Chung tay để bảo vệ và chăm sóc trẻ em

Lữ Văn Thìn là học sinh lớp 4 Trường Tiểu Học Chiêu Lưu – Kỳ Sơn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi bố mất sớm, mẹ bỏ đi biệt tăm. Thìn chỉ biết nương tựa vào ông bà ngoại đã già yếu. Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, thế nhưng Thìn học rất khá. Trước hoàn cảnh đặc biệt này, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Kỳ Sơn đã đứng ra kêu gọi giúp đỡ và hỗ trợ, đứng ra nhận làm mẹ đỡ đầu để hỗ trợ em.

Chị Kha Thị Hoài – Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Sơn cho biết: Cũng nhờ mô hình “Mẹ đỡ đầu” mà chúng tôi đã có cơ hội giúp cháu Thìn được đi học, không phải lo chuyện đứt học giữa chừng như trước đây. Cũng theo chị Hoài, thông qua chương trình “Mẹ đỡ đầu” Kỳ Sơn đã và đang kêu gọi hỗ trợ 81 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cần sự giúp đỡ.

Hội LHPN huyện Kỳ Sơn nhận đỡ đầu cháu Lữ Văn Thìn, bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu. Ảnh: Lữ Phú
Hội LHPN huyện Kỳ Sơn nhận đỡ đầu cháu Lữ Văn Thìn, bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu. Ảnh: Lữ Phú

Ngoài những chương trình hỗ trợ trẻ về vật chất, trong 6 tháng đầu năm 2023, các ban, ngành, đoàn thể các cấp huyện Kỳ Sơn thường xuyên chú trọng đến quyền hưởng thụ, vui chơi giải trí của trẻ em. Các cấp ngành đã phối hợp tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho các em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn như tổ chức tặng quà cho các em có hoàn cảnh khó khăn tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em ở xã Hữu Lập, tạo sân chơi cho trẻ ngày hè ở khắp các khối, bản trên địa bàn.

Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Lễ phát động; Tổ chức Tết thiếu nhi cho trẻ em tại xã Hữu Lập. Ảnh: CSCC
Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Lễ phát động; Tổ chức Tết thiếu nhi cho trẻ em tại xã Hữu Lập. Ảnh: CSCC

Là địa bàn có nhiều thuận lợi hơn, Nghi Lộc có nhiều cách tạo sân chơi và chăm sóc, bảo vệ trẻ bằng công tác phối kết hợp giữa các ban ngành. Nổi bật là sự phối kết hợp giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, Huyện đoàn Nghi Lộc và cơ quan Công an huyện trong việc triển khai truyền thông nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em; đồng thời tổ chức các buổi tập huấn kỹ năng phòng chống đuối nước, sơ cứu người đuối nước; phòng chống bạo lực học đường; chống xâm hại trẻ em; phòng chống ma túy học đường cho các học sinh tại các trường Tiểu học và THCS trên địa bàn huyện. Ủy ban MTTQ và các đoàn thể cũng lồng ghép các hoạt động truyền thông nâng cao ý thức cho các hội viên về việc xây dựng môi trường lành mạnh, tăng cường bảo vệ trẻ em, đặc biệt trong các kì nghỉ lễ, nghỉ hè, mùa mưa lũ.

Trong khi đó, Huyện đoàn Nghi Lộc phát động các cơ sở đoàn xây dựng và duy trì mô hình “Em nuôi” với mục đích hỗ trợ lâu dài cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường. Đến nay, các tổ chức Đoàn đảm nhận hỗ trợ lâu dài cho 53 em với mức hỗ trợ 3 triệu đồng/em/năm. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện cũng triển khai mô hình “Con nuôi”, hiện đang đảm nhận hỗ trợ 58 em học sinh trên địa bàn huyện với mức hỗ trợ 3-5 triệu đồng/em/năm.

Bể bơi của Trường THPT Nghi Lộc 2. Ảnh: Mỹ Hà
Bể bơi của Trường THPT Nghi Lộc 2. Ảnh: Mỹ Hà

Bà Trần Thị Ánh Tuyết – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện luôn đảm bảo quyền trẻ em để trẻ em phát huy quyền được giãi bày thông qua các sân chơi và diễn đàn. Hằng năm đều duy trì phối hợp tổ chức Tháng hành động vì trẻ em, các ngày lễ cho trẻ em theo các chủ đề và điều kiện phù hợp. Bên cạnh đó việc phòng, chống tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em thực hiện ngày càng có hiệu quả. Kết quả là năm nay trên địa bàn giảm hẳn tình trạng trẻ em bị đuối nước và bị xâm hại. Bên cạnh đó đời sống văn hóa, tinh thần, vui chơi, giải trí, phúc lợi xã hội dành cho trẻ em ngày càng được đảm bảo, nhu cầu phát triển toàn diện của trẻ em từng bước được đáp ứng, trẻ em tại các khối, xóm trên địa bàn Nghi Lộc được hưởng đầy đủ các quyền cơ bản đối với trẻ em.

Đó là khẩu hiệu của Tháng hành động trẻ em năm 2023 với phương châm: Tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan ban ngành, đoàn thể, cộng đồng, xã hội và gia đình đối với công tác trẻ em, nhất là bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền trẻ em; xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện lành mạnh cho trẻ. Đồng thời lên tiếng tố cáo mọi hành vi, vi phạm quyền trẻ em. Chủ động giải quyết các vấn đề về trẻ em, phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị tai nạn, thương tích, nhất là đuối nước, tai nạn giao thông.

Lễ ký cam kết thực hiện Tháng hành động vì trẻ em và Mùa hè an toàn cho trẻ em giữa lãnh đạo huyện và lãnh đạo cấp xã ở các địa phương. Ảnh: CSCC
Lễ ký cam kết thực hiện Tháng hành động vì trẻ em và Mùa hè an toàn cho trẻ em giữa lãnh đạo huyện và lãnh đạo cấp xã ở các địa phương. Ảnh: CSCC

Bà Lê Thị Nguyệt – Trưởng phòng Công tác trẻ em, vì sự tiến bộ của phụ nữ và Bình đẳng giới cho biết: Không chỉ là mục tiêu trong tháng hành động, thời gian qua các cấp, các ngành, các địa phương đã quan tâm đến các hoạt động bảo vệ chăm sóc trẻ em, đẩy mạnh công tác xã hội hóa việc bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành, đoàn thể và các địa phương rà soát trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nhóm trẻ em có nguy cơ bị rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Cấp ủy các cấp quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các vụ việc liên quan đến trẻ em; tổ chức thực hiện đúng quy trình, quy chuẩn về việc can thiệp trợ giúp trẻ em bị ngược đãi, xâm hại, bạo lực và nhóm trẻ em có nguy cơ cao bị rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Lễ phát động ở các địa phương. Ảnh: CSCC
Trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Lễ phát động ở các địa phương. Ảnh: CSCC

Về điều này Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Vi Thị Quyên cho biết: Cái khó nhất là nâng cao nhận thức cho người giám hộ trẻ và tổ chức cộng đồng để trẻ được bảo vệ trước các nguy cơ bị xâm hại. Bên cạnh đó để việc bảo vệ trẻ đáp ứng được mục tiêu đề ra cần xây dựng được các mô hình điểm, nhưng điều này với xã miền núi cao vẫn còn gặp những khó khăn nhất định. Cũng theo bà Quyên, đến thời điểm này, tuy huyện chưa tầm soát được số trẻ bị xâm hại nhưng cũng đã phối kết hợp với ngành công an bám nắm những đối tượng có nguy cơ. Tổ chức được nhiều sân chơi để trẻ được bộc lộ những tâm tư, cảm xúc của mình. Bên cạnh đó, Ban Điều hành công tác Bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp huyện luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện, tổ chức tư vấn tại cộng đồng, trường học, cung cấp và kết nối dịch vụ bảo vệ trẻ em, phối hợp tổ chức tuyên truyền tại các cuộc họp về công tác nâng cao nhận thức, năng lực cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em về kỹ năng bảo vệ trẻ em…

Trang bị áo phao và kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ ở huyện Yên Thành, Quế Phong; Hướng dẫn kỹ năng bơi cho trẻ ở huyện Anh Sơn, Hưng Nguyên. Ảnh: CSCC
Trang bị áo phao và kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ ở huyện Yên Thành, Quế Phong; Hướng dẫn kỹ năng bơi cho trẻ ở huyện Anh Sơn, Hưng Nguyên. Ảnh: CSCC

Năm 2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo triển khai xây dựng các mô hình điểm về trẻ em, gồm: mô hình “Phòng chống đuối nước trẻ em” tại huyện Nam Đàn và thị xã Hoàng Mai; mô hình “Phòng chống xâm hại trẻ em” tại các huyện Hưng Nguyên và Anh Sơn; mô hình “Diễn đàn trẻ em” tại huyện Diễn Châu và Làng trẻ em SOS; mô hình “Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em” tại huyện Yên Thành.

UBND tỉnh đã chỉ đạo, đôn đốc các ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm Kế hoạch số 17/KH-UBND ngày 14/1/2021 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; tăng cường các biện pháp đảm bảo thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh Nghệ An…

UBND huyện Diễn Châu phối hợp Trường THCS Cao Xuân Huy tổ chức Diễn đàn trẻ em cấp huyện. Ảnh: CSCC
UBND huyện Diễn Châu phối hợp Trường THCS Cao Xuân Huy tổ chức Diễn đàn trẻ em cấp huyện. Ảnh: CSCC