Chưa có cơ chế đặc thù xây dựng xã NTM kiểu mẫu, địa phương gặp khó
(Baonghean.vn) - Đây là vấn đề được đại biểu nêu ra tại cuộc thảo luận tổ 8, kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa XVII.
Toàn cảnh cuộc thảo luận tại tổ 8, kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa XVII. Ảnh: Phương Thảo |
Tham dự thảo luận tại tổ 8 có các đại biểu HĐND tỉnh ở đơn vị bầu cử huyện Quỳnh Lưu và huyện Nghi Lộc; lãnh đạo Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Cục Thuế tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Ban Tôn giáo tỉnh, Cục Dự trữ Quốc gia khu vực Nghệ Tĩnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng phát triển Nghệ An; đại diện Thường trực HĐND, Chủ tịch UBND các huyện Quỳnh Lưu, Nghi Lộc. |
Ông Hoàng Danh Lai - Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho rằng tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ cho đội ngũ cốt cán vùng giáo và hỗ trợ ngân sách để đảm bảo an ninh trật tự vùng giáo.
“Tại Quỳnh Lưu, giáo dân chiếm tỷ lệ khá đông, huyện cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề đảm bảo an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội cho bà con giáo dân. Đội ngũ công việc của cán bộ cốt cán vùng giáo cũng mang tính đặc thù. Tôi cho rằng, tỉnh nên có cơ chế hỗ trợ thêm cho đội ngũ này, đồng thời tăng ngân sách hỗ trợ cho địa phương để đảm bảo hiệu quả hơn” - ông Lai nói.
Ông Hoàng Danh Lai - Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho rằng cần có cơ chế hỗ trợ cho các xã thí điểm NTM kiểu mẫu. Ảnh: Phương Thảo |
Liên quan đến vấn đề xây dựng nông thôn mới, ông Hoàng Danh Lai nêu lên vấn đề bất cập hiện nay là tình trạng nợ đọng nông thôn mới còn xảy ra phổ biến, một số nơi có số tiền nợ khá lớn; liệu tỉnh có giải pháp nào để khắc phục tình trạng này hay không?
Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cũng cho rằng, tỉnh hiện nay chỉ có 3 xã được đưa vào diện quy hoạch xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó có xã Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu). Tuy nhiên, tỉnh chưa có cơ chế chính sách đặc thù đối với 3 xã này nên địa phương gặp khó trong việc hoàn thành mục tiêu.
Một góc nông thôn mới xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu. Ảnh tư liệu. |
Ông Nguyễn Như Khôi - Giám đốc Đài PT-TH Nghệ An (đại biểu huyện Quỳnh Lưu) đề cập đến vấn đề tiêu thụ nông sản, hiện nay đầu ra cho sản phẩm còn nan giải khiến người nông dân loay hoay trong công tác sản xuất; do vậy tỉnh cần đưa ra giải pháp cụ thể để định hướng cho người dân.
Một nội dung khác được đại biểu Nguyễn Như Khôi đưa ra là tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra nhiều, gây nhiều hệ lụy cho địa phương.
Đại biểu Nguyễn Như Khôi - Giám đốc Đài PT-TH Nghệ An đề cập đến vấn đề khai thác khoáng sản trái phép. Ảnh: Phương Thảo |
Đại biểu Tô Văn Thu (đại biểu huyện Quỳnh Lưu) cho rằng qua thực tiễn cho thấy nhiều kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết, dẫn đến tình trạng đợt tiếp xúc cử tri nào người dân cũng đề cập đến. Ông Thu nêu lên ví dụ về việc điện yếu, điện quá tải ở 1 số địa phương, người dân kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được khắc phục.
Bày tỏ trăn trở về vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đại biểu Đinh Thị An Phong - Chủ tịch Hội LHPN xã Phúc Thọ (đại biểu huyện Nghi Lộc) đề nghị các ngành chức năng báo cáo cụ thể, chi tiết việc xử lý, xử phạt các cơ sở có vi phạm về an toàn thực phẩm, cần quyết tâm đẩy lùi vấn nạn này.
Ông Nguyễn Tử Phương - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, Tổ trưởng tổ 8 kết luận cuộc họp. Ảnh: Phương Thảo. |
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đề cập đến một số vấn đề được quan tâm khác như tình trạng tái lấn chiếm trật tự hành lang an toàn giao thông; nhiều công trình đầu tư cơ sở hạ tầng còn dở dang, tiến độ triển khai còn chậm; các chương trình hỗ trợ giảm nghèo chưa thực sự mang lại hiệu quả; nhiều tuyến đường cấp xã, cấp huyện xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được sửa chữa kịp thời,…Đại diện các sở, ngành liên quan cũng có ý kiến giải trình các vấn đề được nêu ra.
Kết luận cuộc thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Tử Phương - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, Tổ trưởng tổ 8 ghi nhận ý kiến của các đại biểu, hứa sẽ tổng hợp trình HĐND tỉnh vào phiên họp tiếp theo./.
Phương Thảo
TIN LIÊN QUAN |
---|