Chuyến công tác cuối cùng của 4 quân nhân Nghệ An hy sinh khi cứu hộ ở Rào Trăng 3

Công Kiên 18/10/2020 18:00

(Baonghean.vn) - Mấy ngày nay trời liên tục đổ mưa kèm cơn gió lạnh buốt như thể hiện niềm tiếc thương những người con của quê hương Nghệ An vừa hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn ở thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế). Gia đình, người thân và cả quê hương cũng đang nén nỗi đau đớn, xót xa khi đón chờ các anh trở về với đất Mẹ.

Trong 13 cán bộ, chiến sỹ hy sinh tại tiểu khu 67 thuộc xã Phong Xuân, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) có 4 người là con em của quê hương Nghệ An.

1. Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng, Phó Trưởng phòng Tác chiến, Bộ Tham mưu Quân khu 4

2. Thượng tá Lê Tất Thắng, Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4

3. Thiếu tá Nguyễn Cảnh Cường, Đại đội trưởng Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4

4. Đại úy Đinh Văn Trung, Đài trưởng 15W, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4.

Các anh thực sự là những người con ưu tú của quê hương, sự hy sinh của các anh để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho gia đình, bạn bè, đồng đội và nhân dân quê nhà.

Bữa cơm chưa dọn kịp

Hay tin Thượng tá Lê Tất Thắng có mặt trong Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Quân khu 4 gặp nạn ở Rào Trăng, lãnh đạo, các đoàn thể của địa phương và bà con xóm Liên Mậu 3, xã Kim Liên (Nam Đàn) liền đến động viên, an ủi các thành viên trong gia đình. Mẹ anh Thắng, bà Đậu Thị Phượng đến nay vẫn chưa thể gượng dậy trước nỗi đau đớn như đứt từng khúc ruột.

Ảnh: Công Kiên
Ông Lê Văn Thanh - thân sinh Thượng tá Lê Tất Thắng nén nỗi đau khi con trai vừa hy sinh. Ảnh: Công Kiên

Chị Lê Ngọc Diệp, vợ anh cũng vậy, mất đi người bạn đời thực sự là cú sốc quá lớn khiến chị quỵ ngã. Các y, bác sỹ của đơn vị anh Thắng luôn có mặt để túc trực và chăm sóc bố mẹ, vợ và các con của anh.

Là người lính từng kinh qua 7 năm ở chiến trường miền Nam, ông Lê Văn Thanh (68 tuổi) nén nỗi đau, mất mát để cùng mọi người sắp đặt công việc, chuẩn bị đón con trai trở về. Nhưng có lúc người cha ấy ngồi như hóa đá, là lúc nỗi niềm suy tư ông dồn hết về người con trai cả vừa hy sinh.

Ông Thanh kể về chuyến công tác đột xuất của con trai: “Hai ngày cuối tuần được về thăm nhà, Thắng dọn dẹp, sắp đặt lại nhà cửa. Trưa ngày Chủ nhật (11/10), cả nhà đang soạn sửa bữa cơm thì chú lái xe của đơn vị đến báo có công việc gấp.

Ảnh: Công Kiên
Họ hàng, bà con xóm giềng, đồng đội và các cấp chính quyền, đoàn thể thăm hỏi, động viên gia đình Thượng tá Lê Tất Thắng. Ảnh: Công Kiên

Thắng liền thay quân phục rồi vội vàng lên đường, không kịp ăn bữa trưa, lúc ấy tôi đang ở sau vườn cũng không kịp chào, hai cháu Lê Quyết Tiến (lớp 10) và Lê Minh Hằng (lớp 2) cũng không kịp chào bố”.

Mãi tới 17 giờ, khi đã vào đến Thừa Thiên Huế, anh Thắng mới gọi điện về báo với bố việc tham gia Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Quân khu 4. “Thắng nói là chúng con đi cứu hộ, cứu nạn đồng bào bị lũ lụt, gia đình cứ yên tâm, hoàn thành nhiệm vụ con sẽ về” - ông Thanh nhớ lại.

Nhưng rồi, khi tin tức 13 cán bộ, chiến sỹ gặp nạn ở gần thủy điện Rào Trăng 3, ông Lê Văn Thanh và gia đình chợt bàng hoàng. Hàng giờ, hàng phút dõi theo dòng tin tức, hy vọng anh Thắng và đồng đội chỉ lạc đâu đó trong rừng. Cho đến tối 15/10, thông tin đã tìm thấy toàn bộ 13 thi thể của đoàn công tác, niềm hy vọng mong manh vụt tắt, nỗi đau đớn càng thêm xé lòng…

Anh Phan Trọng Dũng, hàng xóm của ông Thanh cho biết: “Mấy ngày nay, các cơ quan, đơn vị, họ hàng, bạn bè và rất đông bà con trong làng, trong xã đến chia sẻ nỗi đau, mất mát với gia đình. Bởi khi còn sống, anh Thắng là người hiền lành, sống hòa đồng và nhiệt tình, luôn được mọi người quý trọng”.

Sinh ra trong gia đình và vùng quê giàu truyền thống, bố và các chú đều là những người lính trở về từ chiến trường, từ nhỏ anh Lê Tất Thắng đã nuôi ước mơ thành người lính. Và ước mơ đã thành sự thật, anh đã thành một sỹ quan chỉ huy tài năng và dũng cảm, can trường. Thiên tai đã cướp mất của anh sự sống nhưng anh sẽ sống mãi trong lòng đồng đội, đồng chí và cả quê hương.

Niềm mong ước chưa thành

Cùng chung nỗi đau thương, bà con xóm 3, xã Nghi Thịnh (Nghi Lộc) và họ hàng nội ngoại, bạn bè, đồng đội thường xuyên túc trực tại nhà của Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng. Vợ anh Dũng, chị Lê Thị Bích Hằng và con gái Nguyễn Thị Hà Phương (SN 2005) vào Huế dự lễ truy điệu và đưa anh về quê hương.

Ảnh: Công Kiên
Nỗi đau của ông Lê Văn Trường khi hay tin con rể là Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng hy sinh. Ảnh: Công Kiên

Bố mẹ anh đều đã trên tuổi 80, tuổi già, sức yếu, không thể tả hết nỗi đau của các bậc sinh thành. Ông Lê Văn Trường (74 tuổi), bố chị Hằng thay mặt gia đình đứng ra lo liệu công việc ở nhà. Những khi ngồi một mình, ông Trường luôn bần thần, đôi mắt già nua ngấn nước, thương con rể, con gái và cháu ngoại, thi thoảng ông lại buông tiếng thở dài.

Ông Trường chia sẻ: “Dũng là người hết mực chu toàn với vợ con và hai bên nội, ngoại và hòa đồng với bà con xóm làng. Công việc bận rộn, hễ có thời gian là về với gia đình, chia sẻ khó khăn với vợ, vì vợ nó sức khỏe không được tốt. Với quê hương, Dũng luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, những lúc khó khăn, ngay cả thời gian học tập ở Nga cũng dành dụm tiền gửi về ủng hộ xây dựng các công trình phúc lợi”.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Quân khu 4 gửi vòng hoa viếng Liệt sỹ Nguyễn Tiến Dũng. Ảnh: Công Kiên
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Quân khu 4 gửi vòng hoa viếng Liệt sỹ Nguyễn Tiến Dũng. Ảnh: Công Kiên

Vì lẽ ấy, khi hay tin anh Dũng hy sinh, ai nấy đều không giấu được niềm thương xót. Những kỷ niệm thân thương, trìu mến ngày nào lại hiện về khiến người đang sống thêm nhớ thương, tiếc nuối. Là anh rể, cũng là một sỹ quan quân đội, anh Lê Đình Thích cho hay, những ngày lễ, Tết hay gia đình có việc đại sự, anh Dũng luôn là người đứng ra lo toan mọi việc.

Và luôn ân cần, chú đáo với mỗi thành viên trong đại gia đình. Nỗi mất mát này không bao giờ có thể nguôi ngoai. Càng thương hơn, Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng hy sinh khi đang mong chờ đứa con thứ hai. Cháu Nguyễn Thị Hà Phương đã 15 tuổi, vợ chồng anh đang ngày đêm khao khát có thêm một nguồn vui…

Người bố gượng lên làm điểm tựa

Cũng như bố của Thượng tá Lê Tất Thắng, ông Nguyễn Kim Anh (59 tuổi), bậc thân sinh của Thiếu tá Nguyễn Cảnh Cường tỏ ra vững vàng trước nỗi đau, mất mát. Ông nhớ rõ từng sự việc kể từ khi con trai về thăm nhà dịp cuối tuần cho đến lúc mất liên lạc.

“Sau một tuần diễn tập ở Nam Đàn, cuối tuần Cường được về thăm nhà. Dịp ấy, nó sắp xếp ra Hà Nội thăm vợ là bác sỹ đang học thêm ngoài đó. Nhưng chỉ gặp được chừng 10 phút, vì đúng lúc chị gái sinh con, Cường lại bắt xe trở về và đến thẳng đơn vị” - ông Anh kể.

Ảnh: Công Kiên
Ông Nguyễn Kim Anh - bố Thiếu tá Nguyễn Cảnh Cường xót xa nhớ về người con vừa hy sinh. Ảnh: Công Kiên

Chiều 12/10, như có linh tính mách bảo, ông Anh chợt thấy bồn chồn. Nhắn tin hỏi thăm con trai, một lúc sau anh Cường nhắn tin trả lời với nội dung ở Huế lũ lụt nặng, con cùng đồng đội đang làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn. Mấy phút sau gọi lại nhưng không còn tín hiệu liên lạc. Đêm ấy, người cha nằm thao thức, trằn trọc, lòng không khỏi thấp thỏm, lo âu.

Sáng hôm sau, khi nắm được thông tin 13 thành viên của Đoàn công tác do Thiếu tướng Nguyễn Văn Man dẫn đầu bị gặp nạn gần thủy điện Rào Trăng 3, một lần nữa linh cảm của người cha đã mách bảo ông Anh có con trai mình. Tiếp đến là những giờ phút căng thẳng của các thành viên trong gia đình…

Rồi cuối chiều 15/10, khi thông tin tìm thấy những người bị vùi lấp chuyển về dồn dập, người thân của Thiếu tá Nguyễn Cảnh Cường đều rụng rời… Nhưng ông quyết gượng dậy, bởi hơn lúc nào hết phải làm điểm tựa tinh thần cho vợ và con dâu. “Thương nó vô cùng, vợ chồng mới cưới nhau cuối năm trước, đến lúc hy sinh vợ vẫn chưa mang thai…” - ông Anh nghẹn ngào.

Ảnh: Công Kiên
Họ hàng, bạn bè gần xa chia sẻ nỗi đau với gia đình ông Nguyễn Kim Anh. Ảnh: Công Kiên

Liệt sỹ Nguyễn Cảnh Cường sinh ra trong gia đình có nhiều thế hệ quân nhân cách mạng. Cụ nội là bộ đội chống Pháp; ông nội và ông ngoại đều là bộ đội chống Mỹ (ông ngoại là liệt sỹ); bố, mẹ và anh trai đều từng là quân nhân. Nối bước truyền thống gia đình, anh Cường sớm trở thành một sỹ quan quân đội, con đường phía trước đang rộng mở. Cho đến ngày 12/10 năm nay…

Ông Đặng Thế Vĩnh, xóm trưởng xóm Nam Liên, xã Nghi Liên (Thành phố Vinh), nơi gia đình anh Cường cư trú cho biết: “Bà con xóm giềng ai cũng tiếc thương, vì khi còn sống cháu Cường luôn gần gũi, chan hòa. Mấy ngày nay, rất nhiều người từ khắp nơi về đây chia sẻ mất mát với gia đình”.

Tình thương của người mẹ kế

Từ khi biết tin con trai hy sinh, ông Đinh Văn Đống (hơn 70 tuổi) ở khối 10, phường Bến Thủy (Thành phố Vinh) là bố của Đại úy Đinh Văn Trung đau đớn đến tột cùng. Nỗi đau mất con khiến người bố kiệt sức, phải nhờ sự chăm sóc của cán bộ y tế.

Người lo liệu mọi việc trong gia đình lúc này là bà Nguyễn Thị Năm, mẹ kế của anh Trung. Bà kể: “Trung có 4 chị em, mẹ mất khi em mới 9 tuổi. Tôi về làm vợ ông Đống năm Trung 12 tuổi và năm sau sinh được một người con trai. Trung là người đức độ, hiền lành, tuy không phải là người sinh ra Trung nhưng tôi cũng vô cùng đau đớn”.

Bà Năm còn kể: Ngày Chủ nhật (11/10), được về thăm nhà, anh Trung tranh thủ chuẩn bị nấu ăn bữa trưa cho cả gia đình. Có điện thoại từ đơn vị, anh vội vàng thu xếp hành lý và lên đường, chỉ kịp nói với bố là đi công tác đột xuất. Trên đường đi, anh tranh thủ gọi điện trò chuyện với vợ (chị Nguyễn Thị Anh) và con trai đầu Đinh Văn Anh Tuấn (con gái thứ hai là Đinh Thùy Linh chưa đầy 1 tuổi).

Ảnh: Công Kiên
Đồng đội đến động viên, giúp đỡ công việc cho gia đình Đại úy Đinh Văn Trung. Ảnh: Công Kiên

Chiều hôm sau, cháu Tuấn bảo nhớ bố, nhờ mẹ gọi điện để chuyện trò. Nhưng gọi mãi điện thoại không có tín hiệu, đến tận khuya cũng thế. Lúc này cả gia đình đều lo lắng, không ai nói ra nhưng đều nghĩ đến việc chẳng lành. Cho đến buổi sáng 13/10, biết được thông tin đoàn cứu hộ, cứu nạn của Quân khu 4 gặp nạn tại Rào Trăng, gia đình càng thêm lo lắng. Rồi cái sự chẳng lành ấy đã xảy ra…

Họ hàng gần xa, đồng đội, bạn bè, bà con khối phố và các cấp chính quyền, đoàn thể đến động viên, chia sẻ rất đông. Tất cả đều bộc lộ nỗi tiếc thương vô hạn, bởi anh Trung là trụ cột của gia đình, bố đã già yếu, mẹ kế và vợ không có nguồn thu nhập ổn định, hai con còn nhỏ dại…

Như vậy, mỗi người một hoàn cảnh nhưng tất cả đều có điểm chung là tinh thần dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì cuộc sống bình yên của nhân dân. Tinh thần ấy được kế thừa từ truyền thống gia đình và hun đúc từ truyền thống quê hương. Và sự hy sinh của các anh một lần nữa khẳng định phẩm chất của người lính Cụ Hồ và thắp sáng thêm ngọn lửa truyền thống của gia đình và quê hương xứ Nghệ.

Mới nhất

x
Chuyến công tác cuối cùng của 4 quân nhân Nghệ An hy sinh khi cứu hộ ở Rào Trăng 3
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO