Chuyên gia tranh luận giải pháp nào để sống chung với Covid-19?

Kiều Anh 15/10/2021 15:35

Trên thế giới diễn ra cuộc tranh luận gay gắt về cách thức "thoát" khỏi đại dịch là “Không Covid” hay “Sống chung với Covid”. Câu hỏi đặt ra là liệu có một giải pháp vừa ngăn chặn Covid-19 nhưng vẫn có thể quay lại cuộc sống bình thường hay không?

Hai luồng quan điểm về cách “thoát” khỏi Covid-19

Singapore là một trong những nước có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới, trên 80%. Nhờ có kết quả này, "quốc đảo sư tử" cố gắng mở cửa và quay lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, số ca mắc Covid-19 gần đây gia tăng nhanh hơn so với dự tính, các bệnh viện bắt đầu cảm nhận được tác động và các lệnh hạn chế cũng được áp đặt trở lại.

Một người đàn ông ngồi giữa những cái ghế trống tại một rạp chiếu phim miễn phí ở Singapore ngày 29/9 khi các lệnh hạn chế được thắt chặt do số ca mắc Covid-19 gia tăng. Ảnh: Reuters
Một người đàn ông ngồi giữa những cái ghế trống tại một rạp chiếu phim miễn phí ở Singapore ngày 29/9 khi các lệnh hạn chế được thắt chặt do số ca mắc Covid-19 gia tăng. Ảnh: Reuters

Trên thế giới, có một cuộc tranh luận gay gắt giữa hai luồng quan điểm về cách thức "thoát" khỏi đại dịch.

Một bên là những người ủng hộ chiến lược loại bỏ Covid-19. Họ dẫn ra trường hợp của Trung Quốc nhằm khẳng định rằng, cách an toàn nhất để đối phó với Covid-19 là loại bỏ nó. Theo những người này, phong tỏa và cách ly là phương pháp tối ưu để bảo vệ mọi người được an toàn. Họ cũng chỉ ra rằng các nền kinh tế ở những nước lựa chọn loại bỏ Covid-19 nhìn chung phát triển nhanh hơn những nền kinh tế chọn giảm nhẹ tác động của Covid-19. Họ cho rằng mối đe dọa của các biến thể mới và Covid-19 kéo dài đã không được hiểu đầy đủ.

Trong khi đó, bên còn lại là những người ủng hộ mở cửa trở lại. Những người này nhận định, bởi vì vaccine bảo vệ phần lớn người dân khỏi các triệu chứng nghiêm trọng nên việc để biến thể Delta lây lan là điều có thể chấp nhận được. Những người ủng hộ mở cửa chỉ ra rằng, những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine cao ở châu Âu đã dỡ bỏ các quy định mà không dẫn tới sự tăng vọt về số ca tử vong. Họ cũng đánh giá, việc hạn chế đi lại và các hoạt động xã hội sẽ gây ra sự phá hủy không cần thiết với xã hội, sức khỏe tinh thần và nền kinh tế.

Cả hai luồng quan điểm đều có những lý lẽ riêng. Tuy nhiên, điều gì xảy ra nếu chúng ta có thể kết hợp cả hai? Điều gì xảy ra nếu chúng ta có thể ngăn chặn dịch Covid-19 đồng thời quay lại cuộc sống bình thường? Một số chuyên gia tin rằng điều này có thể thực hiện thông qua xét nghiệm tại nhà.

Xét nghiệm nhanh tại nhà

Vào những ngày đầu đại dịch Covid-19, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã hối thúc thế giới "xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm". Bằng cách phát hiện và cách ly các trường hợp mắc bệnh, chuỗi lây nhiễm có thể bị cắt đứt. Xét nghiệm PCR đã được thực hiện rộng rãi. Sau đó, một biện pháp xét nghiệm khác cũng trở nên phổ biến trên thế giới, đó là xét nghiệm nhanh kháng nguyên (ART). Các bộ kit ART nhằm phát hiện Covid-19 không yêu cầu các kỹ thuật đặc biệt: 1 vạch là âm tính và 2 vạch là dương tính.

Bác sĩ Michael Mina, giáo sư về dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng T.H. Chan thuộc Đại học Harvard ở Mỹ, đã khuyến khích sử dụng thường xuyên và phổ biến ART bởi biện pháp này có thể khiến chuỗi lây nhiễm Covid-19 sụp đổ. Ông đã liệt kê ra 3 điểm mạnh quan trọng của ART.

Thứ nhất, các xét nghiệm ART có thể phát hiện một cách đáng tin cậy xem liệu ai đó có đang trong giai đoạn lây nhiễm hay không, một giai đoạn kéo dài khoảng 1 tuần khi người bệnh mang hàng triệu phân tử virus. Giai đoạn mang hàm lượng virus cao chính là khoảng thời gian ART có độ nhạy cao, khiến cho nó trở thành công cụ gần như lý tưởng để mọi người xác định thời điểm họ đang lây nhiễm virus.

Những người chỉ trích xét nghiệm ART cho rằng xét nghiệm PCR có độ nhạy cao hơn nhưng điều này chỉ có thể áp dụng khi phát hiện lượng RNA còn lại trong những ca không lây nhiễm. Dữ liệu từ một nghiên cứu của các nhà khoa học Anh đã cho thấy độ nhạy của ART với các ca lây nhiễm, thậm chí cả đối với những ca tiền triệu chứng, là khoảng 97%.

Điều đó tức là, với xét nghiệm nhanh, các cá nhân có xét nghiệm dương tính có thể biết được khi nào họ cần ở nhà cách ly trong khi những người có xét nghiệm âm tính có thể thoải mái tiếp tục cuộc sống của mình.

Thứ hai, xét nghiệm ART diễn ra rất nhanh. Biến thể Delta có thể lây nhiễm sớm hơn 1 - 2 ngày so với chủng virus ban đầu, vượt quá tốc độ của các xét nghiệm PCR, vốn phải mất một vài ngày mới có kết quả. Xét nghiệm ART có thể giúp mọi người biết liệu họ có nguy cơ lây nhiễm không chỉ trong 20 phút, đánh bại tốc độ lây nhiễm của biến thể Delta.

Thứ ba, công nghệ xét nghiệm ART khiến nó phù hợp để sản xuất hàng loạt với chi phí thấp. ART sẽ trở thành công cụ hiệu quả nhất khi mọi người đều có thể xét nghiệm. Sự lây nhiễm sẽ diễn ra chậm hơn khi ART được sử dụng phổ biến và thường xuyên. Vì vậy, việc kiểm soát dịch bệnh sẽ hiệu quả hơn nếu các xét nghiệm ART có chi phí thấp hoặc lý tưởng hơn là miễn phí.

Trên thực tế, một số nước châu Âu đã coi tiến hành xét nghiệm ART với chi phí thấp là một công cụ hiệu quả cho chiến lược mở cửa trở lại. Tại Đức, các nhà chức trách đã thông qua hàng chục thương hiệu ART khác nhau với chi phí dưới 2 euro (khoảng 2,31 USD). Tại Anh, các hộ gia đình có thể đặt hàng gói xét nghiệm 7 ngày miễn phí để xét nghiệm hàng ngày hoặc nhận từ các cơ sở địa phương.

Dù vậy, các quốc gia như Mỹ và Singapore đang đi sau trong việc tăng khả năng của ART. Mỹ quy định nghiêm ngặt ART là một thiết bị y tế, nên chỉ có một số quầy được bán, do đó chi phí cao và thiếu nguồn hàng. Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có những động thái để thay đổi điều này khi thúc đẩy Đạo luật Sản xuất Quốc phòng Mỹ nhằm tăng sản xuất và mua trực tiếp hàng triệu kit xét nghiệm.

Singapore có một cách áp dụng thông minh khi sử dụng ART kết hợp với truy vết tiếp xúc tự động. Theo đó, những người tiếp xúc gần sẽ nhận được các bộ kit xét nghiệm miễn phí và xét nghiệm hàng ngày trong 1 tuần phòng trường hợp họ dương tính với virus. Tuy nhiên, việc thông qua ART sử dụng tại nhà ở Singapore vẫn diễn ra tương đối chậm vì cho tới nay chỉ có 8 nhãn hàng ART được thông qua, giá vẫn cao, khoảng 7,3 USD cho mỗi lần xét nghiệm.

Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, nếu kit xét nghiệm có sẵn với giá 1 USD thì khoảng 79% người tham gia sẽ sử dụng ART thường xuyên. Chi phí thấp cũng khiến các chính phủ và các chủ doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc phân bổ kit xét nghiệm miễn phí tới người dân và các nhân viên.

Bất kỳ điều gì chúng ta làm hiện nay đều là chuẩn bị cho làn sóng biến thể tiếp theo hoặc các đại dịch trong tương lai. Tự xét nghiệm có thể trở nên dễ dàng giống những thói quen vệ sinh hàng ngày khác như đánh răng. Khi điều này xảy ra, chúng ta sẽ thấy rằng đại dịch có thể bị ngăn chặn bằng một biện pháp mới: Đó là xét nghiệm nhanh hàng loạt./.

Theo vov.vn
Copy Link

Mới nhất

x
Chuyên gia tranh luận giải pháp nào để sống chung với Covid-19?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO