PV: Thưa Đại tá Nguyễn Cảnh Thìn, ông là một lão thành cách mạng, là một cán bộ tiền khởi nghĩa. Đã qua nhiều năm rồi, ông còn nhớ những ngày mới tham gia cách mạng?.
Đại tá Nguyễn Cảnh Thìn: Tôi là đứa trẻ mồ côi, bố mất lúc 4 tuổi và mẹ mất lúc 8 tuổi, ở với bà, với chú, hoàn cảnh nghèo khó lắm. Hàng ngày, chúng tôi cày ruộng rẽ cho địa chủ và khi thu hoạch gia đình tôi được chia một phần. Do điều kiện cha mẹ mất sớm nên tôi phải đi ở đợ tại gia đình địa chủ trong vùng. Nhưng may mắn, chủ của tôi nguyên là cán bộ cốt cán trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931, từng tham gia cách mạng và bị địch giam ở Kom Tum, nên có tư tưởng tiến bộ. Tôi ở cùng họ và ảnh hưởng tư tưởng của ông bà chủ nên tham gia cách mạng sớm.
Sau khi hết đi ở đợ, tôi về địa phương và được các đồng chí lão thành cách mạng giao nhiệm vụ ở cơ sở. Sau đó tôi được đi học chính trị do các cán bộ thời kỳ 1930 – 1931 giảng dạy, bồi dưỡng. Trong Cách mạng tháng Tám, chúng tôi đã tham gia mít tinh, biểu tình, tham gia đoàn thanh niên cứu quốc, các đoàn thể khác ở địa phương. Đến tháng 5/1950, khi tôi được 22 tuổi, thì vinh dự được kết nạp Đảng sau một thời gian dài đã được thử thách tôi luyện. 1 tháng sau khi trở thành đảng viên, tôi xung phong đi bộ đội và tham gia hầu hết các chiến dịch ở phía Bắc như chiến dịch Tây Bắc lần 1, lần 2, chiến dịch Lai Châu và đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ.
P.V: Được biết, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị ông là một trong những đơn vị đầu tiên có mặt làm nhiệm vụ chuẩn bị chiến trường. Ông có thể chia sẻ về những ngày đầu tiên tham gia chiến dịch?
Đại tá Nguyễn Cảnh Thìn: Thời kỳ chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi là cán bộ cấp cơ sở (cấp đại đội) của Trung đoàn 174 – trung đoàn chủ công của Sư đoàn 316. Tôi cùng với các anh em trong đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị chiến trường ở Điện Biên. Để thực hiện nhiệm vụ này, buổi tối theo sự phân công của cấp trên chúng tôi đi cận hàng rào của Pháp để xem hướng tấn công, phòng ngự của địch để xác định phương án tác chiến. Ban ngày, chúng tôi lên núi cao quan sát xuống Điện Biên để xem quân đội Pháp đóng quân. Điện Biên Phủ khi đó, được giặc Pháp thắp sáng rực đèn vào mỗi đêm.
Qua những lần đi làm nhiệm vụ, chúng tôi xác định đây là một chiến trường rất khốc liệt. Bởi lẽ, khi thực dân Pháp nhảy dù xuống để tái chiếm Điện Biên Phủ lần thứ 2, tướng Na-va đã dốc sức xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh chưa từng có ở Đông Dương, là một pháo đài “bất khả xâm phạm”, một “chiếc cối nghiền thịt”…
P.V: Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội ta đã tiêu diệt, bắt làm tù binh hơn 16.000 tên địch, trong đó có 1 thiếu tướng. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, một đế quốc hùng mạnh đã bị nhân dân một nước thuộc địa đánh bại. Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng được xem là “một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử”. Vậy nhưng, thưa Đại tá Nguyễn Cảnh Thìn, trong quá trình chuẩn bị và chiến đấu gan trường đó, việc triển khai chiến dịch hẳn có những khó khăn tưởng như bế tắc?
Đại tá Nguyễn Cảnh Thìn: Tôi có mặt tại chiến trường Điện Biên Phủ từ rất sớm và đã tham gia hai trận chiến đấu quan trọng trước khi nổ súng mở màn trận Điện Biên Phủ gần tháng trời. Tôi nhớ, trận đầu tiên là vào 28 tháng Giêng và có chủ trương từ 4 giờ chiều, tất cả các đơn vị vào vị trí tấn công để đúng 6 giờ là nổ súng tấn công. Về phía Đảng ủy mặt trận cũng đã họp xác định quyết tâm chiến đấu và phương châm tác chiến.
Trận thứ hai vào đêm 30 tháng Giêng. Lực lượng của chúng ta khi đó có tiểu đoàn bộ binh, có pháo yểm trợ, có đại đội súng cối, có pháo cao xạ và trang bị rất nhiều súng DKZ đến từng đại đội. Phương án ban đầu là “đánh nhanh thắng nhanh” nhưng thực tế qua quá trình chiến đấu hai bên giằng co nhau, giành giật với nhau từng khẩu súng, từng lô cốt.
Thực tế cũng cho thấy, thời điểm đó để “đánh nhanh thắng nhanh” là rất khó khăn bởi bộ đội chủ lực của ta khi đó chỉ quen tác chiến ban đêm ở những địa hình dễ ẩn náu, chưa có nhiều kinh nghiệm tấn công đồn ban ngày trên địa hình bằng phẳng. Trong khi đó kẻ địch có ưu thế tập trung máy bay, pháo binh, xe tăng chi viện. Trên thực tế, từ những khó khăn này, Tổng Tư lệnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đó đã quyết định hoãn tiến công, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Quyết định này được Bộ Chính trị và Bác Hồ đồng tình ủng hộ.
PV: Trong những giai đoạn khó khăn, tinh thần của bộ đội ta khi đó như thế nào thưa ông?
Đại tá Nguyễn Cảnh Thìn: Chiến dịch Điện Biên Phủ là một chiến dịch lớn nên khi đó, dù khó khăn, gian khổ nhưng chúng tôi đều rất hồ hởi. Thời điểm đó, bộ đội tham gia chiến dịch đều là bộ đội tình nguyện, không phải là bộ đội đi nghĩa vụ quân sự như thời kháng chiến chống Mỹ nên điều kiện sinh hoạt còn hết sức vất vả, không được trang bị đầy đủ, không có tăng, không có võng, đi đến đâu là chặt lá cây để nằm. Bộ đội khi đó, cũng chỉ có hai bàn tay không, chỉ có cuốc xẻng.
Ngày đó, chúng tôi tham gia chiến dịch với tinh thần tiến công, không ngại hy sinh, không sợ đổ xương máu. Vào chiến trận là chỉ biết xông lên, đầy quyết tâm. Niềm vui lớn nhất đó là khi nhìn thấy quân địch dùng cờ trắng để đầu hàng. Trong khi đó, lá cờ “Quyết chiến quyến thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm Sở chỉ huy.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi được giao nhiệm vụ tiếp quản một đại đội tù binh, buổi ngày cho họ ăn uống, phát lương thực, đêm hành quân về hậu phương giao cho cấp trên quản lý. Chuyến đi kéo dài gần 1 tháng.
P.V: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ ông tiếp tục tham gia quân ngũ và tham gia nhiều chiến dịch khác cho đến ngày đất nước hòa bình, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Sau đó, ông còn tham gia công tác giảng dạy tại Học viện Chính trị. Nhìn lại cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ, ông có đánh giá gì?
Đại tá Nguyễn Cảnh Thìn: Thứ nhất, Điện Biên Phủ là một cứ điểm đặc biệt, một trung tâm đồng bằng với chiều dài gần 20km và chiều rộng từ 6 – 8km. Ở đây, đất đai trù phú với cánh đồng Mường Thanh có ruộng lúa nước rất tốt nên Pháp âm mưu lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, sử dụng lương thực tại chỗ.
Thứ hai, Điện Biên Phủ xa hậu phương của chúng ta đến hàng nghìn km nhưng chỉ có một con đường độc đạo duy nhất để hành quân là đường 41. Trong khi đó, địch có không quân mạnh nên muốn khống chế con đường này và chủ quan nghĩ rằng nếu chúng ta đưa quân lên chỉ có thể đưa từng bộ phận nhỏ quân đội và chúng nghĩ rằng có thể diệt từng bộ phận nhỏ, có thể dễ dàng giành thắng lợi và mở rộng bành trướng.
Trong khi địch chủ quan thì ta lại quyết tâm. Trước đó, bộ đội ta đã trải qua một quá trình tôi luyện, từ “không” đến “có”, chấp nhận mọi hi sinh gian khổ, phát huy sáng kiến, chiến đấu anh dũng, ngoan cường. Để có được chiến thắng lịch sử này còn phải nói đến sự lãnh đạo tài tình của Đảng và đứng đầu là Hồ Chủ tịch đã đề ra đường lối kháng chiến, đường lối quân sự đúng đắn, sáng tạo.
P.V: Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông có một nhiệm vụ đặc biệt đó là đi tìm mộ liệt sỹ ở đó. Ông có thể chia sẻ về kỷ niệm đặc biệt này?
Đại tá Nguyễn Cảnh Thìn: Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi đã trực tiếp chiến đấu ở đồi Cháy, đồi A1. Trong chiến đấu, tôi được tặng thưởng Huân chương Chiến công và được đề đạt cán bộ trung đội, đại đội, tiểu đoàn và đã chỉ huy đơn vị chiến đấu suốt 56 ngày đêm cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi về lại đồng bằng. Đến tháng 2/1958 đơn vị chúng tôi lại được lệnh trở lại Điện Biên Phủ xây dựng lực lượng và làm kinh tế. Trong chuyến trở lại này, ngoài các công việc như dò mìn, phá hủy bom đạn địch để lấy đất sản xuất thì nhiệm vụ quan trọng và phải làm trước đó là quy tập mộ liệt sỹ để xây dựng nghĩa trang.
Đó là một nhiệm vụ không dễ dàng bởi chúng ta đều biết, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ nằm giữa một thung lũng mà xung quanh là rừng núi trùng điệp vùng Tây Bắc. Trong chiến dịch, ở giữa là địch, xung quanh là ta. Ta có rừng xanh làm nơi xuất phát tấn công, chiến đấu trụ lại hoặc trở về hậu cứ. Cũng nhờ có rừng, thương binh được chuyển về các đội phẫu thuật, các trạm quân y trong rừng xanh để cứu chữa, tử sỹ được lấy về chôn cất tử tế, được rừng xanh che chở, có mộ chí, có nghĩa trang đầy đủ.
Khi nhận nhiệm vụ tìm kiếm thống kê mộ liệt sỹ, chúng tôi đã tổ chức lực lượng, phân công các tổ tìm kiếm và thống kê ở nhiều hướng khác nhau với quyết tâm không để sót lại một liệt sỹ nào nằm lại trong rừng. Quá trình triển khai, anh em trong đơn vị được trang bị súng trường, tiểu liên, dao phát rừng và các trang bị làm việc, ăn, ngủ đi lại. Sau nhiều ngày tìm kiếm, chúng tôi đã đánh dấu và thống kê được gần 4.000 ngôi mộ, không riêng của Đại đoàn 316 mà cả nhiều đơn vị khác. Sau đó, các ngôi mộ được quy tập về ba nghĩa trang ở chân đồi A1, Him Lam và Độc Lập.
Hiện nay ở Điện Biên Phủ có gần 5.000 liệt sỹ của 34 tỉnh, thành trong cả nước đang yên nghỉ trong các nghĩa trang liệt sỹ trên mảnh đất huyền thoại ấy. Trong kết quả chung đó, chúng tôi nghĩ rằng đã có những đóng góp quan trọng và nhờ đó, các đồng đội, các anh em của mình đã được quy tập, có tên, có tuổi và phần nào vơi bớt nỗi đau của thân nhân, gia đình các liệt sỹ.
P.V: Xin cảm ơn Đại tá Nguyễn Cảnh Thìn về cuộc trò chuyện!.