thành tích 1 giờ 23 phút 51 giây, hơn chị Oanh đúng 2 giây. Nhưng với nhiều người, điều đọng lại không nằm ở khoảng cách đó, mà chính là khoảnh khắc 2 thế hệ cùng nhau vượt qua giới hạn - không bằng tranh chấp, mà bằng sự trân trọng lẫn nhau. Một hình ảnh đúng với tinh thần mà cuộc hành trình này muốn hướng tới: sẻ chia, tiếp nối, cùng nhau vì điều lớn lao hơn bản thân mình.

Bên lề giải đấu, chị Doãn Thị Oanh chia sẻ: “Với tôi, đây là một giải chạy đặc biệt, nó diễn ra trên quê hương Bác và mang thông điệp rất ý nghĩa trong những ngày tháng 5 lịch sử. Tôi tham gia cùng chồng và đưa con trai nhỏ đi theo, để cháu được đặt chân tới vùng đất địa linh nhân kiệt – nơi Bác Hồ sinh ra. Tôi mong con mình sẽ nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, biết học tập và rèn luyện theo gương Người”.
3.
Trong hàng nghìn vận động viên góp mặt tại Giải chạy “Hành trình theo chân Bác – Vì an ninh Tổ quốc”, Lê Đình Anh Tú là một trong những gương mặt được nhiều người biết đến. Không phải bởi thành tích thi đấu, mà bởi những gì cậu âm thầm gửi gắm vào từng bước chạy của mình. Là một người con của xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương, hiện đang sinh sống, học tập và làm việc tại Đà Nẵng, Anh Tú – biệt danh thân mật là “Xôi Xéo” trong cộng đồng runner được nhiều người yêu mến không chỉ vì tinh thần tích cực mà còn bởi khả năng “vẽ map” – tạo nên những hình vẽ độc đáo từ chính cung đường chạy.

Hướng về Đại lễ 30/4, trước khi tham gia giải, Tú đã “vẽ” thành công đường chạy mô phỏng chiếc xe tăng mang số hiệu 390 – biểu tượng lịch sử tiến vào Dinh Độc Lập. Ngày 30/4, cậu tiếp tục hoàn thành đường chạy tạo hình lá cờ đỏ sao vàng cùng dòng chữ “30/4 – Việt Nam”. Trước đó, vào dịp Quốc khánh 2/9/2023, Tú đã khiến cộng đồng mạng trầm trồ khi vẽ được cả bản đồ Việt Nam – đầy đủ Hoàng Sa, Trường Sa chỉ bằng đôi chân và bản đồ định vị.
Để có thể tạo nên những hình ảnh vừa đúng tỷ lệ, vừa mang tính thẩm mỹ, Tú phải dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu địa hình, chỉnh sửa tuyến đường sao cho từng nét chạy ăn khớp với ý tưởng. “Có những bức vẽ tôi phải xin phép người dân để được chạy xuyên qua sân nhà, vườn cây. Ban đầu ai cũng ngạc nhiên vì chẳng hiểu một người lạ chạy vào nhà mình để làm gì. Nhưng khi nghe tôi chia sẻ về mong muốn được vẽ Tổ quốc bằng chính đôi chân, mọi người đều vui vẻ ủng hộ”, Tú kể lại, ánh mắt lấp lánh niềm xúc động.

Với Tú, chạy không chỉ để khỏe, để thi đấu, mà còn là một cách kể chuyện. “Chạy để nhớ, chạy để vẽ, chạy để tự hào” – đó là phương châm mà chàng trai 23 tuổi luôn giữ vững. Mỗi bước chạy là một lời tri ân, một cách để kết nối với lịch sử, để sống xứng đáng hơn với những hy sinh mà cha ông đã để lại. Cũng chính tinh thần ấy đã thôi thúc Tú không chỉ góp sức xây dựng phong trào chạy bộ ở Đà Nẵng và Nghệ An, mà còn ấp ủ trở thành giáo viên giáo dục thể chất – người gieo mầm ý thức rèn luyện và tự hào dân tộc cho thế hệ tương lai.

Giải chạy “Hành trình theo chân Bác – Vì an ninh Tổ quốc” là hoạt động thể thao có quy mô lớn đầu tiên do Bộ Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An chỉ đạo, Hiệp hội Thể thao Công an Nhân dân Việt Nam phối hợp với báo điện tử VnExpress tổ chức. Hoạt động hướng về kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, 80 năm Ngày thành lập Lực lượng Công an Nhân dân. Đây cũng là hoạt động đầu tiên trong chuỗi hoạt động diễn ra tại quê Bác trong tháng 5 này.