Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Khơi thông nguồn lực đất đai, tránh lợi ích nhóm

Thu Hằng 14/08/2023 15:13

Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc sửa các luật liên quan đến đất đai cần sự thống nhất cao để khơi thông nguồn lực phát triển, tránh sự chồng chéo, sơ hở, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Sáng 14/8, phát biểu khai mạc phiên họp 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là phiên họp có nội dung lớn nhất từ đầu năm tới nay, tập trung công tác giám sát và lập pháp xây dựng pháp luật.

vuongdinhhue-1-420.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Sẽ ra nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Liên quan đến giám sát chuyên đề, Chủ tịch Quốc hội cho biết, theo chương trình giám sát năm 2023, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông và tổ chức chất vấn thường niên. Mỗi năm Ủy ban Thường vụ Quốc hội có 2 phiên chất vấn vào tháng 3 và tháng 8.

Đây là hoạt động giám sát quan trọng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, cử tri và nhân dân hết sức mong đợi. Do đó, cùng với truyền hình trực tiếp phiên chất vấn, dự kiến cũng phát thanh truyền hình trực tiếp phiên giám sát để cử tri theo dõi. Từ đó, góp phần phát huy tính dân chủ pháp quyền, công khai minh bạch cho hoạt động giám sát của Quốc hội.

Về chuyên đề giám sát đổi mới chương trình, SGK, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến tại phiên họp tháng 7, lãnh đạo Quốc hội cũng đã có một ngày cho ý kiến về vấn đề này, đến nay tài liệu khá hoàn chỉnh.

Đây là cuộc giám sát mà cơ quan chủ trì là Ủy ban Văn hóa Giáo dục chuẩn bị khá công phu. Chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo và ra nghị quyết với chuyên đề rất quan trọng này.

Về hoạt động chất vấn, Chủ tịch Quốc hội cho hay, trên cơ sở ý kiến của 53 đoàn đại biểu Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội tổng hợp thành 132 nhóm vấn đề đề xuất chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết lựa chọn 2 nhóm nội dung quan trọng nhất để chất vấn.

Phiên chất vấn dự kiến diễn ra vào ngày mai, hai Bộ trưởng Tư pháp, NN-PTNT sẽ trả lời chất vấn.

Trong đó, lĩnh vực thuộc Bộ Tư pháp tập trung vào các nội dung về việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đặt câu hỏi về thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp cũng là một trong những nội dung được chất vất thuộc lĩnh vực tư pháp.

Liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn, Chủ tịch Quốc hội lưu ý: "Trong tình hình lương thực trên thế giới, một số nước cấm xuất khẩu gạo, một số nước rút khỏi sáng kiến lương thực dẫn đến tình hình giá gạo tăng lên, ta tận dụng cơ hội này như thế nào nhưng vẫn đảm bảo ổn định thị trường và an ninh lương thực trong nước là bài toán cần phải tính toán để đạt được đa mục tiêu trong giai đoạn này".

Một nội dung quan trọng khác được Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh là Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến giám sát 3 chương trình mục tiêu quốc gia và cho ý kiến một số đề cương, kế hoạch các chuyên đề giám sát năm 2024 như thị trường bất động sản, đơn vị sự nghiệp công lập…

Cho ý kiến 12 dự án luật, nghị quyết

Về công tác lập pháp, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến 12 dự án luật, nghị quyết để chuẩn bị cho kỳ họp 6. Trong đó, 8/9 dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và 2/8 dự án luật sẽ cho ý kiến lần đầu (Luật BHXH sửa đổi và Luật Đấu giá tài sản). Dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp rút khỏi chương trình vì không kịp gửi hồ sơ.

Theo Chủ tịch Quốc hội, khối lượng nội dung rất lớn và được cử tri quan tâm, đặc biệt là 3 dự án luật liên quan đất đai, bất động sản, nhà ở. Đây là dự án luật lớn, có tác động kinh tế - xã hội và liên quan mật thiết với nhau. Đồng thời, cũng liên quan tới Luật Đấu giá tài sản mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần này.

“Do đó, cần sự thống nhất cao để khơi thông nguồn lực phát triển, thể chế hóa chủ trương, định hướng của Trung ương, tránh sự chồng chéo, sơ hở, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong này. Đặc biệt là Luật Đất đai, Đảng đoàn Quốc hội họp cho ý kiến đã khẳng định phải bám sát Nghị quyết của Trung ương. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến cả chùm các dự án luật này”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Với dự thảo Luật BHXH sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là lưới an sinh quan trọng, cả chủ doanh nghiệp và người lao động đều quan tâm.

“Vừa rồi đối thoại với anh chị em công nhân thì vấn đề BHXH rất thời sự, rất được quan tâm”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ thông qua 2 dự thảo nghị quyết quy định cụ thể vị trí có cấp hàm trung tướng, thiếu tướng mà Luật CAND chưa quy định; nghị quyết được trích một phần ngân sách phát hiện qua thanh tra (cho ý kiến đợt 1 và biểu quyết thông qua tại đợt 2).

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung cao độ, nghiên cứu kỹ lưỡng, cho ý kiến sâu nội dung phụ trách, tham gia đóng góp các nội dung khác như đã từng làm từ đầu khóa tới nay.

Sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức hội nghị chuyên trách từ ngày 28 – 30/8.

Phiên họp 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong 7 ngày, chia làm 2 đợt. Đợt 1 từ hôm nay tới 18/8, đợt 2 từ ngày 24-25/8.

Theo Vietnamnet
Copy Link
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Khơi thông nguồn lực đất đai, tránh lợi ích nhóm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO