Kinh tế

Chuyển đổi mô hình quản lý, tăng sức hút cho phố đi bộ Vinh

Quang An 17/11/2024 07:49

Được đánh giá là mô hình phát triển kinh tế đêm đầy triển vọng, nhưng sau một thời đưa vào hoạt động, số lượng người tham gia có xu hướng giảm sút. Hiện TP. Vinh đã thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý phố đi bộ để hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Số lượng khách sụt giảm

Tháng 4/2022, phố đi bộ Vinh được vận hành thử nghiệm sau quãng thời gian đầu tư, nâng cấp. Đến tháng 5/2023, TP. Vinh chính thức khai trương phố đi bộ Vinh, là tuyến phố đi bộ đầu tiên trên địa bàn tỉnh Nghệ An, mang theo nhiều kỳ vọng sẽ là điểm nhấn để phát triển du lịch cho thành phố, là mũi nhọn phát triển kinh tế đêm cũng như tăng thêm doanh thu cho các hộ kinh doanh trên các tuyến phố.

uploaded-quanganbna-2022_05_20-_bna_toan_canh8547345_2052022.jpg
Phố đi bộ Vinh thu hút hàng vạn người đổ về trong thời gian đầu. Ảnh: Q.A

Thực tế, trong thời gian đầu đi vào vào hoạt động, phố đi bộ Vinh đã thu hút hàng ngàn người trở về vui chơi, mua sắm mỗi đêm. Theo ước tính, vào những đợt cao điểm tổ chức các sự kiện lớn, phố đi bộ có từ 10.000 – 20.000 lượt khách đổ về. Các chương trình văn hóa, nghệ thuật được tổ chức đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân TP. Vinh và các địa phương khi trở về thành phố vào mỗi dịp cuối tuần.

bna_dong.jpg
Tuyến phố có lượng khách đông đúc khi thành phố tổ chức các sự kiện lớn. Ảnh: Q.A

Mặc dù vậy, theo ghi nhận của phóng viên, từ giữa năm 2024 đến nay, phố đi bộ Vinh đã không còn duy trì được sự đông vui, náo nhiệt như khoảng thời gian trước đó. Mới đây nhất, vào các tối 15 – 16/11 (thứ Sáu và thứ Bảy), lượng người đến phố đi bộ đã sụt giảm đáng kể. Trong đó, tuyến đường Hồ Tùng Mậu còn duy trì lượng khách ổn định, ngược lại, tuyến đường Nguyễn Văn Cừ và Nguyễn Tài vắng bóng người qua lại.

Chị Nguyễn Kim Dung ở phường Trường Thi, TP. Vinh, cho biết: Nhà tôi ở gần phố đi bộ nên từ khi khai trương đến nay, cuối tuần nào gia đình tôi cũng ra phố đi bộ để vui chơi. Tuy nhiên, những tháng vừa qua, phố đi bộ đã không còn duy trì được lượng khách như thời gian đầu. Trừ những tối có chương trình âm nhạc quy tụ các nghệ sĩ nổi tiếng, hay các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp tổ chức các sự kiện thì phố đi bộ mới có lượng khách tăng lên, còn ngày thường thì vắng dần.

bna_htm.jpg
Trong tối 15 - 16/11, khi không có các sự kiện, lượng người đến phố đi bộ đã sụt giảm. Ảnh: Q.A

Do số lượng khách sụt giảm nên việc kinh doanh của các hộ dân trên tuyến phố đi bộ cũng ảnh hưởng. Theo thống kê của Ban Quản lý phố đi bộ, tổng số hộ kinh doanh cố định trên vỉa hè, lưu động và đường Nguyễn Tài năm 2022 là 210 hộ, đến nay còn 112 hộ, giảm khoảng 50% số lượng so với ban đầu.

Đại diện Ban Quản lý phố đi bộ Vinh cho biết: Có nhiều nguyên nhân khiến lượng khách đến phố đi bộ có phần giảm sút so với thời gian đầu. Trước hết phải kể đến hạn chế của thu hút du lịch tại thành phố, lượng khách đến lưu trú còn ít. Bên cạnh đó, các chương trình văn hóa, nghệ thuật đường phố thu hút du khách để kêu gọi xã hội hóa cũng gặp khó khăn, trong khi kinh phí để mời các đoàn nghệ thuật, nghệ nhân biểu diễn còn hạn hẹp.

Chưa kể thời tiết đặc thù nắng nóng, mưa nhiều tại Nghệ An cũng ảnh hưởng đến quá trình hoạt động, có những thời điểm phố đi bộ phải tạm dừng do trời mưa, hoặc ảnh hưởng bởi các cơn bão trong thời gian qua…

bna_nvc.jpg
Tuyến đường Nguyễn Văn Cừ thưa người trong tối 15/11/2024. Ảnh: Q.A

Hiện nay, trong 4 tuyến phố của phố đi bộ thì tuyến phố Hồ Tùng Mậu được đánh giá là vận hành tương đối ổn định, đối với các tuyến phố đi bộ còn lại là Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Tài và ngõ 2 đường Nguyễn Văn Cừ nối đường Nguyễn Trung Ngạn hiện nay đang hoạt động cầm chừng. Riêng đối với đường Nguyễn Tài, người dân khối 2, phường Trường Thi đã có kiến nghị về việc đưa tuyến phố này không thuộc phố đi bộ nữa, vì thời điểm đưa vào khai thác đến nay hoạt động không hiệu quả.

Chuyển đổi mô hình quản lý

Cuối tháng 10/2024 vừa qua, UBND TP. Vinh đã tổ chức cuộc họp sơ kết 2 năm hoạt động phố đi bộ. Tại cuộc làm việc này, bên cạnh những mặt tích cực, UBND phường Trường Thi, Ban Quản lý phố đi bộ, các đơn vị được phụ trách hoạt động của tuyến phố cũng đã thẳng thắn chỉ ra các bất cập trong suốt quá trình vận hành.

trò chơi
Phố đi bộ hiện thiếu các trò chơi hấp dẫn, đặc sắc như thời gian đầu. Ảnh: Q.A

Có thể kể đến như việc một số thành viên Ban Quản lý phố đi bộ thuộc cấp thành phố ít tham gia, chủ yếu khoán trắng cho UBND phường Trường Thi vận hành; Hoạt động đường Nguyễn Tài không phát huy hiệu quả; Thiếu sân khấu cố định để tổ chức các sự kiện; hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí đơn điệu, chưa đa dạng, hấp dẫn.

Việc khắc phục, bổ sung hệ thống điện trang trí, đèn hắt... còn chậm. Hiệu ứng âm thanh ánh sáng về đêm còn thiếu. Công tác chăm sóc các cây cảnh tại 4 chốt chính chưa được chú trọng; Công tác phối hợp xử lý tình trạng trông giữ xe trái quy định chưa được tập trung và giải quyết dứt điểm; Xử lý ô tô sau khi đóng chốt gặp khó khăn, quy định chưa chặt chẽ và cụ thể…

ẩm thực
Các món ẩm thực tại phố đi bộ luôn thu hút khách. Ảnh: Q.A

Ông Trần Quang Lâm – Phó Chủ tịch UBND TP. Vinh, cho biết: Sau 2 năm đi vào hoạt động, phố đi bộ TP. Vinh hiện đã trở thành điểm đến quen thuộc của người dân và du khách khi trở về với Nghệ An mỗi dịp cuối tuần. Mặc dù vậy, bên cạnh những thành quả đạt được, phố đi bộ TP. Vinh cũng gặp những khó khăn nhất định. Do đó, thành phố đã quyết định xây dựng phương án chuyển đổi mô hình quản lý, vận hành phố đi bộ theo hướng liên kết với các doanh nghiệp, không phụ thuộc hoàn toàn vào phía chính quyền và lực lượng chức năng như trong thời gian qua.

Trước đây, phường Trường Thi phụ trách chính về hoạt động phố đi bộ, hiện nay chuyển sang cho Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông TP. Vinh. Đơn vị này có nhiệm vụ xây dựng kịch bản hoạt động văn hóa, nghệ thuật hàng tuần; kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại phố đi bộ như các nhóm nhảy khiêu vũ, Dân ca ví, giặm, múa lân, hóa trang, nhóm du ca, patin, nhảy dây, ghép đôi, giọng hát đường phố....

Cùng đó, Trung tâm phối hợp với Ban Quản lý phố đi bộ để kiểm tra, xử lý và chấn chỉnh các hoạt động văn hóa, nghệ thuật tự phát, không đăng ký. Hàng tuần xây dựng kịch bản và phân công cán bộ trực tiếp tham gia tổ chức các hoạt động.

bna_22.jpg
Tăng cường tổ chức các chương trình nghệ thuật với sân khấu lớn sẽ luôn thu hút đông đảo người dân tham gia tại phố đi bộ. Ảnh: Q.A

Thành phố Vinh cũng chỉ đạo Ban Quản lý dự án khảo sát và tham mưu lãnh đạo thành phố để đầu tư các hạng mục của phố đi bộ như hệ thống hạ tầng, đèn trang trí, nghiên cứu bổ sung thêm màn hình led, hệ thống ánh sáng và các điểm chụp ảnh, check in để phục vụ người dân khi về với phố đi bộ. Ngoài ra, thành phố sẽ tăng cường kết nối với các trường đại học, cao đẳng và các công ty lữ hành du lịch, các doanh nghiệp để phối hợp tổ chức các hoạt động về văn hóa, quảng bá các thương hiệu sản phẩm của thành phố tại phố đi bộ…

Đối với hoạt động kinh doanh trên phố đi bộ, ngoài những mặt hàng ăn nhẹ, giải khát thông thường, thành phố Vinh sẽ tăng cường liên kết để bổ sung thêm các gian hàng đặc sản vùng, miền, OCOP xứ Nghệ để đa dạng hóa các sản phẩm, vừa tăng thêm sức hút vừa quảng bá được các món đặc sản của Nghệ An.

Mới nhất

x
Chuyển đổi mô hình quản lý, tăng sức hút cho phố đi bộ Vinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO