Chúng ta cần lương thực, không cần thuốc lá

Phóng viên: Vì sao Tổ chức Y tế thế giới lại chọn ngày 31/5 hàng năm là ngày Thế giới không thuốc lá? Hưởng ứng thông điệp này, thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã có những hoạt động tuyên truyền cụ thể như thế nào để giảm thiểu người hút thuốc lá, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Thị Trang: Năm 1987, các thành viên trong Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định chọn ngày 31/5 hàng năm là ngày Thế giới không thuốc lá (World No Tobacco Day – WNTD) nhằm gây sự chú ý, nâng cao ý thức của cộng đồng về tác hại do thuốc lá gây ra.

Chủ đề Ngày Thế giới nói không với thuốc lá năm 2023.
Chủ đề Ngày Thế giới nói không với thuốc lá năm 2023.

Tại Nghệ An, thời gian qua, ngành Y tế đã triển khai các hoạt động tuyên truyền đa dạng, sâu, rộng và thường xuyên, liên tục hơn đến mọi tầng lớp nhân dân. Do đó đã góp phần nâng cao đáng kể nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Trên 90% cơ quan, đơn vị triển khai công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức do sự xuất hiện các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha… nhắm vào thanh, thiếu niên; thuốc lá rẻ được bày bán khắp nơi, ý thức tuân thủ các quy định pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá của một bộ phận người dân còn chưa cao. Nếu không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá mạnh mẽ và kịp thời ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha thì tỷ lệ người sử dụng thuốc lá sẽ tăng trở lại, đặc biệt là trong nhóm tuổi trẻ và nữ giới.

Hút thuốc lá ở quán cafe. Ảnh minh họa
Hút thuốc lá ở quán cafe. Ảnh minh họa

Để tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá và hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5, Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 đến 31/5/2023, ngày 11/5/2023, Bộ Y tế ban hành Thông tư 11/2023/TT-BYT quy định về việc thực hiện địa điểm cấm hút thuốc lá; ngay sau đó Ban chỉ đạo Chương trình Phòng, chống tác hại thuốc lá tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành công văn đề nghị các sở, ban, ngành và đoàn thể, các cơ quan truyền thông, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; tác hại của thuốc lá và chủ đề Ngày thế giới không thuốc lá. Kịp thời ban hành các quy định để ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha tại các cơ quan, đơn vị và các cơ sở giáo dục. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá, Tuần lễ quốc gia không thuốc lá và các hình thức truyền thông phù hợp với các điều kiện, tình hình thực tiễn. Tăng cường hoạt động kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha vì các sản phẩm này hiện chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại Việt Nam…

Phóng viên: Bác sĩ có thể cho biết rõ hơn về những tác hại của việc hút thuốc lá, đặc biệt là những tác động của khói thuốc lá đến đường hô hấp của con người, trực tiếp là những bệnh nhân mà bác sĩ đang điều trị?

Bác sĩ Nguyễn Thị Trang: Thuốc lá gây ra rất nhiều loại bệnh tật cho con người, trực tiếp nhất là những người hút thuốc lá chủ động và thụ động. Bệnh tật tiêu biểu đó là ung thư phổi. Với những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn 25 lần so với người không hút thuốc lá. Ngoài ra, thuốc lá còn mang đến rất nhiều bệnh ung thư khác cho người hút, ví dụ như ung thư vòm họng, ung thư thanh quản, ung thư máu, thận…

Biểu hiện sớm nhất là thuốc lá làm phá hủy phổi ở người hút, làm nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phổi, phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản… tăng nguy cơ mắc bệnh lao. Hút thuốc lá cũng tạo ra những nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ cho người hút (Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ cao gấp 2-4 lần so với người không hút).

Hút thuốc lá gây hại khôn lường đến sức khỏe con người.
Hút thuốc lá gây hại khôn lường đến sức khỏe con người.

Đối với phụ nữ đang mang thai nếu hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động thì sẽ rất dễ sinh non, dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Đối với trẻ em, nếu tiếp xúc với khói thuốc lá nhiều cũng sẽ bị nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phổi tái diễn… Ngoài ra, thuốc lá còn gây nhiều bệnh khác ở răng miệng, da, xương, suy giảm khả năng tình dục. Nhìn chung thuốc lá gây bệnh từ đầu đến chân và đang là nguyên nhân gây nên tử vong hàng đầu ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

75% bệnh nhân đến khám, điều trị ở Bệnh viện Phổi Nghệ An là do có liên quan đến hút thuốc lá. Từ việc hút thuốc lá, các bệnh nhân này mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, viêm phổi tái diễn nhiều lần… Có những bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, tức ngực, ho khạc đờm kéo dài. Nhiều bệnh nhân đến đây đã phải cho thở oxy, đặt ống thở cấp cứu.

Hút thuốc lá khiến người hút mắc rất nhiều loại bệnh mạn tính. Ảnh: Thành Chung
Hút thuốc lá khiến người hút mắc rất nhiều loại bệnh mạn tính. Ảnh: Thành Chung

Phải nói rằng, việc điều trị cho các bệnh nhân bị bệnh liên quan đến thuốc lá gặp nhiều khó khăn, bởi hầu hết các bệnh này là bệnh mạn tính. Đối với bệnh nhân mắc nhẹ thì việc điều trị chủ yếu là dự phòng ở nhà. Còn bệnh nhân bị mức độ nặng cần phải thở máy thì phải điều trị cả tháng trời, thậm chí vài tháng… Có những người, dẫu các bác sĩ đã cố gắng hết sức nhưng không thể cứu chữa được.

Phóng viên: Một trong những hình ảnh có tác động mạnh mẽ nhất trong việc phòng, chống thuốc lá đó là người bệnh phải mở một lỗ hổng ở cổ để có thể thở và tồn tại. Bác sĩ có thể nói rõ hơn về hình ảnh này?

Bác sĩ Nguyễn Thị Trang: Đấy là những bệnh nhân bị tắc nghẽn phổi mãn tính rất là nặng, phải đặt ống vào đường thở để thở máy xâm nhập. Trong quá trình điều trị, nếu bệnh nhân không thể cai được máy thở, không rút được ống, không thể thở tự nhiên, các bác sĩ sẽ có chỉ định mở khí quản, tạo một lỗ thông vào khí quản, phế quản giúp bệnh nhân hô hấp lâu dài.

Cai thuốc lá bằng các nguyên liệu tự nhiên sẵn có là biện pháp an toàn và dễ thực hiện.
Cai thuốc lá bằng các nguyên liệu tự nhiên sẵn có là biện pháp an toàn và dễ thực hiện.

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc mở khí quản đó là do bệnh nhân trong quá trình hút thuốc lá, các chất độc hại đi vào đường thở, phế quản. Khi nồng độ, hàm lượng chất độc đủ nhiều sẽ làm tắc nghẽn, hẹp đường thở, khiến bệnh nhân khó thở, không thể thở bằng mũi, miệng như bình thường. Chính vì vậy, bác sĩ cần tạo một đường thở cho bệnh nhân.

Việc mở khí quản kéo dài bao lâu thì tuỳ thuộc vào bệnh trạng bệnh nhân. Nếu tình hình cải thiện thì lỗ này có thể đóng lại, nếu không thì phải để suốt đời. Việc vệ sinh cho lỗ mở khí quản nếu ở bệnh viện sẽ được thực hiện đảm bảo, hàng ngày. Còn nếu bệnh nhân về nhà thì phải tự vệ sinh. Nguy cơ nhiễm trùng, viêm nhiễm rất cao. Bệnh nhân có thể tái nhập viện nhiều lần.

Khi cai thuốc lá cần tăng cường vận động thể dục hàng ngày để tránh tăng cân.
Khi cai thuốc lá cần tăng cường vận động thể dục hàng ngày để tránh tăng cân.

Phóng viên: Ngày Thế giới phòng, chống thuốc lá năm 2023 này có chủ đề “Chúng ta cần lương thực, không cần thuốc lá”. Chủ đề này cho thấy rõ mối tương quan giữa thuốc lá và sự đói nghèo. Vậy thuốc lá ảnh hưởng như thế nào với điều kiện đời sống kinh tế của người hút?

Bác sĩ Nguyễn Thị Trang: Chúng ta cần phải thấy rằng, người hút cần phải có tiền để mua thuốc lá sử dụng. Thuốc lá có nhiều loại như thuốc lá truyền thống (thuốc lào, đầu lọc) và thuốc lá thế hệ mới (shisa, thuốc lá điện tử..). Có loại đắt tiền, có loại rẻ tiền khác nhau. Tuy nhiên, dẫu rẻ tiền đi chăng nữa thì số tiền mà người người nghiện thuốc lá bỏ ra mua thuốc trong một thời gian dài cũng là rất lớn.

Thứ hai, người hút thuốc lá liên tục sẽ phát sinh ra nhiều loại bệnh tật. Với những bệnh này, việc điều trị là vô cùng tốn kém. Ngoài việc phải mua thuốc điều trị dự phòng hàng ngày ở nhà gây tốn tiền. Thì những lần bệnh nhân phải nhập viện do đợt cấp thì còn tốn kém hơn nữa. Các chi phí phải bỏ ra gồm tiền điều trị, tiền ăn, tiền ở, chi phí cho thân nhân đi chăm. Ở bệnh viện, có những bệnh nhân phải nằm thở máy rất dài ngày. Sau khi trừ đi chi phí mà bảo hiểm y tế thanh toán thì còn lại họ phải tự chi trả cũng rất lớn. Có người phải chi trả thêm hàng trăm triệu đồng viện phí.

Nhiều lợi ích khi bỏ thuốc lá.
Nhiều lợi ích khi bỏ thuốc lá.

Tiếp đó, những bệnh nhân do hút thuốc lá thường sức khỏe bị suy kiệt, không thể sinh hoạt và lao động, làm việc như bình thường. Người thân còn phải phục vụ bệnh nhân… Những con số thống kê cho thấy, đại đa số bệnh nhân bị các bệnh liên quan đến việc hút thuốc lá nhập viện điều trị ở Bệnh viện Phổi Nghệ An đều có đời sống kinh tế hết sức khó khăn. Tần suất họ phải nhập viện điều trị rất cao, có tháng phải nhập viện 2-3 lần, nên kinh tế kiệt quệ. Nhiều người rất nghèo khổ, thậm chí tiền ăn cũng không có. Bệnh viện và khoa phải hỗ trợ cho họ.

Phóng viên: Tác hại của các loại thuốc lá truyền thống thì đã rõ, còn tác hại của những loại thuốc lá thế hệ mới thì ra sao?

Bác sĩ Nguyễn Thị Trang: Thuốc lá thế hệ mới hiện có 2 loại chính gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Dẫu vậy bản chất của thuốc lá thế hệ mới cũng không khác gì thuốc lá truyền thống với chất nicotin, hắc ín… Ngoài ra, còn có thêm một số chất tạo hương vị để kích thích người sử dụng. Những chất này đều gây nghiện, rất độc hại, gây ung thư cho người sử dụng.

Thuốc lá điện tử không giúp người nghiện cai thuốc lá. Hình ảnh minh họa
Thuốc lá điện tử không giúp người nghiện cai thuốc lá. Hình ảnh minh họa

Các quảng cáo đều nói rằng, hàm lượng chất gây nghiện ở thuốc lá thế hệ mới thấp hơn, ít độc hại hơn nhưng thực tế thì chúng cũng độc hại giống y như thuốc lá truyền thống.

Phóng viên: Tại sao việc bỏ thuốc lá lại khó khăn đến như vậy? Bác sĩ có lời nào để người nghiện thuốc lá có thể từ bỏ thuốc lá thành công?

Bác sĩ Nguyễn Thị Trang: Có rất nhiều người hút thuốc lá đã biết rõ tác hại của nó nhưng họ lại không thể cai thuốc, thử bỏ nhưng không thành công. Điều này có thể lý giải là do cơ chế nghiện. Khi người hút thuốc ngừng hút sẽ sinh ra hội chứng cai nghiện thuốc lá. Hội chứng cai khiến bệnh nhân rất mệt mỏi, khó chịu, vật vã, vật vờ, không làm được việc gì… Thế nhưng chỉ cần hút lại một điếu thuốc lá, người cai lại lấy lại tinh thần, trạng thái như ban đầu. Hội chứng cai khiến người nghiện thuốc lá gặp khó khăn trong việc bỏ thuốc lá.

Để bỏ được thuốc lá cần phụ thuộc rất nhiều yếu tố, bao gồm: Ý chí, quyết tâm của người hút có thực sự muốn đoạn tuyệt với thuốc lá hay không. Tiếp đó là cần sự đồng hành của gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp… Lời khuyên của các bác sĩ đối với người cai thuốc lá khi lên cơn nghiện, người cai có thể tập luyện thể dục thể thao nhẹ để quên đi cơn thèm; sử dụng một số loại thuốc (có sự tư vấn của bác sĩ) để giảm cơn thèm. Cũng cần phải lưu ý thêm việc bỏ thuốc lá một cách đột ngột là rất khó. Người cai thuốc có thể sử dụng ít dần cho đến khi hoàn toàn chấm dứt.

Phóng viên: Xin cảm ơn bác sĩ!