Chống khai thác IUU bằng chuyển đổi nghề cho ngư dân

Nguyễn Hải 14/12/2023 19:34

(Baonghean.vn) - Theo Đề án phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, ngành thủy sản nước ta sẽ có sự chuyển đổi từ nghề chính khai thác sang nuôi trồng thủy sản ven bờ. Tại Nghệ An, khi cắt giảm đội tàu cá, cần tính toán phương án cụ thể để chuyển đổi phù hợp.

GỢI MỞ TỪ THỰC TIỄN

Với 82 km bờ biển và vùng biển rộng trên 76 ngàn km2, Nghệ An là 1 trong 28 tỉnh ven biển có thế mạnh về khai thác hải sản. Hàng năm, nghề cá tạo việc làm cho 16.805 lao động khai thác và gần 25 ngàn lao động dịch vụ trên bờ. Tuy nhiên, những năm qua, do nghề khai thác không hiệu quả, thu nhập bấp bênh, nên nhiều tàu cá nằm bờvà các lao động “lên bờ”, chuyển nghề khác.

bna_Tập huấn về thực trạng đánh bắt và nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thủy sản_ Ảnh Nguyễn Hải.jpg
Tập huấn về khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho ngư dân do Ban quản lý Cảng phối hợp Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư Nghệ An phối hợp với tổ chức. Ảnh: Nguyễn Hải

Mặc dù chưa có thống kê chính thức, nhưng qua khảo sát sơ bộ của chúng tôi (P.V), thì đã có gần 50% trong số 16.805 lao động đi biển và hàng ngàn lao động trên bờ chuyển sang khu vực khác. Đây là một trong những lý do khiến vài năm lại đây, tại Quỳnh Lưu và Hoàng Mai, nhiều tàu đi câu, đi vây phải nằm bờ vì thiếu lao động. Do thiếu lao động và phải thuê lao động mới, lao động không chuyên, nên năng lực khai thác thấp.

Xã Diễn Bích là một trong những xã có đội tàu lớn nhất nhì của huyện Diễn Châu, thời điểm nhiều nhất xã có 250 chiếc tàu cá với khoảng 1.000 lao động đi biển. Vài năm lại đây, do nghề biển liên tục thua lỗ nên hơn 100 phương tiện đã chuyển nhượng hoặc bị ngân hàng kê biên, thanh lý.

Ông Nguyễn Viết Mãn - Chủ tịch UBND xã Diễn Bích cho biết: Toàn xã hiện còn 131 phương tiện và 520 lao động đi biển trong thực trạng đánh bắt kém hiệu quả. Trong số gần 500 lao động đi biển đã chuyển nghề gồm một số lao động trẻ đi xuất khẩu và một số lao động lớn tuổi. Toàn xã hiện có 600 lao động xuất khẩu, trong đó riêng năm 2023 có khoảng 250 người đi khiến xã phải điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế giữa nhiệm kỳ.

bna.jpg
Mỗi tàu đi vây cần 18-20 lao động và là công việc nặng nhọc nên cần lao động trẻ. Do đánh bắt không hiệu quả nên nhiều lao động đã lên bờ đi xuất khẩu lao động dẫn đến thiếu hụt nhân lực đánh bắt. Ảnh: Nguyễn Hải

Xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) là “điểm nóng” về vi phạm trong đánh bắt hải sản vùng biển ven bờ, thời điểm cao nhất, xã có trên 400 tàu. Do chủ yếu đánh bắt vùng lộng và ven bờ, nên vài năm lại đây, khi thắt chặt đánh bắt theo quy định chống khai thác IUU, thì tàu cá của bà con liên tục bị xử phạt. Hiện nay, số tàu đã giảm xuống còn 250 chiếc, nhưng tình trạng đánh bắt trái phép vẫn còn.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Chủ tịch HĐND xã Diễn Ngọc, chia sẻ: Trước đây, nghề khai thác phát triển thì nghề hậu cần trên bờ cũng phát triển theo. Nay nghề biển thu hẹp và hầu hết lao động trẻ đều đi xuất khẩu lao động, nên nghề biển và hậu cần nghề cá như chế biến, làm chượp nước mắm cũng thu hẹp quy mô.

bna_ sản xuất nước mắm.jpg
Chế biến, sản xuất nước mắm trên bờ là hướng chuyển đổi nghề cho các lao động làm dịch vụ. Trong ảnh: Cơ sở sản xuất nước mắm tại xã Sơn Hải, Quỳnh Lưu. Ảnh: Nguyễn Hải

Tại Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) - một xã trọng điểm nghề vây của tỉnh, thời điểm cao nhất có trên 80 tàu đi vây với tổng cộng 2.100 lao động đi biển, nhưng nay chỉ còn 40 chiếc, tương đương khoảng 800 lao động. Trong 1.300 lao động đã chuyển nghề, có gần 1.000 lao động đi xuất khẩu, số còn lại gần 400 lao động đi tàu vận tải. Anh Trần Quang Trung (52 tuổi) ở thôn Đại Hải, xã Quỳnh Long đang làm việc trên tàu vận tải, cho biết: Từng làm nghề biển hơn 10 năm nay chuyển sang nghề vận tải biển thấy phù hợp với người lớn tuổi. Thu nhập khoảng 8-10 triệu/tháng, thấp hơn các chuyến đi biển, nhưng ổn định và nhất là tạo sự yên tâm đối với gia đình.

Tương tự, xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) trước đây có trên 80 tàu cá với khoảng 1.800 lao động thường xuyên đi câu mực, cá hố thì nay chỉ còn lại khoảng 30 chiếc, với khoảng 700 lao động đi biển. Ông Cao Xuân Điệp - Chủ tịch UBND xã Sơn Hải trăn trở: Nghề biển đang ở giai đoạn quá khó khăn, lao động đi biển đã lên bờ quá nửa, nhu cầu tạo chuyển đổi nghề, tạo việc làm cho bà con hiện rất lớn.

GIẢI PHÁP HIỆU QUẢ VÀ BỀN VỮNG

Thực hiện Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững, Việt Nam phấn đấu đạt tổng sản lượng thủy sản là 9,8 triệu tấn vào năm 2030, trong đó sản lượng nuôi trồng là 7 triệu tấn và khai thác là 2,8 triệu tấn.

Tại Nghệ An, hàng năm, khai thác chiếm 85% tổng sản lượng thủy hải sản và nuôi trồng chỉ 15%, do đó, định hướng trên là thách thức lớn của tỉnh Nghệ An.

Vì thế, để cụ thể hóa chương trình này, ngày 27/11/2023, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 914/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái trên địa bàn; hằng năm tỉnh cắt giảm tối thiểu 1,5% đối với tàu hoạt động vùng khơi; 4-5% đối với tàu vùng lộng và ven bờ; có giải pháp đảm bảo việc làm cho 100% ngư dân sau chuyển đổi nghề khai thác.

bna_Tàu đi vây của ngư dân Quỳnh Long chuẩn bị đánh xa bờ.jpg
Một tàu cá đi vây của ngư dân Quỳnh Long chuẩn bị xuất bến. Ảnh: Nguyễn Hải

Trao đổi về chuyển đổi nghề cho bà con ngư dân, ông Phan Xuân Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu từng chia sẻ: Hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề là giải pháp không mới. Cách đây 10 năm, để xóa nghề đánh bắt tận diệt thủy sản ven bờ, Nghệ An đã có các chính sách hỗ trợ chuyển đổi, nhưng do nguồn lực hỗ trợ còn ít và nhiều vướng mắc nên ngư dân không tiếp cận được. Vì vậy, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề sắp tới phải phù hợp tâm tư và thực tiễn của bà con ngư dân.

Tại xã Quỳnh Lập (TX.Hoàng Mai), trong số 2.000 lao động đi biển, nay đã có 54 người đi vận tải biển và toàn xã có 954 người đi xuất khẩu. Hàng năm tỉnh đều tổ chức tập huấn và cấp chứng chỉ cho khoảng 700 thuyền viên và hiện 90% ngư dân đi biển của xã Quỳnh Lập đã có chứng chỉ thuyền viên. Tuy vậy, lĩnh vực vận tải cần thêm chứng chỉ khác và ngư dân muốn chuyển đổi nghề phải học bổ sung để chuyển đổi. Tuy nhiên, chi phí học này học viên chưa được hỗ trợ.

Ứng dụng cơ giới hóa trong thu hoạch ngao biển tại Quỳnh Lưu.jpg
Ứng dụng công nghệ, cơ giới hóa trong thu hoạch ngao biển của anh Trần Ngọc Hoàng tại xã Sơn Hải và Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu). Ảnh Nhân vật cung cấp

Ông Trương Công Vũ - Phó Chủ tịch Hội nghề cá Quỳnh Lập kiến nghị nên xem xét hỗ trợ kinh phí ngư dân học chứng chỉ chuyển đổi nghề. Hiện tại, theo quy định, lớp học nghề thuyền trưởng, máy trưởng phải tổ chức tập trung từ 20 người trở lên thì địa phương mới mời được giảng viên về dạy và hỗ trợ nhưng đặc thù nghề biển thường đánh bắt xa, khó tập trung 20-30 người/lớp nên mỗi người phải tự tìm đến các trường đại học thủy sản Nha Trang hoặc Hải Phòng để học chứng chỉ nên chi phí tốn kém...

Bên cạnh chính sách hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề trên, theo đại diện các địa phương ven biển, một chính sách khác mà tỉnh nên cân nhắc là hỗ trợ lãi suất cho ngư dân vay xuất khẩu lao động. Hiện tại, bà con đồng bào dân tộc thiểu số đã được ngân hàng chính sách cho vay lãi suất thấp để đi lao động xuất khẩu; thì nên chăng hỗ trợ bằng cho vay lãi suất thấp với ngư dân hoặc con em họ đi xuất khẩu lao động.

bna_ Tư vấn chuyển đổi nghề cho lao động trẻ con em ngư dân ven biển.jpg
Tư vấn học nghề đi xuất khẩu lao động cho con em ngư dân ven biển. Ảnh: Nguyễn Hải

Ông Vũ Ngọc Chắt - Chủ tịch Hội nghề cá Quỳnh Long (Quỳnh Lưu), cho biết, do khó khăn nên nghề cá đang sàng lọc, quy hoạch lại nghề, tàu nào sản xuất không hiệu quả, không có nhân lực thì thanh lý chuyển nhượng để các nhân lực tốt dồn sang các tàu đánh bắt hiệu quả hơn; lao động trẻ có thể đi xuất khẩu. Tuy vậy, về lâu dài, bà con mong muốn tỉnh thu hút được các dự án đầu tư lớn về địa phương để tạo việc làm cho con em. Khi thu nhập đảm bảo và không phụ thuộc quá lớn vào nghề cá, thì việc đánh bắt trái phép sẽ giảm, tàu nào vươn khơi bám biển đầu tư chuyên sâu sẽ đánh bắt hiệu quả hơn.

bna_Ông Nguyễn Cường kiểm tra tôm trong bể công nghệ cao theo quy trình 5 bước.jpg
Ông Nguyễn Cường- chủ mô hình nuôi tôm thẻ công nghệ cao chuẩn VietGAP tại xóm 9, xã Diễn Trung (Diễn Châu) kiểm tra tôm phát triển trong bể. Ảnh: Nguyễn Hải

Ở góc nhìn khác, ông Lê Văn Hướng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản - Kiểm ngư tỉnh, cho biết: Nghệ An không có lợi thế chuyển đổi cơ cấu ngành theo hướng tăng giá trị nuôi trồng, giảm giá trị khai thác, do diện tích các đầm phá ven bờ ít và không kín gió, vùng biển ven bờ mở nên khó nuôi lồng bè. Để chuyển đổi nghề cho bà con ngư dân, giảm phụ thuộc vào nghề khai thác thì chỉ có cách phát triển các nghề trên bờ phù hợp và đầu tư nghề khai thác hiện đại, quy mô hợp lý. Hiện nay, sau khi ban hành Kế hoạch, dự kiến tỉnh sẽ lấy ý kiến các sở, ngành, tham khảo kinh nghiệm các địa phương và bộ ngành để xây dựng phương án, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề phù hợp./.

Mới nhất
x
Chống khai thác IUU bằng chuyển đổi nghề cho ngư dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO