Chúng ta đang đối mặt với những rủi ro nợ công nào?

04/08/2016 17:36

(Baonghean) - Vay nợ luôn trong tình thế tăng cao, tăng nhanh, nhưng vay được nợ rồi thì khả năng trả nợ cũng là những vấn đề không chỉ nhà nước mà người dân - những người gánh nặng nợ công cũng rất nóng lòng muốn có được thông tin minh bạch, đáng tin cậy. Theo Bộ Tài chính, trong những năm qua, việc trả nợ của Chính phủ được tổ chức thực hiện chặt chẽ và luôn đảm bảo đúng hạn, bao gồm cả nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ và trả nợ cho vay lại.

Cơ cấu chi trả nợ của Chính phủ cũng có sự thay đổi theo hướng tích cực, theo đó, tỷ lệ chi từ NSNN giảm và phần bố trí trả nợ từ Quỹ Tích lũy trả nợ tăng dần. Bên cạnh đó, trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định hơn, còn sử dụng một phần vay mới với kỳ hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn để cơ cấu nợ đến hạn, góp phần làm giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn và chi phí vay vốn.

Nghiệp vụ cơ cấu nợ chủ động này không làm gia tăng dư nợ, phù hợp với quy định của Luật Quản lý nợ công cũng như thông lệ quốc tế. Ngoài ra, nghĩa vụ nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương về cơ bản đã được các đơn vị chủ động bố trí nguồn vốn để hoàn trả trực tiếp.

Thực trạng nợ công cho thấy, trong thời gian qua, việc tổ chức huy động và sử dụng vốn vay đã được triển khai trên cơ sở các chủ trương của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu nợ giai đoạn vừa qua cho thấy, tỷ lệ nợ công đến cuối năm 2015 ở mức 62,2% GDP, nợ của Chính phủ ở mức 50,3% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 43,1% GDP. Trong số 6 chỉ tiêu cơ bản về nợ nói trên, đã đảm bảo thực hiện 5 chỉ tiêu.

Riêng chỉ tiêu nợ Chính phủ năm 2015 so với GDP vượt giới hạn cho phép Nghị quyết số 10/2013/QH13 của Quốc hội quy định đến năm 2015 nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Quyết định số 958/QĐ-TTg ngày 27/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 quy định nợ công đến năm 2020 không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP, chủ yếu một mặt là do GDP thực tế theo giá hiện hành năm 2015 giảm mạnh; mặt khác, sức ép về đầu tư từ nguồn vốn vay trong thời gian qua rất lớn.

Trên thực tế, Quốc hội đã cho phép bổ sung dự toán vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài thêm 30 nghìn tỷ đồng vào dự toán NSNN năm 2015 (theo Nghị quyết 99/2015/QH13 ngày 11/11/2015). Ngoài ra, việc điều chỉnh tỷ giá theo hướng giảm giá trị đồng Việt Nam để ứng phó với điều chỉnh chính sách tiền tệ của các nước như Trung Quốc và kích thích xuất khẩu hàng hóa cũng làm tăng giá trị nợ bằng ngoại tệ khi quy đổi sang đồng Việt Nam.

Nhìn chung, trong 5 năm qua, công tác quản lý nợ công về cơ bản đã đáp ứng được các mục tiêu đề ra, góp phần tăng cường huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển KT-XH, thực hiện xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cơ cấu nợ công đến cuối năm 2015 bao gồm nợ Chính phủ chiếm 80,8% dư nợ, nợ được Chính phủ bảo lãnh chiếm 17,8% và nợ chính quyền địa phương chiếm 1,4%.

Đối với nợ trong nước của Chính phủ chủ yếu huy động thông qua hình thức phát hành TPCP chiếm 78% tổng nguồn dư nợ trong nước của Chính phủ, lãi suất phát hành trung bình TPCP phát hành năm 2015 là 6%/năm với kỳ hạn phát hành trung bình là 6,96 năm. Đối với nợ nước ngoài của Chính phủ 94% các khoản nợ là các khoản vay ODA, vay ưu đãi có kỳ hạn dài và lãi suất ưu đãi, 6% còn lại là các khoản vay với điều kiện vay thương mại.

Lãi suất trung bình của các khoản vay nước ngoài của Chính phủ tính tại thời điểm 31/12/2015 khoảng 1,7%/năm với kỳ hạn trung bình là 12,3 năm. Về cơ cấu nợ Chính phủ theo loại tiền tệ, tính đến 31/12/2015 đồng VND chiếm 55% tổng dư nợ Chính phủ, đồng USD chiếm 20%, đồng JPY chiếm 14%, đồng EUR chiếm 8%, còn lại là các loại ngoại tệ khác chiếm 4% tổng dư nợ Chính phủ. Rủi ro tái cấp vốn đối với danh mục nợ trong nước của Chính phủ tính đến cuối năm 2015 đã có sự cải thiện đáng kể do kết quả của việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về việc hạn chế phát hành TPCP kỳ hạn ngắn dưới 5 năm, góp phần kéo dài thời gian đáo hạn bình quân (ATM) nợ trong nước là 5,9 năm, tăng đáng kể so với mức 4,3 năm của năm 2014 và 3,2 năm của năm 2013. Còn rủi ro tái cấp vốn đối với các khoản vay nước ngoài nhìn chung vẫn ở mức thấp do các khoản ODA, vay ưu đãi chiếm trên 94% danh mục nợ với ATM khoảng 12,3 năm, chưa gây áp lực lớn đến rủi ro thanh khoản và tái cấp vốn.

Thi công đường 72m (TP Vinh) - Ảnh Châu Lan
Thi công đường 72m (TP Vinh) - Ảnh Châu Lan

Về rủi ro lãi suất, Cục Quản lý tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, rủi ro lãi suất ở mức thấp do Chính phủ ít huy động các khoản vay nước ngoài có lãi suất thả nổi và phát sinh từ yêu cầu đảo nợ ngắn hạn của danh mục nợ trong nước, chủ yếu từ các khoản TPCP kỳ hạn ngắn 1 - 3 năm đã phát hành trong giai đoạn 2013 - 2014. Kể từ khi trở thành nước có thu nhập trung bình Việt Nam đã phải sử dụng một số khoản vay theo điều kiện áp dụng cho nhóm nước trung bình.

Theo đó, tỷ trọng cam kết các khoản vay ODA có xu hướng ngày càng giảm và chuyển dần sang các khoản vay ưu đãi, vay thương mại dẫn đến rủi ro lãi suất có thể tăng lên trong thời gian tới do mức lãi suất áp dụng cho các khoản vay cao hơn so với giai đoạn trước. Ngoài ra, tỷ lệ các khoản nợ nước ngoài của Chính phủ áp dụng lãi suất thả nổi đang có xu hướng tăng dần.

Về rủi ro tỷ giá, theo Bộ Tài chính, đối với danh mục nợ Chính phủ hiện nay ở mức tương đối cao nhưng có xu hướng giảm dần. Tỷ trọng nợ bằng ngoại tệ giảm từ mức 60% nợ Chính phủ năm 2010 xuống còn 45% năm 2015. Đây là xu hướng tích cực góp phần hạn chế rủi ro tỷ giá hối đoái danh mục nợ Chính phủ, phù hợp với mục tiêu chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia.

Danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ vẫn tập trung vào 3 loại tiền chủ đạo USD, JPY và EUR là các đồng tiền có biến động mạnh. Trường hợp các đồng tiền này có biến động tỷ giá bất lợi trong tương lai có thể tiếp tục làm tăng chi phí trả nợ hàng năm và giá trị danh nghĩa của các khoản nợ nước ngoài quy theo đồng Việt Nam.

Sông Hồng

TIN LIÊN QUAN


Mới nhất
x
Chúng ta đang đối mặt với những rủi ro nợ công nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO