Quốc tế

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu kêu gọi giải pháp thay thế NATO

Hoàng Bách 10/02/2025 17:58

Trong những năm gần đây, nhiều nhà lãnh đạo ở châu Âu đã thúc đẩy việc thành lập một lực lượng chung của châu Âu, không phụ thuộc vào sự kiểm soát của Mỹ.

67a921082030277227182d04.jpg
Bà Ursula von der Leyen tại Trung tâm Đoàn kết Châu Âu ở Gdańsk, Ba Lan. Ảnh: Getty

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã kêu gọi một giải pháp thay thế cho NATO, nhấn mạnh rằng châu Âu cần phải chịu trách nhiệm lớn hơn về an ninh của chính mình.

Bà đưa ra những nhận định này trong bối cảnh các yêu cầu ngày càng tăng từ phía Mỹ về việc các thành viên trong khối quân sự do Mỹ dẫn đầu phải chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng, sự không chắc chắn về sự hỗ trợ trong tương lai đối với Ukraine, và lo ngại về khả năng thay đổi cam kết của Washington đối với an ninh châu Âu.

"NATO vẫn là nền tảng quốc phòng của chúng ta. Nhưng rõ ràng là chúng ta cần một lực lượng phòng thủ toàn châu Âu", bà von der Leyen nói trong một buổi họp báo tại Litva hôm 9/2.

"Chiến tranh hiện đại đòi hỏi quy mô, công nghệ và sự phối hợp quá lớn nên một quốc gia không thể tự giải quyết", bà nói thêm và kêu gọi tăng cường tài chính, "cả từ khu vực công và tư".

Cũng theo nữ chính khách, chiến lược tương lai cho quốc phòng châu Âu sẽ được trình bày với các lãnh đạo EU vào giữa tháng 3 tới.

Trước khi xảy ra cuộc xung đột Ukraine, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel là những người mạnh mẽ ủng hộ việc thành lập một quân đội của EU.

Năm 2019, ông Macron từng mô tả NATO là "đã chết não" và kêu gọi các lãnh đạo châu Âu theo đuổi một chính sách "độc lập chiến lược" khỏi Washington, quốc gia đã chi phối chính sách an ninh ở lục địa này thông qua NATO kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Một trong những đề xuất là tạo ra một "quân đội thực sự, của châu Âu" để củng cố an ninh lục địa này một cách độc lập.

Mặc dù Tổng thư ký NATO lúc đó, Jens Stoltenberg, cảnh báo rằng động thái này sẽ "làm suy yếu mối liên kết giữa Bắc Mỹ và châu Âu”, Italy lại ủng hộ ý tưởng này. Bộ trưởng Ngoại giao Italy Antonio Tajani đã lập luận rằng khối không thể có một chính sách đối ngoại đáng tin cậy nếu không có quân đội chung.

Tuy nhiên, ý tưởng này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các quốc gia châu Âu khác. Năm 2024, nhà ngoại giao cấp cao của EU khi đó là Josep Borrell đã cho rằng mặc dù khối nên nỗ lực tăng cường khả năng quân sự của các thành viên, điều này không đồng nghĩa với việc phải thành lập một quân đội chung.

Một số quốc gia EU, bao gồm Đan Mạch và Ba Lan, cũng đã phát tín hiệu rằng họ muốn an ninh của mình được bảo đảm trong khuôn khổ NATO hiện tại.

Tổng thống Macron gần đây đã thông báo rằng Pháp sẽ tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng và kêu gọi các quốc gia EU khác có động thái tương tự, viện dẫn khả năng sự quan tâm của Mỹ đối với an ninh châu Âu sẽ giảm bớt sau khi ông Donald Trump quay lại Nhà Trắng.

Kể từ tháng 2/2022 đến nay, Mỹ đã cung cấp hơn 65 tỷ USD hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã đặt dấu hỏi về sự hỗ trợ này, cho rằng Kiev "đã nhận đủ rồi", đồng thời ủng hộ một thỏa thuận hòa bình với Nga.

Sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine leo thang vào năm 2022, EU đã tăng cường chi tiêu quốc phòng một cách đáng kể. Kể từ đó, Đức, Pháp và các quốc gia EU khác đã cam kết tăng ngân sách quốc phòng một cách kỷ lục.

Theo RT
Copy Link

Mới nhất

x
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu kêu gọi giải pháp thay thế NATO
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO