Xã hội

Chú trọng không gian diễn xướng để bảo tồn, phát huy Dân ca ví, giặm

Thanh Nga 21/11/2024 8:00

Không gian diễn xướng là vấn đề cốt lõi trong bảo tồn và phát huy di sản Dân ca ví, giặm, bởi đó chính là môi trường để Dân ca ví, giặm được "hồi sinh" và phát triển.

Sáng tạo không gian diễn xướng mới

Suốt 3 năm qua, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An đã có chương trình tái tạo không gian diễn xướng xưa tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP. Vinh). Ở đó, các khung cảnh lao động xưa được tái hiện, các tích trò ví, giặm cũng được các nghệ nhân trình diễn giúp khán giả có được những trải nghiệm đáng nhớ. Điều đó được thể hiện qua các màn đối đáp “thầy gà thầy bày” (là tích trò ra đối và giải đối của các bậc trí thức, nhân sĩ). Tích trò này không chỉ gợi lại không gian văn hóa xưa của nhân dân ta mà còn tạo cảm hứng sáng tác viết lời và tham gia diễn xướng cho các nghệ nhân, văn sĩ.

Tiết mục Dân ca ví, giặm do các nghệ sĩ Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh biểu diễn. Ảnh: Thục Khuyên
Tiết mục Dân ca ví, giặm do các nghệ sĩ Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh biểu diễn. Ảnh: tư liệu: Thục Khuyên

Trải qua 20 đêm diễn, Ban tổ chức chương trình đã có những thu nhận đáng quý. NSND Trịnh Hồng Lựu - người khởi xướng chương trình cho biết: “Việc xây dựng, phục hồi không gian diễn xướng nhằm tạo môi trường cho di sản có thể tồn tại và phát triển một cách tự nhiên và dần đưa Dân ca ví, giặm về với cộng đồng dân cư là phù hợp với mục tiêu bảo tồn dân ca - đúng như tiêu chí mà UNESCO đặt ra. Và chúng ta đang đi đúng con đường đó".

Các nghệ nhân và người dân tham gia không gian diễn xướng dân ca ví, giặm tại Quảng trường Hồ Chí Minh. Ảnh: Minh Quân
Các nghệ nhân và người dân tham gia không gian diễn xướng Dân ca ví, giặm tại Quảng trường Hồ Chí Minh. Ảnh: Minh Quân

Cũng theo NSND Hồng Lựu: Không gian diễn xướng Dân ca ví, giặm xứ Nghệ rất phong phú như không gian đồng ruộng có ví phường cấy, ví đồng ruộng; không gian rừng núi có ví trèo non; không gian lao động sông nước với những câu hò trên sông, ví đò đưa…

Đặc sắc của Dân ca ví, giặm chính bởi sự gắn bó chặt chẽ với không gian, môi trường lao động của nhân dân, nhịp điệu của hò, ví, giặm cũng đa phần là nhịp điệu lao động (hò kéo gỗ, hò đầm đất, đắp đê, hò trên sông…). Chính vì vậy, người nghe không chỉ cảm nhận cái hay của câu hát, giọng hát, mà còn thấy được trong đó cả một nền văn hóa xuất phát từ trong lao động, sản xuất.

CLB Dân ca ví, giặm xã Hưng Tân biểu diễn tại một sự kiện trên phố đi bộ Vinh. Ảnh tư liệu: Minh Quân
CLB Dân ca ví, giặm xã Hưng Tân (Hưng Nguyên) biểu diễn tại một sự kiện trên phố đi bộ TP. Vinh. Ảnh tư liệu: Minh Quân

Lĩnh hội được điều này, năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao đã nhiều lần tổ chức các không gian ví, giặm tại phố đi bộ TP. Vinh. Tại đây, những bối cảnh xưa được tái hiện, như khung cảnh dệt sợi, quay tơ, hay khung cảnh trên bến, dưới thuyền. Đi kèm với đó là những hình ảnh miếng trầu têm, là đôi quang gánh của bà, của mẹ… Trong bối cảnh đó, những câu ví, câu giặm được các nghệ nhân thể hiện rất tình tứ, đặc sắc, mang đến những xúc cảm cho khán giả chứng kiến.

Có mặt ở buổi diễn xướng tại phố đi bộ, Nghệ nhân Nguyễn Trọng Tâm - CLB Dân ca ví, giặm xã Hưng Tân (Hưng Nguyên) cho biết: “CLB dân ca ví, giặm Hưng Tân chúng tôi từng biểu diễn tại rất nhiều sân khấu, rất nhiều không gian diễn xướng khác nhau, song ở một nơi là phố phường nhưng lại tái hiện được những không gian xưa khiến những người biểu diễn càng có nhiều cảm xúc, từ đó hiệu quả của đêm diễn được tăng lên”.

bna _ CLB ví giamwjj Hưng Nguyên
Một buổi trình diễn Dân ca ví, giặm của CLB Dân ca ví giặm Hưng Nguyên. Ảnh: CSCC

Gần đây, Trung tâm Văn hóa huyện Hưng Nguyên cũng đã dựng lại không gian diễn xướng xưa nhằm tạo điều kiện để những bạn trẻ yêu Dân ca ví, giặm được trải nghiệm. Ông Nguyễn Thành Ngân – cán bộ Trung tâm Văn hóa huyện Hưng Nguyên cho biết: Chúng tôi đã có những cuộc sinh hoạt định kỳ hàng tháng cho các CLB Dân ca ví, giặm trên địa bàn toàn huyện tại Khu Di tích Xô viết Nghệ Tĩnh, ở đó các bạn trẻ được cất lên câu ví, giặm trong không gian linh thiêng, vừa tôn lên được ý nghĩa của không gian văn hóa, vừa giúp bạn trẻ có được những trải nghiệm mới.

Theo ông Nguyễn Thành Ngân, để có được không gian diễn xướng mới, nhưng lại gắn với tinh thần của ví, giặm thì ngoài việc phải gắn với các địa chỉ, cần có những đạo cụ, dàn dựng lại những cảnh xưa nhưng cũng phải gần gũi với cuộc sống hôm nay.

Khó xây dựng không gian diễn xướng xưa

Việc xây dựng, phục hồi không gian diễn xướng nhằm tạo môi trường cho di sản có thể tồn tại và phát triển một cách tự nhiên, đưa câu hát dân ca về cho nhân dân lao động hay trí thức, nhân sĩ, nho sĩ là phù hợp với mục tiêu bảo tồn dân ca - đúng như tiêu chí mà UNESCO đặt ra.

Các nghệ nhân ví giặm Nghệ An biểu diễn tại đảo Chè Thanh Chương. Ảnh: Huy Thư
Các nghệ nhân Dân ca ví, giặm Nghệ An biểu diễn tại đảo chè Thanh Chương. Ảnh: Huy Thư

Thế nhưng, ngày nay, môi trường diễn xướng truyền thống của Dân ca ví, giặm hầu như không còn. Không còn những làng nghề quay tơ dệt vải, những khúc hát đò đưa trên sông; cũng không còn cảnh cây đa, bến nước, sân đình với những cặp trai gái hát ví, giặm, đối đáp giao duyên. Thay vào đó là những môi trường diễn xướng mới, sân khấu hóa dân ca từ trong trường học đến nhà máy, xí nghiệp, cơ quan. Nếu xưa kia có cây đa, bến nước, sân đình, có quay tơ, dệt vải thì ngày nay chúng ta có các sinh hoạt cộng đồng như mừng Đảng, mừng Xuân, mừng những sự kiện trọng đại của đất nước,... Điều đáng quý, tại những sân khấu này vẫn luôn xuất hiện những câu ví, điệu giặm.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng những không gian nhân tạo ít nhiều tạo sự thu hút nhưng không đủ sức tái tạo không gian ban đầu của Dân ca Nghệ Tĩnh. Về vấn đề này, Nghệ nhân Nhân dân Hồng Vân - Chủ nhiệm CLB Dân ca ví, giặm xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương cho rằng, môi trường của Dân ca ví, giặm đa số là môi trường lao động. Không gian diễn xướng là sông nước, núi non, không gian làng nghề. Hiện nay, chúng ta đưa dân ca lên sân khấu thì phải nhân tạo hóa không gian ấy cho giống xưa, đó cũng là một điều khó cho những người làm công tác bảo tồn và phát huy di sản.

NNND Hồng Vân cùng các bạn trẻ đam mê ví, giặm
NNND Hồng Vân cùng các bạn trẻ đam mê ví, giặm. Ảnh: NVCC

Như các câu lạc bộ dân ca ở các địa phương của huyện Thanh Chương, mỗi lần tham gia liên hoan dân ca hay tổ chức biểu diễn dân ca phục vụ nhân dân, các hội viên đa số phải tự tạo nên những cảnh trí như khung cửi dệt vải, quay tơ, hay cảnh tát nước gàu giai, gàu sòng. Dù những cảnh trí này đã đáp ứng được điều kiện một không gian hẹp cho những người tham gia trình diễn, nhưng dù sao đó cũng là những khung cảnh nhân tạo.

Nghệ nhân nhân dân Hồng Vân

Còn theo NSND Hồng Lựu, trong tất cả các cuộc liên hoan Dân ca ví, giặm được tổ chức thường niên, Ban tổ chức quy định: Mỗi chương trình tham dự đòi hỏi phải đảm bảo 70% yếu tố nguyên gốc ở các môi trường, không gian, hình thức diễn xướng, kể cả trang phục, đạo cụ, nhạc cụ.

Vậy nhưng, trong đời sống đương đại, Dân ca ví, giặm đã tách khỏi môi trường diễn xướng vốn có của nó và thay vào đó là môi trường của sân khấu hóa với đạo diễn, trang phục, màn hình led... Thiếu môi trường diễn xướng nguyên bản, nhiều điệu ví, câu hò nổi tiếng Nghệ Tĩnh như ví đan lát, ví dệt vải, ví xay gạo, hò kéo gỗ, hò trên sông, hò bơi thuyền cũng mất dần.

Những lời hát dân ca ví, giặm hôm nay đã mang dáng dấp, hơi thở của cuộc sống hiện đại, đó là những lời hát ca ngợi nông thôn mới, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước… thì không gian, môi trường diễn xướng cũng phải là những khung cảnh của hôm nay, của cuộc sống hiện tại. Vì vậy, việc sáng tạo những đạo cụ, không gian cũng là cách để chúng ta làm cho câu dân ca hòa quyện vào sân khấu đương thời.

Bà Quách Thị Cường – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao

Mới nhất
x
Chú trọng không gian diễn xướng để bảo tồn, phát huy Dân ca ví, giặm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO