Chủ tịch UBND được bầu tại các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp không nhất thiết là đại biểu HĐND
Đây là một trong những nội dung tại Kết luận mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời tháo gỡ khó khăn từ thực tiễn.
Đến thời điểm này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 49 Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 đối với 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có tỉnh Nghệ An.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1243/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025, có hiệu lực từ ngày 1/12/2024.
Theo đó, giai đoạn 2023 - 2025, đối với cấp huyện, Nghệ An thực hiện sắp xếp đối với 3 đơn vị (gồm 1 đơn vị thuộc diện bắt buộc sắp xếp là thị xã Cửa Lò và 2 đơn vị liền kề có liên quan là thành phố Vinh và huyện Nghi Lộc).
Với cấp xã, thực hiện sắp xếp 92 đơn vị (gồm 65/89 đơn vị thuộc diện bắt buộc sắp xếp, 27 đơn vị liền kề có liên quan); 4 đơn vị thuộc diện khuyến khích sắp xếp; không thực hiện sắp xếp đối với 24/89 đơn vị do có yếu tố đặc thù.
Sau sắp xếp, Nghệ An giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện, từ 21 xuống còn 20 đơn vị; giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã, từ 460 xuống còn 412 đơn vị.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành kế hoạch thực hiện, yêu cầu hoàn thành công bố việc thành lập đơn vị cấp huyện, cấp xã mới trước ngày 25/12/2024. Để đáp ứng tiến độ trên, một trong những nhiệm vụ quan trọng là bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND của đơn vị hành chính hình thành mới sau sắp xếp đảm bảo số lượng, chất lượng theo quy định.
Theo kế hoạch, kỳ họp thứ nhất HĐND của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới hoàn thành trước ngày 25/12/2024. Tại kỳ họp này, Thường trực HĐND cấp trên trực tiếp chỉ định 1 triệu tập viên trong số đại biểu HĐND của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới, để triệu tập làm chủ tọa cho đến khi HĐND bầu ra Chủ tịch HĐND của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới.
Sau đó, Chủ tịch HĐND đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới được bầu tiếp tục chủ tọa kỳ họp để bầu các chức danh của HĐND và UBND theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Tiếp đó, Chủ tịch UBND đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới phối hợp Bí thư cấp ủy cấp huyện, cấp xã; Chủ tịch MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức công bố đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới và ra mắt nhân sự chủ chốt của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Thời gian hoàn thành trước ngày 25/12/2024.
Tuy nhiên, đến nay qua quá trình tổ chức thực hiện, công tác chuẩn bị nhân sự cho một số đơn vị hành chính mới sau sắp xếp gặp khó khăn do có một số vị trí nhân sự được định hướng bầu Chủ tịch UBND cấp xã mới chưa phải đại biểu HĐND. Vấn đề này đã được Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình đặt ra tại phiên thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh mới đây để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 25 của HĐND tỉnh khóa XV và đề nghị Sở Nội vụ chỉ đạo giải quyết.
Trong khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định: HĐND bầu Chủ tịch UBND theo giới thiệu của Chủ tịch HĐND. Chủ tịch UBND được bầu tại kỳ họp thứ nhất của HĐND phải là đại biểu HĐND. Chủ tịch UBND được bầu trong nhiệm kỳ không nhất thiết là đại biểu HĐND.
Mới đây, tại Kết luận 1066/KL-UBTVQH15 nhằm triển khai thực hiện các nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ rõ hướng xử lý.
Cụ thể, do việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2025 diễn ra vào thời điểm giữa nhiệm kỳ 2021 - 2026 của HĐND các cấp, nên việc bầu các chức danh của HĐND, UBND tại đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp thực hiện theo quy định về bầu cử trong nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân tại Điều 83 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
"Theo đó, Chủ tịch UBND được bầu không nhất thiết là đại biểu HĐND (cho dù được tính là tại kỳ họp thứ nhất của khóa đầu tiên của HĐND ở đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp)" - Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ rõ, đồng thời yêu cầu cần bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong công tác tổ chức, cán bộ.