Chóng mặt thường xuyên: Tuyệt đối không được coi thường!
Khi bị chóng mặt nhiều, nên ngồi xuống hoặc nằm xuống, nhắm mắt lại, bình tĩnh thở thật sâu.
Nên nằm ở nơi có bóng mát, không bị ánh sáng làm chói mắt và tránh cử động đầu mạnh.
Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra hiện tượng chóng mặt. Việc xác định được nguyên nhân không phải là dễ. Người bị chóng mặt thấy choáng váng, cảnh vật xung quanh đảo lộn hoặc quay cuồng, đồng thời có cảm giác sợ bị ngã. Đôi khi, cảm giác chóng mặt nhẹ chỉ làm cho người ta cảm thấy mình đi, đứng không vững. Cảm giác này thường xuất hiện khi chúng ta đang ngồi mà vội đứng lên hoặc nằm nhanh xuống.
Triệu chứng của chóng mặt
Chóng mặt là một trong những triệu chứng mơ hồ, là một cảm giác chủ quan của bệnh nhân. Các cảm giác được dùng để mô tả sự chóng mặt là choáng váng, đầu óc quay cuồng, lảo đảo, sa sầm mặt mũi, mất thăng bằng. Chóng mặt xảy ra khi có sự rối loạn của một trong ba hệ thống chính của cơ thể để duy trì sự thăng bằng, đó là hệ thống tiền đình, các sợi cảm thụ bản thể và hệ thống nhãn cầu.
Những vấn đề của các hệ thống khác trong cơ thể cũng có thể dẫn đến chóng mặt. Giảm dòng máu tới vỏ não có kết quả điển hình là cảm giác quay cuồng. Rối loạn chức phận của vỏ tiểu não và các mối liên quan của nó sẽ gây ra các cảm giác khác nhau mà thường là phối hợp với các vấn đề về thăng bằng và phối hợp động tác.
Sự chóng mặt cũng có thể là kết quả của rối loạn chức phận thần kinh ngoại biên, thường chỉ là sự có mặt của nhiều bệnh thần kinh hoặc phối hợp với các vấn đề của các hệ thống khác trong cơ thể. Cuối cùng, các vấn đề tâm lý và cảm xúc có thể tồn tại cùng với sự chóng mặt mà cơ chế còn ít được biết rõ.
Chóng mặt nguy hiểm như thế nào?
Đa số các trường hợp chóng mặt gặp là tự giới hạn và lành tính, do vậy, với căn bệnh này, việc điều trị là hỗ trợ sẽ có tác dụng hơn là trị bệnh. Tuy nhiên, có một số lớn trường hợp chóng mặt là dấu hiệu ban đầu của các bệnh nặng có thể đe dọa đến tính mạng như: chảy máu cấp tính, nhồi máu cơ tim, viêm phổi và các nhiễm khuẩn toàn thân khác, hẹp động mạch chủ, loạn nhịp tim, u não, tác dụng phụ của thuốc, trầm cảm, viêm thần kinh do giang mai và đột qụy.
Nếu bạn thấy chóng mặt kèm theo choáng váng, quay cuồng, có cảm giác sắp ngất: hãy nghĩ tới nguyên nhân thiếu máu não tạm thời như tụt huyết áp thế đứng loạn nhịp tim, hoặc tăng không khí. Khi đứng lên: hãy nghĩ đến tụt huyết áp thế đứng hoặc bệnh do thuốc làm giảm thể tích tuần hoàn. Quay người, cúi xuống, đứng thẳng: nghĩ đến bệnh tai, đặc biệt là chóng mặt do tư thế kịch phát lành tính. Đi tiểu: nghĩ đến cơ chế thần kinh phó giao cảm (ngất do đi tiểu).
Quay đầu: nghĩ đến bệnh gai đốt sống cổ hoặc rối loạn tiền đình. Ho, hắt hơi hoặc làm quá sức: nghĩ đến lỗ rò ngoại dịch tai trong, có thể chữa được, do có lỗ rò ở cửa sổ tròn hoặc cửa sổ bầu dục làm rò rỉ từng đợt dịch ở tai trong vào tai giữa. Bối rối xúc động: nghĩ đến trầm cảm, lo âu hoặc tăng thông khí. Đau cổ hoặc cứng cổ: nghĩ đến bệnh gai đốt sống cổ.
Những vấn đề về nghe, hoặc nhìn: nghĩ đến các rối loạn của vùng cảm giác quan trọng này. Tổn thương sọ não: chóng mặt thường tăng lên và dai dẳng. Sự tê cóng hoặc đau nhói quanh miệng hoặc tay: là một triệu chứng thường do tăng thông khí. Các vấn đề về thăng bằng: có thể nghĩ đến bệnh tiền đình, tiểu não hoặc não, hoặc suy nhược toàn thân.
Khi bị chóng mặt nhiều, nên ngồi xuống hoặc nằm xuống, nhắm mắt lại, bình tĩnh thở thật sâu. Nên nằm ở nơi có bóng mát, không bị ánh sáng làm chói mắt và tránh cử động đầu mạnh. Lần đầu bị một cơn chóng mặt nên tới bác sĩ để được hướng dẫn việc chữa trị.
Theo Sức khỏe và Đời sống
TIN LIÊN QUAN |
---|