Bước chuyển mới trong vận tải biển

31/08/2015 10:24

(Baonghean) - Có bờ biển dài 82 km với 6 cửa biển (Cửa Hội, Cửa Lò, Cửa Vạn, Cửa Thơi, Cửa Quèn, Cửa Cờn) và nhiều luồng lạch... nên hệ thống bến cảng ở Nghệ An được quy hoạch, phát triển đồng bộ. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho phát triển vận tải hàng hóa bằng đường biển, đường sông. Sản lượng hàng hóa thông qua các cảng trên địa bàn tỉnh luôn tăng trưởng từ 20 đến 30%.

Cảng Cửa Lò sau khi được Nhà nước đầu tư hoàn thành giai đoạn 1 dự án nâng cấp luồng cho tàu biển 10.000 DWT đầy tải đã trở thành “điểm đến” của nhiều hãng tàu biển lớn trong và ngoài nước. Đặc biệt, tháng 7/2015, Cảng Cửa Lò lần đầu tiên đã đón tàu trọng tải hơn 2,3 vạn tấn cập cảng. Ông Nguyễn Hữu Luận, Tổng giám đốc Công ty Thanh Thành Đạt cho biết: “Việc tàu Thanh Thành Đạt 99 có trọng tải hơn 2,3 vạn tấn với chiều dài trên 150m cập cảng an toàn đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhận hàng gỗ dăm xuất khẩu sang Trung Quốc. Sự kiện này giúp cho doanh nghiệp giảm bớt được thời gian, chi phí... vì không phải đưa tàu vào cảng biển của tỉnh khác nhận hàng và yên tâm khi đưa tàu trọng tải lớn vào cập Cảng Cửa Lò nhận hàng”. Đến nay, tàu Thanh Thành Đạt 99 đã 3 lần vào Cảng Cửa Lò nhận hàng gỗ dăm xuất khẩu sang Trung Quốc, mỗi lần cập cảng luôn được Cảng vụ hàng hải Nghệ An, Cảng Cửa Lò, các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương bảo đảm an ninh, trật tự, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giao nhận hàng kịp thời.

Tàu trọng tải lớn cập Cảng Cửa Lò.
Tàu trọng tải lớn cập Cảng Cửa Lò.

Dự án nâng cấp luồng cho tàu biển 10.000 DWT đầy tải vào Cảng Cửa Lò có tổng mức đầu tư hơn 375,6 tỷ đồng và phân kỳ đầu tư của giai đoạn 1 là 179, 3 tỷ đồng, để triển khai việc nạo vét luồng tàu đến -7,2m và đầu tư hệ thống phao tiêu báo hiệu đồng bộ (trong đó, chiều rộng luồng tại đáy nạo vét 100m; chiều sâu chạy tàu 9,3m; mực nước chạy tàu: +2,5m; cao độ đáy nạo vét -7,2m; bổ sung lắp đặt mới 2 bộ phao báo hiệu). Giai đoạn 2 là 196,2 tỷ đồng, xây dựng đê Nam dài 250m. Sau khi hoàn thành giai đoạn 1 và Cục Hàng hải Việt Nam đã công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và các bạn hàng, chủ tàu nên có nhiều tàu trọng tải lớn trước đây vào Cảng Hải Phòng, hay Vũng Áng... nhưng nay lựa chọn vào Cảng Cửa Lò. Từ đầu tháng 7 đến nay, các tàu biển trọng tải lớn từ 1,4 - 1,6 vạn tấn cũng đã 6 lần cập Cảng Cửa Lò giao nhận hàng.

Rõ ràng, Cảng Cửa Lò đang có sức hấp dẫn đối với các loại tàu hàng trọng tải lớn và trong thời gian tới số lượng tàu sẽ tăng cao do trên địa bàn Nghệ An và các tỉnh trong khu vực Bắc Trung bộ đang triển khai nhiều dự án đầu tư lớn, lượng hàng hóa, thiết bị máy móc sẽ xuất, nhập thông qua cảng biển là rất lớn. Cùng với thu hút các bạn hàng, các hãng tàu mới, thì các khách hàng, hãng tàu lớn gắn bó với Cảng Cửa Lò cũng tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực vận tải hàng hóa. Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Công ty CP Nhật Việt tại Nghệ An cho hay: Từ năm 2008, doanh nghiệp đầu tư mở tuyến vận tải hàng hóa bằng Container tại Nghệ An. Bắt đầu đi vào khai thác từ 1 tàu Container trọng tải gần 10.000 tấn và cho đến nay, Công ty CP Nhật Việt đã đầu tư thêm 2 tàu vận tải Container trọng tải lớn và mỗi tháng có 8 lượt tàu ra vào Cảng Cửa Lò với khối lượng hàng hóa là 2.400 Container. Để chủ động được hàng hóa phục vụ tàu vận tải biển hoạt động, Công ty đã đầu tư mua thêm dàn xe ô tô vận tải bằng Container và thường xuyên phối hợp chặt chẽ với khách hàng để vận chuyển các loại hàng hóa theo yêu cầu của khách hàng”. Các hãng tàu biển khác cũng đầu tư đưa vào khai thác nhiều tàu biển trọng tải lớn tại Cảng Cửa Lò.

Với việc thu hút ngày càng nhiều tàu vận tải biển vào Cảng Cửa Lò giúp cho Công ty CP Cảng Nghệ Tĩnh có sản lượng hàng hóa tăng nhanh. Ông Bùi Kiều Hưng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Nghệ Tĩnh cho biết: “7 tháng đầu năm 2015, hàng thông qua Cảng Cửa Lò là hơn 1,6 triệu tấn, trong đó các mặt hàng có sản lượng lớn là Container hơn 522,5 nghìn tấn, gỗ dăm gần 232 nghìn tấn, phân bón gần 115 nghìn tấn, bò thịt 19,2 nghìn tấn... Trong thời gian tới, tại Cảng Cửa Lò sẽ đón nhiều tàu trọng tải lớn ra vào cảng, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư chiều sâu mua sắm thêm các thiết bị máy móc, phương tiện chuyên dùng hiện đại, đầu tư mở rộng bến, bãi, nhà kho đáp ứng kịp thời nhu cầu bốc xếp hàng hóa của khách hàng, giải phóng hàng nhanh”.

Nghệ An có điều kiện thuận lợi phát triển hệ thống cảng, nên hiện các Cảng Cửa Lò, Bến Thủy, Cảng xăng dầu Nghi Hương và Hưng Hòa khai thác rất hiệu quả. Hay các cảng Lạch Quèn, Lạch Vạn... phục vụ kịp thời cho việc khai thác thuỷ hải sản, vận chuyển hàng hoá. Cùng với đó, tỉnh quy hoạch, thu hút đầu tư các dự án cảng biển nước sâu phía Bắc Cửa Lò (tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc), Cảng Đông Hồi (Quỳnh Lập - Quỳnh Lưu) và các cảng biển khác phục vụ cho việc phát triển vận tải hàng hóa bằng đường biển. Với sự tập trung đầu tư phát triển hệ thống cảng biển, hàng năm sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển ở tỉnh ta tăng nhanh. Năm 2011, vận tải hàng hóa qua các cảng khoảng 1,6 triệu tấn; năm 2012 vận tải hàng hóa qua các cảng là 1,85 triệu tấn; năm 2013 đạt 2,4 triệu tấn và năm 2014 là 2,7 triệu tấn.

Ông Vương Đình Minh, Giám đốc Cảng vụ Hàng Hải Nghệ An cho biết: “7 tháng đầu năm 2015, có 1.576 lượt tàu ra vào nhận, trả hàng hóa tại các Cảng Cửa Lò, Bến Thủy, Tổng kho xăng dầu Nghi Hương, Cảng xăng dầu Hưng Hòa với tổng sản lượng hơn 1,8 triệu tấn, trong đó có hàng Container là 430.212 tấn. Đặc biệt, Cảng Cửa Lò thời gian gần đây thu hút được nhiều tàu biển trọng tải lớn và Cảng vụ Hàng Hải đã thực hiện tốt công tác cảng vụ, nhằm thực hiện mục tiêu đưa Cảng Cửa Lò từng bước vươn lên hội nhập quốc tế, đáp ứng tốt nhất cho quá trình giao thương hàng hóa trong khu vực và các nước trên thến giới”.

Mặc dù các cấp, ngành liên quan nỗ lực rất lớn trong việc bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, nhưng một thực tế rất đáng báo động hiện nay tại Cảng Cửa Lò vẫn chưa chấm dứt được việc các tàu đánh cá của ngư dân neo đậu trái phép trên bến cảng, gây khó khăn cho tàu vận tải biển ra vào cảng, nhất là những tàu trọng tải lớn, mỗi lần vào cập cảng phải huy động các lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động di dời tàu đánh cá của ngư dân neo đậu tại cảng. Một vấn đề khó khăn nữa là tại Cảng Cửa Lò là bán kính luồng tàu quay trở trước bến còn hạn chế (chỉ 187m), nên chỉ phù hợp với tàu có chiều dài dưới 160m và những tàu dài hơn 160m sẽ rất khó quay trở khi cập cảng... Phát triển kinh tế biển, trong đó chú trọng đầu tư phát triển ngành vận tải biển là hướng đi đúng đắn, phù hợp đã giúp Nghệ An ngày càng hoàn thiện điều kiện, môi trường thu hút đầu tư, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Vì thế, khắc phục những hạn chế đang tồn tại trong phát triển cảng biển trên địa bàn tỉnh là đòi hỏi bức thiết hiện nay.

Hoàng Vĩnh

Mới nhất
x
Bước chuyển mới trong vận tải biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO